Hệ thống pháp luật

Chương 5 Luật Ngân hàng Nhà nước 1997

Chương 5:

THANH TRA NGÂN HÀNG, TỔNG KIỂM SOÁT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Điều 50. Thanh tra ngân hàng

1. Thanh tra ngân hàng là thanh tra chuyên ngành về ngân hàng, thuộc bộ máy của Ngân hàng Nhà nước.

2. Quan hệ giữa Thanh tra ngân hàng và Thanh tra nhà nước do pháp luật về thanh tra quy định.

3. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Thanh tra ngân hàng do Chính phủ quy định.

Điều 51. Đối tượng, mục đích của Thanh tra ngân hàng

1. Đối tượng của Thanh tra ngân hàng là tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác.

2. Mục đích của Thanh tra ngân hàng là góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, phục vụ việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Điều 52. Nội dung hoạt động của Thanh tra ngân hàng

Nội dung hoạt động của Thanh tra ngân hàng gồm có:

1. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, việc thực hiện các quy định trong giấy phép hoạt động ngân hàng;

2. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng;

3. Kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Điều 53. Quyền hạn của Thanh tra ngân hàng

Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra ngân hàng có những quyền hạn sau đây:

1. Yêu cầu đối tượng bị thanh tra và các bên có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ và trả lời những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;

2. Lập biên bản thanh tra và kiến nghị biện pháp giải quyết;

3. Áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 54. Trách nhiệm của Thanh tra ngân hàng

Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra ngân hàng có trách nhiệm:

1. Xuất trình quyết định thanh tra và thẻ Thanh tra viên;

2. Thực hiện đúng trình tự, thủ tục thanh tra, không gây phiền hà, sách nhiễu làm cản trở hoạt động ngân hàng bình thường và gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng;

3. Báo cáo Thống đốc về kết quả thanh tra và kiến nghị biện pháp giải quyết;

4. Tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thống đốc và trước pháp luật về kết luận thanh tra và mọi hành vi, quyết định của mình.

Điều 55. Quyền của tổ chức tín dụng, các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng khi Thanh tra ngân hàng thực hiện việc thanh tra

Khi Thanh tra ngân hàng thực hiện việc thanh tra, tổ chức tín dụng, các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng có những quyền sau đây:

1. Yêu cầu Thanh tra viên xuất trình quyết định thanh tra, thẻ Thanh tra viên và thực hiện đúng pháp luật về thanh tra;

2. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi của Thanh tra viên và kết luận, quyết định của Thanh tra ngân hàng mà mình cho là không đúng;

3. Yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi, quyết định xử lý không đúng pháp luật của Thanh tra ngân hàng gây ra.

Điều 56. Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng, các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng khi Thanh tra ngân hàng thực hiện việc thanh tra

Khi Thanh tra ngân hàng thực hiện việc thanh tra, tổ chức tín dụng, các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng có những nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện các yêu cầu của Thanh tra ngân hàng về nội dung thanh tra;

2. Chấp hành các quyết định xử lý của Thanh tra ngân hàng.

Điều 57. Tổng kiểm soát

1. Tổng kiểm soát là đơn vị thuộc bộ máy của Ngân hàng Nhà nước, có những nhiệm vụ sau đây:

a) Kiểm soát hoạt động của các đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước;

b) Kiểm toán nội bộ đối với các đơn vị thực hiện nghiệp vụ ngân hàng trung ương.

2. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Tổng kiểm soát do Thống đốc quy định.

Luật Ngân hàng Nhà nước 1997

  • Số hiệu: 06/1997/QH10
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 12/12/1997
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 10/02/1998
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 01/10/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH