Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 168/NQ-CP NGÀY 29/12/2022 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW NGÀY 03/11/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (viết tắt là Nghị quyết 168/NQ-CP); UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tập trung cụ thể hóa mục tiêu, tầm nhìn, các nội dung liên kết vùng và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 168/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố thuộc Vùng để triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

3. Tập trung huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nhanh và bền vững gắn với đảm bảo an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh.

4. Xác định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu của các sở, ban, ngành và địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.

5. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tăng trưởng GRDP 7 - 8%/năm. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%/năm. Thu ngân sách Nhà nước tăng 13 - 15%/năm.

- Đến năm 2030, GRDP/người đạt 5.500 - 6.000 USD (theo cách tính hiện hành). Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm 54 - 56% GRDP; công nghiệp và xây dựng 33 - 34%; nông nghiệp 5 - 7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm dưới 5 - 6%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều dưới mức trung bình toàn quốc. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 57%. 100% dân số sử dụng nước sạch. 100% các khu đô thị, 85% khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn; 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định. Tỷ lệ lao động được đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 75 - 80%.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương tổ chức nghiên cứu, học tập và quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 168/NQ-CP của Chính phủ; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất ý chí và hành động để thực hiện hiệu quả mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xác định đây là cơ hội, là nền tảng và động lực quan trọng để tỉnh Thừa Thiên Huế khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành thuộc Vùng hoàn thiện thể chế, chính sách đẩy mạnh phát triển liên kết vùng

Hoàn thành Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các địa phương trong Vùng triển khai Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và Quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/9/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết giữa các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm[1]; kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn phục vụ công tác điều phối các hoạt động liên kết vùng.

3. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ; huy động mọi nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

- Tập trung hoàn thành các quy hoạch, đề án quan trọng: (1) Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; (2) Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030; (3) Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế; (4) Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; (5) Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; (6) Đề án phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; (7) Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (8) Đề án Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế; (9) Đề án phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.

- Tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch 231/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình số 12-CTr/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy (khoá XVI) thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế; thực hiện tốt thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.

- Huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân, và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, thúc đẩy liên kết vùng.

4. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển kinh tế biển

- Tập trung cơ cấu lại các ngành dịch vụ có lợi thế như: Du lịch, thương mại, y tế, giáo dục, logistics gắn với công nghệ số. Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm logistics cấp Vùng. Ưu tiên phát triển ngành du lịch xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thành phố Festival, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài; phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh; hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với khu quần thể sân Golf Huế,...

Liên kết, phát triển vùng du lịch ven biển Nam Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới có tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương; liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng hình thành chuỗi du lịch “Con đường di sản miền Trung”, “Hành lang kinh tế Đông - Tây”. Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác giữa tỉnh với các địa phương trong vùng và cả nước; các quốc gia trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và Tiểu vùng sông Mê Kông về phát triển du lịch, dịch vụ. Tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch vùng duyên hải miền Trung như: Tổ chức Festival Du lịch biển, Ngày hội Du lịch Vùng,... Khuyến khích phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng.

- Cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao gắn với phát triển các ngành công nghiệp có thể mạnh và lợi thế so sánh của tỉnh như: Công nghiệp thời trang, công nghiệp hỗ trợ dệt may gắn với xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm dệt may khu vực Miền Trung - Tây Nguyên; phát triển ngành năng lượng sạch; sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghiệp chế biến sâu từ nguồn nguyên liệu cát, thạch anh; công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm; công nghiệp dược liệu và thiết bị y tế gắn với trung tâm y tế chuyên sâu của vùng, cả nước.

Xúc tiến các Tập đoàn lớn, có thương hiệu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao để tạo bước đột phá cho nền kinh tế. Tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ các khu kinh tế, khu công nghiệp[2]; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp có quy mô lớn[3]; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, đảm bảo tính đồng bộ, sẵn sàng trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư và đón đầu làn sóng đầu tư, nhất là các dự án FDI nhằm tăng thu ngân sách, thu hút và giải quyết việc làm cho người lao động của địa phương và các tỉnh/thành trong Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, VietGap. Phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP. Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bền vững. Hình thành các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu. Tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC; phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng; trồng rừng ven biển, đầm phá, rừng ngập ngọt. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác. Có chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện gắn với đô thị hóa.

- Tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 20/6/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước; phát triển kinh tế hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới,...Triển khai hiệu quả Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, trong đó, phát triển hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành “Công viên đầm phá Quốc gia”. Đẩy mạnh gắn kết phát triển loại hình du lịch biển, đảo của tỉnh với vùng duyên hải miền Trung; phối hợp chặt chẽ với các địa phương thuộc Vùng để phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung bộ (thuộc vùng biển và ven biển: Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) với khu vực trọng điểm phát triển ở Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.

5. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị

- Tập trung hoàn thiện hạ tầng phát triển đô thị: Đô thị Thừa Thiên Huế loại I trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh theo kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030[4] và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là nâng cấp, hoàn chỉnh hạ tầng đô thị thành phố Huế, định hướng thành lập các Quận, thị xã theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm: Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương, Đường vành đai 3, Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2),...

- Phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung trong vùng, trong đó, tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông liên vùng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển cho toàn Vùng như: Hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường bộ ven biển xuyên suốt Vùng duyên hải miền Trung nhằm tạo ra không gian phát triển mới cho toàn Vùng; nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, đưa vào khai thác hiệu quả Đường cao tốc đoạn Cam Lộ - Túy Loan nhằm phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng dùng chung trong vùng; phát triển Cảng Chân Mây cùng với Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài để hình thành trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đầu ra tuyến hành lang kinh tế Đông -Tây;...

6. Quản lý và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác quản lý đất đai, quản lý và phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Ưu tiên kêu gọi đầu tư các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, điện khí... để phát triển các nguồn năng lượng sạch, tái tạo hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững nhằm thực hiện cam kết của Việt- Nam tại Hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Quản lý sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ tài nguyên và môi trường. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong toàn xã hội. Thực hiện các giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu. Bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nhất là hệ sinh thái đầm phá. Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên, khu dự trữ môi trường sinh quyển như thành lập Khu bảo tồn sinh thái biển đảo Sơn Chà - Hải Vân, phát triển Vùng Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành Công viên Đầm phá Quốc gia.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ mới, huy động nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn minh nông thôn; đẩy mạnh các phong trào “Xây dựng Thừa Thiên Huế xanh - sạch - sáng”; “Ngày Chủ nhật xanh”; “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các dự án, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.

7. Tiếp tục phát huy vị thế 4 trung tâm: Văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao và thực hiện các mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân

- Tập trung xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh. Phát triển thành phố Huế trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của Vùng.

- Tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là Trung tâm Y tế chuyên sâu của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là Trung tâm Y tế chuyên sâu, kỹ thuật y học cao cấp, trung tâm đào tạo thực hành nhân lực y tế chất lượng cao, có cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phát triển Bệnh viện Trung ương Huế, cùng với Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, là trung tâm y học cao cấp, bệnh viện hạt nhân, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của Vùng và cả nước.

- Tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước. Trong đó, phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng; phát triển Trường Đại học Sư phạm trở thành Trường Đại học Sư phạm trọng điểm Quốc gia. Xây dựng Trường THPT chuyên Quốc Học Huế trở thành trường Trung học nhóm đầu quốc gia.

- Tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức. Xây dựng hệ thống thiết chế và cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Triển khai hiệu quả các đề án, dự án liên quan lĩnh vực khoa học - công nghệ[5]. Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Triển khai hiệu quả Đề án Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, lồng ghép có hiệu quả 03 chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

8. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh; tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, phát triển.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cực đoan, chống đối; không để xảy ra bất ngờ, phát sinh điểm nóng, không để xảy ra biểu tình, tuần hành trái pháp luật. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng; công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

- Đẩy mạnh hợp tác kinh tế; vận động và thu hút các nguồn lực đầu tư của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông qua các nguồn vốn ODA, FDI, NGO; tăng cường hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Duy trì, đưa vào chiều sâu quan hệ hợp tác cấp địa phương với các đối tác truyền thống của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, một số vùng của Pháp và các nước Châu Âu; đẩy mạnh quan hệ hợp tác đặc biệt, toàn diện với nước bạn Lào; tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới trên các lĩnh vực ưu tiên của địa phương. Tăng cường hợp tác quốc tế về hoạt động ngoại giao văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường; quảng bá thương hiệu Huế, con người Huế.

9. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đổi mới sắp xếp, kiện toàn, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số các lĩnh vực hành chính công, y tế, giáo dục, văn hóa,... Phấn đấu cải thiện, duy trì và nâng cao vị trí xếp hạng Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số PAPI và Chỉ số sẵn sàng và ứng dụng CNTT (ICT) của tỉnh trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương:

- Theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại các Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch này; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của sở, ngành, địa phương mình, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện của sở, ngành, địa phương mình.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện và kiến nghị UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Kế hoạch; báo cáo UBND tỉnh đánh giá tình hình triển khai, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao trước ngày 01 tháng 12 hằng năm.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương kịp thời đề xuất các nội dung điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn, gửi sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (để b/c);
- Các tỉnh, thành thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ (để phối hợp);
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (để b/c);
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các thành viên UBND tỉnh;
- Các cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, XDCB, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương

 

PHỤ LỤC I

CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VÀ NGHỊ QUYẾT 168/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 20/02/2023 của UBND tỉnh)

TT

CHỈ TIÊU

ĐƠN VỊ

ĐẾN NĂM 2030

CƠ QUAN CHỦ TRÌ, THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ

 

VỀ KINH TẾ

 

 

 

1

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân/năm

%

7-8

Sở Kế hoạch và Đầu tư

2

Tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân/năm

%

10

Sở Kế hoạch và Đầu tư

3

Tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước bình quân/năm

%

13-15

Sở Tài chính

4

GRDP bình quân đầu người/năm (giá hiện hành)

USD

5.500-6.000

Sở Kế hoạch và Đầu tư

5

Cơ cấu kinh tế

 

 

Sở Kế hoạch và Đầu tư

-

Dịch vụ

%

54-56

 

-

Công nghiệp và Xây dựng

%

33-34

 

-

Nông nghiệp

%

5-7

 

-

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

%

5-6

 

6

Tỷ lệ đô thị hóa

%

65-70

Sở Xây dựng

 

VỀ MÔI TRƯỜNG

 

 

 

7

Tỷ lệ che phủ rừng

 

57

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

8

Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch

%

100

Sở Xây dựng

9

Tỷ lệ các khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn

%

100

Sở Tài nguyên và Môi trường

10

Tỷ lệ các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn

%

85

Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh

11

Tỷ lệ chất thải y tế thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định

%

100

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

VỀ XÃ HỘI

 

 

 

12

Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ

%

75-80

Sở Lao động - Thương binh và xã hội

13

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều

%

dưới mức trung bình toàn quốc

Sở Lao động - Thương binh và xã hội

 

 PHỤ LỤC II

CÁC NHIỆM VỤ, ĐỀ ÁN CỤ THỂ PHÂN CÔNG CÁC SỞ, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VÀ NGHỊ QUYẾT 168/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 20/02/2023 của UBND tỉnh)

TT

NHIỆM VỤ, ĐỀ ÁN

CƠ QUAN CHỦ TRÌ

CƠ QUAN PHỐI HỢP THỰC HIỆN

THỜI GIAN TRÌNH

CẤP TRÌNH

I

Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 168/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông

Các cơ quan liên quan

Giai đoạn 2023 -2030

 

II

TẬP TRUNG PHỐI HỢP HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH VÀ PHÁT TRIỂN LIÊN KẾT VÙNG

1

Lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các cơ quan liên quan

2023

Thủ tướng Chính phủ

2

Phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về các chỉ số phát triển KT-XH, các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn phục vụ công tác điều phối các hoạt động liên kết vùng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các cơ quan và địa phương liên quan

2023- 2024

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

III

TẬP TRUNG HOÀN THÀNH CÁC QUY HOẠCH, CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN

3

Đề án phát triển KTXH vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các cơ quan và địa phương liên quan

Quý I/2023

Thủ tướng Chính phủ

4

Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế

Sở Nội vụ

Các cơ quan và địa phương

Tháng 12/2023

Thủ tướng Chính phủ để trình UBTVQH

5

Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065

Sở Xây dựng

Các cơ quan và địa phương

Quý III/2023

Thủ tướng Chính phủ

6

Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế

Sở Xây dựng

Các cơ quan và địa phương

Quý IV/2023

Thủ tướng Chính phủ

7

Đề án phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền

UBND huyện Phong Điền

Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan

Quý II/2023

 

8

Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế

Các cơ quan và địa phương liên quan

Quý II/2023

Thủ tướng Chính phủ

9

Đề án Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế

Sở Khoa học và Công nghệ

Các cơ quan và địa phương liên quan

Quý II/2023

Thủ tướng Chính phủ

10

Đề án phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia

Đại học Huế

Sở Giáo dục & Đào tạo và các cơ quan, địa phương

Quý II/2023

Thủ tướng Chính phủ

IV

ĐẨY MẠNH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GẮN VỚI ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG, NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ VÀ SỨC CẠNH TRANH CỦA NỀN KINH TẾ; THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN

11

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm Logistics cấp Vùng

Sở Công thương

Các cơ quan và địa phương liên quan

2023-2030

Bộ Công thương

12

Liên kết, phát triển vùng du lịch ven biển Nam Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới có tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương

Sở Du lịch

Các cơ quan và địa phương liên quan

2023-2030

Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch

13

Phối hợp xây dựng Đề án phát triển du lịch và dịch vụ biển, đảo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030

Sở Du lịch

Các cơ quan và địa phương liên quan

2023-2025

Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch

14

Xây dựng Đề án phát triển chuỗi dịch vụ logistics gắn với các ngành sản xuất liên quan hoạt động xuất nhập khẩu

Sở Công Thương

Các cơ quan và địa phương liên quan

2023-2024

UBND tỉnh

15

Phối hợp xây dựng Đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững trên cơ sở áp dụng quy trình sản xuất an toàn; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan và địa phương liên quan

2023

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

16

Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Thừa Thiên Huế

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các cơ quan và địa phương liên quan

2023-2030

 

V

TẬP TRUNG XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

17

Phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh theo kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Sở Xây dựng

Các cơ quan và địa phương liên quan

2023- 2030

 

VI

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, NÂNG CAO KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

18

Phối hợp xây dựng Đề án tăng cường dự báo, đánh giá tác động và các giải pháp phòng, chống thiên tai, nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các cơ quan và địa phương liên quan

2023

Bộ Tài nguyên và Môi trường

19

Phối hợp xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, thông minh thích ứng với khí hậu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan và địa phương liên quan

2023

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

VII

PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - XÃ HỘI, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN

20

Phối hợp xây dựng Đề án phát triển Bệnh viện Trung ương Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế

Bệnh viện Trung ương Huế

Các cơ quan và địa phương liên quan

2023

Bộ Y tế

21

Đề án phát triển Bệnh viện Trường Đại học Y -Dược Huế thuộc Trường Đại học Y - Dược Huế, Đại học Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế

Đại học Huế (Trường Đại học Y - Dược Huế)

Sở Y tế và các cơ quan, địa phương liên quan

2023

Bộ Giáo dục và Đào tạo

22

Đề án phát triển thành phố Huế thành Trung tâm Y tế chuyên sâu

Sở Y tế

Bộ Y tế

2023

Thủ tướng Chính phủ

23

Xây dựng Đề án phát triển thành phố Huế trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Sở Văn hóa và Thể thao

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

2024

Thủ tướng Chính phủ

24

Đề án phát triển Trường Đại học Sư phạm trở thành Trường Đại học Sư phạm trọng điểm Quốc gia

Đại học Huế

Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan

2023

Bộ Giáo dục và Đào tạo

25

Đề án xây dựng Trường THPT chuyên Quốc Học Huế trở thành trường Trung học nhóm đầu quốc gia.

Sở Giáo dục và Đào tạo

Các cơ quan và địa phương liên quan

2023

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

 



[1] Theo các Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015, số 2059/QĐ-TTg ngày 24/11/2015, số 2360/QĐ-TTg ngày 22/12/2015

[2] Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gilimex; KCN Phú Bài giai đoạn IV, đợt 1; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Phong Điền-Viglacera và Đầu tư xây dựng Hệ thống xử lý nước thải-KCN Phong Điền; KCN và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây

[3] Như: Nhà máy Kanglongda Huế, sản xuất ô tô Đăng Kim Long Nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao; Nhà máy sản xuất hàng may sẵn và trang phục lót cao cấp (giai đoạn 2); Nhà máy 2-CTCP Sợi Phú Bài 2;...

[4] Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

[5] Đề án phát triển Trung tâm KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế; Đề án chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030; Dự án: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại tỉnh; Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung tại tỉnh và Hạ tầng Khu công nghệ thông tin tập trung gắn với Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch hành động 52/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 168/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 52/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 20/02/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản