Hệ thống pháp luật

Điều 3 Nghị định 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (sau đây gọi chung là di sản thế giới) là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa và thiên nhiên, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (sau đây gọi chung là UNESCO) ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

2. Di sản văn hóa thế giới là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

3. Di sản thiên nhiên thế giới là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về thiên nhiên được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

4. Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hỗn hợp là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam đáp ứng được tiêu chí của cả Di sản văn hóa thế giới và Di sản thiên nhiên thế giới, được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

5. Giá trị nổi bật toàn cầu là sự biểu hiện những ý nghĩa văn hóa và thiên nhiên đặc biệt của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế đối với các thế hệ hiện tại và tương lai.

6. Tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu là sự khẳng định của Ủy ban Di sản thế giới về giá trị, tiêu chí, tính toàn vẹn, tính xác thực và việc quản lý, bảo vệ bền vững di sản mà nhờ đó nó được ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

7. Tính toàn vẹn là sự biểu hiện một cách đầy đủ các yếu tố gốc cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới.

8. Tính xác thực là sự biểu hiện một cách trung thực và đáng tin cậy của yếu tố gốc tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa của di sản thế giới, giúp nhận biết được bản chất, đặc tính, ý nghĩa và lịch sử của di sản thế giới đó.

9. Khu vực di sản thế giới là vùng chứa đựng các yếu tố gốc tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới.

10. Vùng đệm của khu vực di sản thế giới là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực di sản thế giới, có tác dụng tạo thêm một lớp bảo vệ cho di sản thế giới và là nơi tổ chức các hoạt động phát huy giá trị di sản thế giới.

11. Cộng đồng là tập hợp những người đang sinh sống ổn định và lâu dài trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới.

12. Kế hoạch quản lý di sản thế giới là văn bản tổng hợp các biện pháp bảo tồn giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới, bao gồm cả việc phân công trách nhiệm cụ thể đến mọi đối tượng liên quan tới việc thực hiện các biện pháp bảo tồn đó.

13. Quy chế bảo vệ di sản thế giới là văn bản chi tiết hóa các quy định liên quan tới những biện pháp bảo tồn của kế hoạch quản lý di sản thế giới nhằm giúp các tổ chức, cá nhân thực hiện mọi hoạt động trong khu vực di sản thế giới một cách thuận lợi nhất.

14. Ủy ban Di sản thế giới là tổ chức được Đại hội đồng các quốc gia thành viên Công ước Di sản thế giới bầu chọn theo nhiệm kỳ 04 năm để thực thi Công ước Di sản thế giới.

15. Trung tâm Di sản thế giới là cơ quan của UNESCO, có trách nhiệm hỗ trợ và cộng tác với các quốc gia thành viên Công ước Di sản thế giới, các cơ quan tư vấn và phân ban chuyên môn khác của UNESCO để điều phối mọi hoạt động liên quan đến việc quản lý và bảo vệ di sản thế giới.

Nghị định 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam

  • Số hiệu: 109/2017/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 21/09/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 729 đến số 730
  • Ngày hiệu lực: 10/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH