Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 120/2008/NĐ-CP về quản lý lưu vực sông

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc quản lý lưu vực sông, bao gồm: điều tra cơ bản môi trường, tài nguyên nước lưu vực sông; quy hoạch lưu vực sông; bảo vệ môi trường nước lưu vực sông; điều hòa, phân bổ tài nguyên nước và chuyển nước đối với các lưu vực sông; hợp tác quốc tế và thực hiện các Điều ước quốc tế về lưu vực sông; tổ chức điều phối lưu vực sông; trách nhiệm quản lý lưu vực sông.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lưu vực sông.

2. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Lưu vực sông quốc tế” là lưu vực sông có một hay nhiều nguồn nước quốc tế.

2. “Nhóm lưu vực sông” là tập hợp các lưu vực sông gần nhau về mặt địa lý.

3. “Danh mục lưu vực sông” là tập hợp các lưu vực sông được phân loại dựa trên các tiêu chí về tầm quan trọng, quy mô diện tích lưu vực, chiều dài sông chính, địa điểm về mặt hành chính – lãnh thổ và các căn cứ khác.

4. “Danh bạ dữ liệu môi trường – tài nguyên nước lưu vực sông” là cơ sở dữ liệu tổng hợp các đặc trưng thống kê của một lưu vực sông, bao gồm: vị trí địa lý, diện tích, tổng lượng nước, chất lượng nước, tình trạng khai thác, sử dụng nước, xả nước thải, các đặc điểm về kinh tế - xã hội, các đặc trưng về môi trường.

5. “Kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm” là nội dung bao gồm các biện pháp quản lý, phương án đầu tư và tiến độ triển khai các hoạt động cụ thể nhằm bảo đảm mục tiêu chất lượng nước đã xác định trong quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước.

6. “Kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước” là nội dung bao gồm các biện pháp quản lý, phương án đầu tư và tiến độ triển khai các hoạt động cụ thể nhằm bảo đảm điều hòa, phân bổ tài nguyên nước theo mức phân bổ, tỷ lệ đã xác định trong quy hoạch phân bổ tài nguyên nước để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các đối tượng sử dụng nước.

7. “Dòng chảy tối thiểu” là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông, bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các đối tượng sử dụng nước theo thứ tự ưu tiên đã được xác định trong quy hoạch lưu vực sông.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý lưu vực sông

1. Tài nguyên nước trong lưu vực sông phải được quản lý thống nhất, không chia cắt giữa các cấp hành chính, giữa thượng nguồn và hạ nguồn; bảo đảm sự công bằng, hợp lý và bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng lưu vực sông.

2. Các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân phải cùng chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường nước trong lưu vực sông theo quy định của pháp luật; chủ động hợp tác khai thác nguồn lợi do tài nguyên nước mang lại và bảo đảm lợi ích của cộng đồng dân cư trong lưu vực.

3. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải trên lưu vực sông phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước với việc bảo vệ môi trường, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trong lưu vực sông.

5. Quản lý tổng hợp, thống nhất số lượng và chất lượng nước, nước mặt và nước dưới đất, nước nội địa và nước vùng cửa sông ven biển, bảo đảm tài nguyên nước được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu.

6. Bảo đảm chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, công bằng, hợp lý, các bên cùng có lợi trong bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra đối với các nguồn nước quốc tế trong lưu vực sông.

7. Phân công, phân cấp hợp lý công tác quản lý nhà nước về lưu vực sông; từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ tài nguyên nước trong lưu vực sông, huy động sự đóng góp tài chính của mọi thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư và tranh thủ sự tài trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông.

Điều 5. Nội dung quản lý lưu vực sông

1. Xây dựng và chỉ đạo công tác điều tra cơ bản môi trường, tài nguyên nước lưu vực sông, lập danh mục lưu vực sông, xây dựng cơ sở dữ liệu và danh bạ dữ liệu môi trường – tài nguyên nước lưu vực sông.

2. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch lưu vực sông.

3. Quyết định các biện pháp bảo vệ môi trường nước, ứng phó sự cố môi trường nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.

4. Điều hòa, phân bổ tài nguyên nước, duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông; chuyển nước giữa các tiểu khu vực trong lưu vực sông, từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác.

5. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch lưu vực sông và xử lý các vi phạm quy định về quản lý lưu vực sông; giải quyết tranh chấp giữa các địa phương; giữa các ngành, giữa các tổ chức và cá nhân trong khai thác, sử dụng, thụ hưởng các lợi ích liên quan đến môi trường, tài nguyên nước trên lưu vực sông.

6. Hợp tác quốc tế về quản lý, khai thác và phát triển bền vững lưu vực sông; thực hiện các cam kết về nguồn nước quốc tế trong lưu vực sông mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

7. Thành lập tổ chức điều phối lưu vực sông.

Điều 6. Danh mục lưu vực sông

1. Danh mục lưu vực sông là căn cứ để:

a) Tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại Điều 5 của Nghị định này;

b) Phân cấp quản lý lưu vực sông, xác định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý lưu vực sông;

c) Xác định ưu tiên đầu tư bảo vệ tài nguyên nước, phát triển bền vững lưu vực sông.

2. Danh mục lưu vực sông được phân loại như sau:

a) Danh mục lưu vực sông lớn: bao gồm các lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, sông Bằng Giang, sông Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Vũ Gia, sông Thu Bồn, sông Ba, sông Đồng Nai, sông Cửu Long (Mê Kông);

b) Danh mục lưu vực sông liên tỉnh: bao gồm các lưu vực sông có diện tích lưu vực nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

c) Danh mục lưu vực sông nội tỉnh: bao gồm các lưu vực sông có diện tích lưu vực nằm trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 7. Chính sách đầu tư phát triển bền vững lưu vực sông

1. Nhà nước ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững lưu vực sông, bao gồm:

a) Công tác điều tra cơ bản môi trường, tài nguyên nước lưu vực sông; xây dựng Danh bạ dữ liệu môi trường – tài nguyên nước và hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo về môi trường, tài nguyên nước lưu vực sông;

b) Lập và triển khai thực hiện quy hoạch lưu vực sông, kế hoạch phòng, chống ô nhiễm, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, kế hoạch điều hòa phân bổ nguồn nước và phát triển tài nguyên nước của lưu vực sông.

2. Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án quản lý tổng hợp nguồn nước trong lưu vực sông, bảo đảm cân đối nguồn nước trên quy mô quốc gia và từng vùng nhằm đáp ứng nhu cầu nước phục vụ cho đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

3. Đầu tư phát triển bền vững lưu vực sông là đầu tư phát triển. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội tham gia đầu tư quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước trong lưu vực sông và phòng, chống tác hại do nước gây ra.

4. Mở rộng và thu hút các nguồn vốn quốc tế cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường tài nguyên nước lưu vực sông.

Nghị định 120/2008/NĐ-CP về quản lý lưu vực sông

  • Số hiệu: 120/2008/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/12/2008
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 12/12/2008
  • Số công báo: Từ số 640 đến số 641
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH