Hệ thống pháp luật

Điều 43 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Điều 43. Miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

1. Người nộp thuế bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bị thiệt hại về vật chất trong trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật Quản lý thuế được miễn tiền phạt.

2. Mức miễn tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt còn lại trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).

3. Hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bao gồm:

a) Đơn đề nghị miễn tiền phạt, trong đó nêu rõ lý do đề nghị miễn tiền phạt; xác định giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại; số tiền phạt, số tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) đề nghị được miễn;

b) Văn bản đề nghị miễn tiền phạt của người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt hoặc cơ quan của người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt, trong đó nêu rõ lý do đề nghị miễn tiền phạt; số tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định miền tiền phạt;

c) Văn bản xác nhận người nộp thuế bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ và thời gian, địa điểm xảy ra sự kiện bất khả kháng của một trong các cơ quan, tổ chức sau: Công an xã, phường, thị trấn; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế nơi xảy ra sự kiện bất khả kháng; tổ chức cứu hộ, cứu nạn; cơ quan có thẩm quyền công bố dịch bệnh (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực);

d) Biên bản kiểm kê, xác định giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập;

đ) Biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực), trừ trường hợp có hồ sơ bồi thường quy định tại điểm g khoản này;

e) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc Thông báo của cơ quan thuế về số tiền phạt còn nợ tại thời điểm xảy ra sự kiện bất khả kháng và tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt;

g) Hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có);

h) Hồ sơ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân phải bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có).

4. Thẩm quyền miễn tiền phạt

a) Chi cục trưởng Chi cục Thuế trong phạm vi địa bàn quản lý của mình có thẩm quyền miễn tiền phạt đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Đội trưởng Đội thuế ban hành;

b) Cục trưởng Cục Thuế trong phạm vi địa bàn quản lý của mình có thẩm quyền miễn tiền phạt đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chi cục trưởng Chi cục Thuế, Trưởng đoàn thanh tra Cục Thuế ban hành;

c) Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có thẩm quyền miễn tiền phạt đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục trưởng Cục thuế, Trưởng đoàn thanh tra Tổng cục Thuế ban hành;

d) Bộ Trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền miễn tiền phạt đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính ban hành;

đ) Giám đốc Sở Tài chính có thẩm quyền miễn tiền phạt đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chánh Thanh tra Sở Tài chính ban hành;

e) Chánh Thanh tra Bộ Tài chính có thẩm quyền miễn tiền phạt đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Trưởng đoàn thanh tra Bộ Tài chính ban hành;

g) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền miễn tiền phạt đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và do mình ban hành.

5. Trình tự, thủ tục miễn tiền phạt

Người nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều này phải có đơn đề nghị miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt và hồ sơ kèm theo gửi người/cơ quan đã ra quyết định xử phạt.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị miễn tiền phạt, người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển đơn kèm theo hồ sơ vụ việc đến người có thẩm quyền định miễn tiền phạt và thông báo cho người đề nghị miễn tiền phạt biết.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn và hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt, người có thẩm quyền miễn tiền phạt phải ban hành Quyết định miễn tiền phạt hoặc Thông báo không được miễn tiền phạt và gửi cho người có đơn đề nghị miễn tiền phạt, người đã ra quyết định xử phạt. Trường hợp người có thẩm quyền miễn tiền phạt không đồng ý với việc miễn tiền phạt thì phải nêu rõ lý do.

6. Không miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt.

7. Trường hợp được miễn tiền phạt thì cũng được miễn tiền chậm nộp tiền phạt tương ứng.

8. Người nộp thuế đã được miễn tiền phạt nhưng cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế phát hiện việc miễn tiền phạt không đúng quy định tại Điều này thì người có thẩm quyền miễn tiền phạt ban hành quyết định hủy hoặc điều chỉnh quyết định miễn tiền phạt. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước khoản tiền phạt đã được miễn không đúng quy định và tính tiền chậm nộp trên số tiền phạt được miễn không đúng quy định theo quy định tại Điều 42 Nghị định này. Ngày bắt đầu tính tiền chậm nộp tiền phạt được miễn không đúng là ngày tổ chức, cá nhân bị xử phạt nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt.

Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

  • Số hiệu: 125/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 19/10/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1015 đến số 1016
  • Ngày hiệu lực: 05/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH