Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 135-TN

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 1959

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI NGHỊ ĐỊNH SỐ 139-BTN/PC NGÀY 26-04-1958 QUY ĐỊNH THỂ LỆ ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU THƯƠNG PHẨM

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định của Thủ tướng Chính phủ số 175-TTg ngày 03 tháng 04 năm 1958;
Căn cứ Nghị định của Bộ Thương nghiệp số 139-BTN/PC ngày 26 tháng 04 năm 1958;
Xét nhu cầu công tác.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay thay thế điều 3, điều 4, điều 5điều 6 của Nghị định Bộ Thương nghiệp số 139-BTN/PC ngày 26 tháng 04 năm 1958 bằng những điều dưới đây:

“Điều 3 mới: người xin đăng ký nhãn hiệu thương phẩm phải nạp tại Ty, Sở quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh nơi mình ở (nơi nào chưa có Ty quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh thì nạp cho Ty thương nghiệp) những giấy tờ sau đây:

Đơn xin đăng ký nhãn hiệu; trong đơn phải ghi rõ họ tên địa chỉ người xin và xí nghiệp kinh doanh; thuyết minh hình thức (màu sắc, cách trình bày) và nội dung của nhãn hiệu, xin đăng ký mấy loại nhãn hiệu và mỗi nhãn hiệu dùng cho bao nhiêu thương phẩm (đơn làm thành 2 bản; 1 bản để lưu chiểu tại Ty, Sở, 1 bản gửi về cho Cục Quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh thuộc Bộ thương nghiệp).

Mẫu nhãn hiệu mỗi loại 35 bản (Ty, Sở giữ 1 bản để lưu chiểu, 1 bản để niêm yết; số còn lại thì gửi về Cục để lưu hồ sơ và để gửi niêm yết tại các địa phương khác). Mẫu phải vẽ hoặc in trên giấy tốt với màu sắc để lâu không phai nhạt. Nếu nhãn hiệu to quá hoặc bé quá thì phải vẽ theo khuôn khổ 0m18 x 0m12.

Đối với các loại thuốc và thực phẩm có hóa chất thì phải kèm theo bản công thức chế biến của từng loại thương phẩm (làm thành 2 bản).”

“Điều 4 mới: Sau khi nhận đủ hồ sơ (đơn từ hợp lệ) do Ty, Sở Quản lý thủ công nghiệp và công nhân tư bản tư doanh chuyển đến, Cục Quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh ghi vào sổ đăng ký và gửi cho mỗi Ty, Sở một bản mẫu nhãn hiệu để niêm yết tại địa phương trong thời gian một tháng.”

“Điều 5 mới: Tiền lệ phí đăng ký nhãn hiệu ghi ở điều 7 Nghị định của Thủ tướng Chính phủ số 175-TTg ngày 03 tháng 04 năm 1958 nay quy định là 5 đồng; số tiền này đương sự phải nạp cho Ty, Sở để Ty, Sở nạp vào kho bạc Tổng dự toán trung ương, loại 3 khoản 27, hạng 8 theo đúng chế độ giấy nạp tiền tư liệu (4 mảnh hiện hành)”.

“Điều 6 mới: Thời gian để thẩm tra và xét các khiếu nại về nhãn hiệu xin đăng ký là một tháng rưỡi kể từ ngày niêm yết mẫu nhãn hiệu.

Đối với các khiếu nại trong thời gian thẩm tra nhãn hiệu cơ quan phụ trách đăng ký (Cục quản lý Thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh) giải quyết như sau:

Nếu khiếu nại có lý lẽ chính đáng thì đơn xin đăng ký của người kia sẽ bị bác bỏ.

Nếu nhiều người xin đăng ký nhãn hiệu giống nhau hoặc tương tự thì người nào đã dùng nhãn hiệu đó trước sẽ được cấp giấy đăng ký nhãn hiệu.

Nếu nhãn hiệu xin đăng ký giống nhãn hiệu của một người khác đã dùng từ lâu mà không đăng ký thì giải quyết bằng cách thương lượng trực tiếp giữa hai bên. Trường hợp không thể giải quyết được bằng cách thương lượng thì sẽ do tòa án xét xử.”

Điều 2. Ủy ban Hành chính thành phố, tỉnh, ông Giám đốc Cục Quản lý thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh Bộ Thương nghiệp có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG





Lê Trung Toản

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 135-TN năm 1959 sửa đổi Nghị định 139-BTN/PC quy định thể lệ đăng ký nhãn hiệu thương phẩm do Bộ Thương Nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 135-TN
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 06/03/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Thương nghiệp
  • Người ký: Lê Trung Toản
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản