Hệ thống pháp luật

Điều 3 Nghị định 112/2014/NĐ-CP quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quốc môn là cổng quốc gia, được xây dựng tại cửa khẩu, mang đặc trưng văn hóa Việt Nam, thể hiện độc lập dân tộc và là biểu tượng tình hữu nghị, đoàn kết với nước láng giềng.

2. Cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây gọi tắt là cửa khẩu biên giới) là nơi thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và qua lại biên giới quốc gia trên đất liền, bao gồm cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường sắt và cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa.

3. Cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa là cửa khẩu biên giới đất liền được mở trên các tuyến đường thủy đi qua đường biên giới quốc gia trên đất liền.

4. Khu vực cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây gọi tắt là khu vực cửa khẩu) là khu vực được xác định, có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới quốc gia trên đất liền, trong đó bao gồm các khu chức năng để đảm bảo cho các hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu.

5. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu là các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu; bao gồm: Biên phòng; Hải quan; Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật).

6. Nước láng giềng là nước có chung đường biên giới trên đất liền với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm các nước: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Cămpuchia.

7. Cư dân biên giới hai bên là công dân Việt Nam và công dân nước láng giềng có hộ khẩu thường trú tại xã, phường, thị trấn (hoặc khu vực địa giới hành chính tương đương) có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia trên đất liền.

8. Hàng hóa của cư dân biên giới là hàng hóa được sản xuất ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc nước láng giềng do cư dân biên giới mua, bán, trao đổi ở khu vực biên giới hai bên để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của cư dân biên giới.

9. Vật phẩm là các sản phẩm vật chất được xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới không mang mục đích thương mại, bao gồm:

a) Vật phẩm y tế là thi thể, hài cốt, tro cốt, sản phẩm sinh học, mẫu vi sinh y học, mô, bộ phận cơ thể;

b) Vật phẩm văn hóa, nghệ thuật, vật chứa đựng nội dung văn hóa, nghệ thuật;

c) Vật phẩm là kim khí, đá quý, đồ trang sức;

d) Vật phẩm là mẫu vật khoáng sản, động vật, thực vật phục vụ hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, triển lãm;

đ) Vật phẩm thuộc hành lý, vật dụng cá nhân của hành khách xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới;

e) Các sản phẩm vật chất khác là vật phẩm theo quy định của văn bản pháp luật có liên quan.

10. Thủ tục qua lại biên giới là thủ tục hành chính do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua biên giới, bao gồm: Thủ tục biên phòng, thủ tục hải quan, thủ tục kiểm dịch và các thủ tục liên quan khác theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nghị định 112/2014/NĐ-CP quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền

  • Số hiệu: 112/2014/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 21/11/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1031 đến số 1032
  • Ngày hiệu lực: 15/01/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH