Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 5 Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003

Mục 2: TỔNG CÔNG TY DO CÁC CÔNG TY TỰ ĐẦU TƯ VÀ THÀNH LẬP

Điều 54. Các trường hợp áp dụng quy định về tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập

1. Tổng công ty quy định tại Mục 1 Chương V của Luật này được tổ chức lại hoặc tự đầu tư vào các doanh nghiệp khác, đáp ứng yêu cầu về cơ cấu thành viên quy định tại Điều 55 của Luật này.

2. Công ty nhà nước quy mô lớn có tiềm lực tài chính, nắm giữ bí quyết công nghệ hoặc thị trường và sử dụng các tiềm lực tài chính, bí quyết công nghệ hoặc thị trường đã đầu tư và chi phối doanh nghiệp khác, đáp ứng yêu cầu về cơ cấu thành viên quy định tại Điều 55 của Luật này.

Điều 55. Cơ cấu của tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập

Cơ cấu của tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập bao gồm:

1. Công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác (sau đây gọi là công ty mẹ);

2. Các công ty thành viên (sau đây gọi là các công ty con):

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên do công ty nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ;

b) Các công ty có vốn góp chi phối của công ty nhà nước gồm công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty liên doanh với nước ngoài, công ty ở nước ngoài; công ty có vốn góp chi phối của công ty nhà nước hoạt động theo pháp luật tương ứng với loại hình công ty đó;

3. Các công ty có một phần vốn góp không chi phối của công ty nhà nước (sau đây gọi là công ty liên kết), tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty liên doanh với nước ngoài.

Điều 56. Công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác

1. Công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác có các quyền, nghĩa vụ của công ty nhà nước quy định tại Chương III của Luật này.

2. Bộ máy quản lý của công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác là bộ máy của tổng công ty, có cơ cấu quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ theo quy định tại Mục 2 Chương IV của Luật này.

Điều 57. Quan hệ của công ty nhà nước với công ty do mình đầu tư và nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty nhà nước đầu tư toàn bộ vốn điều lệ hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp. Công ty nhà nước là chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Điều 58. Quan hệ của công ty nhà nước giữ quyền chi phối với công ty có vốn chi phối của công ty nhà nước

Công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác thực hiện việc quản lý cổ phần, vốn góp chi phối như sau:

1. Thực hiện quyền, nghĩa vụ của cổ đông, thành viên góp vốn chi phối thông qua đại diện của mình tại doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, pháp luật của nước mà công ty đưa vốn đến đầu tư và theo quy định của Điều lệ doanh nghiệp bị chi phối;

2. Cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật, quyết định phụ cấp và lợi ích của người đại diện công ty tại doanh nghiệp bị chi phối (sau đây gọi là người đại diện phần vốn góp chi phối);

3. Yêu cầu người đại diện phần vốn góp chi phối báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và các nội dung của doanh nghiệp có vốn góp chi phối của công ty nhà nước;

4. Giao nhiệm vụ và yêu cầu người đại diện phần vốn góp chi phối xin ý kiến về những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp bị chi phối trước khi biểu quyết; báo cáo việc sử dụng cổ phần, vốn góp chi phối để phục vụ định hướng phát triển và mục tiêu của công ty nhà nước giữ quyền chi phối;

5. Thu lợi tức và chịu rủi ro từ phần vốn góp của mình ở doanh nghiệp bị chi phối;

6. Giám sát, kiểm tra việc sử dụng phần vốn đã góp vào doanh nghiệp bị chi phối;

7. Tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển phần vốn đã góp vào doanh nghiệp bị chi phối.

Điều 59. Quan hệ giữa công ty nhà nước và doanh nghiệp có một phần vốn góp của công ty nhà nước

1. Doanh nghiệp có một phần vốn góp của công ty nhà nước thực hiện quyền chủ động kinh doanh theo quy định của pháp luật. Quan hệ giữa công ty nhà nước và doanh nghiệp có một phần vốn góp của công ty nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Công ty nhà nước thực hiện quyền, nghĩa vụ của bên góp vốn thông qua đại diện của mình tại doanh nghiệp mà mình có vốn góp, phù hợp với pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp có một phần vốn góp của công ty nhà nước.

Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003

  • Số hiệu: 14/2003/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 26/11/2003
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: 01/01/2004
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH