Hệ thống pháp luật

Chương 3 Luật Ngân hàng Nhà nước 1997

Chương 3:

HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Mục 1: THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ QUỐC GIA

Điều 15. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia

Trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm:

1. Chủ trì xây dựng dự án chính sách tiền tệ quốc gia, kế hoạch cung ứng lượng tiền bổ sung cho lưu thông hàng năm trình Chính phủ;

2. Điều hành các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; thực hiện việc đưa tiền ra lưu thông, rút tiền từ lưu thông về theo tín hiệu của thị trường trong phạm vi lượng tiền cung ứng đã được Chính phủ phê duyệt;

3. Báo cáo Chính phủ, Quốc hội kết quả thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Điều 16. Công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia

Để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác do Thống đốc quyết định.

Điều 17. Hình thức tái cấp vốn

Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc tái cấp vốn cho các ngân hàng theo những hình thức sau đây:

1. Cho vay lại theo hồ sơ tín dụng;

2. Chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác;

3. Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác.

Điều 18. Lãi suất

Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn.

Điều 19. Tỷ giá hối đoái

1. Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

2. Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam.

Điều 20. Dự trữ bắt buộc

1. Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi với mức từ 0% đến 20% tổng số dư tiền gửi tại mỗi tổ chức tín dụng trong từng thời kỳ.

2. Việc trả lãi đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc của từng loại hình tổ chức tín dụng, từng loại tiền gửi trong từng thời kỳ do Chính phủ quy định.

Điều 21. Nghiệp vụ thị trường mở

Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc mua, bán tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và các loại giấy tờ có giá ngắn hạn khác trên thị trường tiền tệ để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Mục 2: PHÁT HÀNH TIỀN GIẤY VÀ TIỀN KIM LOẠI

Điều 22. Đơn vị tiền tệ

Đơn vị tiền tệ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là "đồng", ký hiệu quốc gia là "đ", ký hiệu quốc tế là "VND"; một đồng bằng mười hào, một hào bằng mười xu.

Điều 23. Phát hành tiền

1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm tiền giấy và tiền kim loại.

2. Tiền giấy và tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành được dùng làm phương tiện thanh toán không hạn chế trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Ngân hàng Nhà nước quản lý tiền dự trữ phát hành theo quy định của Chính phủ.

4. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế.

5. Tiền phát hành vào lưu thông là tài sản "Nợ" đối với nền kinh tế và được cân đối bằng tài sản "Có" của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 24. In, đúc, bảo quản, vận chuyển, phát hành, tiêu huỷ tiền

1. Ngân hàng Nhà nước thiết kế mệnh giá, kích thước, trọng lượng, hình vẽ, hoa văn và các đặc điểm khác của tiền giấy, tiền kim loại trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc in, đúc, bảo quản, vận chuyển, phát hành, tiêu huỷ tiền.

Điều 25. Xử lý tiền rách nát, hư hỏng

Ngân hàng Nhà nước quy định tiêu chuẩn phân loại tiền rách nát, hư hỏng; đổi, thu hồi các loại tiền rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông; không đổi những đồng tiền rách nát, hư hỏng do hành vi phá hoại.

Điều 26. Thu hồi, thay thế tiền

Ngân hàng Nhà nước thu hồi và rút khỏi lưu thông các loại tiền không còn thích hợp và phát hành các loại tiền khác thay thế. Các loại tiền thu hồi được đổi lấy các loại tiền khác với giá trị tương đương trong thời hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định. Sau thời hạn thu đổi, các loại tiền thu hồi không còn giá trị lưu hành.

Điều 27. Tiền mẫu, tiền lưu niệm

Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc in, đúc, bán ở trong nước và ngoài nước các loại tiền mẫu, tiền lưu niệm được thiết kế phục vụ cho mục đích sưu tập hoặc mục đích khác theo quy định của Chính phủ.

Điều 28. Ban hành và kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế nghiệp vụ phát hành tiền

1. Chính phủ ban hành quy chế nghiệp vụ phát hành tiền bao gồm các quy định về việc in, đúc, bảo quản, vận chuyển, phát hành, thu hồi, thay thế, tiêu huỷ tiền và chi phí cho các hoạt động nghiệp vụ phát hành tiền.

2. Bộ Tài chính kiểm tra việc thực hiện quy chế nghiệp vụ phát hành tiền; Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ giám sát quá trình in, đúc, tiêu huỷ tiền.

Điều 29. Các hành vi bị nghiêm cấm

Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả;

2. Huỷ hoại đồng tiền;

3. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

Mục 3: HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG

Điều 30. Cho vay

1. Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức tín dụng là ngân hàng vay ngắn hạn dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định tại Điều 17 của Luật này.

2. Trong trường hợp đặc biệt, khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước cho vay đối với tổ chức tín dụng tạm thời mất khả năng chi trả, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng.

3. Ngân hàng Nhà nước không cho vay đối với cá nhân và tổ chức không phải là tổ chức tín dụng quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Điều 31. Bảo lãnh

Ngân hàng Nhà nước không bảo lãnh cho tổ chức, cá nhân vay vốn, trừ trường hợp có chỉ định của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo lãnh cho tổ chức tín dụng vay vốn nước ngoài.

Điều 32. Tạm ứng cho ngân sách nhà nước

Ngân hàng Nhà nước tạm ứng cho ngân sách trung ương để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khoản tạm ứng này phải được hoàn trả trong năm ngân sách, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 33. Góp vốn, mua cổ phần

Ngân hàng Nhà nước không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp khác.

Mục 4: MỞ TÀI KHOẢN, HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN VÀ NGÂN QUỸ

Điều 34. Mở tài khoản

1. Ngân hàng Nhà nước được mở tài khoản ở ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế.

2. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản và thực hiện các giao dịch cho các tổ chức tín dụng trong nước, các ngân hàng nước ngoài và tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế.

3. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản và thực hiện các giao dịch cho Kho bạc Nhà nước. ở huyện, thị xã không phải là tỉnh lỵ, Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tại một ngân hàng thương mại nhà nước.

Điều 35. Hoạt động thanh toán và ngân quỹ

1. Ngân hàng Nhà nước tổ chức hệ thống thanh toán liên ngân hàng và cung cấp các dịch vụ thanh toán.

2. Ngân hàng Nhà nước làm dịch vụ ngân quỹ thông qua việc thu và phát tiền mặt cho khách hàng.

3. Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện đầy đủ, kịp thời các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt và không dùng tiền mặt theo yêu cầu của chủ tài khoản.

4. Ngân hàng Nhà nước ký kết và thực hiện các thoả thuận về thanh toán với ngân hàng nước ngoài và tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Đại lý cho Kho bạc Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước làm đại lý cho Kho bạc Nhà nước trong việc tổ chức đấu thầu, phát hành và thanh toán tín phiếu, trái phiếu kho bạc.

Mục 5: QUẢN LÝ NGOẠI HỐI VÀ HOẠT ĐỘNG NGOẠI HỐI

Điều 37. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý ngoại hối

Trong việc quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác về quản lý ngoại hối; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ngoại hối theo thẩm quyền;

2. Cấp, thu hồi giấy phép hoạt động ngoại hối;

3. Tổ chức, điều hành thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và thị trường ngoại hối trong nước;

4. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối; kiểm soát việc xuất, nhập ngoại hối;

5. Kiểm soát hoạt động ngoại hối của các tổ chức tín dụng;

6. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác về quản lý ngoại hối theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước

1. Dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm:

a) Ngoại tệ tiền mặt, số dư ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ở nước ngoài;

b) Hối phiếu và các giấy nhận nợ của nước ngoài bằng ngoại tệ;

c) Các chứng khoán nợ do Chính phủ, ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ hoặc ngân hàng quốc tế phát hành, bảo lãnh;

d) Vàng;

đ) Các loại ngoại hối khác của Nhà nước.

2. Ngân hàng Nhà nước quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của Chính phủ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán quốc tế, bảo toàn Dự trữ ngoại hối nhà nước.

3. Việc sử dụng Dự trữ ngoại hối nhà nước cho các nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ và Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tình hình biến động Dự trữ ngoại hối nhà nước.

5. Bộ Tài chính kiểm tra việc quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước do Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 39. Hoạt động ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc mua, bán ngoại hối trên thị trường trong nước vì mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia; mua, bán ngoại hối trên thị trường quốc tế và thực hiện các giao dịch ngoại hối khác theo quy định của Chính phủ.

Mục 6: HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN

Điều 40. Thu nhận và cung cấp thông tin

1. Ngân hàng Nhà nước tổ chức thu nhận, phân tích và dự báo thông tin trong nước và ngoài nước về kinh tế, tài chính, tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm phục vụ việc xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Tổ chức hữu quan có trách nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Chính phủ.

2. Ngân hàng Nhà nước trao đổi và làm dịch vụ thông tin về tiền tệ, hoạt động ngân hàng cho các tổ chức tín dụng, các tổ chức khác và cá nhân.

Điều 41. Công bố thông tin

Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Thống đốc quy định phạm vi, hình thức và thời điểm công bố các thông tin này.

Điều 42. Bảo vệ bí mật thông tin

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và trình Chính phủ quyết định danh mục tài liệu mật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật của Ngân hàng Nhà nước và của khách hàng theo quy định của pháp luật.

Luật Ngân hàng Nhà nước 1997

  • Số hiệu: 06/1997/QH10
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 12/12/1997
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 10/02/1998
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 01/10/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH