Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 19-KL/TW | Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2021 |
KẾT LUẬN
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XV
Tại phiên họp ngày 01/10/2021, sau khi nghe Đảng đoàn Quốc hội báo cáo về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV (gọi tắt là Đề án) và ý kiến các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận, kết luận thông qua Đề án, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau:
1. Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và thi hành Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của nước ta cơ bản đầy đủ, ổn định, thống nhất. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới; một số quy định còn bất cập, gây kìm hãm, cản trở sự phát triển.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tăng cường xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế phải được các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị chú trọng, không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
2. Mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, cần lưu ý:
- Việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm. Trước mắt, chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.
- Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Khắc phục ngay tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, "luật khung, luật ống", chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.
- Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành luật. Phát huy tính năng động, tích cực, vai trò, ý thức trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp. Bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình tổng kết, xây dựng chính sách, soạn thảo, lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua luật. Tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu, công tâm, khách quan, vì lợi ích quốc gia, dân tộc tham gia xây dựng pháp luật.
- Phát huy vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.
- Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật. Có cơ chế thích hợp bảo đảm và tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật.
3. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể hoá nội dung Đề án vào chương trình công tác, chương trình xây dựng pháp luật hằng năm; lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV; thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ lập pháp bảo đảm phù hợp với đường lối Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Căn cứ Kết luận này, Đảng đoàn Quốc hội hoàn chỉnh Đề án, thông báo cho các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện.
Giao Ban Nội chính Trung ương theo dõi việc thực hiện Kết luận này, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
- 1Công văn 3861/VPCP-PL năm 2021 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về xây dựng Báo cáo định hướng Chương trình xây dựng pháp luật do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 5880/BGTVT-PC năm 2021 xây dựng Báo cáo về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Quyết định 1427/QĐ-TTg về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 3251/BTP-VĐCXDPL năm 2022 về tiếp tục thực hiện Quyết định 2114/QĐ-TTg do Bộ Tư pháp ban hành
- 1Nghị quyết số 48-NQ/TW về việc chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 do Bộ Chính trị ban hành
- 2Hiến pháp 2013
- 3Công văn 3861/VPCP-PL năm 2021 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về xây dựng Báo cáo định hướng Chương trình xây dựng pháp luật do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 5880/BGTVT-PC năm 2021 xây dựng Báo cáo về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5Quyết định 1427/QĐ-TTg về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Công văn 3251/BTP-VĐCXDPL năm 2022 về tiếp tục thực hiện Quyết định 2114/QĐ-TTg do Bộ Tư pháp ban hành
Kết luận 19-KL/TW năm 2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 19-KL/TW
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 14/10/2021
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Võ Văn Thưởng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/10/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra