Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 13/2003/NĐ-CP quy định danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ

Chương 3.

VẬN CHUYỂN HÀNG NGUY HIỂM

Điều 12. Điều kiện hiểu biết của người lao động khi tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm:

1. Những người thủ kho, điều khiển phương tiện vận chuyển, áp tải hàng nguy hiểm bắt buộc phải qua lớp huấn luyện và có giấy chứng nhận huấn luyện về loại hàng nguy hiểm mà mình bảo quản, vận chuyển.

2. Trách nhiệm huấn luyện và cấp giấy chứng nhận:

a) Tổ chức huấn luyện, cấp giấy chứng nhận huấn luyện cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm do các Bộ quản lý ngành hàng chịu trách nhiệm;

b) Tổ chức huấn luyện cho người thủ kho, người áp tải hàng nguy hiểm do các Bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm.

Điều 13. Bốc dỡ, sắp xếp hàng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển và lưu kho bãi

1. Tổ chức, cá nhân phải tuân thủ đúng chỉ dẫn trong quy phạm về bảo quản, xếp dỡ, vận chuyển của từng loại hàng nguy hiểm hoặc trong thông báo của bên gửi hàng.

2. Việc xếp, dỡ hàng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển phải do thủ kho, người điều khiển phương tiện hoặc người áp tải trực tiếp hướng dẫn và giám sát.

Điều 14. Yêu cầu kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm

1. Phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông và bảo vệ môi trường.

2. Phương tiện có thiết bị chuyên dùng để vận chuyển hàng nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn do các Bộ quản lý ngành quy định.

3. Căn cứ quy định về tiêu chuẩn của các Bộ quản lý ngành, cơ quan kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ thực hiện kiểm định và chứng nhận phương tiện cơ giới đường bộ đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm.

4. Nghiêm cấm việc sử dụng phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc không đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm để vận chuyển hàng nguy hiểm.

5. Phương tiện và container vận chuyển hàng nguy hiểm sau khi dỡ hết hàng nếu không tiếp tục vận chuyển loại hàng đó thì phải được làm sạch và bóc, xoá hết biểu trưng nguy hiểm.

Điều 15. Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm ngoài việc có đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo quy định còn phải có giấy chứng nhận huấn luyện vận chuyển hàng nguy hiểm.

Điều 16. Quy định an toàn khi vận chuyển hàng nguy hiểm

Chủ phương tiện, lái xe phải tuân thủ các quy định khi vận chuyển hàng nguy hiểm sau đây:

1. Người vận chuyển phải tuân theo quy định về tuyến đường vận chuyển, các điểm dừng, đỗ trên đường, thời gian thực hiện vận chuyển, mức xếp tải trên phương tiện được ghi trong giấy phép.

2. Chấp hành yêu cầu của bên gửi hàng trong thông báo gửi cho bên vận tải.

3. Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm là chất dễ cháy, chất dễ tự bốc cháy, chất nổ lỏng hoặc đặc khử nhậy, khi qua các công trình cầu, hầm đặc biệt quan trọng hoặc các công trình khác đang được thi công trên đường giao thông có nhiệt độ cao, lửa hàn, tia lửa điện, phải theo sự hướng dẫn của đơn vị trực tiếp quản lý hoặc đơn vị thi công.

Điều 17. Trách nhiệm đối với bên gửi hàng

1. Phải đóng gói đúng kích cỡ, khối lượng hàng và chất liệu bao bì chứa đựng đúng theo quy phạm an toàn kỹ thuật của từng loại hàng.

2. Bao bì ngoài phải có nhãn hàng hóa theo quy định ở khoản 1; có dán biểu trưng nguy hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này.

3. Có hồ sơ hợp lệ về hàng nguy hiểm bao gồm:

a) Giấy gửi hàng ghi rõ: tên hàng, mã số, loại nhóm hàng, khối lượng tổng cộng, loại bao bì, số lượng bao gói, ngày sản xuất, nơi sản xuất, tên địa chỉ bên gửi hàng, bên nhận hàng;

b) Đối với những loại hàng nguy hiểm cấm lưu thông phải được các Bộ quản lý ngành cho phép vận chuyển.

4. Có văn bản thông báo cho bên vận chuyển về những yêu cầu phải thực hiện trong quá trình vận chuyển, hướng dẫn xử lý trong trường hợp có tai nạn, sự cố kể cả trong trường hợp có người áp tải.

5. Nếu là hàng bắt buộc phải có người áp tải thì phải cử người áp tải.

6. Bộ quản lý ngành hàng quản lý loại, nhóm hàng nguy hiểm nào thì hướng dẫn thực hiện Điều này áp dụng cho loại, nhóm hàng nguy hiểm đó.

Điều 18. Trách nhiệm đối với bên vận tải

1. Bố trí phương tiện vận chuyển phù hợp với tiêu chuẩn quy định về loại hàng nguy hiểm cần vận chuyển.

2. Kiểm tra hàng hóa bảo đảm an toàn vận chuyển theo quy định.

3. Chấp hành đầy đủ thông báo của bên gửi hàng và những quy định ghi trong giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

4. Chỉ tiến hành vận chuyển khi có đủ giấy phép, biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm.

5. Chỉ dẫn người điều khiển phương tiện về những quy định phải chấp hành khi vận chuyển hàng nguy hiểm được quy định tại Điều 16 Nghị định này.

6. Bên vận tải chỉ chấp nhận vận chuyển khi hàng hóa có đầy đủ thủ tục, hồ sơ hợp lệ, đóng gói bảo đảm an toàn trong vận chuyển.

Điều 19. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân địa phương khi có sự cố trong vận chuyển hàng nguy hiểm

Trong quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm, nếu xảy ra sự cố thì ủy ban nhân dân nơi gần nhất được huy động lực lượng kịp thời để:

1. Giúp người điều khiển phương tiện và người áp tải hàng (nếu có) trong việc cứu người, cứu hàng, cứu xe.

2. Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có sự cố, tổ chức cấp cứu nạn nhân.

3. Tổ chức bảo vệ hàng hóa, phương tiện để tiếp tục vận chuyển hoặc lưu kho bãi, chuyển tải.

4. Khoanh vùng, sơ tán dân cư ra khỏi khu vực ô nhiễm, độc hại đồng thời báo cáo ủy ban nhân dân cấp trên để huy động các đội phòng hỏa, phòng hóa, phòng dịch, bảo vệ môi trường đến xử lý kịp thời.

Nghị định 13/2003/NĐ-CP quy định danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ

  • Số hiệu: 13/2003/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 19/02/2003
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 25/03/2003
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 09/04/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH