Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/KH-UBND

Thái Bình, ngày 30 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ XÓA NGHÈO ĐỐI VỚI HỘ GIA ĐÌNH CÓ THÀNH VIÊN THUỘC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 13/8/2019 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2019; căn cứ Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 29/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Công văn số 1862-CV/TU ngày 02/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xóa nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng. Năm 2018, kết quả rà soát hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3,35%, tuy nhiên vẫn còn 355 hộ gia đình có thành viên là người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo, chiếm 1,66% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Để tăng cường các hoạt động thiết thực chăm lo các đối tượng chính sách người có công với cách mạng, trong đó tập trung hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình thuộc chính sách người có công thoát nghèo, bảo đảm mục tiêu: Đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ xóa nghèo đối với hộ gia đình có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng (gọi tắt là hộ gia đình chính sách người có công nghèo), nội dung cụ thể sau:

I. MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG, CHỈ TIÊU

1. Mục đích

Nhằm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 29/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; phấn đấu đến cuối năm 2020, bảo đảm 100% hộ gia đình có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Việc chăm lo, hỗ trợ cho gia đình người có công với cách mạng là việc làm thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thể hiện trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân đối với sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Đối tượng

Là những hộ gia đình trong hộ nghèo, có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

(Có biểu chi tiết kèm theo)

3. Chỉ tiêu: Đến hết năm 2019, không còn hộ gia đình có thành viên là đối tượng chính sách người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp

- Tổ chức quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 29/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Công văn số 162-CV/TU ngày 02/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xóa nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng, Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 18/10/2018 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW và Quyết định 773/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị 14-CT/TW ngày 19/07/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 05/01/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2017-2020; Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 16/6/2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời tuyên truyền sâu rộng kế hoạch hỗ trợ về xóa nghèo đối với hộ gia đình có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Bình tới toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức, để các cấp, các ngành, đoàn thể, đơn vị, tổ chức, cá nhân hiểu rõ đây là việc làm đền ơn đáp nghĩa và là trách nhiệm của toàn xã hội, động viên đơn vị, cá nhân tích cực tham gia. Đối với gia đình có công với cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, ý thức tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả triển khai thực hiện công tác xóa nghèo đối với hộ gia đình chính sách người có công nghèo; gắn kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ với kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Đơn vị thực hiện: Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

- Xây dựng các phóng sự, đưa tin, bài về các tập thể, cá nhân có cách làm hay, mô hình sáng tạo đạt hiệu quả góp phần đẩy nhanh tiến độ xóa nghèo cho hộ gia đình chính sách người có công nghèo trên địa bàn.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình.

2. Tổ chức vận động toàn dân tham gia xóa nghèo đối với hộ gia đình chính sách người có công nghèo

- Thường xuyên chỉ đạo và có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ hỗ trợ hộ gia đình chính sách người có công nghèo. Chú trọng rà soát, nắm chắc nguyên nhân dẫn đến nghèo, tình hình sản xuất, việc làm, thu nhập, điều kiện nhà ở, mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nắm bắt nhu cầu của từng hộ gia đình chính sách người có công nghèo, từ đó xây dựng kế hoạch chi tiết, có giải pháp hỗ trợ phù hợp, thiết thực và hiệu quả đối với từng hộ, giúp hộ gia đình chính sách người có công nghèo thoát nghèo bền vững.

- Tập trung huy động các nguồn lực tổng hợp từ ngân sách địa phương, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”, nguồn vận động đóng góp từ các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và các nguồn ngân sách khác để hỗ trợ hộ gia đình chính sách người có công nghèo.

- Chủ động vận động và phân công các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia đóng góp, nhận đỡ đầu, trợ giúp cho hộ gia đình chính sách người có công nghèo đang thiếu hụt về thu nhập và thiếu hụt một số tiêu chí tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều.

+ Đối với hộ nghèo thiếu hụt về thu nhập:

Hộ gia đình có thành viên trong hộ còn sức lao động thì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, ưu tiên hỗ trợ tiếp cận các chính sách giảm nghèo từ nguồn vốn: phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; dạy nghề, giải quyết việc làm; vay vốn ưu đãi tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn ưu đãi khác; tập trung vận động, hướng dẫn, hỗ trợ để gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chủ động tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hộ gia đình mà các thành viên trong hộ không còn khả năng lao động (người cao tuổi, cô đơn, trẻ em, người khuyết tật, ...), ngoài thực hiện các chính sách giảm nghèo chung, địa phương cần quan tâm hỗ trợ cho những hộ này từ các nguồn tài trợ, huy động của các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu hoặc nguồn lực tại cộng đồng có nguồn hỗ trợ thường xuyên để họ có mức sống ngang với mặt bằng cộng đồng dân cư trên địa bàn.

+ Đối với hộ gia đình thiếu hụt một số chỉ tiêu về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ về đời sống, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giáo dục đào tạo, nhà ở,... Tổ chức vận động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng đóng góp hỗ trợ, như: Xây dựng nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng các công trình nước sinh hoạt (mắc đường ống nước sạch sinh hoạt, hỗ trợ đấu nối nước sinh hoạt ...), hỗ trợ tivi, radio, máy tính, điện thoại, internet, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, chi phí khám chữa bệnh,...

Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân.

3. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách giảm nghèo

Thực hiện chế độ, chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và chính sách Giảm nghèo bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng quy định, có sự tham gia tích cực của người dân.

Tổ chức và thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc người và gia đình có công với cách mạng, như: “Phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ”, “Phong trào Đền ơn đáp nghĩa”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ”, các phong trào hỗ trợ phong trào giảm nghèo, như: “Ngày vì người nghèo”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, đẩy mạnh xây dựng mạng lưới “Tổ tiết kiệm - tín dụng”, “Tổ tương trợ” góp phần giảm nghèo bền vững, xóa hộ nghèo đối với hộ gia đình thuộc chính sách người có công với cách mạng.

Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân.

III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Từ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo;

2. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các chương trình giáo dục nghề nghiệp;

3. Nguồn vận động từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh;

4. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp;

5. Từ nguồn hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã có giải pháp cụ thể đối với từng hộ gia đình chính sách người có công nghèo và triển khai tổ chức thực hiện xóa nghèo đối với hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng tại địa phương mình.

2. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp với các địa phương thực hiện việc làm có ý nghĩa bằng hình thức nhận hỗ trợ hoặc nhận đỡ đầu hộ gia đình chính sách người có công nghèo đang thiếu hụt về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin để được cải thiện điều kiện sống và thoát nghèo.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình thường xuyên tuyên truyền Kế hoạch triển khai thực hiện xóa nghèo đối với hộ gia đình có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thái Bình gắn với phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”; đưa tin, bài về những việc làm có ý nghĩa thiết thực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đối với hộ gia đình chính sách người có công nghèo.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh tăng cường vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hỗ trợ xóa nghèo đối với hộ gia đình chính sách người có công với cách mạng.

5. Giao Sở Lao động - Thương binh và xã hội theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể;
- Báo Thái Bình; Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình;
- Ủy ban nhân dân huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VX, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Đặng Trọng Thăng

 

TỔNG HỢP SỐ LIỆU HỘ NGHÈO CÓ THÀNH VIÊN THUỘC CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG

(Kèm theo Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 30/8/2019)

STT

ĐỊA PHƯƠNG

Tổng số hộ nghèo

Hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi NCC

Tỷ lệ % so với tổng số hộ nghèo

1

Quỳnh Phụ

3.530

114

3.23

2

Đông Hưng

3.344

107

3.20

3

Hưng Hà

2.545

45

1.77

4

Tiền Hải

2.137

38

1.78

5

Thành phố

1.292

37

2.86

6

Kiến Xương

3.047

6

0.20

7

Thái Thụy

3.017

5

0.17

8

Vũ Thư

2.449

3

0.12

 

TỔNG

21.361

355

1.66