Hệ thống pháp luật

Chương 4 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005

CHƯƠNG IV

BẢO LƯU ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ NHIỀU BÊN

Điều 54. Bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm nêu rõ kiến nghị đưa ra bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên, yêu cầu, nội dung, thời điểm tuyên bố bảo lưu trong tờ trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên được phép bảo lưu và có điều khoản mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần tuyên bố bảo lưu.

2. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm nêu rõ kiến nghị chính thức khẳng định lại bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố khi ký điều ước quốc tế đó trong tờ trình Chính phủ về việc phê chuẩn hoặc phê duyệt điều ước quốc tế nhiều bên.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có quyền quyết định việc bảo lưu điều ước quốc tế đó.

Điều 55. Thông báo về bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi ký điều ước quốc tế đó.

2. Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế có điều khoản mà Việt Nam tuyên bố bảo lưu hoặc phải khẳng định lại bảo lưu đã tuyên bố khi ký điều ước quốc tế đó.

3. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của tuyên bố bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.

Điều 56. Chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài

1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm nêu rõ yêu cầu, nội dung chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài; kiến nghị thời điểm đưa ra chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu và hậu quả pháp lý của việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu trong tờ trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên trong trường hợp điều ước quốc tế nhiều bên được phép bảo lưu nhưng phải có sự chấp nhận của các bên ký kết đối với bảo lưu được đưa ra.

2. Trong trường hợp bên ký kết nước ngoài đưa ra bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhiều bên sau khi cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước nhiều bên thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

3. Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm:

a) Tờ trình của cơ quan đề xuất có những nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Bản sao điều ước quốc tế nhiều bên, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;

c) ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;

d) Các tài liệu cần thiết khác.

Điều 57. Thẩm quyền quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài

1. Quốc hội quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên mà Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập.

2. Chủ tịch nước quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên mà Chủ tịch nước quyết định ký, phê chuẩn hoặc gia nhập.

3. Chính phủ quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên mà Chính phủ quyết định ký, phê duyệt hoặc gia nhập.

Việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu phải được thể hiện bằng văn bản.

Điều 58. Trình tự, thủ tục trình, quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài

1. Trình tự, thủ tục trình, quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên được thực hiện tương tự quy định tại Điều 38 của Luật này.

2. Quốc hội quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên khi quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập điều ước quốc tế đó hoặc sau khi nhận được tờ trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu.

3. Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế nhiều bên khi quyết định ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế đó hoặc trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được tờ trình bổ sung về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu.

Điều 59. Thông báo về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài

1. Cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên tuyên bố của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài khi gửi các văn kiện phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký thông báo đối ngoại về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.

4. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về ngày có hiệu lực của việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.

Điều 60. Rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu

1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đưa ra bảo lưu hoặc phản đối bảo lưu có quyền quyết định rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu đó.

Trình tự, thủ tục trình, quyết định rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu được thực hiện tương tự quy định tại Điều 38 của Luật này.

Việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu phải được thể hiện bằng văn bản.

3. Hồ sơ trình về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu bao gồm:

a) Tờ trình về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu, hậu quả pháp lý của việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu;

b) Bản sao điều ước quốc tế, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt;

c) Ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan;

d) Các tài liệu cần thiết khác.

4. Thủ tục thông báo về việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu được thực hiện tương tự quy định tại Điều 55Điều 59 của Luật này.

Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005

  • Số hiệu: 41/2005/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 14/06/2005
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: 17/07/2005
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH