Hệ thống pháp luật

Chương 6 Luật giao thông đường bộ 2008

CHƯƠNG VI

VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

Mục 1. HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

Điều 64. Hoạt động vận tải đường bộ

1. Hoạt động vận tải đường bộ gồm hoạt động vận tải không kinh doanh và hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ. Kinh doanh vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.

2. Kinh doanh vận tải đường bộ gồm kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh vận tải hàng hóa.

3. Hoạt động vận tải đường bộ phải phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải đường bộ và mạng lưới tuyến vận tải.

Điều 65. Thời gian làm việc của người lái xe ô tô

1. Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

2. Người vận tải và người lái xe ô tô chịu trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 66. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

1. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm:

a) Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến với lịch trình, hành trình nhất định;

b) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định;

c) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền;

d) Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải;

đ) Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch.

2. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô bao gồm:

a) Kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường;

b) Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải;

c) Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng;

d) Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm.

3. Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Điều 67. Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;

c) Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

d) Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;

đ) Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

2. Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi và phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông;

c) Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai.

3. Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ và phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này.

4. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện và việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Điều 68. Vận tải hành khách bằng xe ô tô

1. Người vận tải, người lái xe khách phải chấp hành các quy định sau đây:

a) Đón, trả hành khách đúng nơi quy định;

b) Không chở hành khách trên mui, trong khoang chở hành lý hoặc để hành khách đu, bám bên ngoài xe;

c) Không chở hàng nguy hiểm, hàng có mùi hôi thối hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách;

d) Không chở hành khách, hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, số người theo quy định;

e) Không để hàng hóa trong khoang chở hành khách; có biện pháp giữ gìn vệ sinh trong xe.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Điều 69. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hành khách

1. Người kinh doanh vận tải hành khách có các quyền sau đây:

a) Thu cước, phí vận tải;

b) Từ chối vận chuyển trước khi phương tiện rời bến xe, rời vị trí đón, trả hành khách theo hợp đồng vận chuyển những người đã có vé hoặc người trong danh sách hợp đồng có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây cản trở công việc của người kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tài sản của người khác, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm.

2. Người kinh doanh vận tải hành khách có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện đầy đủ các cam kết về chất lượng vận tải, hợp đồng vận tải;

b) Mua bảo hiểm cho hành khách; phí bảo hiểm được tính vào giá vé hành khách;

c) Giao vé, chứng từ thu cước, phí vận tải cho hành khách;

d) Bồi thường thiệt hại do người làm công, người đại diện gây ra trong khi thực hiện công việc được người kinh doanh vận tải giao;

đ) Chịu trách nhiệm về hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải trái quy định của Luật này.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vé và chứng từ thu cước, phí vận tải hành khách.

Điều 70. Trách nhiệm của người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải hành khách

1. Kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn của xe trước khi khởi hành.

2. Có thái độ văn minh, lịch sự, hướng dẫn hành khách ngồi đúng nơi quy định.

3. Kiểm tra việc sắp xếp, chằng buộc hành lý, hàng hóa bảo đảm an toàn.

4. Có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của hành khách đi xe, giữ gìn trật tự, vệ sinh trong xe.

5. Đóng cửa lên xuống của xe trước và trong khi xe chạy.

Điều 71. Quyền và nghĩa vụ của hành khách

1. Hành khách có các quyền sau đây:

a) Được vận chuyển theo đúng hợp đồng vận tải, cam kết của người kinh doanh vận tải về chất lượng vận tải;

b) Được miễn cước hành lý với trọng lượng không quá 20 kg và với kích thước phù hợp với thiết kế của xe;

c) Được từ chối chuyến đi trước khi phương tiện khởi hành và được trả lại tiền vé theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Hành khách có các nghĩa vụ sau đây:

a) Mua vé và trả cước, phí vận tải hành lý mang theo quá mức quy định;

b) Có mặt tại nơi xuất phát đúng thời gian đã thỏa thuận; chấp hành quy định về vận chuyển; thực hiện đúng hướng dẫn của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe về các quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

c) Không mang theo hành lý, hàng hóa mà pháp luật cấm lưu thông.

Điều 72. Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

1. Việc vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô phải chấp hành các quy định sau đây:

a) Hàng vận chuyển trên xe phải được xếp đặt gọn gàng và chằng buộc chắc chắn;

b) Khi vận chuyển hàng rời phải che đậy, không để rơi vãi.

2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế và quá kích thước giới hạn cho phép của xe;

b) Chở người trong thùng xe, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.

Điều 73. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hàng hóa

1. Người kinh doanh vận tải hàng hóa có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu người thuê vận tải cung cấp thông tin cần thiết về hàng hóa để ghi vào giấy vận chuyển và có quyền kiểm tra tính xác thực của thông tin đó;

b) Yêu cầu người thuê vận tải thanh toán đủ cước, phí vận tải và chi phí phát sinh; yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Từ chối vận chuyển nếu người thuê vận tải không giao hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp đồng;

d) Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết.

2. Người kinh doanh vận tải hàng hóa có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp phương tiện đúng loại, thời gian, địa điểm và giao hàng hóa cho người nhận hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng;

b) Hướng dẫn xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện;

c) Bồi thường thiệt hại cho người thuê vận tải do mất mát, hư hỏng hàng hóa xảy ra trong quá trình vận tải từ lúc nhận hàng đến lúc giao hàng, trừ trường hợp miễn bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

d) Bồi thường thiệt hại do người làm công, người đại diện gây ra trong khi thực hiện công việc được người kinh doanh vận tải giao;

đ) Chịu trách nhiệm về hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải trái quy định của Luật này.

3. Chính phủ quy định giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh vận tải hàng hóa.

Điều 74. Quyền và nghĩa vụ của người thuê vận tải hàng hóa

1. Người thuê vận tải hàng hóa có các quyền sau đây:

a) Từ chối xếp hàng hóa lên phương tiện mà phương tiện đó không đúng thỏa thuận trong hợp đồng;

b) Yêu cầu người kinh doanh vận tải giao hàng đúng thời gian, địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Yêu cầu người kinh doanh vận tải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Người thuê vận tải hàng hóa có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hợp pháp về hàng hóa trước khi giao hàng hóa cho người kinh doanh vận tải; đóng gói hàng hóa đúng quy cách, ghi ký hiệu, mã hiệu hàng hóa đầy đủ, rõ ràng; giao hàng hóa cho người kinh doanh vận tải đúng thời gian, địa điểm và nội dung khác ghi trong giấy gửi hàng;

b) Thanh toán đủ cước, phí vận tải và chi phí phát sinh cho người kinh doanh vận tải hàng hóa;

c) Cử người áp tải hàng hóa trong quá trình vận tải đối với loại hàng hóa bắt buộc phải có người áp tải.

Điều 75. Quyền và nghĩa vụ của người nhận hàng

1. Người nhận hàng có các quyền sau đây:

a) Nhận và kiểm tra hàng hóa nhận được theo giấy vận chuyển hoặc chứng từ tương đương khác;

b) Yêu cầu người kinh doanh vận tải thanh toán chi phí phát sinh do giao hàng chậm;

c) Yêu cầu hoặc thông báo cho người thuê vận tải để yêu cầu người kinh doanh vận tải bồi thường thiệt hại do mất mát, hư hỏng hàng hóa;

d) Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết.

2. Người nhận hàng có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nhận hàng hóa đúng thời gian, địa điểm đã thỏa thuận; xuất trình giấy vận chuyển và giấy tờ tùy thân cho người kinh doanh vận tải trước khi nhận hàng hóa;

b) Thanh toán chi phí phát sinh do nhận hàng chậm.

Điều 76. Vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng

1. Hàng siêu trường, siêu trọng là hàng có kích thước hoặc trọng lượng vượt quá giới hạn quy định nhưng không thể tháo rời ra được.

2. Việc vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng phải sử dụng xe vận tải phù hợp với loại hàng và phải có giấy phép sử dụng đường bộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

3. Xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng phải chạy với tốc độ quy định trong giấy phép và phải có báo hiệu kích thước của hàng, trường hợp cần thiết phải bố trí người chỉ dẫn giao thông để bảo đảm an toàn giao thông.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.

Điều 77. Vận chuyển động vật sống

1. Tùy theo loại động vật sống, người kinh doanh vận tải yêu cầu người thuê vận tải bố trí người áp tải để chăm sóc trong quá trình vận tải.

2. Người thuê vận tải chịu trách nhiệm về việc xếp, dỡ động vật sống theo hướng dẫn của người kinh doanh vận tải; trường hợp người thuê vận tải không thực hiện được thì phải trả cước, phí xếp, dỡ cho người kinh doanh vận tải.

3. Việc vận chuyển động vật sống trên đường phải tuân theo quy định của pháp luật về vệ sinh, phòng dịch và bảo vệ môi trường.

Điều 78. Vận chuyển hàng nguy hiểm

1. Xe vận chuyển hàng nguy hiểm phải có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Xe vận chuyển hàng nguy hiểm không được dừng, đỗ ở nơi đông người, những nơi dễ xảy ra nguy hiểm.

3. Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm và thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

Điều 79. Hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị

1. Xe buýt phải chạy đúng tuyến, đúng lịch trình và dừng, đỗ đúng nơi quy định.

2. Người lái xe taxi khách, xe taxi tải đón, trả hành khách, hàng hóa theo thỏa thuận giữa hành khách, chủ hàng và người lái xe nhưng phải chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn giao thông.

3. Xe chở hàng phải hoạt động theo đúng tuyến, phạm vi và thời gian quy định đối với từng loại xe.

4. Xe vệ sinh môi trường, xe ô tô chở phế thải, vật liệu rời phải được che phủ kín không để rơi, vãi trên đường phố; trường hợp để rơi, vãi thì người vận tải phải chịu trách nhiệm thu dọn ngay.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị và tỷ lệ phương tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật.

Điều 80. Vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự

1. Việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa phải theo đúng quy định về trật tự, an toàn giao thông.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc thực hiện khoản 1 Điều này.

3. Căn cứ quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể việc tổ chức thực hiện tại địa phương.

Điều 81. Vận tải đa phương thức

1. Vận tải đa phương thức quy định trong Luật này là việc vận chuyển hàng hóa từ địa điểm nhận hàng đến địa điểm trả hàng cho người nhận hàng bằng ít nhất hai phương thức vận tải, trong đó có phương thức vận tải bằng đường bộ trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức.

2. Chính phủ quy định cụ thể về vận tải đa phương thức.

Mục 2. DỊCH VỤ HỖ TRỢ VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

Điều 82. Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

1. Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ gồm dịch vụ tại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đại lý vận tải, đại lý bán vé, dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho hàng, dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điều 83. Tổ chức hoạt động của bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ

1. Hoạt động của bến xe ô tô khách, bến xe ô tô hàng, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ phải bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác bến xe ô tô khách có quyền, nghĩa vụ sắp xếp nơi bán vé hoặc tổ chức bán vé cho hành khách theo hợp đồng với người kinh doanh vận tải; sắp xếp xe ô tô có đủ điều kiện kinh doanh vận tải vào bến đón, trả khách đúng tuyến.

3. Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác bến xe ô tô hàng có quyền, nghĩa vụ sắp xếp xe ô tô vào bến xếp dỡ hàng hóa, dịch vụ kho bãi, ký gửi, đóng gói, bảo quản hàng hóa.

4. Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác bãi đỗ xe có quyền, nghĩa vụ tổ chức dịch vụ trông giữ phương tiện.

5. Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác trạm dừng nghỉ có quyền, nghĩa vụ tổ chức dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; thực hiện công việc theo hợp đồng ủy thác với người vận tải.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào loại bến xe ô tô để quy định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô.

Luật giao thông đường bộ 2008

  • Số hiệu: 23/2008/QH12
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 13/11/2008
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 145 đến số 146
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH