Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 22 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN GIAI ĐOẠN HẬU COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh lý sau khi khỏi COVID-19 là tình trạng bệnh ở những người đã từng mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19, với các triệu chứng phổ biến như: mệt mỏi, khó thở, nhiều trường hợp có triệu chứng tâm thần, thậm chí rối loạn nhận thức,... những triệu chứng này có thể xuất hiện ngay lúc khỏi bệnh hoặc sau khi hồi phục và thường diễn ra dai dẳng kéo dài ít nhất từ hai đến ba tháng trở lên.

Qua số liệu thống kê đến hết ngày 31/3/2022, tỉnh Đồng Nai đã có 410.915 người mắc COVID-19 và 393.642 người đã khỏi bệnh; do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là triển khai ngay các hoạt động tầm soát, phát hiện sớm và chăm sóc điều trị hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe cho người dân giai đoạn hậu COVID-19, góp phần bảo đảm an sinh, bảo vệ lực lượng lao động, nâng cao chất lượng của cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu COVID-19 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát hiện sớm các trường hợp mắc các bệnh lý hậu COVID-19, can thiệp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe cho người mắc bệnh lý hậu COVID-19 góp phần bảo đảm an sinh, bảo vệ lực lượng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu 1: Xây dựng Hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho mắc bệnh lý hậu COVID-19.

b) Mục tiêu 2: Phát triển nền tảng số của tỉnh về dữ liệu sức khỏe của người mắc bệnh lý hậu COVID-19 (đây là một trong những dữ liệu quan trọng về sức khỏe ban đầu để tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân), chuyển đổi số hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe người mắc bệnh lý hậu COVID-19.

c) Mục tiêu 3: Thiết lập mô hình tháp 3 tầng chăm sóc sức khỏe cho mắc bệnh lý hậu COVID-19.

d) Mục tiêu 4: Tăng cường truyền thông về chiến dịch bảo vệ sức khỏe người mắc bệnh lý hậu COVID-19.

đ) Mục tiêu 5: Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu: “Bệnh lý hậu COVID-19”, tăng cường hợp tác quốc tế về các chương trình phục hồi sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sau đại dịch COVID-19.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Xây dựng Hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người có mắc bệnh lý hậu COVID-19 (sau đây gọi là Hướng dẫn điều trị):

a) Áp dụng hướng dẫn của Bộ Y tế (nếu có).

b) Xây dựng hướng dẫn của tỉnh:

- Điều trị theo phân tầng.

- Thẩm định, ban hành tài liệu Hướng dẫn điều trị.

c) Xây dựng chương trình đào tạo liên tục về tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh lý hậu COVID-19.

d) Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức về hậu COVID-19.

đ) Đánh giá hiệu quả áp dụng của Hướng dẫn điều trị làm cơ sở để liên tục cải tiến và cập nhật nội dung.

2. Phát triển nền tảng số về dữ liệu sức khỏe của người dân, chuyển đổi số hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân hậu COVID-19

a) Tích hợp liên thông dữ liệu của người dân mắc bệnh lý hậu COVID-19 vào nền tảng số giữa Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để cập nhật thông tin sức khỏe của người dân khi đến khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

b) Xác định mô hình bệnh tật của người mắc bệnh lý hậu COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

c) Thiết lập mạng lưới tư vấn từ xa (telehealth) để hướng dẫn người dân cách phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị tại nhà với các trường hợp mắc bệnh lý hậu COVID-19; hướng dẫn cách theo dõi sức khỏe, các dấu hiệu bệnh chuyển nặng, các biến chứng khác của bệnh để can thiệp kịp thời.

d) Xây dựng bảng thông tin kỹ thuật số về tình hình sức khỏe của người mắc bệnh lý hậu COVID-19, phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo các chính sách, chương trình sức khỏe.

3. Thiết lập mô hình tháp 3 tầng chăm sóc sức khỏe cho người dân hậu COVID-19

Xây dựng Mô hình tháp 3 tầng từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh của tỉnh, gồm:

- Tầng 1 (Trạm Y tế xã, phường, thị trấn): Thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu COVID-19 và người mắc bệnh lý hậu COVID-19 mức độ nhẹ.

- Tầng 2 (Trung tâm Y tế huyện, thành phố, các Bệnh viện Đa khoa khu vực): Thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu COVID-19 và người mắc bệnh lý hậu COVID-19 mức độ trung bình.

- Tầng 3 (Các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh): Thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu COVID-19 và người mắc bệnh hậu COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch.

4. Tăng cường truyền thông về chiến dịch bảo vệ sức khỏe người dân hậu COVID-19

a) Thực hiện các phóng sự truyền hình, truyền thanh, các tờ rơi, nội dung truyền thông báo chí, trang thông tin điện tử liên quan các bệnh lý hậu COVID-19, cách tầm soát phát hiện sớm, chăm sóc, theo dõi, điều trị cho người dân trên địa bàn tỉnh.

b) Triển khai chuyên mục “Cẩm nang chăm sóc và điều trị bệnh lý hậu COVID-19” do các cán bộ y tế chuyên khoa có uy tín của tỉnh trên các lĩnh vực liên quan tư vấn với đa dạng chuyên đề khác nhau nhằm cung cấp, phổ biến các thông tin về sức khỏe cho người có triệu chứng bệnh lý hậu COVID-19 trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai.

c) Tiếp tục phát triển thêm kênh tư vấn sức khỏe cho người hậu COVID-19 qua tổng đài 1022.

5. Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu: “Bệnh lý hậu COVID-19”, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về các chương trình phục hồi sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mắc bệnh lý hậu COVID-19

a) Tiến hành thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “Bệnh lý hậu COVID-19” bao gồm: Tần suất, mô hình bệnh tật, biểu hiện lâm sàng, phân loại nguy cơ, đánh giá mức độ bệnh, hiệu quả chăm sóc, điều trị,... làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các chủ trương, chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân mắc bệnh lý hậu COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

b) Chủ động, tích cực hợp tác với các viện, trường, các hiệp hội, tổ chức trong nước và quốc tế trong nghiên cứu khoa học về các bệnh lý hậu COVID-19, nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe người mắc bệnh lý hậu COVID-19.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động tại Kế hoạch này được bố trí từ ngân sách nhà nước, ngân sách các chương trình, dự án liên quan, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của các cơ quan, đơn vị, tổ chức.

2. Căn cứ nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị, tổ chức xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch và tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm, gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định. Triển khai thực hiện dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí theo quy định pháp luật hiện hành.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

a) Chịu trách nhiệm chính triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch này.

b) Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về người mắc COVID-19 và theo dõi tình trạng sức khỏe giai đoạn hậu COVID-19; xây dựng các phóng sự truyền thông về kế hoạch bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu COVID-19.

c) Tham mưu xây dựng Hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh lý hậu COVID-19.

d) Triển khai các chương trình đào tạo liên tục, tập huấn Hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh lý hậu COVID-19.

đ) Đầu mối triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về vấn đề “Bệnh lý hậu COVID-19”.

e) Phối hợp UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thu thập thông tin ban đầu; chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cập nhật thông tin khi người dân đến khám bệnh, chữa bệnh với các triệu chứng có liên quan đến hậu COVID-19.

g) Giám sát, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, đạt mục tiêu đề ra.

h) Quản lý dữ liệu lớn về người mắc COVID-19 và hậu COVID-19.

i) Tăng cường truyền thông sâu rộng đến người dân về các di chứng có thể mắc phải sau khỏi COVID-19, cách nhận biết, phòng ngừa và điều trị phù hợp.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng nền tảng số về người mắc COVID-19 và hậu COVID-19.

3. Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai

a) Tổ chức tuyên truyền về Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu COVID-19 trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng chuyên mục “Cẩm nang chăm sóc và điều trị bệnh lý hậu COVID-19”.

4. Sở khoa học và Công nghệ

a) Tổ chức xác định, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến chương trình y tế và vấn đề sức khỏe cộng đồng ưu tiên “Bệnh lý hậu COVID-19”.

b) Phối hợp Sở Y tế đề xuất danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

5. Sở Tài chính

Phối hợp Sở Y tế và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo quy định.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện, thành phố quản lý danh sách người dân mắc COVID-19 trên địa bàn, xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho nhóm có nguy cơ và nhóm chưa có nguy cơ mắc bệnh lý hậu COVID-19 để đưa vào chương trình dự phòng, tầm soát, can thiệp.

b) Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã, phường, thị trấn tăng cường truyền thông chiến dịch bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là những người có các dấu hiệu, triệu chứng giai đoạn hậu COVID-19.

c) Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao, UBND cấp xã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu COVID-19 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo, đề xuất UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để kịp thời xử lý, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- Cục YTDP;
- Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX, CTTĐT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Sơn Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 93/KH-UBND năm 2022 triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 93/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 22/04/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Nguyễn Sơn Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản