Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 102/2012/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2012

NGHỊ ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM NGƯ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ văn bản số 209/UBTVQH13-PL ngày 18 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập lực lượng Kiểm ngư;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Kiểm ngư; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu Kiểm ngư; điều kiện bảo đảm hoạt động của Kiểm ngư; mối quan hệ giữa Kiểm ngư với các lực lượng chức năng khác và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Kiểm ngư.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân, nước ngoài hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

Chương 2.

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA KIỂM NGƯ

Điều 3. Vị trí, chức năng của Kiểm ngư

Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm ngư

1. Tham mưu, đề xuất và tham gia xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật quy định về công tác kiểm ngư theo sự phân công, phân cấp.

2. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật.

3. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm pháp luật thủy sản của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản.

5. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về thủy sản; hướng dẫn ngư dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển thực hiện các quy định pháp luật về thủy sản.

6. Tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật.

7. Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về thủy sản theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

8. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Kiểm ngư viên, công chức, viên chức và Thuyền viên tàu Kiểm ngư.

9. Thanh tra chuyên ngành và các nhiệm vụ khác được giao theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Cơ cấu tổ chức của cơ quan Kiểm ngư

1. Cục Kiểm ngư là cơ quan thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cục Kiểm ngư có các Chi cục Kiểm ngư Vùng, các phòng chuyên môn và đơn vị sự nghiệp.

2. Cục Kiểm ngư và các Chi cục Kiểm ngư Vùng có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm ngư.

Chương 3.

KIỂM NGƯ VIÊN, THUYỀN VIÊN TÀU KIỂM NGƯ

Điều 6. Kiểm ngư viên

1. Kiểm ngư viên là công chức được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm ngư viên để thực hiện nhiệm vụ kiểm ngư.

2. Kiểm ngư viên được cấp Thẻ Kiểm ngư, trang phục và các trang thiết bị chuyên ngành.

Điều 7. Thuyền viên tàu Kiểm ngư

1. Thuyền viên tàu Kiểm ngư bao gồm:

a) Công chức được bổ nhiệm vào ngạch Thuyền viên tàu Kiểm ngư;

b) Những người khác làm việc trên tàu Kiểm ngư theo chế độ hợp đồng lao động.

2. Thuyền viên tàu Kiểm ngư được cấp trang phục.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của Thuyền viên tàu Kiểm ngư.

Điều 8. Quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm ngư viên

1. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản.

2. Xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Sử dụng các phương tiện, công cụ hỗ trợ, các thiết bị chuyên dùng khi thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.

4. Khi thi hành công vụ phải mặc trang phục, mang phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu Kiểm ngư theo quy định.

5. Thực hiện quyền hạn của thanh tra viên theo quy định của pháp luật thanh tra.

Chương 4.

ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM NGƯ

Điều 9. Chế độ chính sách đối với Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu Kiểm ngư

1. Kiểm ngư viên được hưởng chế độ lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, các phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.

2. Thuyền viên tàu Kiểm ngư được, hưởng chế độ lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, các chế độ bồi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

3. Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu Kiểm ngư trong khi thi hành nhiệm vụ nếu bị thương, bị hy sinh thì được xem xét, công nhận là thương binh, liệt sỹ và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trang phục, trang thiết bị của Kiểm ngư

1. Trang phục của Kiểm ngư do Nhà nước cấp phát hàng năm theo quy định của pháp luật.

2. Kiểm ngư được trang bị phương tiện thông tin liên lạc chuyên dùng; phương tiện, thiết bị đặc thù; công cụ cần thiết để tự vệ và thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết về trang phục của Kiểm ngư.

Điều 11. Tàu Kiểm ngư

1. Tàu Kiểm ngư là tàu công vụ của cơ quan Kiểm ngư, phục vụ nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên biển; hỗ trợ ngư dân; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển và các nhiệm vụ khác của Kiểm ngư.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định màu sơn, số hiệu, tiêu chuẩn, định mức hoạt động của tàu Kiểm ngư.

Điều 12. Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động

Vốn đầu tư và kinh phí hoạt động của Kiểm ngư được bố trí từ ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Chương 5.

QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA KIỂM NGƯ VỚI CÁC LỰC LƯỢNG LIÊN QUAN

Điều 13. Nguyên tắc phối hợp

1. Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, lực lượng được pháp luật quy định, không chồng chéo và bảo đảm tính thống nhất của quản lý Nhà nước theo chuyên ngành.

2. Chủ động, kịp thời, đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên các vùng biển, bảo vệ ngư dân, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điều 14. Nội dung phối hợp

1. Trao đổi thông tin, tài liệu.

2. Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật về Kiểm ngư.

3. Tuần tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản.

4. Bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên các vùng biển Việt Nam.

5 .Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thủy sản cho tổ chức và cá nhân hoạt động trên biển; bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của người và phương tiện hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

6. Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục các sự cố trên biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phòng, chống ô nhiễm môi trường biển.

7. Cho phép công chức, viên chức của cơ quan, lực lượng khác lên tàu để thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.

8. Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế.

9. Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành.

10. Các hoạt động phối hợp khác có liên quan đến Kiểm ngư.

Điều 15. Điều động lực lượng và phương tiện

1. Trong những trường hợp khẩn cấp, cần thiết phải tăng cường lực lượng, phương tiện để kịp thời ngăn chặn vi phạm pháp luật về thủy sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành lệnh điều động, đề nghị Bộ trưởng các Bộ có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh huy động lực lượng, phương tiện để ngăn chặn vi phạm pháp luật về thủy sản; Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản ban hành lệnh điều động lực lượng, phương tiện của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư có trách nhiệm tổ chức thực hiện lệnh điều động.

2. Tổ chức, cá nhân được huy động lực lượng, phương tiện phải chấp hành lệnh điều động của người có thẩm quyền.

3. Cơ quan thực hiện lệnh huy động, điều động phải thanh toán các chi phí cho các tổ chức, cá nhân được điều động theo quy định của pháp luật.

Chương 6.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KIỂM NGƯ

Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư.

2. Xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về Kiểm ngư; chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế phối hợp cụ thể giữa Kiểm ngư với các lực lượng liên quan khác.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xác định vị trí việc làm, xây dựng biên chế công chức của Cục Kiểm ngư, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu Kiểm ngư.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đóng tàu Kiểm ngư.

5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động của Kiểm ngư và việc thanh toán chi phí của các cơ quan thực hiện lệnh huy động, điều động lực lượng, phương tiện của người có thẩm quyền.

6. Chỉ đạo thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Kiểm ngư; chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của Kiểm ngư.

7. Chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý và cấp đồng phục, phù hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, biển hiệu, thẻ Kiểm ngư viên; trang thiết bị phục vụ hoạt động của Kiểm ngư; ấn chỉ xử lý vi phạm hành chính của Kiểm ngư theo quy định của pháp luật.

8. Chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Kiểm ngư.

9. Bảo đảm kinh phí để Kiểm ngư thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 17. Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan khác có liên quan trình cấp có thẩm quyền quyết định biên chế công chức của Cục Kiểm ngư; quy định ngạch, mã ngạch Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu Kiểm ngư là công chức; trình Thủ tướng Chính phủ quy định phụ cấp, chế độ bồi dưỡng của Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu Kiểm ngư.

2. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp, hỗ trợ Kiểm ngư theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể việc trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ, các thiết bị chuyên dùng phục vụ chức năng, nhiệm vụ của Kiểm ngư.

4. Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí hoạt động cho Kiểm ngư theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể về chế độ được hưởng chính sách thương binh, liệt sỹ của Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu Kiểm ngư nếu bị thương, bị hy sinh trong các trường hợp đã được Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định.

6. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hợp tác quốc tế liên quan đến hoạt động của Kiểm ngư.

7. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ của Kiểm ngư theo quy định của pháp luật.

Chương 7.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 01 năm 2013.

Điều 19. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tuớng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân đân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TCCV (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 102/2012/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư

  • Số hiệu: 102/2012/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 29/11/2012
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 731 đến số 732
  • Ngày hiệu lực: 25/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản