Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 873/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 10 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH, GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Căn cứ Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chăm sóc và Nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 3431/QĐ-BYT ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030;

Căn cứ Chương trình hành động số 46-CTr/TU ngày 26/01/2018 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới;

Căn cứ Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 04/06/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Phần I

THÔNG TIN CƠ BẢN

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên

Bắc Ninh có phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Tây và Tây Nam giáp Thủ đô Hà Nội, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương. Đây là tỉnh có tổng diện tích tự nhiên nhỏ nhất cả nước 822,7km2. Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có các đường giao thông lớn quan trọng chạy qua, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại và văn hóa của miền Bắc.

2. Dân số

Theo niên giám thống kê năm 2021, dân số trung bình của tỉnh Bắc Ninh là 1.462.945 triệu người; mật độ dân số là 1.778 người/km2 gấp hơn 5 lần mật độ dân số trung bình cả nước và là địa phương có mật độ dân số cao thứ 3 cả nước chỉ thấp hơn mật độ dân số của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

3. Tình hình kinh tế, xã hội

- Sau gần 25 năm tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong tốp đầu cả nước. Tuy bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, song kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng tốt, vượt kế hoạch đề ra, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 (giá SS năm 2010) ước tăng 6,9%, so với năm 2020 (đứng thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13 cả nước).

- Ngoài ra, những yếu tố thuận lợi về địa lý, những nỗ lực của tỉnh trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo nhiều cơ chế hỗ trợ đặc thù đã giúp Bắc Ninh trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong năm 2021, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 2.221 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 25.677 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, đã thu hút 1.489 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 225.311 tỷ đồng; 1.714 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký đạt 21.166,9 triệu USD. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực điện tử và phụ trợ điện tử hàng đầu thế giới như: Samsung, Canon, Foxconn, Hanwa Techwin, Fushan Technology …

- Bên cạnh các khu công nghiệp tập trung, tỉnh còn quy hoạch 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích 864,89 ha; trong đó, có 26 cụm đã đi vào hoạt động.

- Là địa phương có diện tích nhỏ nhất, nhưng Bắc Ninh lại là một trong những tỉnh có nhiều làng nghề nhất cả nước. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề thủ công truyền thống, nổi bật như: làng nghề Gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, chạm khắc gỗ Phù Khê… Toàn tỉnh cũng có 12 nghề truyền thống, sản phẩm mang tính đặc sắc, đang phát triển tốt như: nghề làm bánh phu thê ở Đình Bảng, bánh tẻ làng Chờ, bánh khúc làng Diềm, bánh khoai Thị Cầu…;

- Các làng nghề có khoảng 28.342 hộ tham gia, chiếm 62,74% số hộ trong làng nghề và gần 74 nghìn lao động làm nghề, tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt khoảng 12,2 nghìn tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân người dân ở nhiều làng nghề khoảng hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động làng nghề góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn và đóng góp đáng kể trong tổng sản phẩm của tỉnh;

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 12.000 Doanh nghiệp(DN) với khoảng 450.000 lao động, trong đó hơn 1.120 DN trong khu công nghiệp tập trung và 26 cụm công nghiệp. Các cơ sở lao động có từ 10 lao động trở lên khoảng 1800 doanh nghiệp (số doanh nghiệp này đã được phân cấp quản lý đối với tuyến tỉnh, huyện, xã), trong đó gần 200 doanh nghiệp lớn (tên 200 lao động). Các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, số lượng lao động không ổn định, có một số cơ sở còn thường xuyên thay đổi địa điểm kinh doanh …Trong giai đoạn 2021-2030, Bắc Ninh tiếp tục phát triển mới các KCN và 06 cụm công nghiệp mới trên địa bàn với tổng số lao động tăng thêm khoảng 200.000 lao động. Đây là một thách thức không nhỏ đối với công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trên địa bàn.

Phần II

KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP TRONG GIAI ĐOẠN 2012-2020

Trong những năm vừa qua, hệ thống y tế tại địa phương đã không ngừng củng cố, phát triển, đáp ứng cơ bản công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, người lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Tuy nhiên mạng lưới tổ chức triển khai thực hiện công tác vệ sinh lao động từ tuyến tỉnh đến xã, phường và y tế tại các cơ sở lao động chưa ổn định và chưa liên kết tốt trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Nhân lực làm công tác vệ sinh lao động tại tuyến tỉnh, huyện, xã còn mỏng và thiếu, thường xuyên biến động do thay đổi vị trí việc làm, đi học… trình độ chuyên môn còn chưa đồng đều. Các cơ sở lao động còn chưa bố trí đầy đủ cán bộ làm công tác y tế hoặc cán bộ y tế không đúng trình độ chuyên môn, chưa được đào tạo về y tế lao động. Theo báo cáo năm 2020 hiện mới chỉ có 151 cơ sở lao động báo cáo đã có bộ phận y tế. Đây chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt tại doanh nghiệp nhỏ thì hầu như chưa bố trí được bộ phận y tế theo quy định.

- Việc thực hiện các quy định về chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp lớn (trên 200 lao động) tương đối tốt. Theo thống kê, báo cáo các năm từ 2018 - 2020, có khoảng 70% các doanh nghiệp lớn đã thực hiện báo cáo y tế lao động, khám sức khỏe định kỳ, quan trắc môi trường lao động...Tuy nhiên, tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt tại các doanh nghiệp nhỏ hầu như không thực hiện báo cáo công tác y tế lao động, quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ...Chỉ có 2% doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện báo cáo y tế lao động.

- Theo báo cáo y tế lao động năm 2020, trong tổng số 362 doanh nghiệp báo cáo YTLĐ, có 128 doanh nghiệp vừa (50-200 lao động) thực hiện báo cáo (23/128 doanh nghiệp có cán bộ y tế, 77/128 thực hiện khám sức khỏe định kỳ, 91/128 thực hiện QTMTLĐ), có 99 doanh nghiệp nhỏ (3/99 doanh nghiệp có cán bộ y tế, 35/99 doanh nghiệp thực hiện QTMTLĐ). Các doanh nghiệp không báo cáo công tác y tế lao động cơ sở hầu như chưa triển khai các hoạt động về chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

- Việc kiểm tra, giám sát công tác VSLĐ tại các doanh nghiệp còn chưa được diễn ra thường xuyên và đầy đủ tại tất cả các doanh nghiệp. Hàng năm, các đơn vị trong ngành y tế chủ động thực hiện và phối hợp kiểm tra, giám sát công tác VSLĐ cho gần 200 doanh nghiệp (tương đương 10% số doanh nghiệp phân cấp quản lý và 1,8% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn).

- Công tác truyền thông về VSLĐ, PC BNN chủ yếu thực hiện trong tháng hành động về ATVSLĐ và lồng ghép trong các đợt giám sát, hướng dẫn tại các doanh nghiệp. Chưa bố trí kinh phí để thực hiện truyền thông định kỳ về công tác này. Người lao động tại các doanh nghiệp nhỏ, làng nghề được tiếp cận rất hạn chế các thông tin về yếu tố nguy hiểm, có hại và bệnh nghề nghiệp. Hoạt động truyền thông còn chưa đa dạng về hình thức, nội dung chủ yếu là các tin bài truyền thông trên cổng thông tin điện tử của ngành y tế và các ngành liên quan.

- Năng lực QTMTLĐ tại các cơ sở QTMTLĐ trên địa bàn còn nhiều hạn chế, chủ yếu thực hiện các phép đo nhanh, chưa triển khai được đánh giá, phân tích các hơi khí độc, hợp chất hữu cơ, kim loại nặng ... trong môi trường lao động. Các trang thiết bị phục vụ giám sát nhanh môi trường lao động tại tuyến huyện đều đã cũ, hỏng, không sử dụng được. Cả tỉnh, chỉ có Trung tâm KSBT đủ năng lực thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tuy nhiên do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất còn chật hẹp nên chưa triển khai được đầy đủ các các xét nghiệm phục vụ khám phát hiện bệnh nghề nghiệp,chưa triển khai điều trị bệnh nghề nghiệp. Các cơ sở QTMTLĐ, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện BNN khi triển khai dịch vụ tại các DN trên địa bàn chưa chủ động trao đổi, cung cấp thông tin để thực hiện phối hợp, quản lý;

- Với các nguyên nhân trên, việc nắm bắt, quản lý các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có yếu tố có hại, nguy hiểm trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đã dẫn đến các hoạt động thông tin, truyền thông về các yếu tố có hại, bệnh nghề nghiệp đến người lao động còn hạn chế, chưa đánh giá được đầy đủ số lượng người có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, các bệnh nghề nghiệp phổ biến trên địa bàn.

- Các cơ sở lao động chưa được tư vấn đầy đủ về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp với điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc.Việc tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ cho lao động nữ mới chỉ được triển khai tại một số cơ sở lao động lớn. Người lao động tại các làng nghề, lao động không có hợp đồng chưa được tiếp cận các dịch vụ về y tế lao động cơ bản: khám sức khỏe định kỳ, quan trắc môi trường lao động, huấn luyện sơ, cấp cứu .....

Phần III

KẾ HOẠCH CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH,GIAI ĐOẠN 2021-2030

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng chống bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Bắc Ninh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Hoàn thành cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia vào năm 2030.

b) Quản lý được 50% số cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030.

c) Kiểm tra công tác quan trắc môi trường lao động đối với 30% cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và 50% vào năm 2030.

d) 50% người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống và được quản lý sức khỏe, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030.

đ) 100% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng.

e) 100% các cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp với điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc vào năm 2025.

f) Có ít nhất 70% các cơ sở lao động thực hiện lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.

g) 100% người lao động nữ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ vào năm 2030.

h) Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động.

II. THỜI GIAN, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến năm 2030.

2. Phạm vi, đối tượng thực hiện

Các doanh nghiệp, cơ sở lao động, người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó ưu tiên các cơ sở lao động nhỏ và vừa, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lao động nữ, lao động cao tuổi và lao động không có hợp đồng lao động, các cơ sở y tế.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1.Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành

- Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quán triệt và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các cấp, các ngành, từ tỉnh đến huyện, thành phố, các cơ quan có liên quan, các tổ chức chính trị, xã hội, các hội ngành nghề, doanh nghiệp trong tỉnh về triển khai công tác quản lý vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động.

- Huy động sự tham gia của các ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư trong việc triển khai công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Đảm bảo chế độ chính sách đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Thực hiện điều tra đối với toàn bộ các trường hợp bị tai nạn lao động nặng, mắc bệnh nghề nghiệp trên địa bàn; Kịp thời đề xuất, giải quyết chế độ chính sách đối với người bị TNLĐ, mắc bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động.

2. Tăng cường công tác truyền thông, vận động xã hội

- Phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho các cấp, ngành, đoàn thể, người sử dụng lao động và người lao động trên toàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

- Sử dụng đa dạng, linh hoạt, hiệu quả các kênh và hình thức truyền thông nhằm cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức trong công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống các bệnh truyền nhiễm (COVID-19, HIV/AIDS...) và bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường...) vệ sinh an toàn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng phù hợp...

- Biên soạn, sản xuất tài liệu truyền thông phù hợp với từng nhóm, ngành nghề, đảm bảo hiệu quả trong công tác tuyên truyền.

- Tổ chức lồng ghép các hoạt động truyền thông giáo dục về chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp trong tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động, tháng hành động về An toàn thực phẩm, tháng Công nhân...hàng năm đảm bảo hiệu quả, thiết thực và rộng khắp đến các doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh.

- Tập huấn, hướng dẫn kỹ năng truyền thông, tư vấn về công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống các bệnh truyền nhiễm (COVID-19, HIV/AIDS...) và bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường...)cho cán bộ y tế, người làm công tác y tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn cho các cơ sở lao động thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phòng chống bệnh nghề nghiệp, bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm, chế độ dinh dưỡng phù hợp với điều kiện lao động và tăng cường vận động tại nơi làm việc.

- Tổ chức tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ, bệnh nghề nghiệp...cho người lao động tại các cơ sở lao động.

- Duy trì, cập nhật tin tức và các nội dung tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tỉnh, của các sở ban ngành và UBND các huyện, thành phố.

3. Tăng cường các hoạt động chuyên môn và tin học hóa

3.1. Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác khám sức khỏe, sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán sớm; điều trị bệnh nghề nghiệp, đảm bảo chất lượng quan trắc môi trường lao động

3.2. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động

- Củng cố tổ chức y tế cơ sở thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe người lao động, kiểm soát yếu tố có hại tại nơi làm việc. Các cơ sở lao động căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động mà người sử dụng lao động phải bố trí người làm công tác y tế hoặc thành lập bộ phận y tế chịu trách nhiệm chăm sóc và quản lý sức khỏe của người lao động theo đúng quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động (Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ).

- Tổ chức đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý về công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế lao động tại các tuyến tỉnh, huyện, xã và tại các doanh nghiệp.

- Đào tạo cấp chứng chỉ khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động cho cán bộ tại tuyến tỉnh, huyện. Triển khai khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các Trung tâm y tế tuyến huyện.

- Đào tạo tập huấn về chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu, kiểm soát các yếu tố có hại tại nơi làm việc cho cán bộ y tế cơ sở và cán bộ y tế doanh nghiệp.

- Tổ chức giám sát, hỗ trợ chuyên môn đối với y tế tuyến huyện, các cơ sở lao động về quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục tồn tại, thiếu sót, đảm bảo ngăn ngừa có hiệu quả nguy cơ gây tai nạn, bệnh nghề nghiệp.

3.3. Triển khai tin học hóa các hoạt động quản lý, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động

- Tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại doanh nghiệp/cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh theo số lượng lao động, ngành nghề, yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp...

- Xây dựng hệ thống dữ liệu, phần mềm quản lý sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Thực hiện lập hồ sơ quản lý y tế doanh nghiệp, cập nhật hồ sơ hàng năm: Sức khỏe người lao động trước khi bố trí việc làm, sức khỏe người lao động thông qua việc khám sức khỏe định kỳ, tình hình bệnh tật người lao động, tình hình nghỉ việc do ốm, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp, thông tin quan trắc môi trường.

- Xây dựng dữ liệu về quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, đồng bộ và kết nối hệ thống thông tin từ cơ sở lao động đến các cơ quan quản lý để kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia vào năm 2030.

3.4. Thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động

- Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp hàng năm cho người lao động theo đúng quy định.

- Hướng dẫn thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe người lao động, hướng dẫn kiểm soát, đánh giá các yếu tố có hại, quan trắc môi trường lao động, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân; nâng cao sức khỏe người lao động cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề và cho người lao động không có hợp đồng lao động.

- Triển khai các hoạt động tư vấn, hướng dẫn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ; tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp với điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc.

- Xây dựng mô hình phòng, chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe sinh sản (đối với lao động nữ) và phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở làm việc.

- Lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở cho người lao động tại các cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

- Triển khai ứng dụng tư vấn, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (đặc biệt chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân khu công nghiệp).

- Tăng cường phối hợp giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn để nâng cao hiệu quả việc chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

- Triển khai, áp dụng lồng ghép quản lý sức khỏe nghề nghiệp trong hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế tuyến cơ sở, hồ sơ sức khỏe cá nhân.

- Đánh giá thực trạng một số bệnh nghề nghiệp phổ biến và xây dựng mô hình kiểm soát bệnh nghề nghiệp, thí điểm ở một số ngành nghề: bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp trong y tế, bệnh điếc nghề nghiệp tại ngành cơ khí, chế tạo máy, bệnh bụi phổi trong ngành cơ khí....

- Nghiên cứu, đề xuất cải thiện chế độ dinh dưỡng, bữa ăn ca tại một số ngành nghề trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm.

3.5. Đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường lao động

- Đánh giá các yếu tố vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp phát sinh trong điều kiện lao động mới; kiểm tra và quản lý thông tin các cơ sở có sử dụng amiăng, thực hiện giám sát; quan trắc môi trường lao động, lập hồ sơ vệ sinh lao động theo quy định.

- Xây dựng dữ liệu quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác kiểm tra, quan trắc môi trường lao động, nâng cao năng lực hệ thống cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động.

- Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc môi trường lao động, đảm bảo chất lượng trong quá trình quan trắc môi trường lao động tại nơi làm việc.

4. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát

- Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và bệnh nghề nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp.

- Kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục các tồn tại, thiếu sót về công tác an toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo ngăn ngừa có hiệu quả nguy cơ gây tai nạn, bệnh nghề nghiệp.

- Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả về chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch giữa các Sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở cung cấp xuất ăn trên địa bàn.

5. Nghiên cứu khoa học

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đặc biệt các nghiên cứu chuyên sâu, huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng các nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức khác.

6. Thống kê báo cáo

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm báo cáo công tác ATVSLĐ để kịp thời nắm bắt tình hình và tăng cường hiệu quả quản lý về an toàn, vệ sinh lao động.

- Thực hiện tin học hóa các hoạt động quản lý, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động; đồng bộ và kết nối hệ thống thông tin từ cơ sở lao động đến huyện, xã.

- Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở lao động hiện báo cáo về ATVSLĐ. Đề xuất xử lý, xử phạt đối với các cơ sở lao động không thực hiện các báo cáo, thống kê theo quy định.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Nguồn từ ngân sách Nhà nước: Việc lập, phân bổ, quyết định giao dự toán; quản lý và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật ngân sách. Hằng năm, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào nhiệm vụ, kế hoạch, xây dựng dự toán kinh phí trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.

- Chương trình/dự án thuộc Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động , phòng chống bệnh nghề nghiệp.

- Nguồn kinh phí hiện có (nguồn quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp).

- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2021-2030.

- Căn cứ tình hình thực tế, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan đề xuất hoạt động và kinh phí để triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người lao động trên địa bàn.

- Phối hợp kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về vệ
sinh lao động, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động và phòng chống
bệnh nghề nghiệp tại cơ sở lao động; hướng dẫn cơ sở y tế các tuyến báo cáo công tác y tế lao động và hướng dẫn sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý, triển khai các hoạt động chuyên môn về chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động trên địa bàn theo phân cấp.

- Tổng hợp và báo cáo công tác y tế lao động và phòng chống bệnh
nghề nghiệp theo quy định.

2. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh

- Xây dựng kế hoạch chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp chi tiết, dự trù kinh phí hoạt động trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện hàng năm.

- Chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp, cơ sở lao động thuộc phạm vi quản lý thực hiện Bộ luật Lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động, các văn bản có liên quan.

- Chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp sách tại các đơn vị, cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh và các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện thống kê, báo cáo theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Y tế, các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình; vận động, huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho thực hiện các hoạt động chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.

4. Sở Tài chính

Hằng năm, căn cứ vào các chế độ, chính sách hiện hành và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan rà soát các hoạt động của kế hoạch theo nhiệm vụ chi của địa phương, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện, theo quy định về phân cấp ngân sách của Luật NSNN và các quy định hiện hành. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông của tỉnh trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp; đưa tin người tốt, việc tốt trong thực hiện các nội dung trên.

- Phối hợp với Sở Y tế thiết lập cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin truyền thông giáo dục về sức khỏe người lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giám sát, báo cáo y tế lao động và bệnh nghề nghiệp tại y tế các tuyến.

6. Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở lao động, chủ động đề xuất nội dung và triển khai các hoạt động để nâng cao chất lượng bữa ăn, dinh dưỡng cho người lao động.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tỉnh

Phối hợp tổ chức triển khai công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, tăng cường giám sát, kiểm tra công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

8. Liên đoàn lao động tỉnh và các sở, ban ngành khác

Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Kế hoạch này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Xây dựng kế hoạch chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện hàng năm.

- Chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

- Báo cáo kết quả gửi về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh.

10. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động

- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động và các nội dung theo mục tiêu của Kế hoạch này.

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành và đơn vị chuyên môn thực hiện các hoạt động có liên quan;

- Báo cáo kết quả thực hiện với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBMTTQ, các đoàn thể nhân dân tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, KTTH;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX(NTT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Quốc Tuấn

 

NỘI DUNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021- 2030

TT

Hoạt động

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hp

Thời gian thực hiện

Nguồn vốn

1.

Truyền thông, vận động xã hội về công tác an toàn vệ sinh lao động

Sở TT&TT

Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, Ban quản lý các KCN, LĐLĐ tỉnh

2020-2030

Ngân sách nhà nước, vốn hp pháp khác

2.

Nâng cao năng lực hệ thống làm công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại tuyến tỉnh, huyện, xã và tại doanh nghiệp

Sở Y tế

Sở LĐ-TB&XH, Ban quản lý các KCN,

2020-2025

Ngân sách nhà nước, vốn hợp pháp khác

3.

Tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ chuyên môn kỹ thuật y tế

Sở Y tế

Sở LĐ-TB&XH, Ban quản lý các KCN, Sở Thông tin truyền thông

2020-2025

Ngân sách nhà nước, vốn hợp pháp khác

4.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho người lao động

Ban an toàn thực phẩm tỉnh

Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, Ban quản lý các KCN.

2022-2025

Ngân sách nhà nước, vốn hợp pháp khác

5.

Đảm bảo chế độ chính sách đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Sở LĐ-TB&XH

Sở Y tế, Ban quản lý các KCN

2022-2030

Ngân sách nhà nước, vốn hp pháp khác

6.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ

Sở LĐ-TB&XH

Sở Y tế, Ban quản lý các KCN,

2022-2030

Ngân sách nhà nước, vốn hp pháp khác

7.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, báo cáo về ATVSLĐ

Sở LĐ-TB&XH, Sở Thông tin- Truyền thông

Sở Y tế, Ban quản lý các KCN,

2022-2030

Ngân sách nhà nước, vốn hợp pháp khác

8.

Bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động triển khai thực hiện mục tiêu về chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp

Sở tài chính

Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, Ban quản lý các KCN, Sở thông tin, truyền thông

 

Ngân sách nhà nước, vốn hợp pháp khác

9

Chăm sóc sức khỏe cho nữ công nhân tại các cơ sở lao động trên địa bàn

Sở Y tế

Sở LĐ-TB&XH, Ban quản lý các KCN, Sở thông tin, truyền thông, LĐLĐ tỉnh

2022-2030

Ngân sách nhà nước, vốn hợp pháp khác