Hệ thống pháp luật

Chương 6 Luật Quốc phòng 2005

Chương 6:

TÌNH TRẠNG CHIẾN TRANH, TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VỀ QUỐC PHÒNG

Điều 29. Tuyên bố tình trạng chiến tranh

1. Khi nước nhà bị xâm lược, Quốc hội xem xét, quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; giao cho Hội đồng quốc phòng và an ninh những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt.

2. Trong trường hợp Quốc hội không thể họp được, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội.

3. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh.

Điều 30. Tổng động viên, động viên cục bộ

1. Khi quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

2. Căn cứ vào Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

3. Lệnh tổng động viên được ban bố công khai trên phạm vi cả nước; thực hiện toàn bộ kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động của xã hội, nền kinh tế quốc dân chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đáp ứng các nhu cầu quốc phòng thời chiến; Quân đội được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và được bổ sung quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật.

4. Lệnh động viên cục bộ được ban bố công khai ở một hoặc một số địa phương và được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động của xã hội và nền kinh tế của địa phương thuộc diện động viên được chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và nhu cầu quốc phòng; Quân đội được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định; một bộ phận lực lượng thường trực của Quân đội được bổ sung quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật.

Điều 31. Ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng

1. Khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

2. Căn cứ vào Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Điều 32. Thiết quân luật

1. Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ.

2. Trong lệnh thiết quân luật phải xác định cụ thể địa bàn thiết quân luật, biện pháp và hiệu lực thi hành; quy định việc thực hiện các nghĩa vụ công dân, các quy tắc trật tự xã hội cần thiết ở địa phương thiết quân luật và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Trong thời gian thiết quân luật, việc quản lý nhà nước tại địa bàn thiết quân luật được giao cho Quân đội thực hiện. Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa bàn thiết quân luật có quyền ra lệnh áp dụng các biện pháp cần thiết để thực hiện lệnh thiết quân luật và chịu trách nhiệm về việc áp dụng các biện pháp đó.

4. Căn cứ vào lệnh của Chủ tịch nước về thiết quân luật, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện lệnh thiết quân luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ tại địa phương thiết quân luật chấp hành đúng quy định của pháp luật.

5. Việc xét xử tội phạm xảy ra ở địa phương trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật do Toà án quân sự đảm nhiệm.

6. Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ lệnh thiết quân luật khi tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn thiết quân luật đã ổn định.

Điều 33. Giới nghiêm

1. Lệnh giới nghiêm được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp đe dọa gây mất ổn định nghiêm trọng.

2. Trong lệnh giới nghiêm phải xác định rõ khu vực giới nghiêm, thời gian bắt đầu và kết thúc giới nghiêm, những quy định mà cơ quan, tổ chức, cá nhân tại khu vực giới nghiêm phải chấp hành.

3. Lệnh giới nghiêm chỉ có hiệu lực trong thời hạn không quá 24 giờ. Trong thời gian giới nghiêm, ngoài việc bị hạn chế đi lại, mọi quyền hợp pháp khác của công dân được pháp luật bảo vệ.

4. Thẩm quyền ban bố lệnh giới nghiêm được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 34. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quốc phòng và an ninh trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng

1. Quyết định động viên mọi lực lượng và khả năng của nước nhà để bảo vệ Tổ quốc.

2. Quyết định các biện pháp quân sự và điều động lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Quyết định các biện pháp nhằm giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phục vụ quốc phòng.

4. Chỉ đạo các hoạt động tư pháp, ngoại giao thời chiến.

5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt khác khi được Quốc hội giao.

Điều 35. Quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng

Căn cứ vào quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền ra mệnh lệnh đặc biệt để bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu tại khu vực có chiến sự. Người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có chiến sự phải chấp hành mệnh lệnh đó.

Điều 36. Bãi bỏ lệnh tuyên bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ

1. Khi không còn tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, việc tổng động viên, động viên cục bộ.

2. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ lệnh đã công bố.

Luật Quốc phòng 2005

  • Số hiệu: 39/2005/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 14/06/2005
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: 02/08/2005
  • Số công báo: Từ số 3 đến số 4
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH