Hệ thống pháp luật

Chương 7 Luật Khoáng sản 1996

Chương 7:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN

Điều 54. Nội dung quản lý nhà nước về khoáng sản

Nội dung quản lý nhà nước về khoáng sản bao gồm:

1- Hoạch định chiến lược, quy hoạch và chính sách về bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản;

2- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về khoáng sản;

3- Cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản; cho phép chuyển nhượng, để thừa kế quyền hoạt động khoáng sản, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản; đăng ký các hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản;

4- Thẩm định, phê duyệt, đánh giá các đề án, báo cáo, thiết kế mỏ trong hoạt động khoáng sản;

5- Kiểm tra, thanh tra các hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, hoạt động khoáng sản;

6- Thực hiện các chính sách đối với nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến và nơi có khoáng sản độc hại;

7- Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản;

8- Tổ chức lưu trữ, bảo vệ tài liệu và bí mật nhà nước về tài nguyên khoáng sản;

9- Đào tạo cán bộ khoa học, cán bộ quản lý về khoáng sản; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thi hành pháp luật về khoáng sản;

10- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản;

11- Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về hoạt động khoáng sản và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về khoáng sản.

Điều 55. Thẩm quyền quản lý nhà nước về khoáng sản

Theo nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi cả nước.

Bộ Công nghiệp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản. Bộ Công nghiệp, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp trong việc quản lý nhà nước về khoáng sản.

Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản giúp Chính phủ trong việc thẩm định, xét duyệt trữ lượng khoáng sản. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản do Chính phủ quy định.

Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương theo quy định của Luật này và theo phân cấp của Chính phủ.

Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản của Bộ Công nghiệp và của ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định.

Điều 56. Thẩm quyền, thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản

1- Việc phân cấp thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản phải bảo đảm quyền quản lý tập trung thống nhất của Chính phủ về khoáng sản, căn cứ vào tính chất của loại khoáng sản và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.

2- Thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản và thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng, để thừa kế quyền hoạt động khoáng sản, đăng ký hoạt động khoáng sản do Chính phủ quy định.

Điều 57. Giải quyết tranh chấp về hoạt động khoáng sản

Việc giải quyết tranh chấp về hoạt động khoáng sản được quy định như sau:

1- Cơ quan có thẩm quyền cấp loại giấy phép hoạt động khoáng sản nào thì có trách nhiệm giải quyết tranh chấp về quyền hoạt động khoáng sản phát sinh từ việc sử dụng loại giấy phép đó; trong trường hợp không đồng ý với quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

2- Tranh chấp khác phát sinh trong hoạt động khoáng sản được giải quyết theo thẩm quyền và trình tự do pháp luật quy định.

Luật Khoáng sản 1996

  • Số hiệu: 47-L/CTN
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 20/03/1996
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 15/06/1996
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: 01/09/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH