Hệ thống pháp luật

Chương 4 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006

Chương IV ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP VỚI TIÊU CHUẨN VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP

Điều 40. Yêu cầu cơ bản đối với đánh giá sự phù hợp

1. Bảo đảm thông tin công khai, minh bạch cho các bên có liên quan về trình tự, thủ tục đánh giá sự phù hợp.

2. Bảo mật thông tin, số liệu của tổ chức được đánh giá sự phù hợp.

3. Không phân biệt đối xử đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình.

4. Trình tự, thủ tục đánh giá sự phù hợp phải hài hoà với quy định của tổ chức quốc tế có liên quan.

Điều 41. Hình thức đánh giá sự phù hợp

1. Việc đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật do tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện hoặc tổ chức, cá nhân công bố sự phù hợp tự thực hiện.

2. Đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn được thực hiện tự nguyện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân dưới hình thức thử nghiệm, giám định, chứng nhận hợp chuẩn và công bố hợp chuẩn.

3. Đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật được thực hiện bắt buộc theo yêu cầu quản lý nhà nước dưới hình thức thử nghiệm, giám định, chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.

Điều 42. Yêu cầu đối với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật dùng để đánh giá sự phù hợp

Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật dùng để đánh giá sự phù hợp phải quy định đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý cụ thể có thể đánh giá được bằng các phương pháp và phương tiện hiện có ở trong nước hoặc nước ngoài.

Điều 43. Dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy

1. Dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy là dấu hiệu chứng minh sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

2. Dấu hợp chuẩn được cấp cho sản phẩm, hàng hoá sau khi sản phẩm, hàng hoá được chứng nhận hợp chuẩn.

3. Dấu hợp quy được cấp cho sản phẩm, hàng hoá sau khi sản phẩm, hàng hoá được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.

Mục 2. ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP VỚI TIÊU CHUẨN

Điều 44. Chứng nhận hợp chuẩn

1. Chứng nhận hợp chuẩn được thực hiện theo thỏa thuận của tổ chức, cá nhân có nhu cầu chứng nhận với tổ chức chứng nhận sự phù hợp quy định tại Điều 50 của Luật này.

2. Tiêu chuẩn dùng để chứng nhận hợp chuẩn là tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 42 của Luật này.

Điều 45. Công bố hợp chuẩn

1. Tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận sự phù hợp thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá sự phù hợp của mình.

2. Tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn phải đăng ký bản công bố hợp chuẩn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 46. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp chuẩn

1. Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp chuẩn có các quyền sau đây:

a) Lựa chọn tổ chức chứng nhận sự phù hợp;

b) Được cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường đã được chứng nhận hợp chuẩn;

c) Sử dụng dấu hợp chuẩn trên sản phẩm, hàng hoá, bao gói của sản phẩm, hàng hoá, trong tài liệu về sản phẩm, hàng hoá đã được chứng nhận hợp chuẩn;

d) Khiếu nại về kết quả chứng nhận hợp chuẩn, vi phạm của tổ chức chứng nhận sự phù hợp đối với hợp đồng chứng nhận hợp chuẩn.

2. Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp chuẩn có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường với tiêu chuẩn dùng để chứng nhận hợp chuẩn;

b) Thể hiện đúng các thông tin đã ghi trong giấy chứng nhận hợp chuẩn trên sản phẩm, hàng hoá, bao gói của sản phẩm, hàng hóa, trong tài liệu về đối tượng đã được chứng nhận hợp chuẩn;

c) Thông báo cho tổ chức chứng nhận sự phù hợp khi có sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn dùng để chứng nhận hợp chuẩn;

d) Trả chi phí cho việc chứng nhận hợp chuẩn.

Mục 3. ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP VỚI QUY CHUẨN KỸ THUẬT

Điều 47. Chứng nhận hợp quy

1. Chứng nhận hợp quy được thực hiện bắt buộc đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường thuộc đối tượng quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

2. Quy chuẩn kỹ thuật dùng để chứng nhận hợp quy là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 42 của Luật này.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 27 của Luật này chỉ định tổ chức được quyền chứng nhận sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do mình ban hành trên cơ sở xem xét, lựa chọn tổ chức chứng nhận sự phù hợp quy định tại Điều 50 của Luật này.

4. Tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định thực hiện chứng nhận hợp quy theo phương thức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Điều 48. Công bố hợp quy

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật có trách nhiệm công bố sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân trên cơ sở kết quả thử nghiệm của phòng thử nghiệm được công nhận hoặc chỉ định.

2. Tổ chức, cá nhân công bố hợp quy phải đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 49. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp quy

1. Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp quy có các quyền sau đây:

a) Lựa chọn tổ chức chứng nhận sự phù hợp đã được chỉ định theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này;

b) Được cấp giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường đã được chứng nhận hợp quy;

c) Sử dụng dấu hợp quy trên sản phẩm, hàng hoá, bao gói của sản phẩm, hàng hoá, trong tài liệu về sản phẩm, hàng hoá đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy;

d) Khiếu nại về kết quả chứng nhận hợp quy, vi phạm của tổ chức chứng nhận sự phù hợp đối với hợp đồng chứng nhận hợp quy.

2. Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp quy có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

b) Thể hiện đúng các thông tin đã ghi trong giấy chứng nhận hợp quy, bản công bố hợp quy trên sản phẩm, hàng hoá, bao gói của sản phẩm, hàng hoá, trong tài liệu về đối tượng đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy;

c) Cung cấp tài liệu chứng minh việc bảo đảm sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức chứng nhận sự phù hợp;

d) Tạm dừng việc cung cấp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Trả chi phí cho việc chứng nhận hợp quy.

Mục 4. TỔ CHỨC CHỨNG NHẬN SỰ PHÙ HỢP

Điều 50. Các tổ chức chứng nhận sự phù hợp

1. Đơn vị sự nghiệp hoạt động dịch vụ kỹ thuật.

2. Doanh nghiệp.

3. Chi nhánh của tổ chức chứng nhận nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 51. Điều kiện hoạt động của tổ chức chứng nhận sự phù hợp

Tổ chức chứng nhận sự phù hợp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Có bộ máy tổ chức và năng lực đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với tổ chức chứng nhận sự phù hợp;

2. Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế;

3. Đăng ký hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 52. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức chứng nhận sự phù hợp

1. Tổ chức chứng nhận sự phù hợp có các quyền sau đây:

a) Cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn hoặc giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật;

b) Giao quyền sử dụng dấu hợp chuẩn hoặc dấu hợp quy cho tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hoá đã được chứng nhận hợp chuẩn hoặc chứng nhận hợp quy;

c) Thu hồi giấy chứng nhận hợp chuẩn hoặc giấy chứng nhận hợp quy, quyền sử dụng dấu hợp chuẩn hoặc dấu hợp quy đã cấp.

2. Tổ chức chứng nhận sự phù hợp có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện chứng nhận hợp chuẩn hoặc chứng nhận hợp quy theo lĩnh vực đã đăng ký trên cơ sở hợp đồng ký kết với tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận;

b) Bảo đảm tính khách quan và công bằng trong hoạt động chứng nhận hợp chuẩn hoặc chứng nhận hợp quy; không được thực hiện hoạt động tư vấn cho tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận;

c) Bảo mật các thông tin thu thập được trong quá trình tiến hành hoạt động chứng nhận;

d) Giám sát đối tượng đã được chứng nhận nhằm bảo đảm duy trì sự phù hợp của đối tượng đã được chứng nhận với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình;

e) Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thu hồi giấy chứng nhận và quyền sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy.

Mục 5. CÔNG NHẬN, THỪA NHẬN LẨN NHAU

Điều 53. Hoạt động công nhận

1. Hoạt động công nhận được tiến hành đối với các tổ chức sau đây:

a) Phòng thử nghiệm;

b) Phòng hiệu chuẩn;

c) Tổ chức chứng nhận sự phù hợp;

d) Tổ chức giám định.

2. Căn cứ để tiến hành hoạt động công nhận là tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.

3. Hoạt động công nhận do tổ chức công nhận quy định tại Điều 54 của Luật này thực hiện.

Điều 54. Tổ chức công nhận

1. Tổ chức công nhận là đơn vị sự nghiệp khoa học thực hiện đánh giá, công nhận năng lực của các tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật này.

2. Tổ chức công nhận phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có bộ máy tổ chức và năng lực đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với tổ chức công nhận; được tổ chức công nhận quốc tế hoặc tổ chức công nhận khu vực thừa nhận;

b) Hoạt động phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với tổ chức công nhận;

c) Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế;

d) Hoạt động độc lập, khách quan.

3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức công nhận.

Điều 55. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức công nhận

1. Tổ chức công nhận có các quyền sau đây:

a) Cấp chứng chỉ công nhận cho tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật này;

b) Thu hồi chứng chỉ công nhận.

2. Tổ chức công nhận có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện việc công nhận trên cơ sở đề nghị công nhận của tổ chức, cá nhân;

b) Bảo đảm tính khách quan và công bằng trong hoạt động công nhận; không được thực hiện hoạt động tư vấn cho tổ chức đề nghị công nhận quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật này;

c) Bảo mật các thông tin thu thập được trong quá trình tiến hành hoạt động công nhận;

d) Giám sát tổ chức được công nhận nhằm bảo đảm duy trì năng lực của tổ chức được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng;

đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình.

Điều 56. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được công nhận

1. Tổ chức được công nhận có các quyền sau đây:

a) Được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng kết quả hoạt động đánh giá sự phù hợp về chứng nhận, thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định đã được công nhận phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước;

b) Khiếu nại về kết quả công nhận, vi phạm của tổ chức công nhận đối với cam kết thực hiện việc công nhận;

c) Tổ chức chứng nhận sự phù hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 của Luật này còn có các quyền quy định tại khoản 1 Điều 52 của Luật này.

2. Tổ chức được công nhận có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm bộ máy tổ chức và năng lực đã được công nhận phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng;

b) Duy trì hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng;

c) Bảo đảm tính khách quan, công bằng trong hoạt động đánh giá sự phù hợp;

d) Tổ chức chứng nhận sự phù hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 của Luật này còn phải thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật này;

đ) Trả chi phí cho việc công nhận.

Điều 57. Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau

1. Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau bao gồm:

a) Việc Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Việc tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam và tổ chức đánh giá sự phù hợp của các quốc gia, vùng lãnh thổ thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau được thực hiện trên cơ sở thoả thuận giữa các bên.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan tổ chức thực hiện các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau quy định tại khoản 1 Điều này.

Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006

  • Số hiệu: 68/2006/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 29/06/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 9 đến số 10
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH