Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 95/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 27 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 24/CT-TTG NGÀY 02/8/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG DỊCH VỤ XÃ HỘI ĐÔ THỊ BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI.

Căn cứ Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị;

Căn cứ Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 02/8/2016 của của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị bảo đảm an sinh xã hội;

Căn cứ Quyết định số 988/QĐ-UBND ngày 28/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn đến năm 2025;

Xét Tờ trình số 564/TTr-SXD ngày 30/3/2017 và Công văn số 753/SXD-PTĐT ngày 20/6/2017 của Sở Xây dựng,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị bảo đảm an sinh xã hội, với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:

1. Tổ chức thực hiện các Chương trình phát triển đô thị có sự lồng ghép chặt chẽ các mục tiêu và định hướng phát triển hệ thống dịch vụ xã hội cụ thể cùng nguồn lực thực hiện, làm cơ sở để lập kế hoạch đầu tư các công trình hạ tầng xã hội đồng bộ theo đúng tiến độ;

2. Tăng cường quản lý, bảo đảm sử dụng đúng và có hiệu quả nguồn lực cho phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị phục vụ an sinh xã hội; đưa các chỉ tiêu cần đạt được về dịch vụ xã hội đô thị bảo đảm an sinh xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 05 năm để triển khai, thực hiện;

3. Bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng xã hội phù hợp mục tiêu phát triển của từng giai đoạn theo quy hoạch đô thị, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, giám sát trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị trong việc đầu tư xây dựng công trình cũng như cung cấp dịch vụ cho người dân.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN:

1. Tổ chức thực hiện các Chương trình phát triển từng đô thị:

Căn cứ Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn đến năm 2025 và Đề cương, dự toán Chương trình phát triển từng đô thị đến năm 2025 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện công tác rà soát, lập, trình thẩm định, phê duyệt Chương trình phát triển từng đô thị. Trong đó:

- Lồng ghép chặt chẽ các mục tiêu và định hướng phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị chủ yếu cho từng giai đoạn 5 năm và hàng năm, gồm: Nhà ở, giao thông, cấp nước, thoát nước mưa và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, vệ sinh môi trường, cây xanh đô thị, chiếu sáng công cộng, các công trình hạ tầng viễn thông thụ động đã được xác định tại Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn đến năm 2025 và các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị ban hành kèm theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

- Ưu tiên thực hiện Chương trình phát triển đô thị Phú Quốc, Kiên Lương và các thị trấn hiện trạng, có kế hoạch lập Đề án nâng loại là đô thị loại IV, gồm: Minh Lương, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Vĩnh Thuận và các đô thị hình thành mới gồm: Đầm Chít, Thứ Bảy, U Minh Thượng, Thổ Châu, Tắc Cậu;

- Đối với thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên: Tiến hành rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức lập, trình phê duyệt sơ đồ phân bố khu vực phát triển đô thị. Riêng đô thị thị xã Hà Tiên tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt tại Quyết định số 1893/QĐ-UBND ngày 07/9/2012 của UBND tỉnh;

- Lập kế hoạch đầu tư các công trình hạ tầng xã hội đô thị đồng bộ theo đúng tiến độ nhằm kết nối các khu vực phát triển đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị;

- Xác định kế hoạch vốn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật khung và công trình đầu mối ưu tiên phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của địa phương;

- Xây dựng các giải pháp về cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển đô thị.

(Có Phụ lục kèm theo).

2. Các giải pháp phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị phục vụ an sinh xã hội:

a) Tăng cường quản lý, bảo đảm sử dụng đúng và có hiệu quả nguồn lực cho phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị phục vụ an sinh xã hội:

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

+ Phối hợp với các Sở, ban, ngành xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển dịch vụ xã hội đô thị gắn liền với việc thực hiện Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, Chương trình phát triển từng đô thị;

+ Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số về: Giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin.

- Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành:

+ Hướng dẫn, giám sát việc cụ thể hóa các kế hoạch phát triển dịch vụ xã hội đô thị trong các Chương trình, kế hoạch phát triển của từng đô thị;

+ Tổ chức thẩm định, trình phê duyệt Chương trình phát triển từng đô thị bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ, bảo đảm tốt an sinh xã hội, chăm lo cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống cho người dân đối với các lĩnh vực: Nhà ở xã hội, nước sạch, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, giải trí, sinh hoạt cộng đồng;

+ Đề xuất thực hiện chính sách nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội; ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu công nghiệp.

- Các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa và Thể thao:

+ Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở khám chữa bệnh, giáo dục, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch và Chương trình phát triển của từng đô thị;

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xã hội hóa và phát triển dịch vụ xã hội đô thị;

+ Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức của cán bộ và người dân về chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ xã hội bảo đảm an sinh xã hội.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, ban, ngành liên quan:

+ Đề xuất việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh cung cấp dịch vụ xã hội đô thị;

+ Xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn cho xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội đô thị trình phê duyệt.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, ban, ngành liên quan:

+ Nghiên cứu đề xuất việc thực hiện quản lý, sử dụng, quyết toán các nguồn kinh phí từ ngân sách đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ xã hội;

+ Đề xuất các cơ chế tài chính, chính sách về thuế, phí, lệ phí liên quan đến cung cấp dịch vụ xã hội đô thị, tạo môi trường minh bạch, bình đẳng để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách cho phát triển dịch vụ xã hội đô thị;

+ Rà soát, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với các dự án cung cấp dịch vụ xã hội đô thị được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan rà soát, đánh giá và nghiên cứu đề xuất hỗ trợ cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người có công với cách mạng trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội tại các đô thị.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, ban, ngành có liên quan đề xuất khắc phục những khó khăn về đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các lĩnh vực dịch vụ xã hội đô thị.

b) Đưa các chỉ tiêu cần đạt được về dịch vụ xã hội đô thị bảo đảm an sinh xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 05 năm của các Sở, ban, ngành, địa phương để triển khai, thực hiện bảo đảm nguyên tắc: Đa dạng, toàn diện có tính chia sẻ giữa Nhà nước và xã hội, giữa các nhóm cư dân; khuyến khích được các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia một cách hiệu quả; tăng cường tính liên kết giữa các quy hoạch, chương trình phát triển từng lĩnh vực dịch vụ; công tác đầu tư xây dựng mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ đồng bộ và được gắn kết thống nhất thông qua Chương trình phát triển đô thị.

c) Bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng xã hội phù hợp mục tiêu phát triển của từng giai đoạn theo quy hoạch đô thị, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

d) Giám sát trách nhiệm của các chủ đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị trong việc đầu tư xây dựng công trình cũng như cung cấp dịch vụ cho người dân.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Giám đốc (Thủ trưởng) các Sở, ban, ngành tỉnh có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này.

2. Các Sở, ban, ngành của tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tham gia xây dựng các chính sách về phát triển dịch vụ xã hội đô thị.

3. Trước ngày 30/11 hàng năm, các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố gửi báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng trước ngày 10/12 hàng năm)./.

 


Nơi nhận:
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT và các PCT.UBND tỉnh;
- Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP, CVNC;
- Lưu: VT, nvthanh (01b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Văn Huỳnh

 

PHỤ LỤC:

DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TỪNG ĐÔ THỊ
(kèm theo Kế hoạch số: 95/KH-UBND ngày 27/6/2017 của UBND tỉnh Kiên Giang)

STT

Nhiệm vụ

Số Quyết định phê duyệt Đề cương và dự toán

Thời gian hoàn thành

Cơ quan tổ chức lập

Cơ quan thẩm định

Ghi chú

I

Chương trình phát triển từng đô thị đối với các thị trấn hiện trạng:

1

Phú Quốc

1091/QĐ-UBND ngày 11/5/2016

Quý III/ 2017

UBND các huyện

Sở Xây dựng

Lựa chọn Đơn vị tư vấn có chức năng, năng lực thực hiện.

2

Kiên Lương

2431/QĐ-UBND ngày 28/10/2016

3

Minh Lương

2195/QĐ-UBND ngày 29/9/2016

4

Giồng Riềng

2203/QĐ-UBND ngày 29/9/2016

5

Tân Hiệp

2198/QĐ-UBND ngày 29/9/2016

6

Vĩnh Thuận

2201/QĐ-UBND ngày 29/9/2016

7

Hòn Đất

2202/QĐ-UBND ngày 29/9/2016

Quý IV/ 2017

8

Sóc Sơn

2200/QĐ-UBND ngày 29/9/2016

9

Gò Quao

2205/QĐ-UBND ngày 29/9/2016

10

Thứ Ba

2430/QĐ-UBND ngày 28/10/2016

11

Thứ Mười Một

2429/QĐ-UBND ngày 28/10/2016

12

Hòn Tre

2197/QĐ-UBND ngày 29/9/2016

II

Đề cương, dự toán Chương trình phát triển từng đô thị đối với các đô thị dự kiến hình thành:

1

Đầm Chít

Quý II/2017

UBND các huyện

Sở Xây dựng, Sở Tài chính

Chủ trương thực hiện tại Công văn số 1011/VP-KTCN của Văn phòng UBND tỉnh ngày 03/3/2017.

2

Thứ Bảy

3

U Minh Thượng

4

Thổ Châu

5

Tắc Cậu

Quý III/2017

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 95/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg về tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị bảo đảm an sinh xã hội do tỉnh Kiên Giang ban hành

  • Số hiệu: 95/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/06/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Mai Văn Huỳnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/06/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản