Hệ thống pháp luật

Chương 2 Luật Khoáng sản 1996

Chương 2:

BẢO VỆ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN, ĐIỀU TRA CƠ BẢN ĐỊA CHẤT VỀ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN

Điều 9. Bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác

1- Chính phủ có chính sách, biện pháp để bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản có trách nhiệm xác định khu vực có tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác ở địa phương.

Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân có quyền và trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và giữ gìn bí mật nhà nước về tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

2- Việc quy hoạch, thiết kế xây dựng các khu dân cư tập trung, công trình công nghiệp, thủy lợi, công trình cố định khác ở những khu vực có tài nguyên khoáng sản phải được sự thỏa thuận của cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản; đối với các công trình quốc phòng, an ninh Chính phủ có quy định riêng.

3- Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trong khu vực được hoạt động.

Điều 10. Bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản

1- Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản phải đánh giá tổng hợp và báo cáo đầy đủ mọi loại tài nguyên khoáng sản đã phát hiện được trong khu vực được phép thăm dò cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo đảm không gây tổn thất tài nguyên khoáng sản.

2- Tổ chức, cá nhân được phép khai thác, chế biến khoáng sản phải thu hồi tối đa mọi loại khoáng sản đã được xác định là có hiệu quả kinh tế; thực hiện các biện pháp bảo quản khoáng sản đã khai thác nhưng chưa được sử dụng.

3- Trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, nếu phát hiện khoáng sản mới, tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản để xem xét, quyết định.

Điều 11. Điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản

Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản trên cơ sở điều tra cơ bản địa chất và áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để hoạch định chiến lược, chính sách quốc gia về tài nguyên khoáng sản, phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.

Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản.

Chính phủ quy định việc quản lý các hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản.

Điều 12. Mẫu vật, số liệu, thông tin về tài nguyên khoáng sản

1- Toàn bộ mẫu vật, số liệu, thông tin về tài nguyên khoáng sản đều phải được lưu trữ, quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

2- Nhà nước độc quyền thu mua các mẫu vật có giá trị khoa học đặc biệt hoặc quý hiếm; nghiêm cấm hành vi cất giấu, phá hủy, làm giảm chất lượng hoặc mua bán trái phép các mẫu vật đó. Chính phủ quy định danh mục và quy cách các mẫu vật mà Nhà nước độc quyền thu mua.

3- Sau thời hạn do Chính phủ quy định kể từ ngày giấy phép hoạt động khoáng sản hết hạn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác những thông tin về tài nguyên khoáng sản có liên quan đến giấy phép đó.

Luật Khoáng sản 1996

  • Số hiệu: 47-L/CTN
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 20/03/1996
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 15/06/1996
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: 01/09/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH