Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: 33/2018/QH14 | Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2018 |
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam là hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 3. Vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
2. Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
2. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Tổ chức tập trung, thống nhất theo phân cấp từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đến đơn vị cấp cơ sở.
4. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
5. Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển.
6. Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.
Điều 5. Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam
1. Nhà nước xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát biển Việt Nam.
2. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam trong sạch, vững mạnh.
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
2. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyết định huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật khi có yêu cầu; có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ.
2. Mua chuộc, hối lộ hoặc ép buộc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam làm trái chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn.
3. Giả danh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; giả mạo tàu thuyền, phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam; làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, con dấu, giấy tờ của Cảnh sát biển Việt Nam.
4. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam để vi phạm pháp luật; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển.
6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Điều 8. Nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển; nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.
2. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.
3. Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.
4. Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển.
5. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
6. Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.
7. Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 9. Quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 14 của Luật này.
3. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
5. Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.
6. Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển.
7. Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp.
8. Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.
9. Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật.
10. Áp dụng biện pháp công tác theo quy định tại Điều 12 của Luật này.
Điều 10. Nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam
1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên.
2. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn vùng biển Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển.
3. Cảnh giác, giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác; thực hiện nghiêm biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam.
4. Tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
5. Thường xuyên học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật và rèn luyện thể lực.
6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định, hành vi của mình khi thực hiện nhiệm vụ.
HOẠT ĐỘNG CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
MỤC 1. PHẠM VI HOẠT ĐỘNG VÀ BIỆN PHÁP CÔNG TÁC CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Điều 11. Phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam; khi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thoả thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 12. Biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật.
2. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác theo quy định tại khoản 1 Điều này, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình.
MỤC 2. THỰC THI PHÁP LUẬT TRÊN BIỂN CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Điều 13. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát
1. Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên biển.
2. Các trường hợp dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát bao gồm:
a) Trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;
b) Thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;
c) Có tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật;
d) Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật;
đ) Người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật.
3. Khi tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, Cảnh sát biển Việt Nam phải thể hiện màu sắc của tàu thuyền, máy bay và phương tiện khác; cờ hiệu, phù hiệu, dấu hiệu nhận biết và trang phục theo quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Luật này.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam có trách nhiệm chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 14. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
1. Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
2. Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được nổ súng vào tàu thuyền trên biển, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin, để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
b) Khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn;
c) Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma tuý, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;
d) Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn.
3. Trường hợp nổ súng theo quy định tại khoản 2 Điều này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.
Điều 15. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và kết quả thu thập được để phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển; phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng hình sự.
2. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và thực hiện đúng quy trình, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật.
3. Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 16. Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự
1. Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; tìm kiếm cứu nạn; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.
2. Việc huy động theo quy định tại khoản 1 Điều này phải phù hợp với khả năng thực tế của người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động và phải hoàn trả ngay khi tình thế khẩn cấp chấm dứt.
Trường hợp người, tài sản được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Luật này; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc huy động của Cảnh sát biển Việt Nam.
4. Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; tìm kiếm cứu nạn; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam.
Điều 17. Thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển
1. Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp sau đây:
a) Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia;
b) Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này;
c) Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi;
d) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Phạm vi, thẩm quyền và trình tự truy đuổi tàu thuyền trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 18. Công bố, thông báo, thay đổi cấp độ an ninh hàng hải
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam công bố cấp độ hoặc thay đổi cấp độ an ninh hàng hải và thực hiện việc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; tiếp nhận, xử lý thông tin an ninh hàng hải; thông báo các biện pháp an ninh hàng hải phù hợp cần áp dụng đối với tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Việt Nam.
MỤC 3. HỢP TÁC QUỐC TẾ CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Điều 19. Nguyên tắc hợp tác quốc tế
1. Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế; bảo đảm độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.
2. Phát huy sức mạnh nội lực và sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, bảo đảm thực thi pháp luật trên biển.
Điều 20. Nội dung hợp tác quốc tế
1. Phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.
2. Phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người, mua bán vũ khí trái phép, khủng bố, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh bất hợp pháp, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, khai thác hải sản bất hợp pháp và tội phạm, vi phạm pháp luật khác trên biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
3. Phòng, chống ô nhiễm và phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển; kiểm soát bảo tồn các nguồn tài nguyên biển; bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; phòng, chống, cảnh báo thiên tai; hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thảm họa; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
4. Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao trang bị, khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam.
5. Các nội dung hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 21. Hình thức hợp tác quốc tế
1. Trao đổi thông tin về an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
2. Tổ chức hoặc tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế về an ninh, trật tự, an toàn và thực thi pháp luật trên biển.
3. Tham gia ký kết thỏa thuận quốc tế với lực lượng chức năng của quốc gia khác, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật.
4. Phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật trên biển.
5. Tham gia diễn tập, huấn luyện; tổ chức đón, thăm xã giao lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
6. Thực hiện các hoạt động của cơ quan thường trực, cơ quan đầu mối liên lạc của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế.
7. Các hình thức hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế.
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM VỚI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG
1. Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng.
1. Việc phối hợp phải trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; không làm cản trở hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.
2. Cảnh sát biển Việt Nam và cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp phối hợp để giải quyết kịp thời các vụ việc và hỗ trợ nhau thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.
3. Bảo đảm sự chủ trì, điều hành tập trung, thống nhất, giữ bí mật thông tin về quốc phòng, an ninh và biện pháp nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng trong quá trình phối hợp.
4. Bảo đảm chủ động, linh hoạt, cụ thể và hiệu quả, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì, phối hợp.
5. Trên cùng một vùng biển, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng thì cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước phải xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định; trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền chủ trì giải quyết. Cơ quan, tổ chức, lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả điều tra, xử lý cho cơ quan, tổ chức, lực lượng chuyển giao biết.
1. Trao đổi thông tin, tài liệu; đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
2. Bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.
3. Bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển.
4. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật; đấu tranh, phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.
5. Phòng, chống thiên tai; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển.
6. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân.
7. Thực hiện hợp tác quốc tế.
8. Thực hiện các hoạt động phối hợp khác có liên quan.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của Chính phủ.
TỔ CHỨC CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Điều 26. Hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm:
a) Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
b) Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
c) Đơn vị cấp cơ sở.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 27. Ngày truyền thống của Cảnh sát biển Việt Nam
Ngày 28 tháng 8 hằng năm là Ngày truyền thống của Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 28. Tên giao dịch quốc tế
Tên giao dịch quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam là Vietnam Coast Guard.
Điều 29. Màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Tàu thuyền, máy bay và các phương tiện khác của Cảnh sát biển Việt Nam có màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết riêng. Khi làm nhiệm vụ, tàu thuyền phải treo quốc kỳ Việt Nam và cờ hiệu Cảnh sát biển Việt Nam.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 30. Con dấu của Cảnh sát biển Việt Nam
Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng con dấu có hình Quốc huy trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Điều 31. Trang phục của Cảnh sát biển Việt Nam
Cảnh hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cảnh phục, lễ phục của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của Chính phủ.
BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Điều 32. Kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho Cảnh sát biển Việt Nam
2. Nhà nước ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 33. Trang bị của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị tàu thuyền, máy bay và phương tiện khác; các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết Điều này.
1. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, phong, thăng, giáng, tước cấp bậc, quân hàm, nâng lương, hạ bậc lương, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, chế độ phục vụ, thôi phục vụ, chế độ chính sách, quyền lợi và các quy định khác đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam khi phục vụ tại ngũ được hưởng chế độ ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ.
Điều 35. Điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát biển Việt Nam
1. Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ lâu dài trong Cảnh sát biển Việt Nam.
2. Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, có kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết Điều này.
Điều 36. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ và kiến thức cần thiết khác phù hợp với nhiệm vụ và quyền hạn được giao; khuyến khích phát triển tài năng để phục vụ lâu dài trong Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 37. Nội dung quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam
1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam.
2. Tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.
3. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.
4. Thực hiện chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam.
5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; sơ kết, tổng kết, khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.
6. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
7. Hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 38. Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam.
Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tổ chức, quản lý, chỉ huy, điều hành hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 39. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tạo điều kiện cho Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng quỹ đất tại địa phương để xây dựng trụ sở đóng quân, trú đậu tàu thuyền, kho tàng, bến bãi; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam; thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Điều 40. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam; giám sát đối với hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của pháp luật.
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
2. Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam số 03/2008/PL-UBTVQH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19 tháng 11 năm 2018.
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
- 1Joint Circular No. 03/2016/TTLT-BCA-BQP dated June 24, 2016, guiding the entry, exit and residence of foreigners and control and supervision of foreign vehicles entering and exiting border economic zones and sea ports in economic zones
- 2Decree No. 96/2013/ND-CP of August 27, 2013, amending and supplementing a number of articles of the government’s Decree No. 86/2009/ND-CP detailing and guiding implementation of a number of articles of ordinance on the Vietnam coast guard
- 1Law No. 14/2017/QH14 dated June 20, 2017 on management and use of weapons, explosives and combat gears
- 2Joint Circular No. 03/2016/TTLT-BCA-BQP dated June 24, 2016, guiding the entry, exit and residence of foreigners and control and supervision of foreign vehicles entering and exiting border economic zones and sea ports in economic zones
- 3Law No. 98/2015/QH13 dated November 26, 2015, professional servicemen and women, national defense workers and officials
- 4Law No. 78/2015/QH13 dated June 19th, 2015, on military service
- 5Constitution dated November 28, 2013 of the socialist republic of Vietnam
- 6Decree No. 96/2013/ND-CP of August 27, 2013, amending and supplementing a number of articles of the government’s Decree No. 86/2009/ND-CP detailing and guiding implementation of a number of articles of ordinance on the Vietnam coast guard
- 7Law No. 16/1999/QH10 of December 21,1999, on Vietnam People’s army officers
Law No. 33/2018/QH14 dated November 19, 2018 on Vietnam Coast Guard
- Số hiệu: 33/2018/QH14
- Loại văn bản: Luật
- Ngày ban hành: 19/11/2018
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/07/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra