Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 126/2018/NĐ-CP về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam

Chương IV

HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ VĂN HÓA NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Điều 15. Nội dung hoạt động

1. Tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm: Triển lãm; biểu diễn nghệ thuật; chiếu phim; thi sáng tác nghệ thuật, tổ chức trại sáng tác; liên hoan, lễ hội; sự kiện nhân ngày lễ, ngày kỷ niệm; hội nghị, hội thảo, tham vấn, tọa đàm, diễn thuyết; câu lạc bộ; đào tạo về văn hóa, nghệ thuật.

2. Tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực khác có liên quan.

Điều 16. Tổ chức hoạt động

1. Đối với các hoạt động mà pháp luật Việt Nam quy định phải cấp phép, cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Đối với các hoạt động không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Trong thời hạn ít nhất 10 ngày làm việc, trước khi tổ chức các hoạt động, cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi dự kiến tổ chức hoạt động;

b) Văn bản thông báo nêu rõ: thời gian, địa điểm, nội dung hoạt động, thành phần tham dự;

c) Trường hợp không đồng ý cho tổ chức hoạt động, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi dự kiến tổ chức hoạt động phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

3. Định kỳ trước ngày 10 tháng 12 hàng năm, cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam phải có báo cáo bằng văn bản về kết quả hoạt động trong năm tính đến hết ngày 30 tháng 11 của năm và kế hoạch hoạt động dự kiến cho năm tiếp theo, gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở.

4. Cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

5. Cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm thông báo tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt chi nhánh của cơ sở mình và nơi dự kiến tổ chức hoạt động về nội dung hoạt động và thời hạn ủy quyền cho chi nhánh. Chi nhánh chỉ được hoạt động theo nội dung và thời hạn được ủy quyền. Nội dung hoạt động của Chi nhánh không nằm ngoài nội dung hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy phép đã được cấp.

Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam

1. Quyền của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam:

a) Tổ chức hoạt động theo nội dung Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy phép;

b) Thuê đất, nhà để làm trụ sở và phương tiện, thiết bị để phục vụ hoạt động và sinh hoạt;

c) Mở tài khoản bằng ngoại tệ và bằng tiền Việt Nam tại ngân hàng thương mại;

d) Nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển nhượng và thanh lý các phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động và sinh hoạt theo quy định của pháp luật Việt Nam;

đ) Tuyển dụng lao động là công dân Việt Nam và công dân nước thứ ba;

e) Thiết lập quan hệ với các cơ quan liên quan tại Việt Nam trong hoạt động của mình;

g) Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, cơ sở văn hóa nước ngoài và chi nhánh tại Việt Nam, người quản lý và nhân viên được Nhà nước Việt Nam bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Nghĩa vụ của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam:

a) Tổ chức hoạt động theo đúng nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoặc Giấy phép;

b) Tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam tại cơ sở văn hóa nước ngoài và chi nhánh tại Việt Nam được tham gia các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;

d) Không bảo lãnh, xin thị thực cho các đối tượng không phục vụ các hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam;

đ) Thông báo tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt chi nhánh và nơi dự kiến tổ chức các hoạt động về nội dung và thời hạn ủy quyền cho chi nhánh;

e) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và khi được yêu cầu.

Điều 18. Người đại diện theo pháp luật, người quản lý, nhân viên cơ sở văn hóa nước ngoài

1. Cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm thông báo tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở về người đại diện theo pháp luật, người quản lý và nhân viên cũng như thời gian bắt đầu và kết thúc làm việc của người đại diện theo pháp luật, người quản lý và nhân viên.

2. Người đại diện theo pháp luật, người quản lý và nhân viên của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con của người đại diện theo pháp luật, người quản lý và nhân viên có trách nhiệm tuân thủ luật pháp và các quy định của Việt Nam trong thời gian sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Điều 19. Đình chỉ hoạt động

1. Cơ sở văn hóa nước ngoài, chi nhánh tại Việt Nam bị đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Có hành vi gian lận để được thành lập và hoạt động;

b) Vi phạm quy định của pháp luật về văn hóa bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ hoạt động;

c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở văn hóa nước ngoài, chi nhánh được cho phép hoạt động trở lại sau khi khắc phục được vi phạm dẫn đến bị đình chỉ hoạt động.

3. Trình tự, cách thức, thời hạn giải quyết và thẩm quyền:

a) Sau khi hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động, cơ sở văn hóa nước ngoài, chi nhánh muốn tiếp tục hoạt động phải gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch văn bản thông báo kết quả khắc phục vi phạm và đề nghị cho phép hoạt động trở lại (văn bản bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt);

b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo kết quả khắc phục vi phạm và đề nghị cho phép hoạt động trở lại, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định cho phép cơ sở văn hóa nước ngoài, chi nhánh hoạt động trở lại. Trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Điều 20. Chấm dứt hoạt động

1. Cơ sở văn hóa nước ngoài và chi nhánh tại Việt Nam tự chấm dứt hoạt động theo đề nghị của bên nước ngoài.

2. Cơ sở văn hóa nước ngoài và chi nhánh tại Việt Nam bị chấm dứt hoạt động theo một trong các trường hợp sau:

a) Hết thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy phép, Giấy chứng nhận mà không làm thủ tục gia hạn theo quy định của Nghị định này;

b) Không có hoạt động trong thời hạn 12 tháng sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy phép, Giấy chứng nhận;

c) Hét thời hạn bị đình chỉ ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ;

d) Vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này mà bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy phép, Giấy chứng nhận hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Chi nhánh chấm dứt hoạt động khi cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam bị chấm dứt hoạt động.

4. Trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hoạt động, người đại diện theo pháp luật của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam phải hoàn tất mọi thủ tục có liên quan theo quy định pháp luật của Việt Nam, bao gồm: thanh toán các khoản nợ, tiền thuế, tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, tiền thuê nhà; thanh lý tài sản, thanh lý hợp đồng; hoàn trả Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy phép, Giấy chứng nhận, con dấu tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong trường hợp đặc biệt, thời hạn này có thể kéo dài, nhưng không quá 60 ngày làm việc.

Nghị định 126/2018/NĐ-CP về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam

  • Số hiệu: 126/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 20/09/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 947 đến số 948
  • Ngày hiệu lực: 05/11/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH