Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8392/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 11 tháng 11 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỘNG ĐỒNG CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH GIAI ĐOẠN 2015-2020, TỈNH ĐẮK LẮK

Phần A

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. TÌNH HÌNH BỆNH TRUYỀN NHIỄM HIỆN NAY

1. Trên thế giới

Trong những năm gần đây tình hình dịch bệnh trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp. Ngoài một số bệnh truyền nhiễm gây dịch tiếp tục xảy ra như: Cúm A(H5N1), Cúm A(H7N9), vi rút bại liệt..., trong năm 2014 và đầu 2015, thế giới còn ghi nhận một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tái nổi với tỷ lệ tử vong cao như: bệnh do vi rút Ebola, dịch hạch, bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do MERS-CoV và ghi nhận chủng vi rút mới trên gia cầm như cúm A(H5N8), cúm A(H5N6) gây ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế xã hội, du lịch và sức khoẻ cộng đồng.

2. Tại Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 17/12/2014, một số bệnh truyền nhiễm được ghi nhận trên cả nước như cúm A(H5N1) với 2 trường hợp mắc và tử vong; sốt phát ban nghi sởi ghi nhận tại 63/63 tỉnh, thành phố với 36.425 trường hợp, trong đó 5.817 trường hợp mắc sởi xác định, 147 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi, bệnh sốt xuất huyết với 33.561 trường hợp mắc tại 49 tỉnh, thành phố, 20 trường hợp tử vong; bệnh viêm não vi rút với 94 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong; bệnh tay chân miệng với 76.253 trường hợp mắc, có 09 trường hợp tử vong. Nhiều nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm lây lan từ nước ngoài đến Việt Nam qua giao thương, du lịch, học tập, lao động,...

3. Tại tỉnh Đắk Lắk

Ngoài một số thành quả đã đạt được như không phát hiện bệnh dịch hạch trong hơn 10 năm qua, một số bệnh có vắc xin phòng đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên tại tỉnh, nhiều bệnh truyền nhiễm vẫn đang có nguy cơ gây dịch như:

a) Nhóm các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tiêu hóa

Bệnh tay chân miệng: Từ năm 2006 đến năm 2009 với số ca mắc bệnh rải rác, từ năm 2011 đến năm 2013 bệnh diễn biến bất thường (năm 2011 mắc 3.425 có 2 trường hợp tử vong, năm 2012 mắc 5.191 có 1 trường hợp tử vong, năm 2013 mắc 1.937 trường hợp mắc không có trường hợp tử vong). Trong năm 2014, bệnh nhân vẫn tiếp tục được ghi nhận tại 15/15 huyện/thị xã/ thành phố với 1.573 trường hợp mắc không có trường hợp tử vong.

b) Nhóm các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp

- Bệnh cúm A(H5N1): Trong năm 2014, mặc dù không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người nhưng đã phát hiện ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm tại 7 huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh.

- Bệnh sởi: Trong các năm 2012, 2013 không ghi nhận bệnh nhân sởi trên toàn tỉnh. Trong năm 2014, bệnh sởi tăng cao, với 102 trường hợp mắc tại 13/15 huyện/thị xã/thành phố.

c) Nhóm các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường máu

- Bệnh sốt xuất huyết Dengue:

+ Là bệnh lưu hành hàng năm của tỉnh, những năm có số bệnh nhân tăng cao như năm 2004 (2.501 trường hợp, 1 tử vong), năm 2010 (6,443 trường hợp mắc, 3 tử vong). Các năm khác, số mắc thấp, từ 120 đến dưới 900 trường hợp. Đến năm 2013, toàn tỉnh ghi nhận 4.940 trường hợp mắc không có trường hợp tử vong.

+ Trong năm 2014, bệnh vẫn tiếp tục ghi nhận tại 12/15 huyện/thị xã/thành phố với 366 trường hợp mắc bệnh giảm 92,6% so với năm 2013, số mắc tập trung tại thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Krông Ana, thị xã Buôn Hồ. Trong 9 tháng đầu năm 2015, tình hình bệnh sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, số mắc tăng cao, tập trung chủ yếu ở thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, các chỉ số giám sát véc tơ có chiều hướng gia tăng.

- Bệnh sốt rét: Số bệnh nhân sốt rét tăng 9,58% (1.430/1.305), trong đó bệnh nhân sốt rét trong tỉnh tăng 7,39% (1.308/1.218) và bệnh nhân sốt rét ngoại tỉnh tăng 40,23% (122/87), chủ yếu từ tỉnh Đắk Nông.

- Bệnh viêm não Nhật Bản B: Từ tháng 5 năm 2015 đến nay, đã xuất hiện 12 trường hợp mắc bệnh với 03 trường hợp tử vong.

d) Nhóm các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường da, niêm mạc:

- Bệnh uốn ván sơ sinh: Là bệnh có số tử vong do bệnh truyền nhiễm cao nhất của tỉnh, ghi nhận tại các địa bàn có tập quán sinh đẻ tại nhà, mụ vườn đỡ đẻ, mẹ không đi tiêm phòng vắc xin uốn ván. Trong năm 2014 đã ghi nhận 2 trường hợp uốn ván sơ sinh tử vong tại các huyện Krông Ana và Krông Bông. Năm 2015 vẫn còn ca uốn ván sơ sinh được ghi nhận trên địa bàn tỉnh.

II. CÁC KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC:

- Xây dựng kế hoạch và chủ động triển khai công tác y tế dự phòng, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Giảm số mắc, số chết do dịch bệnh, khống chế tốt các bệnh dịch lưu hành tại địa phương và các dịch bệnh mới xuất hiện, không để phát triển thành dịch lớn.

- Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị y tế, thuốc, vật tư, hóa chất sẵn sàng để kịp thời ứng phó khi có dịch xảy ra.

III. NHỮNG KHÓ KHĂN, TỒN TẠI TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

Tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp, Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành tại Việt Nam mặc dù có số mắc và tử vong giảm so với thời gian trước, song vẫn ở mức cao, có sự gia tăng cục bộ tại một số tỉnh, thành phố, nguy cơ bùng phát nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Đắk Lắk là tỉnh miền núi có diện tích lớn với 47 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, đời sống kinh tế còn khó khăn, người dân ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận với truyền thông, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh.

Nhận thức và thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chủ động phòng chống dịch bệnh của người dân chưa được cao.

Tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, giết mổ, mua bán và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể bùng phát thành dịch lớn.

Ô nhiễm môi trường do quá trình đô thị hóa nhanh, tập trung dân số đông ở khu vực đô thị, giao lưu đi lại của người dân ngày càng gia tăng, đặc biệt hậu quả của thiên tai, lụt bão có thể làm phát sinh, phát triển dịch bệnh.

Nhận thức của một bộ phận người dân về tiêm chủng phòng bệnh chưa cao, không tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ, dẫn đến các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh vẫn còn để xảy ra dịch và có nguy cơ bùng phát trở lại nếu không duy trì và tăng tỷ lệ tiêm chủng.

Chính quyền ở một số địa phương còn chưa quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh, sự phối hợp giữa các ban, ngành đoàn thể của địa phương vẫn thiếu chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao.

Ngân sách nhà nước dành cho công tác phòng chống dịch bệnh còn nhiều hạn chế, ít có sự tham gia và đóng góp của cộng đồng và người dân. Các hoạt động phòng, chống dịch chủ yếu dựa vào nguồn của Chương trình Mục tiêu quốc gia và phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, khi bị cắt giảm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

Phần B

NỘI DUNG KẾ HOẠCH

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, từng gia đình và toàn xã hội chủ động tham gia đầy đủ, có hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch bệnh góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu 1: Tăng cường sự tham gia của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, các doanh nghiệp, tư nhân, cộng đồng dân cư trong các hoạt động chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Mục tiêu 2: Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và trách nhiệm của người dân, cộng đồng để chủ động phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo, hướng dẫn của Ngành Y tế.

Mục tiêu 3: Huy động sự đầu tư, đóng góp nguồn lực của toàn xã hội và các tổ chức quốc tế cho các hoạt động phòng chống dịch.

II. CHỈ TIÊU

1. Thực hiện Mục tiêu 1:

- 100% các xã, phường, khu dân cư có kế hoạch và triển khai thực hiện Kế hoạch “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh”.

- 95% các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên các cấp hưởng ứng, xây dựng kế hoạch và triển khai Kế hoạch “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh”; lồng ghép các nội dung chương trình vào các hoạt động, nội dung sinh hoạt của hội, đoàn thể tại cộng đồng, trường học, nơi làm việc, địa điểm công cộng.

- Trên 80% các hộ gia đình chủ động tham gia thực hiện tốt các khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng.

- Trên 95% trường học thực hiện tốt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục ban hành kèm theo Thông tư số 46/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Trên 90% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, tổ chức trên địa bàn có kế hoạch, chủ động triển khai các hoạt động thuộc Chương trình Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh.

2. Thực hiện Mục tiêu 2:

- Trên 90% học sinh và người trưởng thành nhận thức được việc chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan và tổ chức.

- Trên 90% học sinh và người trưởng thành hưởng ứng tham gia các chiến dịch, chương trình, phong trào có liên quan đến phòng chống dịch bệnh tại địa phương và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Ngành Y tế.

- Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và trách nhiệm của người dân, cộng đồng để chủ động phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo, hướng dẫn của Ngành Y tế;

3. Thực hiện Mục tiêu 3:

- Trên 90% các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp có bố trí nguồn lực cho hoạt động phòng chống dịch tại địa phương, đơn vị.

- Huy động tối đa các nguồn tài trợ về kinh phí, kỹ thuật cho công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

III. CÁC NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Tăng cường sự tham gia của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, tư nhân, cộng đồng dân cư trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh xây dựng kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt thực hiện Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh”, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, không để xảy ra dịch bệnh lớn tại địa phương.

Tổ chức hội thảo liên ngành y tế với các, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, các doanh nghiệp; tổ chức tọa đàm, trực tuyến, trên phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở nhằm cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh và nêu cao vai trò, trách nhiệm phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sng văn hóa ở khu dân cư” của thôn, buôn, tổ dân phố, nhằm khơi dậy những nét đẹp văn hóa, giữ gìn nếp sống văn minh, thực hiện những hành vi có lợi cho sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe trong cộng đồng.

Tổ chức ngày vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh cố định hàng tuần để huy động toàn thể nhân dân tham gia lấp hố nước đọng và loại bỏ các vật dụng phế thải chứa nước; lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết; diệt muỗi phòng bệnh, không để có lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cơ quan, trường học, công sở. Phát huy vai trò, sức mạnh của Đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện “Thứ bảy tình nguyện”, “Chủ nhật xanh” về vệ sinh môi trường, vận động nhân dân sử dụng nguồn nước sạch, sinh hoạt hợp vệ sinh, hướng đến xây dựng thôn, buôn, phường, xã xanh - sạch - đẹp, hưởng ứng Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh”.

Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, duy trì sinh hoạt câu lạc bộ “Bà mẹ nuôi dạy con tốt” và hoạt động của các câu lạc bộ tại cơ sở do các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động ở từng thôn, buôn. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về xây dựng môi trường xanh, sạch, về sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh.

Huy động các đoàn thể xã hội nhất là Hội phụ nữ, chính quyền thôn, buôn tham gia vận động và tổ chức tốt những đợt tiêm chủng hàng tháng và các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho trẻ em tại các khu dân cư, thôn bản, đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, xóa các thôn bản trắng về tiêm chủng.

Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trong phong trào “Sạch ruộng, sạch đường, sạch làng”, “Ba không: Không sản xut rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục”, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh lây từ động vật sang người do Hội nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ phát động và huy động gia đình hội viên tham gia ký cam kết và thực hiện.

Vận động các cơ sở kinh doanh, các hộ gia đình ký cam kết không vận chuyển buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc với chính quyền địa phương; xây dựng các mô hình Chợ an toàn ở những cơ sở kinh doanh buôn bán tập trung.

Xây dựng và tiếp tục nhân rộng mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ (CLTS), vận động các hộ gia đình chủ động xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh sử dụng nguồn nước sạch, tiến tới việc xóa bỏ phóng uế ra môi trường, không dùng phân tươi tưới cây và lồng ghép các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng “Nông thôn mới”... đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Vận động các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, công trường xây dựng... ký cam kết với chính quyền thôn, buôn, khu dân cư và thực hiện gia đình, cơ sở không có bọ gậy (lăng quăng), thông qua hoạt động tầm soát và diệt bọ gậy hàng tuần, không vứt rác bừa bãi, giữ vệ sinh môi trường, xử lý chất thải và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.

Thực hiện triệt để các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh môi trường, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người lao động, giám sát các yếu tố nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm tại nơi làm việc trong phong trào xây dựng “Nơi làm việc lành mạnh”, không dịch bệnh.

Các cơ sở giáo dục tại địa phương triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh theo Thông tư 46/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục trong phong trào xây dựng “Trường học nâng cao sức khỏe”.

Thực hiện tốt quy định về thông tin, khai báo các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tại hộ gia đình, khu dân cư, trường học, cơ quan, công trường, cơ sở khám chữa bệnh... và thực hiện triệt để các biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh ngay từ khi phát hiện các ca bệnh đầu tiên.

2. Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và trách nhiệm của người dân, cộng đồng để chủ động phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế.

Tổ chức Phát động Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” các cấp từ tỉnh đến cơ sở hàng năm theo các chủ đề ưu tiên để giải quyết các vấn đề cấp thiết về phòng chống dịch bệnh với sự chủ trì của ngành y tế và sự phối hợp của các cơ quan truyền thông, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức trong xã hội.

Tổ chức các hoạt động, các buổi phát động hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết, rửa tay bằng xà phòng và các phong trào phòng chống dịch bệnh khác tại địa phương.

Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, truyền thông cơ sở, trong các buổi sinh hoạt nhà trường, cộng đồng dân cư, lồng ghép các mô hình hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên nhằm khơi dậy ý thức, trách nhiệm, vai trò chủ thể và huy động toàn thể người dân, hộ gia đình tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh nâng cao sức khỏe cộng đồng: Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, rửa tay bằng xà phòng, diệt bọ gậy, lăng quăng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ và đúng lịch... Thường xuyên phổ biến các chủ trương, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh; Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm; khai báo các bệnh truyền nhiễm. Đẩy mạnh truyền thông vào các thời điểm trước mùa dịch và những đợt chiến dịch phòng chống dịch bệnh cao điểm.

Xây dựng các mô hình điểm về truyền thông phòng chống dịch bệnh phù hợp với học sinh và cộng đồng.

Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, viết bài về phòng chống dịch bệnh cho học sinh và cộng đồng. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ truyền thông, các ban ngành, đoàn thể các cấp, cộng tác viên, truyền thông cơ sở.

Xây dựng chuyên mục trên website của Ngành Y tế về Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh”.

Nêu cao những tấm gương tập thể, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

3. Tăng cường đầu tư, đóng góp các nguồn lực của toàn xã hội, cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Tăng cường, bố trí và lồng ghép các nguồn lực của địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình “Xây dựng nông thôn mới”, “Giảm nghèo bền vững”, Chương trình phát triển của các Sở, ban, ngành, phong trào phát động của các tổ chức xã hội trong cộng đồng, dân cư, trường học, cơ sở nơi làm việc trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, bệnh...

Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động của đề án xây dựng chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh”: từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí phòng chống dịch các cấp trung ương và địa phương, kinh phí huy động cộng đồng, các tổ chức xã hội, cá nhân, đơn vị tham gia các hoạt động hưởng ứng Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch, bệnh”, huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Xây dựng các đề án hợp tác, huy động nguồn lực, thực hiện xã hội hóa các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ thực hiện các hoạt động, xây dựng các mô hình phối hợp liên ngành trong phòng chống dịch bệnh lây từ động vật sang người, mô hình vệ sinh nước sạch phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa, mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay với xà phòng, mô hình truyền thông trên truyền hình, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin cơ sở khác hưởng ứng Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh.

4. Hoạt động kiểm tra, sơ kết, tổng kết và biểu dương, khen thưởng

Xây dựng quy chế khen, thưởng đối với cá nhân, tập thể tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại khu dân cư; tổ chức, cá nhân và nhóm nòng cốt làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở về các tấm gương điển hình trong phòng, chống dịch bệnh.

Định kỳ hàng năm các đơn vị tổ chức sơ kết, đánh giá các hoạt động phong trào “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh”

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đơn vị tuyến tỉnh

a) BCĐ Phòng chống dịch của tỉnh

- Đưa nội dung chương trình hành động cộng đồng tham gia công tác phòng chống dịch bệnh vào chương trình hoạt động phòng chống dịch bệnh hàng năm của tỉnh.

- Kiểm tra, đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch định kỳ, đột xuất.

b) Sở Y tế

- Đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” thực hiện việc giám sát, theo dõi và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, BCH Quân sự tỉnh, Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức xã hội khác xây dựng kế hoạch chương trình phối hợp và triển khai các hoạt động phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, bệnh lây truyền từ động vật sang người, truyền thông về tiêm chủng phòng bệnh, phòng chống dịch bệnh trong trường học hàng năm, gắn kết các phong trào, mô hình hoạt động của các Sở, ban, ngành, tổ chức.

- Phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí, Đài truyền hình tỉnh, Đài tiếng nói Việt Nam, các đơn vị thuộc Sở Thông tin và Truyền thông phát huy các loại hình truyền thông qua hệ thống thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở, xây dựng trang mạng thông tin xã hội về phòng chống dịch, bệnh.

- Chủ trì xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động vệ sinh yêu nước, thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước hàng năm.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chương trình phối hợp và triển khai lồng ghép các hoạt động phòng chống dịch bệnh thông qua các hoạt động vệ sinh nước sạch, vệ sinh môi trường, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Hướng dẫn thực hiện các hoạt động liên quan đến vệ sinh nước ăn uống, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Báo cáo kịp thời và tham mưu cho UBND tỉnh để chỉ đạo triển khai việc thực hiện công tác huy động cộng đồng trong phòng chống dịch đạt được mục tiêu, chỉ tiêu. Chỉ đạo cho Ban chỉ đạo chống dịch Ngành Y tế và củng cố các tiểu ban tuyên truyền, truyền thông để phát huy tối đa công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật.

- Cập nhật thông tin qua trang website của Ngành để cung cấp kịp thời về diễn biến bệnh truyền nhiễm gây dịch của tỉnh; thông tin các thông điệp tuyên truyền....

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với ngành Y tế trong trao đổi thông tin dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, triển khai các hoạt động phòng chống dịch, giám sát, tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh, tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. Thực hiện các kênh thông tin phù hợp để đưa thông tin đến được với cộng đồng.

- Tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Tổ chức các chốt kiểm dịch động vật, quản lý lưu thông gia súc gia cầm chống sự xâm nhập, vận chuyển gia súc gia cầm mắc bệnh hoặc không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh.

- Kiểm soát chặt chẽ các dịch bệnh lây từ động vật qua người như cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), bệnh liên cầu lợn, dại,...

- Có kế hoạch đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho con người trong quá trình làm việc, không để lây lan dịch bệnh từ động vật sang người.

- Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại gia súc, gia cầm.

- Có kế hoạch quản lý đàn chó nuôi, chó thả rông nhằm hạn chế tối đa xảy ra bệnh dại trên người.

- Đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho nhân dân.

- Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan liên quan khác trong công tác huy động cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh.

d) Sở Giáo dục và Đào tạo

- Truyền thông, phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh đến các thầy cô giáo, các em học sinh, các bậc phụ huynh để chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh bảo vệ sức khoẻ trong trường học.

- Triển khai thực hiện phong trào vệ sinh phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh tại trường học.

- Kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm trong trường học.

- Khuyến khích các bậc phụ huynh hưởng ứng và đưa con em đi tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh theo chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia và tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh khác.

- Phát hiện và báo cáo các trường hợp nghi ngờ bệnh truyền nhiễm cho ngành Y tế để có biện pháp phòng chống, hạn chế lây lan.

- Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong triển khai các biện pháp huy động lực lượng học sinh, sinh viên tham gia tuyên truyền, vận động cộng đồng phòng chống dịch bệnh tại các trường học và tại cộng đồng dân cư.

e) Sở Tài chính

- Tham mưu đề xuất, cấp kinh phí đảm bảo cho các hoạt động phòng chống dịch.

- Bố trí ngân sách để thực hiện được đầy đủ các chế độ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức các hoạt động phòng chống dịch.

f) Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất, cấp kinh phí đảm bảo cho công tác phòng chống thường xuyên, đột xuất của tỉnh.

g) Các đơn vị Bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Hải quan tỉnh

- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, ngành Y tế, các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ huy động cộng đồng tham gia phòng chống dịch.

- Triển khai công tác phòng chống dịch tại đơn vị, truyền thông vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường cho cán bộ, chiến sỹ.

- Giám sát, phát hiện báo cáo các trường hợp bệnh dịch được phát hiện đặc biệt là các bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào tỉnh.

- Phối hợp Quân - Dân y trong các hoạt động huy động cộng đồng tham gia phòng chống dịch.

h) Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng chương trình, bố trí thời lượng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh.

- Phối hợp với Sở Y tế và các Ban ngành liên quan tổ chức họp báo nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí về tình hình dịch bệnh trên địa bàn khi cần thiết.

- Xây dựng các chương trình truyền thông để phát sóng đến các vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

i) Các cơ quan thông tin đại chúng (Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, báo Đắk Lắk)

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị, tổ chức các buổi họp báo và cung cấp thông tin về tình hình và các hoạt động liên quan đến công tác phòng chống dịch, bệnh nhằm chủ động cung cấp các thông tin cho cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan mời chuyên gia y tế tham gia các buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến về các biện pháp huy động cộng đồng phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc xin phòng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Bố trí thời lượng để truyền thông cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hưởng ứng các hoạt động phòng chống dịch bệnh được phát động.

- Xây dựng các chương trình và nội dung truyền thông đa dạng, phong phú, phủ rộng tới các đối tượng người dân đặc biệt quan tâm tới vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

j) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ

Chỉ đạo phối hợp với ngành chuyên môn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh, xây dựng các công trình vệ sinh,... phòng chống dịch bệnh.

k) Các cơ quan liên quan khác: tùy theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị để phối hợp với Ngành Y tế tổ chức và triển khai các hoạt động phòng chống dịch và huy động cộng đồng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.

2. Các đơn vị tuyến huyện

- UBND huyện/thị xã/thành phố chỉ đạo Ban chỉ đạo chống dịch huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đoàn thể trên địa bàn lập kế hoạch và triển khai các hoạt động huy động cộng đồng tham gia vào phòng chống dịch tại địa phương. Có kế hoạch họp đánh giá kết quả việc thực hiện và rút kinh nghiệm.

- Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các Phòng y tế, các Trung tâm Y tế, các bệnh viện xây dựng kế hoạch và phối hợp với các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tại địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm huy động toàn thể người dân tham gia thực hiện Chương trình. Tăng cường đầu tư, huy động các nguồn lực, thực hiện xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân và các hộ gia đình triển khai Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh”. Giao ngành Y tế là cơ quan đầu mối để tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình.

V. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình

Nguồn ngân sách Nhà nước tại Trung ương và địa phương;

Nguồn kinh phí phòng chống dịch hàng năm có bổ sung hoạt động xây dựng cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh.

Huy động cộng đồng, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị tham gia Chương trình.

Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” giai đoạn 2015-2020 của tỉnh, yêu cầu các Sở ngành, đơn vị, địa phương của tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo những vướng mắc, khó khăn cho Ủy ban nhân dân tỉnh để được chỉ đạo giải quyết./

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND (b/cáo);
- CT, PCT UBND tỉnh (đ/c Mhoan);
- UBMTTQ tỉnh;
- Viện VSDT Tây nguyên;
- Các Sở: Y tế, NN&PTNT, TC, KH&ĐT, GD&ĐT; Sở TT&TT;
- BCH QS tỉnh, Bộ đội biên phòng;
- Công an tỉnh, hải quan tỉnh;
- Các Ban ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện/thị xã/TP;
- VP UBND tỉnh;
+ PCVP (đ/c Nguyên)
- Lưu: VT, VHXH (Th 60b)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Hoan Niê Kdăm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 8392/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chương trình cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh giai đoạn 2015-2020, tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 8392/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/11/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Mai Hoa Niê Kđăm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/11/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản