Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 1 năm 1995

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 10/CP NGÀY 23 THÁNG 1 NĂM 1995 VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ số 95/CP ngày 4 tháng 12 năm 1993 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại và số 35/CP ngày 25 tháng 4 năm 1994 về tổ chức lại công tác chỉ đạo quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng, trưởng Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

I. HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG:

Điều 1.- Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách được tổ chức từ Trung ương đến huyện, có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước.

Bộ trưởng Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ lãnh đạo quản lý thống nhất lực lượng quản lý thị trường về tổ chức, tiêu chuẩn công chức, trang bị nghiệp vụ bảo đảm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý và chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của lực lượng quản lý thị trường ở địa phương, đảm bảo việc thi hành nghiêm chỉnh phát luật trong hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh.

Điều 2.- Hệ thống tổ chức quản lý thị trường gồm có:

1/ Ở Trung ương: thành lập Cục Quản lý thị trường trực thuộc bộ Thương mại trên cơ sở sáp nhập bộ máy chuyên trách của Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương chuyển giao về Bộ Thương mại và Vụ quản lý thị trường thuộc Bộ Thương mại.

2/ Ở tỉnh: Thành lập Chi cục quản lý thị trường trực thuộc Sở Thương mại trên cơ sở tổ chức lại bộ máy chuyên trách của Ban Chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh hiện có.

3/ Ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện): theo yêu cầu cụ thể trên từng địa bàn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định việc thành lập các đội quản lý thị trường trực thuộc Chi cục hoạt động trên địa bàn huyện hoặc liên tỉnh, trên cơ sở tổ chức lại các Đội kiểm tra thị trường hiện có ở địa phương.

Cơ sở quản lý thị trường các cấp (Cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý thị trường, Đội Quản lý thị trường) có con dấu và tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Điều 3.-Tổ chức bộ máy cơ quan quản lý thị trường các cấp như sau:

1/ Cục Quản lý thị trường do Cục trưởng phụ trách, có từ 1 đến 2 Phó Cục trưởng giúp việc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Cục trưởng, Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định.

Cục có cơ quan đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan đại diện được sử dụng con dấu và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi đóng trụ sở.

2/ Chi cục Quản lý thị trường do Chi cục trưởng (chức danh Phó Giám đốc Sở) phụ trách, có từ 1 đến 2 Phó chi cục trưởng giúp việc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chi cục trưởng do chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó chi cục trưởng do Giám đốc Sở Thương mại quyết định sau khi thoả thuận với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

3/ Đội Quản lý thị trường do Đội trưởng phụ trách, có từ 1 đến 2 Phó đội trưởng giúp việc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Đội trưởng, Phó đội trưởng do Giám đốc Sở Thương mại quyết định.

II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG:

Điều 4.- Cục Quản lý thị trường là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước. Cục Quản lý thị trường có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

1/ Kiểm tra việc thi hành pháp luật và các chính sách, chế độ, thể lệ trong hoạt động thương mại trên thị trường. Đề xuất với Bộ trưởng Bộ Thương mại những chủ trương, biện pháp cần thiết để thực hiện đúng pháp luật và các chính sách, chế độ trong lĩnh vực này.

2/ Xây dựng các văn bản pháp luật về tổ chức quản lý công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường,xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, quy chế kiểm soát thị trường và chính sách, chế độ đối với công chức làm công tác quản lý thị trường các cấp để bộ Thương mại trình Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền.

3/ Phát hiện và đề xuất với Bộ trưởng Bộ Thương mại để Bộ trưởng Bộ thương mại giải quyết theo thẩm quyền quy định tại các Điều 25, 26 và 27 Luật Tổ chức chính phủ về những văn bản quy định của các ngành, các cấp có nội dung trái pháp luật về quản lý thị trường trong hoạt động thương mại.

4/ Tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử phạt hành chính theo thẩm quyền các vụ vi phạm trong hoạt động thương mại.

5/ Thường trực giúp Bộ chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước ở các ngành, các cấp có chức năng quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái phép.

6/ Giúp Bộ theo dõi, quản lý tổ chức, tiêu chuẩn công chức, chế độ trang phục, ấn chỉ của lực lượng quản lý thị trường; hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ và thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan, công chức quản lý thị trường ở địa phương; đề nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại cấp thẻ kiểm soát cho công chức làm nhiệm vụ kiểm soát thị trường các cấp.

7/ Quản lý và thực hiện các chính sách, chế độ đối với công chức thuộc Cục theo phân cấp của Bộ; quản lý tài sản được giao theo quy định của Nhà nước.

Điều 5.- Chi cục Quản lý thị trường giúp Giám đốc Sở Thương mại thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao. Chi cục Quản lý thị trường có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

1/ Kiểm tra việc tuân theo pháp luật các hoạt động thương mại của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đề xuất với Sở thương mại và Uỷ ban nhân tỉnh kế hoạch, biện pháp về tổ chức thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hoá theo pháp luật, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh.

2/ Xây dựng và trực tiếp chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

3/ Quản lý công chức, biên chế, kinh phí, trang bị, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và xây dựng cơ sở vật chất cho lực lượng quản lý thị trường ở địa phương.

4/ Thường trực giúp Giám đốc Sở Thương mại chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các ngành, các cấp ở địa phương có chức năng quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái phép.

Điều 6.- Công chức kiểm soát thị trường được giao trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc thi hành pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước. Khi thừa hành công vụ phải tuân thủ pháp luật và quy chế công tác về quản lý thị trường, chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Khi thấy có dấu hiệu vi phạm thì công chức làm công tác kiểm soát thị trường được quyền:

1/ Yêu cầu tổ chức và cá nhân liên quan cung cấp tình hình số liệu, tài liệu cần thiết có liên quan đến việc kiểm tra.

2/ Được kiểm tra hiện trường nơi sản xuất, nơi cất dấu hàng hoá, tang vật vi phạm.

3/ Lập biên bản vi phạm hành chính; quyết định áp dụng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính theo quy định của pháp luật; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý các vi , phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

4/ Sử dụng vũ khí và các phương tiện chuyên dùng khác theo quy định của pháp luật (kể cà ô tô, xe mô tô phân khối lớn, thiết bị thông tin liên lạc) để làm nhiệm vụ kiểm tra.

Điều 7. -

1/ Công chức kiểm soát thị trường có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, phòng chống có hiệu quả các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước. Trong khi làm nhiệm vụ, nếu bị thương hoặc hy sinh được hưởng chế độ như đối với thương binh, liệt sĩ.

2/ Công chức kiểm soát thị trưởng lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai phạm pháp luật gây cản trở cho lưu thông hàng hoá và kinh doanh hợp pháp, làm thiệt hại về tài sản của người kinh doanh, bao che vi phạm, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền bạc, tang vật, phương tiện thu giữ hoặc có hành vi tiêu cực khác thì bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

III. BIÊN CHẾ, KINH PHÍ VÀ CHẾ ĐỘ TRANG BỊ CỦA QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG:

Điều 8. -Biên chế của quản lý thị trường thuộc biên chế quản lý Nhà nước do Chính phủ quy định. Toàn bộ kinh phí hoạt động của Cục, Chi cục và các Đội Quản lý thị trường kể cả tiền lương và phụ cấp do ngân sách Nhà nước cấp. Mọi khoản thu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và xử lý đều nộp và ngân sách Nhà nước.

Điều 9. -Công chức quản lý thị trường hưởng lương theo ngạch công chức, được trang bị đồng phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu và thẻ kiểm soát thị trường thống nhất trong cả nước do Bộ trưởng Bộ Thương mại cấp.

Ban hành kèm theo Nghị định này bản phụ lục về mẫu phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu và thẻ kiểm soát của quản lý thị trường.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Điều 10. - Bộ trưởng Bộ Thương mại quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Cục Quản lý thị trường. Biên chế của Cục Quản lý thị trường nằm trong tổng số biên chế của Bộ Thương mại.

Bộ trưởng Bộ Thương mại sau khi thống nhất với Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Chi cục và Đội Quản lý thị trường ở địa phương.

Điều 11. - Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)


PHỤ LỤC
VỀ MẪU PHÙ HIỆU, BIỂN HIỆU, CẤP HIỆU VÀ THẺ KIỂM TRA CỦA QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 10/CP ngày 23 /1/1995 của Chính phủ)

I. PHÙ HIỆU:

Phù hiệu quản lý thị trường gắn trên mặt trước của mũ Kepi, làm bằng đồng, hình tròn đường kính 32 mm: mặt của phù hiệu phía ngoài nền màu xanh, giữa có ngôi sao vàng 5 cánh nổi trên nền đỏ hình tròn, sát mép phù hiệu có đường viền bằng 2 bông lúa mầu vàng, cuống 2 bông lúa gắn với "bánh xe lịch sử" mầu vàng, trên mặt bánh xe có hàng chữ quản lý thị trường viết tắt là "QLTT" mầu đỏ, xếp cong theo chiều cong của vành bánh xe lịch sử. Phù hiệu được cài lên" cành tùng" bằng nhôm mầu trắng trước khi gắn vào mũ (theo Quyết định số 263/CT ngày 18 tháng 7 năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là thủ tướng chính phủ).

Phù hiệu quản lý thị trường gắn trên mặt mũ mềm cũng tương tự như trên nhưng kích thước được thu nhỏ lại với đường kính 25 mm và cành tùng.

II. BIỂN HIỆU:

Biển hiệu quản lý thị trường gắn trên nắp túi áo ngực trái. Kích thước 50 mm x 90 mm; xung quanh có đường viền nhỏ mầu đỏ, nền phù hiệu mầu vàng phía trái dán ảnh cỡ 4 x 6 của công chức. Phía phải chia làm 2 ô: ô phía trên ghi hàng chữ quản lý thị trường và tên tỉnh, thành phố; ô phía dưới ghi họ và tên viên chức, chức vụ và số hiệu của viên chức (2 số đầu là số thứ tự của Đội, ba số sau là thứ tự của công chức).

III. CẤP HIỆU:

Cấp hiệu quản lý thị trường gắn ở ve áo: làm bằng dạ mầu tím than, hình bình hành, dài 52 mm, cao 32 mm, xung quang có đường viền mầu vàng, trên nền cấp hiệu gắn hình phù hiệu quản lý thị trường đường kính 10 mm, cạnh hình phù hiệu là sao năm cánh mầu trắng biểu hiện ngạch công chức quản lý thị trường:

+ Bốn sao là kiểm soát viên cao cấp

+ Ba sao là kiểm soát viên chính

+ Hai sao là kiểm soát viên

+ Một sao là kiểm soát viên trung cấp.

Cấp hiệu quản lý thị trường gắn ở cầu vai: làm bằng dạ mầu tím than, xung quanh có đường viền vàng: đầu to 36 mm, đầu nhỏ 30 mm (hơi nhọn). ở đầu nhỏ gắn một cúc hình chỏm cầu bằng kin loại, mặt cúc dập hình phù hiệu quản lý thị trường nổi. Trên cầu vai gắn sao năm cánh mầu trắng, số sao tương ứng với ngạch công chức quản lý thị trường (như ở ve áo).

IV. THẺ KIỂM TRA THỊ TRƯỜNG:

Thẻ kiểm tra thị trường cấp cho công chức trực tiếp kiểm tra, kiểm soát thị trường. Thẻ được làm bằng bìa cứng, kích thước 100 mm x 140 mm.

Mặt ngoài: có nền mầu đỏ, nửa bên trái để trống, nửa bên phải: phía trên ghi dòng chữ Quốc hiệu; dưới dòng chữ Quốc hiệu là hình phù hiệu quản lý thị trường; dưới hình phù hiệu là dòng chữ thẻ kiểm tra thị trường. Tất cả các chữ đều in bằng nhũ mầu vàng.

Mặt trong: nền thẻ mầu vàng nhạt, trên nền vàng nhạt là hoa văn mầu vàng đậm hơn (Hoa văn là hình phù hiệu quản lý thị trường ở giữa và các tia ra xung quanh là các chữ quản lý thị trường viết tắt).

Phía bên trái thẻ: lần lượt từ trên xuống dưới như sau:

Hàng chữ: Bộ Thương Mại (chữ đen)

Số thẻ Quản lý thị trường (chữ đen)

Ảnh của người được cấp thẻ cỡ 4 x 6 (ảnh được đóng dấu nổi)

Thời hạn dùng thẻ

Phía bên phải: từ trên xuống dưới lần lượt ghi như sau:

Quốc hiệu (chữ đen)

Thẻ kiểm tra thị trường (chữ đỏ)

Tên người được cấp thẻ (chữ đen)

Chứng minh thư nhân dân số (chữ đen)

Chức vụ

Đơn vị công tác

Được kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh thương mại, dịch vụ trên thị trường.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 10/CP năm 1995 về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của quản lý thị trường

  • Số hiệu: 10/CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/01/1995
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 23/01/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 10/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản