Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 139-BTN/PC

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 1958

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH THỂ LỆ ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU THƯƠNG PHẨM

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG NGHIỆP

Căn cứ nghị định của Thủ tướng Chính phủ, số 175-TTg, ngày 3 tháng 4 năm 1958;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nay quy định thể lệ đăng kỹ nhãn hiệu thương phẩm nói ở điều 6 nghị định Thủ tướng Chính phủ số 175-TTg, ngày 3 tháng 4 năm 1958 như sau.

Điều 2. - Muốn đăng ký nhãn hiệu thương phẩm phải có đăng ký kinh doanh công thương nghiệp.

Điều 3.– Người xin đăng ký nhãn hiệu thương phẩm phải nộp tại cơ quan phụ trách đăng ký nhãn hiệu những giấy tờ dưới đây:

- Đơn xin đăng ký nhãn hiệu, trong đơn phải ghi rõ tên, họ, địa chỉ người xin và xí nghiệp kinh doanh các loại nhãn hiệu và các loại thương phẩm. Nếu xin đăng ký một nhãn hiệu dùng cho nhiều loại thương phẩm thì phải kê từng loại một.

- Mẫu nhãn hiệu mỗi loại bốn bản, mẫu phải vẽ hoặc in trên giấy tốt với màu sắc để lâu không phai nhạt. Nếu nhãn hiệu to thì phải thu nhỏ lại theo khuôn khổ 0m18 x 0m12.

- Một bản kê khai phẩm chất thương phẩm, đối với các thương phẩm ghi ở điều 3 nghị định Thủ tướng Chính phủ số 175-TTg, ngày 3 tháng 4 năm 1958 thì phải kèm theo công thức chế biến và mẫu thương phẩm.

- Một bản chứng nhận kiểm nghiệm (nếu có).

- Một bản sao giấy đăng ký kinh doanh công thương nghiệp do chính quyền địa phương thị thực.

Điều 4.- Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cơ quan phụ trách đăng ký nhãn hiệu ghi đơn vào sổ nhận đơn và cấp cho đương sự một giấy chứng nhận thu đơn có ghi rõ ngày, tháng thu đơn, đồng thời công bố đơn và mẫu nhãn hiệu trên một tờ báo 3 ngày liền.

Điều 5.- Tiền lệ phí đăng ký ghi ở điều 7 nghị định của Thủ tướng Chính phủ số 175-TTg, ngày 3/4/1958 quy định là 2.000đ, chi phí về việc đăng ký do đương sự chịu.

Điều 6.- Thời gian để thẩm tra và xét các khiếu nại về nhãn hiệu xin đăng ký là 3 tháng kể từ ngày bắt đầu công bố đơn xin đăng ký.

Đối với các khiếu nại trong thời gian thẩm tra nhãn hiệu xin đăng ký thì cơ quan phụ trách đăng ký nhãn hiệu giải quyết như sau:

- Nếu người khiếu nại có lý lẽ chính đáng thì đơn xin đăng ký nhãn hiệu bị bác bỏ.

- Nếu nhiều người xin đăng ký nhãn hiệu giống nhau hoặc tương tự thì người nào đã dùng nhãn hiệu đó trước sẽ cấp giấy đăng ký nhãn hiệu.

- Nếu một người xin đăng ký nhãn hiệu giống nhãn hiệu của một người đã dùng từ lâu mà không đăng ký thì giải quyết bằng cách thương lượng trực tiếp giữa hai bên.

Trong trường hợp không thể giải quyết được bằng thương lượng thì sẽ do tòa án xét xử.

Điều 7. - Sau thời gian thẩm tra, nếu xét không có điều gì trái với các luật lệ hiện hành, cơ quan phụ trách đăng ký nhãn hiệu cấp giấy chứng nhận đăng ký cho người nộp đơn.

Điều 8. - Trường hợp một nhãn hiệu đã được đăng ký và sử dụng, trong thời gian ba tháng, nếu có người khiếu nại thì cũng căn cứ trên nguyên tắc thương lượng mà giải quyết. Nếu hai bên không thỏa thuận thì sẽ do tòa cán xét xử.

Điều 9. Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh và ông Giám đốc Vụ quản lý Công thương Bộ Thương nghiệp có trách nhiệm thi hành nghị định này.

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG NGHIỆP




Phan Anh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 139-BTN/PC năm 1958 quy định thể lệ đăng ký nhãn hiệu thương phẩm do Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 139-BTN/PC
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 26/04/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Thương nghiệp
  • Người ký: Phan Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 11/05/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản