Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 132/2024/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí

Chương III

TRIỂN KHAI DỰ ÁN DẦU KHÍ

Điều 12. Thành lập công ty điều hành

1. Để thực hiện hoạt động hình thành dự án dầu khí ở nước ngoài hoặc triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài, nhà đầu tư được phép thành lập hoặc tham gia thành lập công ty điều hành tại Việt Nam, tại nước tiếp nhận đầu tư hoặc tại nước thứ ba theo quy định pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư, hợp đồng dầu khí.

2. Trường hợp nhà đầu tư quyết định thành lập công ty điều hành nhằm mục đích thay mặt nhà đầu tư tham gia hoặc triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài, công ty điều hành và nhà đầu tư sẽ được ghi tên trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Công ty điều hành được sử dụng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để phục vụ các hoạt động liên quan đến triển khai dự án dầu khí.

3. Nhà đầu tư có thể sử dụng một công ty điều hành để quản lý, điều hành một hoặc nhiều dự án dầu khí ở nước ngoài phù hợp với quy định của nước tiếp nhận đầu tư. Chi phí đối với từng dự án dầu khí phải được phân bổ, hạch toán độc lập.

Điều 13. Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

1. Nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động dầu khí ở nước ngoài theo quy định tại Điều 66 Luật Đầu tư.

2. Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án dầu khí ở nước ngoài, bao gồm:

a) Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư;

b) Khảo sát thực địa;

c) Nghiên cứu tài liệu;

d) Thu thập và mua tài liệu, thông tin có liên quan đến lựa chọn dự án;

đ) Tổng hợp, đánh giá, thẩm định, kể cả việc lựa chọn và thuê chuyên gia, tư vấn để tiếp cận, đánh giá, thẩm định dự án;

e) Tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học;

g) Thành lập và hoạt động của văn phòng liên lạc ở nước ngoài liên quan đến việc hình thành dự án;

h) Đàm phán hợp đồng;

i) Mua hoặc thuê tài sản, dịch vụ hỗ trợ cho việc hình thành dự án;

k) Tham gia đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên mời thầu, nước tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu, điều kiện thực hiện dự án;

l) Tham gia mua bán, sáp nhập công ty, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên bán công ty hoặc theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

3. Hạn mức chuyển ngoại tệ theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều này không vượt quá 500.000 Đô la Mỹ; hạn mức chuyển ngoại tệ theo quy định tại các điểm k và l khoản 2 Điều này không vượt quá 02 triệu Đô la Mỹ. Trường hợp nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước, việc thực hiện các giao dịch với giá trị lớn hơn hạn mức quy định tại khoản này do hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị công ty quyết định sau khi có ý kiến của Cơ quan đại diện chủ sở hữu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của nhà đầu tư và thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để theo dõi theo thẩm quyền. Trường hợp nhà đầu tư không phải là doanh nghiệp nhà nước, việc thực hiện các giao dịch với giá trị lớn hơn hạn mức quy định tại khoản này do nhà đầu tư quyết định và thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để theo dõi theo thẩm quyền.

4. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về số ngoại tệ chuyển ra nước ngoài để thực hiện nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, trên cơ sở xuất trình đầy đủ các giấy tờ, chứng từ hợp lệ theo quy định của tổ chức tín dụng được phép khi chuyển ngoại tệ ra nước ngoài; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho tổ chức tín dụng được phép.

5. Số ngoại tệ chuyển ra nước ngoài để thực hiện nội dung quy định tại khoản 2 Điều này được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.

6. Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định tại Nghị định này.

Điều 14. Nguyên tắc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

1. Số ngoại tệ chuyển ra nước ngoài trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua một tài khoản ngoại tệ trước đầu tư tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam. Mọi giao dịch thu, chi liên quan đến việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua tài khoản này.

2. Khi thực hiện giao dịch chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư, tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm yêu cầu nhà đầu tư cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng từ phù hợp để xem xét, kiểm tra, lưu giữ, đảm bảo các giao dịch chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động chuẩn bị đầu tư của nhà đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này; báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giao dịch chuyển ngoại tệ của nhà đầu tư thông qua tài khoản chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài mở tại tổ chức tín dụng được phép.

3. Sau khi dự án dầu khí được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, tài khoản ngoại tệ trước đầu tư nêu trên được sử dụng là tài khoản vốn đầu tư và phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

1. Hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối bao gồm:

a) Đơn đăng ký giao dịch ngoại hối theo Mẫu số 01 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Trường hợp nhà đầu tư nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính;

c) Bản sao tiếng nước ngoài, bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của nhà đầu tư về tính chính xác của bản sao và bản dịch) văn bản chấp thuận hoặc cấp phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư cấp hoặc tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư phù hợp với quy định của nước tiếp nhận đầu tư;

d) Bản chính văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng được phép về việc mở tài khoản vốn đầu tư của nhà đầu tư trong đó nêu rõ số tài khoản, loại ngoại tệ;

đ) Bản chính văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng được phép về số tiền nhà đầu tư đã chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với trường hợp đã chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

e) Văn bản giải trình về nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam đối với trường hợp chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam.

2. Thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

a) Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối (gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi hồ sơ điện tử) theo quy định tại khoản 1 Điều này đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký giao dịch. Trường hợp từ chối xác nhận giao dịch ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải nêu rõ lý do bằng văn bản và gửi nhà đầu tư.

Điều 16. Đăng ký hoặc thông báo khi thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài điều chỉnh

1. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài điều chỉnh hoặc có phát sinh thay đổi so với nội dung tại văn bản xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi nhà đầu tư Việt Nam thực hiện dự án dầu khí ở nước ngoài;

b) Thay đổi tài khoản vốn đầu tư bằng loại ngoại tệ khác, thay đổi nơi mở tài khoản vốn đầu tư;

c) Thay đổi vốn đầu tư bằng tiền ra nước ngoài (trừ trường hợp sử dụng lợi nhuận đầu tư ở nước ngoài để tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài hoặc khoản thu hồi vốn để tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký hoặc tăng vốn đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 67 Luật Đầu tư và khoản 3 Điều 18 Nghị định này);

d) Thay đổi tiến độ chuyển vốn đầu tư bằng tiền ra nước ngoài của nhà đầu tư trong trường hợp số tiền chuyển ra nước ngoài trong kỳ nhiều hơn so với tiến độ đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký.

2. Hồ sơ đăng ký khi thay đổi giao dịch ngoại hối bao gồm:

a) Đơn đăng ký theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

b) Bản chính xác nhận của tổ chức tín dụng được phép nơi nhà đầu tư đang mờ tài khoản vốn đầu tư về số dư trên tài khoản này; số tiền đã chuyển ra nước ngoài và số tiền đã chuyển về Việt Nam đến thời điểm phát sinh thay đổi;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài sau khi điều chỉnh. Trong trường hợp nhà đầu tư nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhà đầu tư được Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và trước khi thực hiện nội dung thay đổi đối với trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này, nhà đầu tư phải đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thủ tục sau:

a) Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối (gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi hồ sơ điện tử) quy định tại điểm a khoản này đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối cho nhà đầu tư. Trường hợp từ chối xác nhận đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải nêu rõ lý do bằng văn bản và gửi nhà đầu tư.

4. Đối với các trường hợp thay đổi khác với quy định tại khoản 1 Điều này (gồm thay đổi tên nhà đầu tư Việt Nam thực hiện dự án dầu khí ở nước ngoài, thay đổi tên dự án đầu tư ở nước ngoài, thay đổi tên tổ chức kinh tế ở nước ngoài (nếu có), thay đổi hình thức đầu tư, thay đổi nguồn vốn đầu tư, hình thức vốn đầu tư, thay đổi địa điểm thực hiện hoạt động đầu tư đối với các dự án đầu tư yêu cầu phải có địa điểm đầu tư, thay đổi mục tiêu chính của hoạt động đầu tư ở nước ngoài, sử dụng lợi nhuận đầu tư ở nước ngoài hoặc khoản thu hồi vốn để tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký hoặc tăng vốn đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 67 Luật Đầu tư và khoản 3 Điều 18 Nghị định này hoặc thay đổi về số tài khoản, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này), trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có sự thay đổi, nhà đầu tư phải thực hiện thông báo bằng văn bản với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng được phép nơi nhà đầu tư mở tài khoản vốn đầu tư kèm bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài sau khi điều chỉnh (nếu có) hoặc tài liệu chứng minh việc cập nhật trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư khi thay đổi các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật Đầu tư.

Điều 17. Huy động vốn cho dự án dầu khí ở nước ngoài và bảo lãnh vay vốn thực hiện dự án

1. Nhà đầu tư Việt Nam được ủy quyền cho công ty điều hành huy động vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng (nước ngoài hoặc trong nước) để thực hiện dự án dầu khí ở nước ngoài tương ứng với tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư trong dự án phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

2. Đối với các dự án dầu khí ở nước ngoài có thành lập công ty điều hành và trường hợp các tổ chức tài chính, tín dụng có yêu cầu về cầm cố, thế chấp tài sản dự án cho khoản vay, nhà đầu tư được thực hiện các thủ tục pháp lý để công ty điều hành thực hiện các khoản vay này.

3 . Trường hợp các tổ chức tài chính, tín dụng có yêu cầu bảo lãnh của các nhà đầu tư, nhà đầu tư Việt Nam thực hiện việc bảo lãnh tương ứng với tỷ lệ tham gia đầu tư của nhà đầu tư trong dự án phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 18. Thu hồi vốn (chi phí) từ dự án dầu khí ở nước ngoài

1. Nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển khoản thu hồi vốn (chi phí) từ dự án dầu khí ở nước ngoài về Việt Nam trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, trừ trường hợp quy định khoản 3 Điều này.

2. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà không chuyển khoản thu hồi vốn (chi phí) từ dự án dầu khí ở nước ngoài về Việt Nam thì nhà đầu tư phải thông báo trước bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Cơ quan đại diện chủ sở hữu để theo dõi, quản lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Thời hạn chuyển khoản thu hồi vốn (chi phí) về nước được kéo dài không quá 12 tháng kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp tổng vốn đầu tư ra nước ngoài chưa đạt so với vốn đăng ký hoặc trong trường hợp tăng vốn đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư được giữ lại các khoản thu hồi vốn (chi phí) để đầu tư cho dự án đó nếu được quy định trong giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài hoặc giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài điều chỉnh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài điều chỉnh.

Điều 19. Chuyển nhượng dự án dầu khí ở nước ngoài

1. Nhà đầu tư được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dầu khí ở nước ngoài phù hợp quy định của hợp đồng dầu khí, thỏa thuận, giấy phép liên quan, pháp luật nước tiếp nhận đầu tư và các quốc gia có liên quan và quy định tại Nghị định này. Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án dầu khí ở nước ngoài là cấp có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng dự án.

2. Trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án dầu khí ở nước ngoài cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 63 Luật Đầu tư. Trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án dầu khí ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 64 Luật Đầu tư.

3. Trường hợp việc chuyển nhượng dự án dầu khí ở nước ngoài phát sinh lợi nhuận, nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật có liên quan và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ.

Điều 20. Xử lý chi phí của dự án dầu khí ở nước ngoài không thành công

Các chi phí của dự án dầu khí ở nước ngoài không thành công được xử lý theo quy định của pháp luật và quy chế quản lý tài chính của doanh nghiệp.

Điều 21. Kế toán

1. Nhà đầu tư được áp dụng hệ thống kế toán cho dự án dầu khí ở nước ngoài phù hợp với các quy định của hợp đồng dầu khí, giấy phép và quy định của nước tiếp nhận đầu tư.

2. Việc hạch toán theo dõi chi phí đầu tư trong sổ sách kế toán của nhà đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về kế toán.

Điều 22. Nghĩa vụ tài chính tại Việt Nam

1. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính liên quan đến hoạt động dầu khí, dự án dầu khí ở nước ngoài đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật có liên quan và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ.

2. Đối với những hợp đồng dầu khí, dự án dầu khí ở nước ngoài trong đó phần thu (được chia) của nhà đầu tư không phân định thành các phần thu hồi vốn và các khoản thu nhập của nhà đầu tư, nhà đầu tư đăng ký bổ sung với Bộ Tài chính về cơ chế xác định các khoản thu của nhà đầu tư cho mục đích quản lý Nhà nước và hoàn thành các nghĩa vụ tại Việt Nam (nếu có).

3. Việc miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với phần vốn bằng hàng hóa, máy móc, thiết bị chuyển ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư và chuyển từ nước ngoài về Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Điều 23. Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại dự án dầu khí ở nước ngoài và ổn định chính sách đối với người lao động tham gia thực hiện dự án dầu khí ở nước ngoài

1. Nhà đầu tư chỉ được đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại các dự án dầu khí ở nước ngoài sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và đáp ứng quy định của pháp luật về lao động của Việt Nam và của nước tiếp nhận đầu tư.

2. Nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các quy định về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc cho dự án dầu khí ở nước ngoài theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và quy định khác có liên quan.

3. Trường hợp người lao động được nhà đầu tư cử làm việc thường xuyên tại các tổ chức triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài theo thỏa thuận bằng văn bản giữa nhà đầu tư với các đối tác mà tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phụ cấp, bảo hiểm được tính vào chi phí tính thuế của dự án dầu khí ở nước ngoài trước khi chuyển cho nhà đầu tư để chi trả cho người lao động thì người lao động được đảm bảo chế độ tiền lương, tiền thưởng và phụ cấp theo quy định của hợp đồng lao động và các thỏa thuận với nhà đầu tư (người sử dụng lao động). Nhà đầu tư được sử dụng bảng lương ngoại tệ áp dụng đối với người lao động và làm cơ sở để thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản đóng góp xã hội bắt buộc khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Đối với trường hợp người lao động được nhà đầu tư cử làm việc thường xuyên tại các tổ chức triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài mà các chế độ phụ cấp, bảo hiểm bắt buộc phải đóng theo quy định của pháp luật Việt Nam mà không được tính vào chi phí tính thuế của dự án dầu khí ở nước ngoài, nhà đầu tư được trích nộp từ chi phí sản xuất kinh doanh của mình và người lao động đóng góp từ thu nhập cá nhân để thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản đóng góp xã hội bắt buộc khác cho người lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

5. Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản đóng góp xã hội bắt buộc khác theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với người lao động do nhà đầu tư cử làm việc thường xuyên tại các tổ chức triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài được thực hiện như với chức danh tương tự ở Việt Nam.

Điều 24. Thực hiện chế độ báo cáo đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí

Chế độ báo cáo đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí được thực hiện theo quy định tại Điều 83 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

Điều 25. Kết thúc đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí và hồ sơ, trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

1. Việc kết thúc đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí được thực hiện theo quy định tại Điều 86 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 87 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

3. Nhà đầu tư được chuyển tiền ra nước ngoài nhằm thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nước tiếp nhận đầu tư, đối tác theo quy định của hợp đồng dầu khí, giấy phép hoặc các thỏa thuận và văn bản pháp lý khác có liên quan trên cơ sở xuất trình các giấy tờ, chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng được phép khi chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho tổ chức tín dụng được phép.

Nghị định 132/2024/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí

  • Số hiệu: 132/2024/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/10/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1131 đến số 1132
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH