Hệ thống pháp luật

Chương 4 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004

Chương 4:

PHÁT TRIỂN RỪNG, SỬ DỤNG RỪNG

Mục 1: RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 45. Nguyên tắc phát triển, sử dụng rừng phòng hộ

1. Rừng phòng hộ đầu nguồn phải được xây dựng thành rừng tập trung, liền vùng, nhiều tầng.

2. Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường phải được xây dựng thành các đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng vùng.

3. Việc kết hợp sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp, kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường, khai thác lâm sản và các lợi ích khác của rừng phòng hộ phải tuân theo quy chế quản lý rừng.

Điều 46. Tổ chức quản lý rừng phòng hộ

1. Những khu rừng phòng hộ đầu nguồn tập trung có diện tích từ năm nghìn hecta trở lên hoặc có diện tích dưới năm nghìn hecta nhưng có tầm quan trọng về chức năng phòng hộ hoặc rừng phòng hộ ven biển quan trọng phải có Ban quản lý. Ban quản lý khu rừng phòng hộ là tổ chức sự nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập theo quy chế quản lý rừng.

2. Những khu rừng phòng hộ không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì Nhà nước giao, cho thuê cho các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, hộ gia đình, cá nhân tại chỗ quản lý, bảo vệ và sử dụng.

Điều 47. Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ

1. Trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên được phép khai thác cây đã chết, cây sâu bệnh, cây đứng ở nơi mật độ lớn hơn mật độ quy định theo quy chế quản lý rừng, trừ các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị cấm khai thác theo quy định của Chính phủ về Chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Danh mục những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

2. Việc khai thác lâm sản ngoài gỗ trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên được quy định như sau:

a) Được phép khai thác các loại măng, tre nứa trong rừng phòng hộ khi đã đạt yêu cầu phòng hộ theo quy chế quản lý rừng;

b) Được phép khai thác các loại lâm sản khác ngoài gỗ mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng, trừ các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị cấm khai thác theo quy định của Chính phủ về Chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Danh mục những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

3. Việc khai thác rừng phòng hộ là rừng trồng được quy định như sau:

a) Được phép khai thác cây phụ trợ, chặt tỉa thưa khi rừng trồng có mật độ lớn hơn mật độ quy định theo quy chế quản lý rừng;

b) Được phép khai thác cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác theo phương thức khai thác chọn hoặc chặt trắng theo băng, theo đám rừng;

c) Sau khi khai thác, chủ rừng phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ.

4. Việc khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ phải thực hiện theo quy chế quản lý rừng, thực hiện đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bảo đảm duy trì khả năng phòng hộ bền vững của rừng.

Điều 48. Quản lý, sử dụng rừng sản xuất và đất đai xen kẽ trong khu rừng phòng hộ

1. Đối với những diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong khu rừng phòng hộ thì chủ rừng được quản lý, sử dụng theo quy định về rừng sản xuất tại mục 3 Chương IV của Luật này.

2. Đối với đất ở, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân xen kẽ trong rừng phòng hộ không thuộc quy hoạch khu rừng phòng hộ thì hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng đúng mục đích được giao theo quy định của pháp luật về đất đai.

Mục 2: RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 49. Nguyên tắc phát triển, sử dụng rừng đặc dụng

1. Việc phát triển, sử dụng rừng đặc dụng phải bảo đảm sự phát triển tự nhiên của rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan khu rừng.

2. Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên phải được xác định rõ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính và vùng đệm.

3. Mọi hoạt động ở khu rừng đặc dụng phải được phép của chủ rừng và phải tuân theo quy chế quản lý rừng.

Điều 50. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng

1. Các khu rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên phải có Ban quản lý. Ban quản lý khu rừng đặc dụng là tổ chức sự nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập.

2. Đối với những khu rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập Ban quản lý; trường hợp không thành lập Ban quản lý thì cho tổ chức kinh tế thuê rừng để kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng.

3. Đối với những khu rừng đặc dụng là khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học thì giao cho tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo, dạy nghề về lâm nghiệp trực tiếp quản lý.

Điều 51. Khai thác lâm sản trong khu bảo vệ cảnh quan và phân khu dịch vụ - hành chính của vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên

Việc khai thác lâm sản phải tuân theo quy chế quản lý rừng, không được gây hại đến mục tiêu bảo tồn và cảnh quan của khu rừng và phải tuân theo các quy định sau đây:

1. Được khai thác những cây gỗ đã chết, gãy đổ; thực vật rừng ngoài gỗ, trừ các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị cấm khai thác theo quy định của Chính phủ về Chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Danh mục những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;

2. Không được săn, bắt, bẫy các loài động vật rừng.

Điều 52. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập trong khu rừng đặc dụng

1. Ban quản lý khu rừng đặc dụng được tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ nghiên cứu khoa học theo kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, báo cáo kết quả hoạt động lên cơ quan quản lý cấp trên.

2. Việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập của cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo, nhà khoa học, học sinh, sinh viên trong nước phải tuân theo các quy định sau đây:

a) Có kế hoạch hoạt động trong rừng đặc dụng được Ban quản lý khu rừng đặc dụng chấp thuận;

b) Chấp hành nội quy khu rừng và tuân theo sự hướng dẫn, kiểm tra của Ban quản lý khu rừng đặc dụng; tuân theo các quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về đa dạng sinh học, pháp luật về giống cây trồng, pháp luật về giống vật nuôi và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Thông báo kết quả hoạt động cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng.

3. Việc nghiên cứu khoa học của cơ quan nghiên cứu khoa học, nhà khoa học, sinh viên nước ngoài phải tuân theo các quy định sau đây:

a) Có kế hoạch hoạt động trong rừng đặc dụng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được Ban quản lý khu rừng đặc dụng chấp thuận;

b) Tuân theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều này.

4. Việc sưu tầm mẫu vật sinh vật rừng tại các khu rừng đặc dụng phải tuân theo quy chế quản lý rừng.

Điều 53. Hoạt động kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường trong rừng đặc dụng

1. Việc tổ chức hoạt động kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường trong phạm vi khu rừng đặc dụng phải có dự án được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này phải tuân theo quy chế quản lý rừng, nội quy bảo vệ khu rừng, pháp luật về du lịch, pháp luật về di sản văn hoá, pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 54. Ổn định đời sống dân cư sống trong các khu rừng đặc dụng và vùng đệm của khu rừng đặc dụng

1. Không được di dân từ nơi khác đến rừng đặc dụng.

2. Ban quản lý khu rừng đặc dụng phải lập dự án di dân, tái định cư trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.

3. Đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt mà chưa có điều kiện chuyển dân ra khỏi khu vực đó, Ban quản lý khu rừng đặc dụng giao khoán ngắn hạn rừng đặc dụng cho hộ gia đình, cá nhân để bảo vệ rừng.

4. Đối với phân khu phục hồi sinh thái, Ban quản lý khu rừng đặc dụng khoán rừng để bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng cho hộ gia đình, cá nhân tại chỗ.

5. Đối với vùng đệm của khu rừng đặc dụng, Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng của vùng đệm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng theo quy chế quản lý rừng.

Mục 3: RỪNG SẢN XUẤT

Điều 55. Nguyên tắc phát triển, sử dụng rừng sản xuất

1. Rừng sản xuất được Nhà nước giao, cho thuê cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 24, khoản 3 và khoản 4 Điều 25 của Luật này để cung cấp lâm sản, kết hợp sản xuất, kinh doanh theo hướng thâm canh lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp, kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường.

2. Việc khai thác, sử dụng rừng sản xuất phải bảo đảm duy trì diện tích, phát triển trữ lượng, chất lượng của rừng và tuân theo quy chế quản lý rừng.

3. Chủ rừng phải có kế hoạch trồng rừng ở những diện tích đất rừng sản xuất chưa có rừng, sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp kết hợp; có biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, làm giàu rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng.

Điều 56. Rừng sản xuất là rừng tự nhiên

1. Việc tổ chức quản lý rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định như sau:

a) Những khu rừng sản xuất là rừng tự nhiên tập trung được Nhà nước giao, cho thuê cho các tổ chức kinh tế để sản xuất, kinh doanh;

b) Những khu rừng sản xuất là rừng tự nhiên phân tán, không thuộc các đối tượng quy định tại điểm a khoản này được Nhà nước giao, cho thuê cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để bảo vệ, phát triển, sản xuất, kinh doanh.

2. Điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định như sau:

a) Những khu rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã có chủ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;

b) Chủ rừng là tổ chức phải có hồ sơ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt gồm dự án đầu tư, phương án quản lý, bảo vệ và sản xuất, kinh doanh rừng; khai thác rừng phải có phương án điều chế rừng đã được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng phê duyệt;

c) Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân phải có kế hoạch quản lý, bảo vệ và sản xuất, kinh doanh rừng theo hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc kiểm lâm và được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt;

d) Chỉ được khai thác gỗ và các thực vật khác của rừng sản xuất là rừng tự nhiên, trừ các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị cấm khai thác theo quy định của Chính phủ về Chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Danh mục những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

3. Thủ tục khai thác gỗ và thực vật khác của rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định như sau:

a) Đối với các tổ chức khi khai thác phải có hồ sơ thiết kế khai thác phù hợp với phương án điều chế rừng hoặc phương án hoặc kế hoạch sản xuất, kinh doanh rừng được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt;

b) Đối với hộ gia đình, cá nhân khai thác phải có đơn, báo cáo Uỷ ban nhân dân xã để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt.

4. Việc khai thác rừng phải theo quy chế quản lý rừng và chấp hành quy phạm, quy trình kỹ thuật bảo vệ và phát triển rừng; sau khi khai thác phải tổ chức bảo vệ, nuôi dưỡng, làm giàu rừng cho đến kỳ khai thác sau.

Điều 57. Rừng sản xuất là rừng trồng

1. Chủ rừng sản xuất là rừng trồng phải có kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng, trồng rừng mới, bảo vệ rừng, kết hợp kinh doanh lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp, cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường trong khu rừng phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng từng vùng, quy chế quản lý rừng.

2. Việc khai thác rừng trồng được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Trường hợp chủ rừng tự bỏ vốn gây trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ rừng thì được tự quyết định việc khai thác rừng trồng. Các sản phẩm khai thác từ rừng trồng của chủ rừng được tự do lưu thông trên thị trường. Trường hợp cây rừng trồng là cây gỗ quý, hiếm thì khi khai thác phải thực hiện theo quy định của Chính phủ;

b) Trường hợp rừng trồng bằng vốn từ ngân sách nhà nước, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định. Các sản phẩm khai thác từ rừng trồng của chủ rừng được tự do lưu thông trên thị trường. Trường hợp cây rừng trồng là cây gỗ quý, hiếm thì khi khai thác phải thực hiện theo quy định của Chính phủ;

c) Trồng lại rừng vào thời vụ trồng rừng ngay sau khi khai thác hoặc thực hiện biện pháp tái sinh tự nhiên trong quá trình khai thác.

Điều 58. Rừng giống

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan chuyên ngành về lâm nghiệp của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ quy hoạch và chỉ đạo việc xây dựng hệ thống rừng giống quốc gia và khu vực để chọn lọc, lai tạo, nhân giống và nhập nội các loại giống cần thiết, bảo đảm cung ứng giống tốt cho việc trồng rừng. Việc bình tuyển, công nhận rừng giống, sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp phải tuân theo quy định của pháp luật về giống cây trồng.

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004

  • Số hiệu: 29/2004/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 03/12/2004
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: 02/01/2005
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 01/04/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH