Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 90/KH-UBND | Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
KIỂM SOÁT, XỬ LÝ Ô NHIỄM NƯỚC SÔNG CẦU BÂY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030.
Sông Cầu Bây nằm trong đê hữu sông Đuống chiều dài khoảng 12,5 km, là con sông thoát nước chính chảy qua địa bàn quận Long Biên (khoảng 5,5km) và huyện Gia Lâm (khoảng 7km). Thượng lưu của sông là hồ Kim Quan (địa phận phường Việt Hưng, quận Long Biên) và hạ lưu là sông Bắc Hưng Hải tại cửa xả đập Xuân Thụy (địa phận xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm). Sông có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho 6.326 ha lưu vực quận Long Biên và huyện Gia Lâm, đồng thời làm nhiệm vụ trữ nước tưới cho khoảng 400 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Sông Cầu Bây chảy qua 06 phường của quận Long Biên (Sài Đồng, Việt Hưng, Phúc Đồng, Gia Thụy, Phúc Lợi, Thạch Bàn với dân số 115.322 người) và chảy qua 04 xã của huyện Gia Lâm (thị trấn Trâu Quỳ, xã Đông Dư, Đa Tốn, Kiêu Kỵ với dân số 65.377 người). Theo thống kê có 28 điểm xả nước thải sinh hoạt từ khu dân cư trực tiếp ra sông Cầu Bây với lưu lượng khoảng 50.000 m3/ngày đêm, trong đó lượng nước thải từ khu dân cư cũ hầu như chưa được thu gom, xử lý; 02 KCN (đã có hệ thống xử lý nước thải) xả nước thải sau xử lý ra sông Cầu Bây; ngoài ra còn có nước thải từ các làng nghề, cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp thải ra sông Câu Bây.
Hệ thống Bắc Hưng Hải là công trình thuỷ lợi có vai trò rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh và dân sinh) cho 04 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương, nhưng nhiều năm qua đã trở thành điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường. Ngày 10/10/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2625/QĐ- BTNMT về Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ngày 09/8/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 315/TB-VP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 16/7/2021 về việc triển khai thực hiện Chương trình số 05-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”.
Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (vùng hạ lưu), UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Kiểm soát có hiệu quả các đối tượng có hoạt động xả nước thải, từng bước ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước sông Cầu Bây, góp phần cải thiện chất lượng nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
- Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị có liên quan trong bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước hệ thống thủy lợi Cầu Bây.
2. Yêu cầu
- Các nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hướng tới mục tiêu kiểm soát, xử lý có hiệu quả nguồn gây ô nhiễm nước sông Cầu Bây.
- Xác định rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc bảo đảm tiến độ theo nội dung, nhiệm vụ, yêu cầu của Kế hoạch.
II. CÁC GIẢI PHÁP CHUNG
1. Nhóm giải pháp về quy hoạch
Tập trung nguồn lực thực hiện quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2013 và quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25/4/2014, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư các dự án thuộc lưu vực sông Cầu Bây thuộc địa bàn huyện Gia Lâm và quận Long Biên và lồng ghép, tích hợp các quy hoạch có liên quan, xác định rõ các khu xử lý chất thải rắn và hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, phù hợp với định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường chuyên ngành quốc gia theo quy định, quy hoạch Thủ đô. Bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy hoạch được phê duyệt.
2. Nhóm giải pháp về đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường
- Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đảm bảo nước thải phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý toàn bộ, đáp ứng quy chuẩn môi trường.
- Đầu tư các hệ thống quan trắc nước thải tự động đối với các nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Dữ liệu quan trắc môi trường phải được truyền, cập nhật, lưu trữ về các cơ quan có thẩm quyền liên quan để giám sát theo quy định.
3. Nhóm giải pháp về quản lý, kiểm soát, giám sát nguồn thải
- Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý các nguồn thải ra hệ thống sông Cầu Bây phục vụ công tác quản lý, kiểm soát và giám sát nguồn thải.
- Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch quản lý, kiểm soát, giám sát đối với từng nguồn thải theo nguyên tắc cấp nào, đơn vị nào phê duyệt, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn thải (giấy phép môi trường) thì cấp đó, đơn vị đó phải quản lý, kiểm soát, giám sát được nguồn thải đã cấp phép.
- Kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) trước khi xả ra sông Cầu Bây.
4. Nhóm giải pháp về quản lý chất lượng nước mặt sông Cầu Bây
- Thực hiện điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, ưu tiên thực hiện điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông Cầu Bây.
- Thực hiện quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng nước sông Cầu Bây.
5. Nhóm giải pháp về thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường
Tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng, chống tội phạm về môi trường và xử lý vi phạm về môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào sông Cầu Bây và các sông nhánh thuộc hệ thống; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đồng thời, áp dụng triệt để các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, đình chỉ hoạt động xả thải và yêu cầu nâng cấp, hoàn thiện, các công trình xử lý nước thải phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
6. Nhóm giải pháp về tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường
- Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành để mỗi doanh nghiệp, người dân nắm được các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường.
- Tuyên truyền, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, cộng đồng dân cư trong việc chung tay cùng bảo vệ môi trường; kiên quyết đấu tranh, không để các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây diễn ra trên địa bàn.
III. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu đối với toàn bộ nguồn thải phát sinh thải ra hệ thống công trình thủy lợi sông Cầu Bây, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, kiểm soát và giám sát nguồn thải
- Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị đã được giao nhiệm vụ “Tăng cường năng lực quản lý cải thiện chất lượng nước, bảo vệ môi trường giai đoạn 2023-2025” theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội tại Chương trình 05-CT/TU ngày 17/3/2021).
- Đơn vị phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và đề xuất kế hoạch, lộ trình xử lý ô nhiễm đối với các làng nghề trên lưu vực sông Cầu Bây, đảm bảo nước thải phát sinh từ hoạt động của các làng nghề phải được thu gom, xử lý toàn bộ đạt quy chuẩn kỹ thuật thủ đô trước khi xả ra sông Cầu Bây
- Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm.
- Đơn vị phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thuỷ lợi Cầu Bây
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Công an Thành phố Hà Nội, UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với đối với các cơ sở có hoạt động xả nước thải vào sông Cầu Bây do UBND Thành phố cấp Giấy phép môi trường, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (không bao gồm các đối tượng do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thanh tra).
- UBND quận Long Biên và UBND huyện Gia Lâm chủ trì thanh tra, kiểm tra các đối tượng có hoạt động xả nước thải vào sông Cầu Bây trên địa bàn (không bao gồm các đối tượng do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thanh tra, kiểm tra).
4. Quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng nước hệ thống thủy lợi Cầu Bây
- Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Đơn vị phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm vá các tổ chức, cá nhân có liên quan.
5. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường như: công trình thu gom, xử lý nước thải; trạm quan trắc nước thải liên tục tự động, nạo vét, khơi thông dòng chảy
- Nội dung:
+ Đầu tư các công trình hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung (Nhà máy An Lạc, Nhà máy Phúc Đồng, Nhà máy xử lý nước thải Yên Viên, giai đoạn 1) đã được giao tại Kế hoạch 312/KH-UBND ngày 28/12/2021 của UBND Thành phố về việc thực hiện Chương trình số 03, 05-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy và Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND Thành phố cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố.
+ Đầu tư công trình bảo vệ môi trường đối với các làng nghề theo quy định tại Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 28/4/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 16/01/2024 về việc sửa đổi bổ sung Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 28/4/2023 và theo các phương án bảo vệ môi trường các làng nghề đã được UBND quận Long Biên và UBND huyện Gia Lâm phê duyệt.
+ Đầu tư trạm xử lý nước thải của các khu đô thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo hồ sơ môi trường được phê duyệt.
+ Đầu tư hệ thống quan trắc tự động đối với các khu công nghiệp, khu đô thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định.
- Đơn vị thực hiện:
+ Chủ các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung (khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng sản xuất công nghiệp của khu kinh tế), cụm công nghiệp (đối với cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng); khu đô thị, khu dân cư tập trung có hoạt động xả nước thải vào hệ thống sông nhánh, sông chính hệ thống thủy lợi Cầu Bây nhưng chưa có công trình xử lý nước thải hoặc công trình xử lý nước thải không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
+ Chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả nước thải vào hệ thống sông nhánh, sông chính hệ thống thủy lợi Cầu Bây nhưng chưa có công trình xử lý nước thải hoặc công trình xử lý nước thải không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
+ UBND quận Long Biên và UBND huyện Gia Lâm đầu tư đối với cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư hạ tầng, làng nghề đang hoạt động… nhưng chưa có công trình xử lý nước thải hoặc công trình xử lý nước thải không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
+ Các Sở, ban ngành được giao nhiệm vụ đầu tư các công trình thu gom, thoát nước, xử lý nước thải đô thị tập trung và nạo vét khơi thông dòng chảy.
(Chi tiết phân công thực hiện các nhiệm vụ tại Phụ lục kèm theo)
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Là đơn vị đầu mối, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và các đề xuất, kiến nghị.
- Quyết định theo thẩm quyền hoặc tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định, không đảm bảo nước thải được xử lý đạt QCVN về nước thải cho phép trước khi xả ra sông Cầu Bây.
- Tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình được giao nhiệm vụ chủ đầu tư.
- Tăng cường tuyên truyền chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của Thành phố liên quan đến các nội dung của Kế hoạch.
2. Sở Xây dựng
- Thực hiện các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về đảm bảo thoát nước khu vực. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực được giao phụ trách.
- Theo chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, chủ trì.
3. Sở Nông nghiệp v Phát triển nông thôn
- Rà soát đánh giá toàn diện hiện trạng, hiệu quả sử dụng công trình thủy lợi; xây dựng dự án, kế hoạch, bố trí nguồn vốn và tổ chức thực hiện việc nạo vét, sửa chữa, nâng cấp công trình trên sông Cầu Bây.
- Tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, chủ trì.
- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Công ty TNHH MTV ĐTPT thủy lợi Hà Nội vận hành công trình thủy lợi sông Cầu Bây theo đúng quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện công tác duy tu, duy trì hệ thống sông Cầu Bây theo đúng quy định đảm bảo dòng chảy luôn được thông thoáng, không có bèo, rác, vật cản.
4. Sở Công thương
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan thực hiện rà soát tình trạng, hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm và quận Long Biên, trong đó tập trung vào công tác đầu tư hạ tầng về bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; đề xuất phương án xử lý đối với các Cụm công nghiệp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.
- Nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền cơ chế, chính sách về đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường cho cụm công nghiệp, đảm bảo nước thải phát sinh từ các cụm công nghiệp phải được thu gom, xử lý toàn bộ đạt Quy chuẩn thủ đô Hà Nội.
- Tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, chủ trì.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tập trung ưu tiên nguồn lực để triển khai các dự án hệ thống thu gom, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung từ nguồn đầu tư công trung hạn; ưu tiên cho Nhà máy xử lý nước thải An Lạc và Nhà máy xử lý nước thải Phúc Đồng trên địa bàn quận Long Biên (trong trường hợp không kêu gọi được xã hội hóa); có kế hoạch, lộ trình đầu tư, triển khai các dự án đầu tư cho việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đoạn sông bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Gia Lâm và quận Long Biên.
- Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án đầu tư, đảm bảo đủ điều kiện trình UBND Thành phố báo cáo HDND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư dự án tại các kỳ họp theo đúng quy trình, quy định.
- Quyết định theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền kiên quyết không cấp phép đầu tư đối với các dự án không đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phù hợp với điều kiện của Thủ đô nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây; trong đó, chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ số, công nghệ sinh học trong xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt.
7. Sở Quy hoạch - Kiến trúc
Phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng trong việc nghiên cứu, cập nhật các nội dung rà soát Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lồng nghép, tích hợp vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đảm bảo chính xác, đầy đủ và đồng bộ và các đơn vị có liên quan rà soát, thực hiện cập nhật đề xuất điều chỉnh quy hoạch, báo cáo UBND thành phố trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
8. Sở Tài chính
- Hướng dẫn thực hiện các quy định về hợp tác công tư đối với đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, đặc biệt là các đô thị, khu dân cư tập trung theo phạm vi thẩm quyền, nhiệm vụ được pháp luật giao.
- Hướng dẫn xác định mức giá dịch vụ xử lý nước thải phù hợp với khả năng chi trả của người dân, có lộ trình, đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí, bảo đảm thu hút, khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, vận hành công trình xử lý nước thải tập trung.
- Bố trí nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ, dự án xử lý ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
9. Công an Thành phố
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; xử lý nghiêm đối với hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây; tăng cường kiểm tra, trinh sát để kịp thời ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi, hoạt động của các cơ sở xả thải không đạt QCVN ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
10. Ban QLDA ĐTXD công trình Hạ tầng kỹ thuật và Nông nghiệp thành phố Hà Nội
Tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình được giao nhiệm vụ chủ đầu tư.
11. UBND quận Long Biên
- Chủ động nghiên cứu, lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các làng nghề theo phương án, kế hoạch, lộ trình xử lý đối với các làng nghề đã được duyệt, thực hiện theo quy định về phân cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải trên địa bàn trước khi xả ra sông Cầu Bây.
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tất cả các cơ sở sản xuất của hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp có xả thải vào sông Cầu Bây (theo phân cấp), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định, không đảm bảo nước thải được xử lý đạt QCVN về nước thải cho phép trước khi xả sông Cầu Bây.
- Chỉ đạo đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn, không để tình trạng chất thải rắn phát sinh không được thu gom gây ô nhiễm nguồn nước mặt, đặc biệt khu vực sông Cầu Bây. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vứt rác thải không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.
- Tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, chủ trì.
- Tăng cường tuyên truyền chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của Thành phố liên quan đến các nội dung của Kế hoạch.
12. UBND huyện Gia Lâm
- Chủ động nghiên cứu, lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các làng nghề theo phương án, kế hoạch, lộ trình xử lý đối với các làng nghề đã được duyệt, thực hiện theo quy định về phân cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải trên địa bàn trước khi xả ra sông Cầu Bây.
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tất cả các cơ sở sản xuất của hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp có xả thải vào sông Cầu Bây (theo phân cấp), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định, không đảm bảo nước thải được xử lý đạt QCVN về nước thải cho phép trước khi xả ra sông Cầu Bây.
- Chỉ đạo đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn, không để tình trạng chất thải rắn phát sinh không được thu gom gây ô nhiễm nguồn nước mặt, đặc biệt khu vực sông Cầu Bây. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vứt rác thải không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.
- Tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, chủ trì.
- Tăng cường tuyên truyền chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của Thành phố liên quan đến các nội dung của Kế hoạch.
13. Cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình
Tăng cường tuyên truyền chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của Thành phố liên quan đến các nội dung của Kế hoạch.
14. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố tuyên truyền, phổ biến, vận động các tổ chức, cơ quan có kế hoạch phối hợp thực hiện Kế hoạch này.
15. Chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thải chất thải ra vực sông Cầu Bây
Đầu tư trạm xử lý nước thải của các khu đô thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo hồ sơ môi trường được phê duyệt, vận hành đúng quy trình đảm bảo toàn bộ nước thải thải ra môi trường phải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, chất thải rắn phải được phân loại, thu gom và chuyển giao đơn vị thu gom xử lý theo quy định.
Các Sở, ban, ngành chịu trách nhiệm tập trung thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ, báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp theo định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất khi có yêu cầu./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
NHIỆM VỤ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KIỂM SOÁT, XỬ LÝ Ô NHIỄM NƯỚC SÔNG CẦU BÂY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030.
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số /KH-UBND ngày tháng năm 2024 của UBND thành phố Hà Nội)
STT | Nội dung thực hiện | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Thời gian thực hiện | Ghi chú |
1 | Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu đối với toàn bộ nguồn thải phát sinh thải ra hệ thống công trình thủy lợi sông Cầu Bây | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. | - Sở Tài nguyên và Môi trường - UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm; - Các tổ chức, cá nhân có liên quan. | Đã thực hiện từ Quý IV/2023, năm 2024 | Đã được giao nhiệm vụ tại Chương trình 05- CT/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy. |
2 | Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thuỷ lợi Cầu Bây | - Sở Tài nguyên và Môi trường; - UBND cấp huyện. (theo thẩm quyền) | - Công an thành phố Hà Nội - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. | Hàng năm |
|
3 | Quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng nước hệ thống thủy lợi Cầu Bây | Sở Tài nguyên và Môi trường. | - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; - UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm; - Các tổ chức, cá nhân có liên quan. | Hàng năm |
|
4 | - Đầu tư công trình hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung (Nhà máy An Lạc, Nhà máy Phúc Đồng, Nhà máy xử lý nước thải Yên Viên (giai đoạn 1) - Đầu tư hệ thống quan trắc tự động tại cống Xuân Thuỵ, xã Kiêu Kị, huyện Gia Lâm | - Sở Xây dựng chủ trì tổng hợp báo cáo; - Đơn vị được giao chủ đầu tư. | - Sở Tài nguyên và Môi trường; - Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn; - Sở Kế hoạch và Đầu tư; - Sở Công thương; - UBND quận Long Biên; - UBND huyện Gia Lâm. | 2026 - 2030 | Đã được giao tại Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 28/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 12/NQQ- HĐND ngày 04/7/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố. |
5 | Đầu tư Trạm xử lý nước thải tập trung các làng nghề bị ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng | UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm. | - Sở Tài nguyên và Môi trường; - Sơ Công thương; - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; - Sở Kế hoạch và Đầu tư. | 2024 - 2030 | Thực hiện theo: Quyết định số 2546/QĐ -UBND ngày 28/4/2023 về việc ban hành danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 16/01/2024 về việc sửa đổi bổ sung Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 28/4/2023 về việc ban hành danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và phương án bảo vệ môi trường làng nghề đã được UBND quận Long Biên/ huyện Gia Lâm phê duyệt. |
6 | Đầu tư trạm xử lý nước thải của các khu đô thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo hồ sơ môi trường được phê duyệt | Chủ đầu tư Khu đô thị, cơ sở, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. |
|
| Theo hồ sơ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. |
- 1Quyết định 1919/QĐ-UBND về Quy chế thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 4011/QĐ-UBND năm 2016 về Đơn giá trần xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 3Quyết định 739/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt kết quả Dự án “Điều tra, thống kê và kiểm soát cơ sở xả thải gây ô nhiễm nguồn nước; lập danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và đề xuất các giải pháp xử lý, khôi phục" do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 1Quyết định 1919/QĐ-UBND về Quy chế thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 725/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 609/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 4011/QĐ-UBND năm 2016 về Đơn giá trần xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 5Quyết định 739/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt kết quả Dự án “Điều tra, thống kê và kiểm soát cơ sở xả thải gây ô nhiễm nguồn nước; lập danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và đề xuất các giải pháp xử lý, khôi phục" do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 6Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 7Kế hoạch 168/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình 05-CTr/TU về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2025” do thành phố Hà Nội ban hành
- 8Kế hoạch 312/KH-UBND năm 2021 về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025
- 9Quyết định 2625/QĐ-BTNMT năm 2022 về Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 10Nghị quyết 12/NQ-HĐND năm 2023 cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố Hà Nội
- 11Thông báo 315/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 2546/QĐ-UBND năm 2023 về Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Kế hoạch 90/KH-UBND năm 2024 kiểm soát, xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030
- Số hiệu: 90/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 26/03/2024
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Trọng Đông
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/03/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra