Hệ thống pháp luật

Mục 4 Chương 3 Luật Hải quan 2001

Mục 4: KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI

Điều 50. Địa điểm làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh

1. Phương tiện vận tải khi xuất cảnh, nhập cảnh phải qua cửa khẩu của Việt Nam.

Phương tiện vận tải nhập cảnh phải được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập đầu tiên. Phương tiện vận tải xuất cảnh phải được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu xuất cuối cùng.

2. Việc xuất cảnh, nhập cảnh của phương tiện vận tải qua các địa điểm khác do Chính phủ quy định.

Điều 51. Tuyến đường, thời gian chịu sự giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu

1. Phương tiện vận tải nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu phải di chuyển theo đúng tuyến đường quy định, chịu sự giám sát hải quan từ khi đến địa bàn hoạt động hải quan, quá trình di chuyển cho đến khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

2. Phương tiện vận tải Việt Nam nhập cảnh chịu sự giám sát hải quan từ khi tới địa bàn hoạt động hải quan cho đến khi toàn bộ hàng hoá nhập khẩu chuyên chở trên phương tiện vận tải được dỡ hết khỏi phương tiện để làm thủ tục nhập khẩu.

Phương tiện vận tải Việt Nam xuất cảnh chịu sự giám sát hải quan từ khi bắt đầu xếp hàng hoá xuất khẩu cho đến khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

3. Khi có căn cứ để nhận định trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu có cất giấu hàng hoá trái phép, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu, Chi cục trưởng Hải quan địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan quyết định tạm hoãn việc khởi hành hoặc dừng phương tiện vận tải để khám xét. Việc khám xét phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 52. Khai báo và kiểm tra đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

1. Khi làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải phải khai hải quan; nộp, xuất trình các chứng từ vận tải để làm thủ tục hải quan; cung cấp các thông tin, chứng từ về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, vật dụng trên phương tiện vận tải. Thời hạn khai hải quan được thực hiện theo quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều 18 của Luật này.

2. Việc kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế phương tiện vận tải của công chức hải quan được thực hiện theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 19, Điều 20 và Điều 22 của Luật này.

Trong trường hợp các chứng từ vận tải đã đáp ứng yêu cầu của việc kiểm tra hải quan thì chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải không phải làm tờ khai hải quan, trừ hành lý, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của người xuất cảnh, nhập cảnh trên phương tiện vận tải.

Điều 53. Chuyển tải, chuyển cửa khẩu, sang toa, cắt toa, xếp dỡ hàng hoá trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh

Việc chuyển tải, chuyển cửa khẩu, sang toa, cắt toa, xếp dỡ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh đang trong thời gian chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan chỉ được tiến hành khi có sự đồng ý của cơ quan hải quan.

Hàng hoá chuyển tải, chuyển cửa khẩu, sang toa, cắt toa phải được giữ nguyên trạng bao bì, thùng, kiện.

Điều 54. Vận chuyển quốc tế kết hợp vận chuyển nội địa, vận chuyển nội địa kết hợp vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

1. Phương tiện vận tải vận chuyển quốc tế, nếu được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đáp ứng các điều kiện về giám sát hải quan do Tổng cục Hải quan quy định thì được kết hợp vận chuyển hàng hoá nội địa.

2. Phương tiện vận tải vận chuyển nội địa, nếu được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đáp ứng các điều kiện về giám sát hải quan do Tổng cục Hải quan quy định thì được kết hợp vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đang chịu sự giám sát hải quan.

Điều 55. Phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh vì mục đích quốc phòng, an ninh

Phương tiện vận tải quân sự, phương tiện vận tải khác được sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của Chính phủ.

Điều 56. Trách nhiệm phối hợp của người đứng đầu cảng vụ sân bay, cảng biển, ga đường sắt liên vận quốc tế với cơ quan hải quan

Người đứng đầu cảng vụ sân bay, cảng biển, ga đường sắt liên vận quốc tế có trách nhiệm thông báo trước với Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu về thời gian đến và đi, địa điểm đỗ, thời gian xếp, dỡ hàng hoá lên, xuống tàu biển, tàu bay, tàu hoả liên vận quốc tế.

Luật Hải quan 2001

  • Số hiệu: 29/2001/QH10
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 29/06/2001
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 22/09/2001
  • Số công báo: Số 35
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH