Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG LÂM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05-NL-QT-NĐ

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 1956

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VIỆC PHÂN LOẠI RỪNG, VIỆC KHAI THÁC GỖ, CỦI.

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM

Chiếu nghị quyết của Hội đồng Chính phủ ngày 14-11-1945 thành lập Bộ Canh nông;
Chiếu nghị định số 596-TTg ngày 3 tháng 10 năm 1955 của Thủ tướng Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hòa, ban hành “Điều lệ tạm thời khai thác gỗ, củi”.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: - Rừng là tài sản quốc gia do Nhà nước quản lý. Việc quản lý nhằm mục đích bảo vệ, phát triển rừng cho ngày càng phong phú để đảm bảo nhu cầu khai thác trước mắt và lợi ích lâu dài về kinh tế dân sinh của toàn dân. Vì vậy nên mọi người đều có trách nhiệm thi hành đúng các thể lệ của Chính phủ đã ban hành để việc quản lý rừng đạt được nhiều kết quả tốt.

Nghị định này nhằm mục đích quy rõ việc phân loại rừng, việc khai thác gỗ, củi, theo bản điều lệ tạm thời do nghị định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành (số 596-TTg ngày 3 tháng 10 năm 1955).

Chương1:

QUY ĐỊNH PHÂN LOẠI RỪNG

Điều 2: - Sẽ liệt vào loại rừng bảo vệ những khu rừng tự nhiên hay gây trồng theo các tiêu chuẩn như sau:

a) Rừng đầu nguồn: có tác dụng bảo vệ nguồn nước uống và nước tưới ruộng cho thôn xóm và cánh đồng ở xung quanh, phạm vi quy định sẽ do nhân dân thôn xóm sử dụng nước uống hoặc nước tưới ruộng, khai hội bình nghị.

Ngoài ra, để đảm bảo mực nước sông ngòi, nhất là các sông ngòi có công trình thuỷ lợi lớn hoặc nhỏ, sẽ quy định một số đầu nguồn và lưu vực xung yếu; rừng ở trong phạm vi các đầu nguồn và lưu vực đã quy định ấy sẽ coi là rừng bảo vệ. Phạm vi quy định sẽ tuỳ theo tình hình mức nước, điều kiện đất và tình hình rừng ở mỗi địa phương. Tiêu chuẩn cụ thể sẽ có thông tư giải thích sau.

b) Rừng ở bãi cát, ven biển, hay cồn cát: có tác dụng, chắn cát bay để bảo vệ làng mạc, ruộng nương, đường giao thông, v.v…

Phạm vi quy định là:

- Một giải rừng cây bề rộng tối thiểu là 25 thước chạy dài theo bờ biển. Ở nơi có cát bay nhiều thì tăng bề rộng lên 50 thước.

- Một giải rừng cây rộng tối thiểu 25 thước chạy dài theo bãi cát hay cồn cát có nạn cát bay. Ở những nơi sức gió mạnh và xung yếu thì bề rộng tối thiểu có thể tăng lên 50 thước.

c) Rừng ở ven suối, ven sông, ven biển, ven làng xóm, ven đường giao thông lớn: có tác dụng chống xói lở bảo vệ đê điều, làng mạc, ruộng nương, đường giao thông.

Phạm vi quy định là:

Một giải rừng rộng từ 25 thước đến 50 thước, tùy theo địa thế núi rừng dốc nhiều hay ít, bề rộng này có thể tăng thêm ở những nơi đang hoặc có thể bị xói lở nghiêm trọng và do Ủy ban Hành chính tỉnh quyết định.

d) Rừng để khảo cứu, thí nghiệm, rừng danh thắng cổ tích có giá trị văn hóa lịch sử, rừng cần thiết cho việc quốc phòng: việc quy định sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể sau.

Điều 3: - Sẽ liệt vào loại rừng đóng, những khu rừng tự nhiên hay gây trồng theo tiêu chuẩn như sau:

a) Những rừng gây trồng còn non, chưa đến tuổi khai thác, tính theo tuổi từng loại cây do thông tư Bộ Nông lâm sẽ quy định.

b) Những rừng đã khai thác nhiều, không còn khả năng sản xuất gỗ, củi, cần được nuôi dưỡng.

c) Những rừng bị tàn phá vì lửa, hoặc do nguyên nhân khác, hiện đang mọc lại.

Điều 4: - Sẽ liệt vào loại rừng mở cho khai thác, những khu rừng có điều kiện cung cấp gỗ, củi, khai thác tập trung theo chương trình điều chế hay khai thác theo lối phân tán và không thuộc phạm vi quy định là rừng bảo vệ hay rừng đóng nói trên.

Điều 5: - Cách thức tiến hành phân loại quy định rừng. Việc phân loại quy định rừng, sẽ dựa trên cơ sở nhân dân bình nghị.

Để giúp Ủy ban Hành chính lãnh đạo nhân dân thực hiện công tác này, tại các xã có rừng cần phân loại, sẽ thành lập một ban quy định rừng, gồm có đại biểu chính quyền xã có rừng, đại biểu Nông hội xã, và đại biểu nhân dân các thôn, xóm có rừng quy định, do Nông hội đề nghị.

Ban quy định rừng có nhiệm vụ: tổ chức nhân dân học tập, xem xét rừng, lãnh đạo nhân dân bình nghị vị trí giới hạn rừng quy định, thu thập tài liệu ý kiến về các vấn đề tranh chấp giữa cá nhân hoặc thôn xóm nếu có, lập dự án quy định dự thảo quy ước bảo vệ và làm mọi đề nghị cần thiết.

Việc quy định sẽ do Ủy ban Hành chính tỉnh quyết định, chiếu đề nghị của Ủy ban Hành chính xã, sau khi có ý kiến của Ủy ban Hành chính huyện và Ty Nông lâm.

Trường hợp quy định thuộc nhiều tỉnh thì Ủy ban Hành chính liên khu sẽ ra quuyết định. Khu Nông lâm có trách nhiệm kiểm tra để giúp các Ủy ban Hành chính liên khu xét duyệt lại những việc quy định phân loại rừng của mỗi tỉnh.

Điều 6: - Cứ 3 năm một lần Bộ Nông lâm sẽ tổ chức điều chỉnh lại việc quy định các loại rừng theo đúng điều lệ của Chính phủ đã ban hành, và theo sát với tình hình thay đổi của rừng.

Chương2:

QUY ĐỊNH VIỆC KHAI THÁC GỖ, CỦI

Điều 7: - Việc khai thác rừng phải đúng theo nguyên tắc căn bản sau đây:

1) Đảm bảo nhu cầu kinh tế và dân sinh đúng theo tác dụng cấy rừng.

2) Đảm bảo rừng mọc lại mau chóng và trở nên tốt đẹp hơn trước.

Điều 8: - Tùy theo điều kiện các khu rừng, việc khai thác sẽ tổ chức theo chương trình điều chế (rừng đã điều chế hay sẽ điều chế) hoặc theo khoảnh riêng rẽ (rừng tập trung trong diện tích nhỏ hoặc theo lối phân tán, rừng thưa hoặc rải rác).

Điều 9: - Việc khai thác phải theo đúng những quy tắc chung về kỹ thuật chuyên môn sau đây:

a) Không chặt cây dưới kích thước tối thiểu quy định ở bản kèm theo nghị định này, trừ những gỗ dùng làm củi, trụ mỏ, cột điện, doanh trại, cọc dậu đánh cá, cột buồm, bơi chèo sẽ có thông tư quy định riêng. Đối với những nhu cầu đặc biệt khác, cần gỗ dưới kích thước tối thiểu thì phải do Bộ Nông lâm cho phép mới được khai thác trên 1.000 cây. Dưới 1.000 cây thì do Ủy ban Hành chính khu cho phép và báo cáo lên Bộ biết.

b) Không dùng lửa để chặt hạ cây.

c) Không chặt cây cao quá mặt đất 1/3 chiều khoát của cây.

d) Đối với gốc cây dưới 0m40 phải gọt gốc cây đã ngả, thành hình nón lá, hình mái nhà, và gọt hết xơ xước.

e) Phải bảo vệ cây con, không chặt cây con, tránh làm gẫy cây con, phải ngã cây theo chiều có ít cây con.

g) Cấm bóc vỏ, ướm búa, thử dao vào cây chưa khai thác.

h) Không đốn gỗ thiết mộc và hồng sắc để làm củi. Trường hợp thiếu tạp mộc, cần phải dùng một số hồng sắc làm củi thì Ủy ban Hành chính khu sẽ quy định loại gỗ hồng sắc, số lượng gỗ và khu vực rừng được phép chặt làm củi.

Điều 10: - Nếu khai thác theo chương trình điều chế hoặc theo khoảnh riêng rẻ, người khai thác phải theo những thể lệ sau đây:

a) Không được khai thác ngoài vị trí giới hạn đã ấn định.

b) Chỉ hạ những cây được phép khai thác.

c) Ngoài ra cũng phải thực hiện những điều quy định trong tiết b, c, d, e, g ở điều 9 nói trên.

Điều 11: - Những khu rừng khai thác theo chương trình điều chế và theo khoảnh riêng rẻ do Bộ Nông lâm quy định theo đề nghị của Ủy ban Hành chính khu.

Điều 12: - Để bảo đảm cung cấp nguyên liệu công nghệ và nhu cầu đặc biệt, để bảo vệ những cây mới nhập nội, việc khai thác các loại cây sau đây phải có giấy phép đặc biệt của Bộ Nông lâm hoặc của cấp Ủy ban Hành chính được ủy quyền:

a) Cây dùng làm nguyên liệu công nghệ: cây diền diện đen và trắng, (để lấy nhựa cao-su) cây hoàng đàn (để cắt dấu) cây thông (để lấy nhựa) cây bồ đề (để làm diêm);

b) Cây mới nhập nội hoặc mới trồng thí nghiệm: cây tếch (teck) cây long não, cây bạch đàn, cây thông tàu.

Điều 13: - Có 2 loại giấy phép kinh doanh về khai thác rừng:

a) Giấy phép cấp cho cá nhân hay đơn vị trực tiếp khai thác tập trung (giấy phép khai thác tập trung) hoặc phân tán (giấy phép khai thác phân tán).

b) Giấy phép thu mua cấp cho cá nhân hay đơn vị không trực tiếp khai thác, mà chỉ thu mua gỗ, củi, định ở điểm C điều 7 trong bản điều lệ. Những người kinh doanh thu mua bằng cách đặt cho người khác khai thác thì cũng liệt vào hạng người trực tiếp khai thác.

Điều 14: - Giấy phép khai thác tập trung có giá trị trong một năm hoặc dài hạn hơn.

- Giấy phép khai thác phân tán và thu mua cấp cho từng thời kỳ 3 tháng 6 tháng hay 1 năm. Nếu người chủ giấy phép đã cố gắng đảm bảo khai thác hoặc thu mua đúng hạn định. Nhưng gặp những khó khăn trở ngại khách quan làm cho chậm trễ và có bằng chứng cụ thể, Ủy ban Hành chính tỉnh có thể xét cho gia hạn, nhưng thời gian gia hạn không được quá 1/3 thời hạn của giấy phép.

Điều 15: - a) Mức tối đa: cho khai thác hoặc thu mua gỗ, là:

Đối với tư nhân là 200m3 một năm.

Đối với cơ quan Quốc doanh: không hạn định.

b) Cơ quan cấp giấy phép, là:

Ủy ban Hành chính tỉnh: Nếu trị giá bán lâm sản không quá 10 triệu đồng.

Ủy ban Hành chính tỉnh có thể ủy quyền cho Ủy ban Hành chính huyện cấp những giấy phép khai thác ngắn hạn 3 tháng hoặc 6 tháng mà trị giá tiền bán lâm sản không quá 1 triệu đồng.

Ủy ban Hành chính khu: Nếu trị giá tiền bán lâm sản không quá 50 triệu.

Bộ Nông lâm: Nếu giá tiền trên 50 triệu đồng.

Giấy phép khai thác không cấp cả một lần mà cấp nhiều lần trong một năm, như vậy để tiện kiểm soát việc khai thác và tránh những người giành phần rồi không khai thác.

c) Những người sau đây được miễn giấy phép khai thác, miễn trả tiền bán, nhưng phải có giấy chứng nhận của Ủy ban xã địa phương:

- Những đồng bào làm củi gánh, than hoa để sinh sống hàng ngày;

- Những đồng bào miền núi lấy gỗ củi dùng vào việc cất nhà, sửa nhà, hoặc làm những dụng cụ thông dụng trong gia đình.

Điều 16: - a) Người được cấp giấy phép phải khởi công chậm nhất là 2 tháng sau ngày cấp giấy phép, nếu là giấy phép dưới một năm, và chậm nhất từ 3 tháng đến 6 tháng cho những giấy phép dài hạn. Quá hạn này giấy phép phải trả lại.

b) Giấy phép chỉ có giá trị đối với bản thân người đứng xin khai thác hoặc thu mua.

c) Người chủ giấy phép khai thác chịu trách nhiệm trong suốt thời gian khai thác về các vụ trái phép tự mình hay do người làm công của mình gây ra.

d) Người chủ giấy phép thu mua chỉ được thu mua lâm sản hợp lệ đúng số lượng đã định và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các mặt: trả tiền bán, chuyên chở và tàng trữ.

Chương3:

TRẢ TIỀN BÁN LÂM SẢN, CHUYÊN CHỞ VÀ TÀNG TRỮ LÂM SẢN

Điều 17: - Tất cả gỗ củi khai thác phải được kiểm điểm và trả tiền bán lâm sản theo đúng thể lể kiểm thu.

Điều 18: - Lâm sản chuyên chở hay tàng trữ phải luôn luôn có biên lai thông hành hoặc trích lục thông hành kèm theo.

Chương4:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 19: - Các Ủy ban Hành chính các cấp có thẩm quyền và có trách nhiệm quản lý rừng đúng theo điều lệ khai thác của Chính phủ đã ban hành. Các Khu, Ty Nông lâm là cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và có trách nhiệm giúp các Ủy ban Hành chính thực hiện việc quản lý đó.

Điều 20: - Nay bãi bỏ cả những quy định trước đây trái với nghị định này.

Điều 21: - Các ông Chánh Văn phòng Bộ Nông lâm, Giám đốc Vụ Lâm nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh, chiếu nghị định thi hành.

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM




Nghiêm Xuân Yêm

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 05-NL-QT-NĐ năm 1956 về việc phân loại rừng, việc khai thác gỗ, củi do Bộ trưởng Bộ Nông Lâm ban hành.

  • Số hiệu: 05-NL-QT-NĐ
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/02/1956
  • Nơi ban hành: Bộ Nông lâm
  • Người ký: Nghiêm Xuân Yêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 40
  • Ngày hiệu lực: 09/03/1956
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản