Hệ thống pháp luật

Chương 7 Luật Quốc phòng 2005

Chương 7:

BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG

Điều 37. Bảo đảm huy động nguồn nhân lực phục vụ quốc phòng

1. Công dân Việt Nam là nguồn nhân lực cơ bản, chủ yếu của quốc phòng.

2. Nhà nước có chính sách, kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng nguồn nhân lực về mọi mặt bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng thời bình và thời chiến.

Điều 38. Bảo đảm nguồn lực tài chính cho quốc phòng

1. Nhà nước bảo đảm ngân sách để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

2. Các tổ chức kinh tế bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của Chính phủ.

3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài đóng góp tài sản cho quốc phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 39. Bảo đảm tài sản phục vụ quốc phòng

1. Tài sản phục vụ quốc phòng là tài sản của Nhà nước do Nhà nước thống nhất quản lý và bảo đảm.

2. Tài sản phục vụ quốc phòng bao gồm:

a) Vũ khí, trang thiết bị, khí tài và vật chất phục vụ mục đích quốc phòng;

b) Đất đai sử dụng vào mục đích quốc phòng theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Tài sản do các doanh nghiệp quốc phòng quản lý;

d) Phương tiện, trang thiết bị, vật chất của nền kinh tế quốc dân do cơ quan, tổ chức và công dân tạo ra được Nhà nước huy động, dự trữ trong kế hoạch động viên quốc phòng;

đ) Văn bản, tài liệu giáo khoa và các công trình nghiên cứu về quốc phòng, quân sự;

e) Phương tiện kỹ thuật được huy động, trưng mua, trưng dụng phục vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật.

3. Nhà nước có kế hoạch xây dựng dự trữ quốc gia để bảo đảm cho quốc phòng. Việc quản lý, sử dụng dự trữ quốc gia bảo đảm cho quốc phòng và các mục đích khác thực hiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

4. Nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng, chiếm giữ trái pháp luật tài sản phục vụ quốc phòng và dự trữ quốc gia bảo đảm cho quốc phòng.

Điều 40. Bảo đảm thông tin liên lạc, thông tin tuyên truyền phục vụ quốc phòng

1. Nhà nước có kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc, thông tin tuyên truyền phục vụ quốc phòng.

2. Bộ Bưu chính - Viễn thông, Bộ Văn hoá - Thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc, thông tin tuyên truyền phục vụ quốc phòng trong thời bình và thời chiến.

3. Nghiêm cấm việc tuyên truyền, truyền dẫn những thông tin, thông báo về quốc phòng ngoài nhiệm vụ được giao.

Điều 41. Bảo đảm y tế phục vụ quốc phòng

1. Nhà nước có kế hoạch bảo đảm y tế phục vụ quốc phòng.

2. Bộ Y tế trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm y tế phục vụ quốc phòng trong thời bình và thời chiến.

Điều 42. Bảo đảm công trình quốc phòng và khu quân sự

1. Nhà nước quy hoạch và xây dựng các công trình quốc phòng, khu quân sự trong phạm vi cả nước.

2. Việc quản lý, sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 43. Bảo đảm giao thông phục vụ quốc phòng

1. Nhà nước có kế hoạch bảo đảm giao thông phục vụ quốc phòng.

2. Bộ Giao thông vận tải trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ xây dựng kế hoạch bảo đảm giao thông phục vụ quốc phòng trong thời bình và thời chiến; tổ chức thực hiện bảo đảm giao thông phục vụ quốc phòng theo quyết định của Chính phủ.

Luật Quốc phòng 2005

  • Số hiệu: 39/2005/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 14/06/2005
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: 02/08/2005
  • Số công báo: Từ số 3 đến số 4
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH