Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 120/2008/NĐ-CP về quản lý lưu vực sông

Chương 4.

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC LƯU VỰC SÔNG

Điều 22. Kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm và bảo vệ chất lượng nước trên lưu vực

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước và các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm:

a) Tổ chức quan trắc, đo đạc thường xuyên nguồn thải;

b) Kiểm tra, giám sát các điểm xả nước thải vào nguồn nước bảo đảm lượng thải và chất lượng nước thải đáp ứng khả năng tiếp nhận nước thải và mục tiêu chất lượng nước của từng sông, đoạn sông, hồ, đầm phá và vùng đất ngập nước trong lưu vực sông;

c) Thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước do mình quản lý hoặc trực tiếp khai thác, sử dụng;

d) Xây dựng cơ sở dữ liệu nước thải xả vào nguồn nước và đăng ký vào Danh bạ dữ liệu môi trường – tài nguyên nước lưu vực sông.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt các nguồn nước, xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng môi trường nước và thông tin về chất lượng các nguồn nước, các nguồn xả thải trên lưu vực sông;

b) Quy định về bảo vệ hành lang sông đối với các nguồn nước nhạy cảm, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa; về bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực hành lang sông và vùng cửa sông, ven biển;

c) Hướng dẫn các giải pháp phục hồi chất lượng nước trong trường hợp môi trường nước bị ô nhiễm, suy thoái.

Điều 23. Kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông

1. Lập kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông:

a) Kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông được lập theo kỳ hạn năm (05) năm một lần;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông có sắp xếp thứ tự ưu tiên trên cơ sở Quy hoạch lưu vực sông đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông có sắp xếp thứ tự ưu tiên trên cơ sở Quy hoạch lưu vực sông đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với các lưu vực sông nằm trong phạm vi địa phương thuộc Danh mục lưu vực sông nội tỉnh;

d) Kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông phải được lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức kinh tế liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và đại diện cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn lưu vực sông.

2. Thông báo kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm cho các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích trên lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo cho các Ban, ngành thuộc phạm vi quản lý, các cơ quan liên quan kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông đối với các lưu vực sông nằm trong phạm vi địa phương thuộc Danh mục lưu vực sông nội tỉnh;

c) Nội dung, hình thức thông báo kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông do cơ quan có thẩm quyền thông báo quyết định.

3. Thực hiện kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông:

a) Kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông là cơ sở để lập chương trình, dự án bảo vệ môi trường của các Bộ, ngành, địa phương;

b) Các Bộ, ngành, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo điều chỉnh chương trình, kế hoạch, dự án, chế độ xả nước thải thuộc phạm vi quản lý phù hợp với kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 24. Ứng phó và khắc phục sự cố môi trường nước lưu vực sông

1. Ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nước lưu vực sông:

a) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm xây dựng các phương án và trang bị đầy đủ các thiết bị phòng, chống, ứng phó sự cố môi trường nước do mình gây ra;

b) Khi xảy ra sự cố môi trường nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố theo quy định của pháp luật;

c) Tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường nước ngoài, việc bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm bồi thường để khắc phục hậu quả ô nhiễm, suy thoái trước mắt và phục hồi, cải tạo môi trường về lâu dài.

d) Trong trường hợp xảy ra sự cố, các cơ quan chức năng địa phương có trách nhiệm phối hợp giảm thiểu tác hại do sự cố gây ra, xác định rõ nguồn gốc, cơ sở, cá nhân gây sự cố; giám sát, đánh giá mức độ suy giảm chất lượng môi trường nước lưu vực sông, các thiệt hại do sự cố gây ra để có căn cứ yêu cầu cơ sở, cá nhân gây sự cố bồi thường thiệt hại.

2. Ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nước lưu vực sông xuyên quốc gia:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ động tiến hành các biện pháp ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm thuộc phạm vi quản lý và thông báo kịp thời Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan tại quốc gia xảy ra sự cố môi trường nước xuyên quốc gia để tiến hành ngay các biện pháp ngăn chặn và khắc phục hậu quả phù hợp với cam kết, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nghị định 120/2008/NĐ-CP về quản lý lưu vực sông

  • Số hiệu: 120/2008/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/12/2008
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 12/12/2008
  • Số công báo: Từ số 640 đến số 641
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH