Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hoạt động mỹ thuật, bao gồm: Thi sáng tác và triển lãm mỹ thuật; trưng bày, mua bán, sao chép, đấu giá, giám định tác phẩm mỹ thuật; tượng đài, tranh hoành tráng; trại sáng tác điêu khắc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động mỹ thuật tại Việt Nam quy định tại Điều 1 Nghị định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tác phẩm mỹ thuật là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục, bao gồm:

a) Hội họa: Tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, giấy dó và các chất liệu khác;

b) Đồ họa: Tranh khắc gỗ, khắc kim loại, khắc cao su, khắc thạch cao, in độc bản, in đá, in lưới, tranh cổ động, thiết kế đồ họa và các chất liệu khác;

c) Điêu khắc: Tượng, tượng đài, phù điêu, đài, khối biểu tượng;

d) Nghệ thuật sắp đặt và các hình thức nghệ thuật đương đại khác.

2. Triển lãm mỹ thuật là việc trưng bày, công bố, giới thiệu tác phẩm mỹ thuật đến công chúng, bao gồm triển lãm quy mô toàn quốc, khu vực, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; triển lãm do các tổ chức, cơ quan, nhóm, cá nhân thực hiện; triển lãm của Việt Nam tại nước ngoài và triển lãm của nước ngoài tổ chức tại Việt Nam.

3. Tượng đài, tranh hoành tráng là tác phẩm mỹ thuật có chất liệu bền vững, kích thước lớn, có tính biểu tượng cao, đặt cố định nơi công cộng.

4. Mẫu phác thảo tượng đài, tranh hoành tráng là bản gốc để thể hiện và hoàn chỉnh tác phẩm.

5. Nghệ thuật sắp đặt là loại hình nghệ thuật sắp xếp các vật thể, hình thể, hình ảnh tĩnh hoặc động có nội dung và tính thẩm mỹ.

6. Giám định tác phẩm mỹ thuật là xác định giá trị nghệ thuật, nguồn gốc, tác giả và chủ sở hữu tác phẩm mỹ thuật.

7. Sao chép tác phẩm mỹ thuật là việc làm ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về phát triển mỹ thuật

1. Phát triển mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước.

2. Bảo tồn và phát huy những giá trị của mỹ thuật truyền thống.

3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động mỹ thuật theo quy định của pháp luật.

4. Hỗ trợ, đặt hàng, sáng tác các tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật cao, tác động tốt đến đời sống xã hội.

5. Tặng giải thưởng, phổ biến, giới thiệu và quảng bá các tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật cao.

6. Đào tạo tài năng mỹ thuật, nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ và mỹ thuật trong hệ thống giáo dục quốc dân.

7. Tài trợ cho hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực mỹ thuật theo định hướng của Nhà nước.

8. Đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới bảo tàng mỹ thuật, nhà triển lãm mỹ thuật ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 5. Nội dung quản lý nhà nước về mỹ thuật

1. Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về hoạt động mỹ thuật; phổ biến, giáo dục pháp luật về mỹ thuật.

2. Nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn và quản lý mỹ thuật.

3. Cấp, thu hồi giấy phép trong hoạt động mỹ thuật.

4. Tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động mỹ thuật; tuyển chọn và trao giải thưởng đối với cá nhân và tác phẩm mỹ thuật.

5. Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động mỹ thuật.

6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động mỹ thuật.

Điều 6. Cơ quan quản lý nhà nước về mỹ thuật

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về mỹ thuật trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về mỹ thuật.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về mỹ thuật theo thẩm quyền.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về mỹ thuật tại địa phương.

Điều 7. Kinh phí mỹ thuật trong các công trình văn hóa, thể thao và du lịch

1. Kinh phí dành cho mỹ thuật của công trình văn hóa, thể thao và du lịch nằm trong tổng dự toán của công trình.

2. Các chi phí xây dựng dành cho mỹ thuật trong công trình thực hiện theo định mức ngành mỹ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn.

Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm

Nghiêm cấm các hành vi sau đây trong hoạt động mỹ thuật:

1. Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong mỹ tục và hủy hoại môi trường.

3. Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa; xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

4. Sao chép, trưng bày, mua, bán, chuyển nhượng tác phẩm mỹ thuật vi phạm quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật

  • Số hiệu: 113/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 02/10/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 16/10/2013
  • Số công báo: Từ số 661 đến số 662
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH