Hệ thống pháp luật

Chương 4 Luật Kiểm toán Nhà nước 2005

Chương 4:

HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

MỤC 1: QUYẾT ĐỊNH KIỂM TOÁN

Điều 33. Căn cứ để ra quyết định kiểm toán

Tổng Kiểm toán Nhà nước ra quyết định kiểm toán khi có một trong các căn cứ sau đây:

1. Kế hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước;

2. Yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

3. Yêu cầu của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đề nghị của các đơn vị được quy định tại khoản 12 Điều 63 của Luật này và các đơn vị không nằm trong kế hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước chấp nhận.

Điều 34. Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước

1. Việc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các cấp được thực hiện trước khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách.

2. Trong trường hợp đã thực hiện kiểm toán nhưng báo cáo quyết toán ngân sách chưa được Quốc hội, Hội đồng nhân dân phê chuẩn thì trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán Nhà nước phải tiếp tục làm rõ những vấn đề Quốc hội, Hội đồng nhân dân yêu cầu để trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân vào thời gian do Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định.

3. Việc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương sau khi Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách mà trước đó chưa kiểm toán thì thực hiện theo quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Điều 35. Quyết định kiểm toán

1. Quyết định kiểm toán phải ghi rõ các nội dung sau đây:

a) Căn cứ pháp lý để thực hiện kiểm toán;

b) Đơn vị được kiểm toán;

c) Mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán;

d) Địa điểm kiểm toán; thời hạn kiểm toán;

đ) Trưởng Đoàn kiểm toán và các thành viên khác của Đoàn kiểm toán.

2. Quyết định kiểm toán phải được gửi cho đơn vị được kiểm toán chậm nhất là ba ngày và phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày ký, trừ trường hợp kiểm toán đột xuất.

3. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, nếu cần phải thay đổi nội dung, phạm vi, địa điểm, thời hạn kiểm toán và thành viên Đoàn kiểm toán thì Tổng Kiểm toán Nhà nước phải quyết định bằng văn bản và gửi cho đơn vị được kiểm toán theo thời hạn được quy định tại khoản 2 Điều này.

MỤC 2: LOẠI HÌNH VÀ NỘI DUNG KIỂM TOÁN

Điều 36. Loại hình kiểm toán

1. Loại hình kiểm toán bao gồm:

a) Kiểm toán báo cáo tài chính;

b) Kiểm toán tuân thủ;

c) Kiểm toán hoạt động.

2. Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định loại hình kiểm toán của từng cuộc kiểm toán. Trường hợp kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì loại hình kiểm toán được thực hiện theo yêu cầu.

Điều 37. Nội dung kiểm toán báo cáo tài chính

1. Nội dung kiểm toán báo cáo tài chính đối với các đơn vị được kiểm toán thuộc hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước bao gồm:

a) Tiền và các khoản tương đương tiền;

b) Nguồn kinh phí, quỹ;

c) Các khoản thanh toán trong và ngoài đơn vị được kiểm toán;

d) Thu, chi ngân sách nhà nước các cấp;

đ) Kết dư ngân sách nhà nước các cấp;

e) Đầu tư tài chính, tín dụng nhà nước;

g) Nợ và xử lý nợ của Nhà nước;

h) Các tài sản khác là đối tượng kế toán của đơn vị được kiểm toán.

2. Nội dung kiểm toán báo cáo tài chính đối với các đơn vị được kiểm toán thuộc lĩnh vực hành chính, sự nghiệp và các tổ chức khác sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bao gồm:

a) Tiền và các khoản tương đương tiền;

b) Vật tư và tài sản cố định;

c) Nguồn kinh phí, quỹ;

d) Các khoản thanh toán trong và ngoài đơn vị được kiểm toán;

đ) Thu, chi và xử lý chênh lệch thu, chi hoạt động;

e) Đầu tư tài chính, tín dụng nhà nước;

g) Các tài sản khác là đối tượng kế toán của đơn vị được kiểm toán.

3. Nội dung kiểm toán báo cáo tài chính đối với các doanh nghiệp nhà nước bao gồm:

a) Tài sản cố định và đầu tư dài hạn; tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn;

b) Nợ phải trả;

c) Vốn chủ sở hữu;

d) Các khoản doanh thu, chi phí kinh doanh, thu nhập khác và chi phí khác;

đ) Thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước;

e) Kết quả và phân chia kết quả hoạt động kinh doanh;

g) Các tài sản khác là đối tượng kế toán của đơn vị được kiểm toán.

Điều 38. Nội dung kiểm toán tuân thủ

1. Tình hình chấp hành Luật ngân sách nhà nước, Luật kế toán, các luật thuế và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Tình hình chấp hành nội quy, quy chế của đơn vị được kiểm toán.

Điều 39. Nội dung kiểm toán hoạt động

1. Tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động.

2. Việc bảo đảm, quản lý và sử dụng các nguồn lực.

3. Hệ thống kiểm soát nội bộ.

4. Các chương trình, dự án; các hoạt động của đơn vị được kiểm toán.

5. Tác động của môi trường bên ngoài đối với tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của đơn vị được kiểm toán.

Điều 40. Quyết định nội dung kiểm toán

Căn cứ mục đích của từng cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định kiểm toán toàn bộ hoặc một số nội dung kiểm toán quy định tại Điều 37, Điều 38 và Điều 39 của Luật này.

MỤC 3: THỜI HẠN KIỂM TOÁN, ĐỊA ĐIỂM KIỂM TOÁN

Điều 41. Thời hạn kiểm toán

1. Mỗi cuộc kiểm toán được thực hiện trong một thời hạn nhất định. Thời hạn của cuộc kiểm toán được tính từ ngày công bố quyết định kiểm toán đến khi kết thúc việc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.

2. Căn cứ nội dung, phạm vi từng cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định cụ thể về thời hạn kiểm toán.

Điều 42. Địa điểm kiểm toán

Việc kiểm toán được thực hiện tại đơn vị được kiểm toán, trụ sở Kiểm toán Nhà nước hoặc tại địa điểm khác. Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định địa điểm kiểm toán.

Trường hợp việc kiểm toán được thực hiện ngoài trụ sở đơn vị được kiểm toán thì đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm chuyển hồ sơ, tài liệu theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

MỤC 4:ĐOÀN KIỂM TOÁN

Điều 43. Thành lập và giải thể Đoàn kiểm toán

1. Đoàn kiểm toán được thành lập để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định thành lập Đoàn kiểm toán theo đề nghị của Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực.

2. Đoàn kiểm toán tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán.

Điều 44. Thành phần Đoàn kiểm toán

Đoàn kiểm toán gồm có Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn, các Tổ trưởng và các thành viên khác. Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định danh sách các thành viên của Đoàn kiểm toán và chỉ định Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán theo đề nghị của Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực.

Điều 45. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Trưởng Đoàn kiểm toán

1. Trưởng Đoàn kiểm toán có các nhiệm vụ sau đây:

a) Xây dựng, trình Kiểm toán trưởng để trình Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán trên cơ sở mục tiêu, nội dung và phạm vi kiểm toán đã được ghi trong quyết định kiểm toán; chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch kiểm toán chi tiết của các Tổ kiểm toán;

b) Phân công nhiệm vụ cho Phó trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán; chỉ đạo, điều hành Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt;

c) Tổ chức, kiểm tra việc thực hiện quy chế Đoàn kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán, quy trình, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán, ghi chép và lưu trữ, bảo quản hồ sơ kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

d) Duyệt biên bản kiểm toán của các Tổ kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán. Tổ chức thảo luận trong Đoàn kiểm toán để thống nhất ý kiến về việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán;

đ) Bảo vệ kết quả kiểm toán được ghi trong báo cáo kiểm toán trước Kiểm toán trưởng và cùng Kiểm toán trưởng bảo vệ kết quả đó trước Tổng Kiểm toán Nhà nước; tổ chức thông báo kết quả kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước thông qua với đơn vị được kiểm toán; ký báo cáo kiểm toán;

e) Quản lý các thành viên của Đoàn kiểm toán trong thời gian thực hiện nhiệm vụ kiểm toán;

g) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Kiểm toán trưởng về tiến độ thực hiện kế hoạch kiểm toán, tình hình và kết quả hoạt động kiểm toán để Kiểm toán trưởng báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Trưởng Đoàn kiểm toán có các quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán; yêu cầu kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ của đơn vị được kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán; triệu tập người làm chứng theo đề nghị của Kiểm toán viên nhà nước;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung kiểm toán;

c) Kiến nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước ra quyết định kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác hoặc Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật; kiến nghị với Tổng Kiểm toán Nhà nước niêm phong tài liệu của đơn vị được kiểm toán khi có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sửa đổi, chuyển dời, cất giấu, huỷ hoại tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán;

d) Yêu cầu Phó trưởng đoàn, Tổ trưởng và các thành viên trong Đoàn kiểm toán báo cáo kết quả kiểm toán; khi có ý kiến khác nhau trong Đoàn kiểm toán về kết quả kiểm toán thì Trưởng Đoàn kiểm toán được quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đồng thời báo cáo ý kiến khác nhau đó với Kiểm toán trưởng;

đ) Bảo lưu bằng văn bản ý kiến của mình khác với đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán;

e) Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị được kiểm toán;

g) Tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ của thành viên trong Đoàn kiểm toán từ Tổ trưởng Tổ kiểm toán trở xuống khi họ có sai phạm làm ảnh hưởng đến hoạt động của Đoàn kiểm toán và báo cáo ngay cho Kiểm toán trưởng; trường hợp có sai phạm nghiêm trọng phải báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước;

h) Đề nghị khen thưởng, kỷ luật đối với Phó trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên khác trong Đoàn kiểm toán khi có thành tích đột xuất hoặc có sai phạm trong thời gian thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

3. Trưởng Đoàn kiểm toán có các trách nhiệm sau đây:

a) Chịu trách nhiệm trước Kiểm toán trưởng và Tổng Kiểm toán Nhà nước về hoạt động của Đoàn kiểm toán;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán;

c) Chịu trách nhiệm liên đới về những hành vi vi phạm của các thành viên trong Đoàn kiểm toán;

d) Bảo đảm điều kiện sinh hoạt và làm việc của Đoàn kiểm toán trong thời gian thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

đ) Chịu trách nhiệm về quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ đối với các thành viên trong Đoàn kiểm toán từ Tổ trưởng trở xuống.

Điều 46. Phó trưởng Đoàn kiểm toán

Phó trưởng Đoàn kiểm toán là người giúp Trưởng Đoàn kiểm toán, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Đoàn kiểm toán và chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn kiểm toán về nhiệm vụ được phân công.

Điều 47. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ kiểm toán

1. Tổ trưởng Tổ kiểm toán có các nhiệm vụ sau đây:

a) Xây dựng kế hoạch kiểm toán chi tiết trình Trưởng Đoàn kiểm toán phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán chi tiết sau khi đã được phê duyệt;

b) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Tổ kiểm toán;

c) Chỉ đạo, điều hành các thành viên trong Tổ kiểm toán thực hiện kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt;

d) Chỉ đạo, kiểm tra việc thu thập bằng chứng kiểm toán; ghi chép nhật ký kiểm toán và các tài liệu làm việc của Tổ kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

đ) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Đoàn kiểm toán về tiến độ thực hiện kế hoạch kiểm toán, tình hình và kết quả kiểm toán;

e) Tổng hợp kết quả kiểm toán của các thành viên trong Tổ kiểm toán để lập biên bản kiểm toán; tổ chức thảo luận trong Tổ kiểm toán để thống nhất về đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong biên bản kiểm toán;

g) Bảo vệ kết quả kiểm toán được ghi trong biên bản kiểm toán trước Trưởng Đoàn kiểm toán; tổ chức thông báo kết quả kiểm toán đã được Trưởng đoàn thông qua với đơn vị được kiểm toán; ký biên bản kiểm toán;

h) Thừa uỷ quyền Trưởng Đoàn kiểm toán quản lý các thành viên của Tổ kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Tổ trưởng Tổ kiểm toán có các quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán;

c) Bảo lưu bằng văn bản ý kiến của mình khác với đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong biên bản kiểm toán;

d) Báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý những thành viên Tổ kiểm toán có sai phạm để Trưởng Đoàn kiểm toán xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định.

3. Tổ trưởng Tổ kiểm toán có các trách nhiệm sau đây:

a) Chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn kiểm toán về hoạt động của Tổ kiểm toán;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán;

c) Chịu trách nhiệm giải trình các vấn đề có liên quan đến công tác của Tổ kiểm toán theo yêu cầu của Trưởng Đoàn kiểm toán hoặc đơn vị, cá nhân có thẩm quyền;

d) Chịu trách nhiệm liên đới về hành vi vi phạm của các thành viên trong Tổ kiểm toán.

Điều 48. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước

1. Thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước có các nhiệm vụ sau đây:

a) Hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được phân công với Tổ trưởng Tổ kiểm toán;

b) Khi tiến hành kiểm toán chỉ tuân theo pháp luật và những quy định hiện hành về kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, tuân thủ nguyên tắc, chuẩn mực, quy trình và các quy định khác về kiểm toán của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

c) Thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán; ghi nhật ký kiểm toán và các tài liệu làm việc khác của Kiểm toán viên nhà nước, lưu giữ, bảo quản hồ sơ kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

d) Chấp hành ý kiến chỉ đạo và kết luận của Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán;

đ) Chấp hành kỷ luật công tác của Tổ kiểm toán, Đoàn kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước có các quyền hạn sau đây:

a) Khi thực hiện kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong việc nhận xét, đánh giá, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán;

b) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán;

c) Sử dụng thông tin, tài liệu của cộng tác viên kiểm toán; xem xét tất cả tài liệu liên quan đến hoạt động của đơn vị được kiểm toán; thu thập và bảo vệ tài liệu và bằng chứng khác; quan sát quy trình hoạt động của đơn vị được kiểm toán;

d) Bảo lưu bằng văn bản ý kiến về kết quả kiểm toán trong phạm vi được phân công; báo cáo Trưởng Đoàn kiểm toán hoặc Kiểm toán trưởng xem xét, nếu không thống nhất thì báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước;

đ) Yêu cầu Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán làm rõ những lý do thay đổi đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị của mình trong biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán;

e) Đề nghị Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán triệu tập người làm chứng để thu thập bằng chứng kiểm toán cần thiết; đề nghị đơn vị được kiểm toán triệu tập họp đơn vị và giải trình về những vấn đề liên quan đến việc kiểm toán; đề nghị mời chuyên gia, cộng tác viên kiểm toán khi cần thiết;

g) Được bảo đảm điều kiện và phương tiện cần thiết để tiến hành kiểm toán có hiệu quả; được đơn vị được kiểm toán bố trí địa điểm làm việc trong trường hợp việc kiểm toán được thực hiện tại đơn vị được kiểm toán;

h) Được pháp luật bảo vệ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Điều 49. Nhiệm vụ và trách nhiệm của các thành viên khác của Đoàn kiểm toán

1. Các thành viên khác của Đoàn kiểm toán gồm Kiểm toán viên dự bị và cộng tác viên kiểm toán.

2. Thành viên khác của Đoàn kiểm toán có nhiệm vụ và trách nhiệm sau đây:

a) Hoàn thành nhiệm vụ theo sự phân công của Tổ trưởng Tổ kiểm toán;

b) Tuân thủ chuẩn mực, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước;

c) Chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng Tổ kiểm toán về nhiệm vụ được giao.

MỤC 5: QUY TRÌNH KIỂM TOÁN

Điều 50. Các bước của quy trình kiểm toán

1. Chuẩn bị kiểm toán.

2. Thực hiện kiểm toán.

3. Lập và gửi báo cáo kiểm toán.

4. Kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Điều 51. Chuẩn bị kiểm toán

1. Khảo sát, thu thập thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ, tình hình tài chính và các thông tin có liên quan về đơn vị được kiểm toán.

2. Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và thông tin đã thu thập về đơn vị được kiểm toán để xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán và phương pháp kiểm toán thích hợp.

3. Lập kế hoạch kiểm toán.

Điều 52. Thực hiện kiểm toán

1. Đoàn kiểm toán phải thực hiện kiểm toán đúng đơn vị được kiểm toán, mục tiêu, nội dung, phạm vi, địa điểm và thời hạn kiểm toán được ghi trong quyết định kiểm toán của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Các thành viên Đoàn kiểm toán áp dụng các phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán để thu thập và đánh giá các bằng chứng kiểm toán; kiểm tra, đối chiếu, xác nhận; điều tra đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán làm cơ sở cho các ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán.

Điều 53. Lập và gửi báo cáo kiểm toán

1. Kết thúc năm kiểm toán và kết thúc cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước lập báo cáo kiểm toán ghi rõ các ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán.

Báo cáo kiểm toán được Tổng Kiểm toán Nhà nước hoặc người được Tổng Kiểm toán Nhà nước uỷ quyền ký tên, đóng dấu.

2. Báo cáo kiểm toán bao gồm các loại sau đây:

a) Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán;

b) Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước;

c) Báo cáo kiểm toán năm;

d) Báo cáo kiểm toán đột xuất.

3. Việc lập và gửi báo cáo kiểm toán được thực hiện theo quy định tại Điều 54, Điều 55 và Điều 56 của Luật này.

Điều 54. Lập và gửi báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán

1. Chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày Đoàn kiểm toán kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán phải hoàn thành dự thảo báo cáo kiểm toán gửi Kiểm toán trưởng để Kiểm toán trưởng trình dự thảo báo cáo kiểm toán lên Tổng Kiểm toán Nhà nước chậm nhất là hai mươi ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.

2. Chậm nhất là mười ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm tổ chức xét duyệt, hoàn thiện dự thảo báo cáo kiểm toán và gửi lấy ý kiến của đơn vị được kiểm toán chậm nhất là năm ngày sau khi dự thảo báo báo kiểm toán được xét duyệt và hoàn thiện.

3. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo kiểm toán, đơn vị được kiểm toán phải có ý kiến bằng văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước; quá thời hạn trên, đơn vị được kiểm toán không có ý kiến thì được coi là đã nhất trí với dự thảo báo cáo kiểm toán.

4. Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán được Kiểm toán Nhà nước gửi cho đơn vị được kiểm toán và các cơ quan có liên quan theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước chậm nhất là bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán; trường hợp đặc biệt thì có thể kéo dài, nhưng không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.

5. Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương được gửi cho Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp; đối với báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn được gửi cho Bộ Tài chính.

Điều 55. Lập và gửi báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước và báo cáo kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước

1. Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước được lập trên cơ sở kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, kết quả kiểm toán ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong năm của Kiểm toán Nhà nước.

2. Báo cáo kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước được lập trên cơ sở báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước và tổng hợp kết quả kiểm toán trong năm của Kiểm toán Nhà nước.

3. Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo kiểm toán năm đến Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội chậm nhất là mười sáu tháng sau khi năm ngân sách kết thúc, đồng thời gửi Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Điều 56. Lập và gửi báo cáo kiểm toán đột xuất

Căn cứ vào tính chất của cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước lập và gửi báo cáo kiểm toán đột xuất tới Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 57. Kiểm tra việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán

1. Kiểm toán Nhà nước phải lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về các sai phạm trong báo cáo tài chính và vi phạm pháp luật; thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động và kết quả khắc phục các yếu kém đó theo kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

2. Việc kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện theo các hình thức sau đây:

a) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán;

b) Tổ chức kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan.

MỤC 6: CÔNG KHAI KẾT QUẢ KIỂM TOÁN VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ KIỂM TOÁN

Điều 58. Công khai báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán

1. Báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi trình Quốc hội được công bố công khai theo quy định của pháp luật.

2. Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức công khai báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo các hình thức sau đây:

a) Họp báo;

b) Công bố trên Công báo và phương tiện thông tin đại chúng;

c) Đăng tải trên trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của Kiểm toán Nhà nước.

Điều 59. Công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán

Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai cùng với báo cáo tài chính theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Luật kế toán.

MỤC 7: HỒ SƠ KIỂM TOÁN

Điều 60. Hồ sơ kiểm toán

1. Tài liệu của mỗi cuộc kiểm toán đều phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ kiểm toán gồm có:

a) Quyết định kiểm toán;

b) Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách được kiểm toán;

c) Kế hoạch kiểm toán, kế hoạch kiểm toán chi tiết;

d) Nhật ký và tài liệu làm việc của Kiểm toán viên nhà nước, Tổ kiểm toán;

đ) Giải trình của đơn vị được kiểm toán;

e) Biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của Kiểm toán viên nhà nước;

g) Biên bản kiểm toán;

h) Báo cáo kiểm toán;

i) Các tài liệu khác có liên quan đến cuộc kiểm toán.

2. Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể về hồ sơ kiểm toán.

3. Hồ sơ kiểm toán phải đưa vào lưu trữ trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày phát hành báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán.

4. Thời hạn lưu trữ hồ sơ kiểm toán tối thiểu là hai mươi năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật này.

Điều 61. Bảo quản và khai thác hồ sơ kiểm toán

1. Hồ sơ kiểm toán phải được bảo quản đầy đủ, an toàn và bảo mật.

2. Chỉ được khai thác hồ sơ kiểm toán trong các trường hợp sau đây:

a) Khi có yêu cầu của Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật;

b) Khi có yêu cầu giám định, kiểm tra chất lượng kiểm toán; giải quyết kiến nghị về báo cáo kiểm toán, các khiếu nại, tố cáo, lập kế hoạch kiểm toán kỳ sau và các yêu cầu khác theo quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Điều 62. Tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán

1. Hồ sơ kiểm toán đã hết thời hạn lưu trữ, nếu không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được tiêu huỷ theo quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định thành lập Hội đồng tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán hết thời hạn lưu trữ. Hội đồng tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán phải tiến hành kiểm kê, lập danh mục hồ sơ kiểm toán tiêu huỷ và biên bản tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán hết thời hạn lưu trữ.

3. Việc tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán được thực hiện bằng cách đốt cháy, cắt, xé nhỏ bằng máy hoặc bằng phương pháp thủ công, bảo đảm các thông tin, số liệu trong hồ sơ kiểm toán đã tiêu huỷ không thể sử dụng lại được.

Luật Kiểm toán Nhà nước 2005

  • Số hiệu: 37/2005/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 14/06/2005
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH