Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN - UBMTTQ VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/KHLT-UBND-UBMTTQ | Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2024 |
KẾ HOẠCH LIÊN TỊCH
HỖ TRỢ XÂY DỰNG, SỬA CHỮA NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thực hiện Thông báo kết luận số 1386-TB/TU ngày 24/10/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy; Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 05/9/2021 của UBND Thành phố về việc quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 1362/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 14/2023/NQ- HĐND ngày 06/12/2023 của HĐND Thành phố quy định việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội,
Để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch liên tịch hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Thành phố, đảm bảo các hộ có nhà ở an toàn, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
2. Yêu cầu
- Công tác hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm đúng đối tượng, dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân.
- Thực hiện hỗ trợ theo nguyên tắc: Huy động từ nhiều nguồn vốn, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp một phần và cho vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở với lãi suất ưu đãi; cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.
- Chỉ thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có đất hợp pháp và không có tranh chấp. Sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình phải xây dựng được nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở đang có bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định.
- Hộ gia đình vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng sửa chữa nhà ở chỉ được chuyển nhượng sau khi đã trả hết nợ vay gốc cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện.
3. Phạm vi, đối tượng áp dụng
- Phạm vi áp dụng: Trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Đối tượng thuộc diện được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở là: hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo, cận nghèo của thành phố Hà Nội.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
I. Đối tượng được hỗ trợ nhà ở
Hộ gia đình có nhà ở xuống cấp, hư hỏng, không có khả năng tự cải thiện nhà ở, có nhu cầu được hỗ trợ, vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở và thuộc diện:
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 ([1]), có tên trong Quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 của địa phương nơi cư trú và là hộ độc lập có thời gian tách hộ tính đến tháng 12/2023 tối thiểu 03 năm.
- Có đất ở hợp pháp, không có tranh chấp.
Theo kết quả rà soát của các quận, huyện, thị xã tại thời điểm tháng 10/2023, toàn thành phố có 890 hộ nghèo, hộ cận nghèo đề nghị hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở (trong đó có 164 hộ nghèo; 726 hộ cận nghèo; xây mới 511 hộ; sửa chữa 379 hộ).
2. Điều kiện được hỗ trợ nhà ở
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở (nhưng đã có đất ở hợp pháp) hoặc đã có nhà ở (trên đất hợp pháp) thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái có ít nhất 02 trong 03 bộ phận chủ yếu không bền chắc), cụ thể:
+ Vật liệu chính của tường không phải là bê tông cốt thép (hoặc gạch, đá, gỗ, kim loại bền chắc).
+ Vật liệu chính của cột không phải là bê tông cốt thép (hoặc gạch, đá, sắt, thép, gỗ bền chắc).
+ Vật liệu chính của mái không phải là bê tông cốt thép (hoặc ngói, xi măng, đất nung, tấm lợp kim loại chuyên dụng).
Lưu ý: Nhà ở đã hư hỏng, xuống cấp phải nằm trên đất ở hợp pháp; nằm trong khu vực, vị trí được phép xây dựng, sửa chữa theo quy định và không có tranh chấp, khiếu kiện.
- Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc cơ quan, tổ chức khác.
- Trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ nhà ở khác thì phải thuộc các đối tượng sau:
+ Nhà ở đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra (bão, lũ, lụt, động đất, sạt lở đất, hỏa hoạn) nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại.
+ Đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ nhà ở khác có thời gian từ 08 năm trở lên (tính đến thời điểm tháng 10/2023), nhưng nay nhà ở đã xuống cấp, hư hỏng nặng, chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại.
- Trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ, nhưng trong quá trình thực hiện chính sách đã thoát nghèo trở thành hộ có mức sống trung bình, hộ cận nghèo thoát cận nghèo vẫn thuộc đối tượng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở nhà (nếu có nhu cầu), nhưng không được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách và Quỹ Vì người nghèo.
3. Yêu cầu chất lượng về nhà ở sau khi được hỗ trợ
3.1. Sau khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với hộ độc thân, hộ người cao tuổi không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18 m2), đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
Trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải đảm bảo tiêu chuẩn 2 cứng (khung - tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, nhưng không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn về diện tích sử dụng.
3.2. Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy, cụ thể:
a) “Nền - móng cứng” là nền - móng nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, xây gạch/đá, gạch lát, gỗ;
b) “Khung - tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc;
c) “Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, gỗ...) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc;
d) Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu có chất lượng tương đương có sẵn tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo thời hạn sử dụng.
4. Mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở
4.1. Đối với nhà xây mới
Mức hỗ trợ mức 100 triệu đồng/nhà, trong đó:
- Ngân sách Thành phố hỗ trợ: 50 triệu đồng/nhà.
- Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ: 50 triệu đồng/nhà, trong đó:
+ Quỹ Vì người nghèo Thành phố: 30 triệu đồng/nhà
+ Quỹ Vì người nghèo cấp huyện, cấp xã: 20 triệu đồng/nhà
4.2. Đối với nhà sửa chữa
Mức hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà, trong đó:
- Ngân sách Thành phố hỗ trợ: 30 triệu đồng/nhà.
- Quỹ Vì người nghèo: 30 triệu đồng/nhà, trong đó:
+ Quỹ Vì người nghèo Thành phố: 20 triệu đồng/nhà
+ Quỹ Vì người nghèo cấp huyện, cấp xã: 10 triệu đồng/nhà
4.3. Hỗ trợ vay vốn ưu đãi
Ngoài kinh phí hỗ trợ, hộ có nhu cầu vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở, cụ thể:
- Mức vay tối đa: 50 triệu đồng/nhà từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay.
- Lãi suất cho vay là 3%/năm.
- Thời hạn cho vay tối đa 15 năm, trong đó 5 năm đầu hộ vay chưa phải trả nợ gốc. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.
4.4. Hỗ trợ lãi suất
Hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng, sửa chữa nhà ở không phải trả lãi suất (3%/năm), ngân sách Thành phố hỗ trợ kinh phí trả lãi vay, hộ vay không phải trả lãi suất.
5. Thời gian thực hiện
- Tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở xong trước ngày 30/9/2024.
- Các trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở hư hỏng, không có khả năng tự cải thiện nhà ở phát sinh sau tháng 01/2024 do UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm huy động các nguồn lực của địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ.
III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn từ ngân sách nhà nước
- Ngân sách Thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà.
- Ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay xây dựng, sửa chữa nhà ở.
- Ngân sách Thành phố giao Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố hàng năm để hỗ trợ lãi suất vay.
- Nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp đối với kinh phí quản lý, tổ chức triển khai (5% tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách và vốn vay, theo quy định của Bộ Xây dựng).
2. Nguồn từ Quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của Thành phố vận động ủng hộ, tiếp nhận hỗ trợ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Quy trình thực hiện
- UBND cấp huyện phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp chỉ đạo tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở đề nghị hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà.
- Trưởng thôn tổ chức họp phổ biến nội dung chính sách hỗ trợ nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo đến các hộ dân; tổ chức bình xét các hộ thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở đảm bảo đúng quy định, dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, có sự tham gia của Trưởng các đoàn thể địa phương và người dân. Danh sách các hộ thuộc diện được hỗ trợ nhà ở được niêm yết công khai tại thôn.
- Trưởng thôn hướng dẫn các hộ thuộc diện được hỗ trợ nhà ở chuẩn bị hồ sơ gồm:
+ Đơn đăng ký vay vốn hỗ trợ và cam kết xây dựng, sửa chữa nhà ở.
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản photo) hoặc xác nhận của chính quyền địa phương về tình trạng đất (hợp pháp, không có tranh chấp).
+ Ảnh chụp hiện trạng nhà ở hiện tại.
Trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhưng không có nhu cầu hưởng chính sách, đề nghị hộ ký xác nhận đã được phổ biến nhưng không tham gia chính sách.
- UBND cấp xã xem xét, tổng hợp và gửi UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đề nghị hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở.
- Sau khi thống nhất với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, UBND cấp huyện quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở làm căn cứ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng thời chuyển Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để làm thủ tục cho vay vốn.
- Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức cho vay theo quy định đối với nguồn vốn vay.
- UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận nguồn kinh phí hỗ trợ và chuyển trực tiếp đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở đảm bảo đầy đủ theo tiến độ, kịp thời, đúng đối tượng.
- Các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng nhà ở theo quy định.
- Đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật) không có khả năng tự xây dựng, sửa chữa nhà ở thì UBND cấp xã chỉ đạo huy động các lực lượng, phối hợp các tổ chức, đoàn thể tại địa phương tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng này.
- Các hộ gia đình phải báo cho UBND cấp xã khi hoàn thành các phần việc theo giai đoạn (hoàn thành phần móng đối với những hộ xây dựng nhà ở mới, hoàn thành từ 30% khối lượng công việc trở lên đối với những hộ sửa chữa nhà ở hiện có) hoặc hoàn thành toàn bộ công trình, tổ chức nghiệm thu làm cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân vốn vay.
- UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã có trách nhiệm theo dõi, giám sát và giúp đỡ các hộ gia đình trong quá trình xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở; lập biên bản xác nhận hoàn thành theo giai đoạn, biên bản xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng (theo mẫu tại Nghị định số 06/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng) và lập hồ sơ hoàn công cho từng hộ gia đình.
2. Phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện
2.1. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố
- Tổ chức vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở; Vận động các quận hỗ trợ kinh phí từ quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ các huyện có khó khăn; Hướng dẫn thủ tục, hồ sơ thanh, quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ.
- Giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đúng mục tiêu và yêu cầu.
- Phối hợp với các tổ chức thành viên hỗ trợ nguyên vật liệu, ngày công lao động, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở.
2.2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại các địa phương; tổng hợp báo cáo UBND Thành phố tiến độ thực hiện.
- Phối hợp hướng dẫn các huyện, thị xã lập, phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở theo quy định.
2.3. Sở Xây dựng
- Thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương (kèm theo dự toán kinh phí, dự trữ nguyên vật liệu chủ yếu) để người dân tham khảo, lựa chọn.
- Phối hợp kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch.
2.4. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố cân đối, bố trí đủ nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vay xây dựng, sửa chữa nhà ở (vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố cho vay), phí quản lý nguồn vốn ủy thác (nếu có).
2.5. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố
- Hướng dẫn cụ thể về quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn theo quy định đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện. Thời hạn làm thủ tục giải ngân không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng chính sách xã hội nhận được đầy đủ hồ sơ vay vốn theo quy định.
- Thực hiện cho vay, thu hồi nợ vay và xử lý rủi ro theo quy định hiện hành.
2.6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hà Nội
Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện cho vay của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội.
2.7. Ban Chấp hành Đoàn Thành phố
- Chỉ đạo Ban chấp hành Đoàn các cấp thuộc Thành phố tuyên truyền, phổ biến chính sách, tham gia vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng ủng hộ bằng tiền, vật liệu xây dựng hoặc ngày công lao động giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở;
- Chỉ đạo Ban chấp hành Đoàn các cấp thuộc Thành phố tham gia xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo; phối hợp UBND cấp xã tổ chức xây dựng nhà, sửa chữa ở cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, người khuyết tật...).
2.9. UBND, Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã
- Xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, đảm bảo đúng đối tượng, tiến độ. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
- UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở trên địa bàn; chủ trì phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức vận động các đơn vị, cá nhân trên địa bàn tham gia hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo cải thiện nhà ở. Tiếp nhận nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương.
- Giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong việc thực hiện hỗ trợ nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo theo thẩm quyền.
- Thường xuyên cập nhật, báo cáo tiến độ triển khai, thực hiện gửi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Tổng hợp, báo cáo kết quả trước ngày 15/9/2024.
2.10. UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã
- Tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng và chỉ đạo bình xét, lập danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ trên địa bàn. Tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở có nhu cầu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, tổng hợp, báo cáo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện.
- Hướng dẫn, hỗ trợ hộ dân chuẩn bị hồ sơ. Theo dõi, giám sát và giúp đỡ các hộ gia đình trong quá trình xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa nâng cấp nhà ở; tổ chức nghiệm thu, lập biên bản xác nhận hoàn thành theo giai đoạn và biên bản xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng làm cơ sở giải ngân và thanh quyết toán.
- Giới thiệu các mẫu nhà thiết kế để người dân tham khảo, lựa chọn. Tôn trọng nguyện vọng của người dân, không bắt buộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng nhà ở theo thiết kế mẫu, nhưng phải đảm bảo tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng theo quy định.
- Vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các đoàn thể, dòng họ, nhân dân hỗ trợ kinh phí, vật tư, ngày công... giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở; phát huy cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng và hộ gia đình; tận dụng, khai thác vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi, gỗ, công lao động để giảm giá thành xây dựng, sửa chữa nhà ở.
- Đối với hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật) không có khả năng tự xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, UBND cấp xã phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận để thống nhất phân công các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho các đối tượng này.
- Báo cáo tiến độ thực hiện gửi UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện.
Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai Kế hoạch đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả./.
TM. ỦY BAN MTTQ THÀNH PHỐ | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
|
|
DỰ KIẾN KINH PHÍ
HỖ TRỢ XÂY DỰNG, SỬA CHỮA NHÀ Ở HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO THÀNH PHỐ HÀ NỘI
TT | Đơn vị | Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo đề nghị hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở | Trong đó | TỔNG KINH PHÍ DỰ KIẾN | DỰ KIẾN NGUỒN NGÂN SÁCH | NGUỒN QUỸ VÌ NGƯỜI NGHÈO CÁC CẤP | |||||||||||
Thuộc diện | Đề nghị hỗ trợ | Dự kiến tổng kinh phí từ nguồn ngân sách | Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Thành phố | Kinh phí cho vay (Ngân sách Thành phố ủy thác NHCSXH 50 trđ/nhà) | Kinh phí hỗ trợ lãi vay (Ngân sách Thành phố hỗ trợ lãi suất 3%/năm) | Kinh phí quản lý, triển khai thực hiện Kế hoạch (tối đa không quá 0,5% tổng kinh phí ngân sách và vốn vay) | |||||||||||
Hộ nghèo | Hộ cận nghèo | Xây dựng | Sửa chữa | Kinh phí hỗ trợ | Trong đó | Tổng kinh phí | Trong đó | ||||||||||
Xây dựng (50 trđ /nhà) | Sửa chữa (30 trđ /nhà) | Xây dựng (50 trđ /nhà) | Sửa chữa (30 trđ /nhà) | ||||||||||||||
1 | 2 | 3=4+5 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9=10+13+ | 10=11+12 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16=17+18 | 17 | 18 |
1 | Sơn Tây | 31 | 5 | 26 | 15 | 16 | 4,465.65 | 3,235.63 | 1,230 | 750 | 480 | 1,550 | 441.75 | 13.90 | 1,230 | 750 | 480 |
2 | Ba Vì | 133 | 48 | 85 | 69 | 64 | 19,345.35 | 13,975.35 | 5,370 | 3,450 | 1,920 | 6,650 | 1,895.25 | 60.10 | 5,370 | 3,450 | 1,920 |
3 | Chương Mỹ | 93 | 25 | 68 | 61 | 32 | 14,038.55 | 10,028.55 | 4,010 | 3,050 | 960 | 4,650 | 1,325.25 | 43.30 | 4,010 | 3,050 | 960 |
4 | Đan Phượng | 13 | - | 13 | 4 | 9 | 1,780.85 | 1,310.85 | 470 | 200 | 270 | 650 | 185.25 | 5.60 | 470 | 200 | 270 |
5 | Đông Anh | 68 | - | 68 | 48 | 20 | 10,401.00 | 7,401.00 | 3,000 | 2,400 | 600 | 3,400 | 969.00 | 32.00 | 3,000 | 2,400 | 600 |
6 | Mê Linh | 72 | 3 | 69 | 37 | 35 | 10,458.50 | 7,558.50 | 2,900 | 1,850 | 1,050 | 3,600 | 1,026.00 | 32.50 | 2,900 | 1,850 | 1,050 |
7 | Mỹ Đức | 106 | 31 | 75 | 76 | 30 | 16,260.50 | 11,560.50 | 4,700 | 3,800 | 900 | 5,300 | 1,510.50 | 50.00 | 4,700 | 3,800 | 900 |
8 | Phú Xuyên | 59 | 2 | 57 | 20 | 39 | 8,156.35 | 5,986.35 | 2,170 | 1,000 | 1,170 | 2,950 | 840.75 | 25.60 | 2,170 | 1,000 | 1,170 |
9 | Phúc Thọ | 56 | 19 | 37 | 28 | 28 | 8,103.20 | 5,863.20 | 2,240 | 1,400 | 840 | 2,800 | 798.00 | 25.20 | 2,240 | 1,400 | 840 |
10 | Quốc Oai | 26 | 3 | 23 | 21 | 5 | 4,083.00 | 2,883.00 | 1,200 | 1,050 | 150 | 1,300 | 370.50 | 12.50 | 1,200 | 1,050 | 150 |
11 | Sóc Sơn | 30 | 15 | 15 | 13 | 17 | 4,260.80 | 3,100.80 | 1,160 | 650 | 510 | 1,500 | 427.50 | 13.30 | 1,160 | 650 | 510 |
12 | Thạch Thất | 51 | 3 | 48 | 32 | 19 | 7,640.35 | 5,470.35 | 2,170 | 1,600 | 570 | 2,550 | 726.75 | 23.60 | 2,170 | 1,600 | 570 |
13 | Thanh Oai | 36 | 3 | 33 | 18 | 18 | 5,209.20 | 3,769.20 | 1,440 | 900 | 540 | 1,800 | 513.00 | 16.20 | 1,440 | 900 | 540 |
14 | Thường Tín | 73 | 7 | 66 | 44 | 29 | 10,863.85 | 7,793.85 | 3,070 | 2,200 | 870 | 3,650 | 1,040.25 | 33.60 | 3,070 | 2,200 | 870 |
15 | Ứng Hòa | 43 | - | 43 | 25 | 18 | 6,362.45 | 4,572.45 | 1,790 | 1,250 | 540 | 2,150 | 612.75 | 19.7C | 1,790 | 1,250 | 540 |
Tổng | 890 | 164 | 726 | 511 | 379 | 131,429.60 | 94,509.60 | 36,920 | 25,550 | 11,370 | 44,500 | 12,682.50 | 407.1 | 36,920 | 25,550 | 11,370 |
Ghi chú: 12 quận và 03 huyện (Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì) không đề nghị hỗ trợ nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo.
[1] Quy định tại Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND của UBND Thành phố về việc quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2025.
- 1Quyết định 2518/QĐ-UBND năm 2019 về định mức hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nhà ở chính duy nhất bị cuốn trôi, sập hoàn toàn, hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn gây ra từ nguồn Quỹ Xóa đói giảm nghèo tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020
- 2Nghị quyết 52/2019/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2025
- 3Nghị quyết 43/2023/NQ-HĐND Quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025
- 1Quyết định 2518/QĐ-UBND năm 2019 về định mức hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nhà ở chính duy nhất bị cuốn trôi, sập hoàn toàn, hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn gây ra từ nguồn Quỹ Xóa đói giảm nghèo tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020
- 2Nghị quyết 52/2019/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2025
- 3Thông tư 06/2021/TT-BXD quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 4Quyết định 13/2021/QĐ-UBND quy định về chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025
- 5Quyết định 1362/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025
- 6Nghị quyết 43/2023/NQ-HĐND Quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025
- 7Nghị quyết 14/2023/NQ-HĐND quy định về hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội
Kế hoạch liên tịch 24/KHLT-UBND-UBMTTQ năm 2024 hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- Số hiệu: 24/KHLT-UBND-UBMTTQ
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 18/01/2024
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Lan Hương, Nguyễn Sỹ Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/01/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra