Hệ thống pháp luật

Chương 2 Luật Đê điều 2006

Chương II

QUY HOẠCH, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, TU BỔ, NÂNG CẤP VÀ KIÊN CỐ HÓA ĐÊ ĐIỀU

Mục 1

QUY HOẠCH PHÒNG, CHỐNG LŨ CỦA TUYẾN SÔNG CÓ ĐÊ

Điều 8. Nguyên tắc và căn cứ để lập quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê

1. Nguyên tắc lập quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê được quy định như sau:

a) Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; mục tiêu quốc phòng, an ninh; chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; quy hoạch phòng, chống lũ, lụt của lưu vực sông;

b) Bảo đảm thoát được lũ thiết kế và lũ lịch sử đã xảy ra của tuyến sông;

c) Bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với từng vùng, miền trong cả nước và kế thừa của quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê.

2. Căn cứ để lập quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê gồm có:

a) Dự báo lũ dài hạn;

b) Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội;

c) Hiện trạng hệ thống đê điều;

d) Quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan.

Điều 9. Nội dung quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê

1. Xác định phương hướng, mục tiêu và quy chuẩn kỹ thuật về phòng, chống lũ của hệ thống sông để lập và thực hiện quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê.

2. Xác định lũ thiết kế của tuyến sông gồm lưu lượng lũ thiết kế và mực nước lũ thiết kế.

3. Xác định các giải pháp kỹ thuật của quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê bao gồm:

a) Xây dựng hồ chứa nước thượng lưu;

b) Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng cây chắn sóng bảo vệ đê;

c) Xây dựng, tu bổ đê điều;

d) Xác định các vùng phân lũ, làm chậm lũ, khả năng phân lũ vào các sông khác;

đ) Làm thông thoáng dòng chảy;

e) Tổ chức quản lý và hộ đê.

4. Dự kiến tác động đến môi trường của việc thực hiện quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và đề xuất biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường.

5. Các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê.

Điều 10. Điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê

1. Quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê phải được rà soát, bổ sung định kỳ mười năm một lần hoặc khi có sự biến động do thiên tai, có sự thay đổi về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu quốc phòng, an ninh, chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

2. Điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê phải được thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Luật này.

Điều 11. Trách nhiệm lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trong phạm vi cả nước.

2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Điều 12. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê

1. Chính phủ phê duyệt quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trong phạm vi cả nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình.

2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết từng tuyến sông có đê của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình sau khi có thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 13. Công bố và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê

1. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố công khai quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trong phạm vi cả nước, Ủy ban nhân dân các cấp công bố công khai quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trong phạm vi quản lý của địa phương tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong suốt kỳ quy hoạch để tổ chức, cá nhân biết và thực hiện.

2. Căn cứ vào quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo và phối hợp thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê.

Mục 2

QUY HOẠCH ĐÊ ĐIỀU

Điều 14. Nguyên tắc và căn cứ để lập quy hoạch đê điều

1. Nguyên tắc lập quy hoạch đê điều được quy định như sau:

a) Quy hoạch đê điều phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; mục tiêu quốc phòng, an ninh; chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống đê và tính kế thừa của quy hoạch đê điều;

b) Quy hoạch đê biển phải bảo đảm chống bão, nước biển dâng theo quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế đê biển và phải bao gồm cả diện tích trồng cây chắn sóng;

c) Quy hoạch đê sông, đê cửa sông, đê bối, đê bao và đê chuyên dùng phải bảo đảm an toàn ứng với mực nước lũ thiết kế và có giải pháp để bảo đảm an toàn đê khi xảy ra lũ lịch sử; phải có sự phối hợp giữa các địa phương trong cùng một lưu vực, không ảnh hưởng đến quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và cả hệ thống sông.

2. Căn cứ để lập quy hoạch đê điều bao gồm:

a) Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh;

b) Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai;

c) Quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê;

d) Tình hình thực hiện quy hoạch đê điều kỳ trước và dự báo nhu cầu xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều;

đ) Quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan.

Điều 15. Nội dung quy hoạch đê điều

1. Xác định nhiệm vụ của tuyến đê.

2. Xác định các thông số kỹ thuật của tuyến đê.

3. Xác định vị trí tuyến đê; vị trí, quy mô các công trình đầu mối hạ tầng trên tuyến đê.

4. Xác định diện tích đất dành cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều.

5. Xác định các giải pháp thực hiện quy hoạch.

6. Dự kiến những hạng mục ưu tiên thực hiện, nguồn lực thực hiện.

7. Dự kiến tác động đến môi trường của việc thực hiện quy hoạch và đề xuất biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Điều 16. Điều chỉnh quy hoạch đê điều

1. Quy hoạch đê điều phải được rà soát, bổ sung định kỳ mười năm một lần hoặc khi có sự biến động do thiên tai, có sự thay đổi về quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu quốc phòng, an ninh.

2. Việc điều chỉnh quy hoạch đê điều phải được thực hiện theo quy định tại Điều 14 của Luật này.

Điều 17. Trách nhiệm lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đê điều

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đê điều của các vùng, miền và của cả nước.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các loại đê chuyên dùng của ngành mình.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đê điều thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

4. Trình tự, thủ tục lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đê điều được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 18. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đê điều

1. Chính phủ phê duyệt quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đê điều của các vùng, miền và của cả nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đê điều do bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình.

Điều 19. Công bố và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đê điều

1. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 của Luật này phê duyệt, Ủy ban nhân dân các cấp phải công bố công khai quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đê điều trong phạm vi quản lý của địa phương tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong suốt kỳ quy hoạch để tổ chức, cá nhân biết và thực hiện.

2. Căn cứ vào quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đê điều được phê duyệt, bộ, cơ quan ngang bộ có đê chuyên dùng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đê điều.

3. Căn cứ vào quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đê điều được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức cắm mốc chỉ giới xây dựng và phạm vi bảo vệ đê điều.

Mục 3

ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, TU BỔ, NÂNG CẤP VÀ KIÊN CỐ HÓA ĐÊ ĐIỀU

Điều 20. Hoạt động xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều

1. Hoạt động xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều được thực hiện khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này quyết định.

2. Hoạt động xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều phải tuân theo các quy chuẩn kỹ thuật về đê điều và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định theo thẩm quyền việc đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều trong phạm vi cả nước; kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật về đê điều.

4. Uỷ ban nhân cấp tỉnh quyết định theo thẩm quyền, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều trên địa bàn.

Điều 21. Quy định đối với đất sử dụng cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều

1. Đất sử dụng cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều được quy định như sau:

a) Khi Nhà nước sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ đê điều để xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều thì người sử dụng đất đó được bồi thường hoặc hỗ trợ về hoa màu và tài sản trên đất;

b) Khi Nhà nước thu hồi đất ngoài phạm vi bảo vệ đê điều để xây dựng đê mới hoặc mở rộng đê hiện có và trở thành đất trong phạm vi bảo vệ đê điều thì người sử dụng đất đó được bồi thường hoặc hỗ trợ về đất, hoa màu và tài sản trên đất;

c) Khi Nhà nước khai thác đất ngoài phạm vi bảo vệ đê điều để làm vật liệu phục vụ xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều nhưng sau đó người sử dụng đất đó vẫn tiếp tục được sử dụng thì người sử dụng đất đó được bồi thường do việc lấy đất gây ra.

2. Việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi hoặc bị khai thác quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Điều 22. Đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều

1. Việc đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều phải tuân theo quy hoạch đê điều, quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Kế hoạch ngân sách hằng năm đầu tư cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều được ghi thành mục riêng và được quy định như sau:

a) Ngân sách trung ương đầu tư cho các tuyến đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III, hỗ trợ cho các tuyến đê cấp IV và cấp V;

b) Ngân sách địa phương đầu tư cho mọi cấp đê trên địa bàn.

Luật Đê điều 2006

  • Số hiệu: 79/2006/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 29/11/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: 25/06/2007
  • Số công báo: Từ số 410 đến số 411
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH