Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 83/KH-UBND

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP, ĐÀO TẠO DƯỚI 03 THÁNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2023

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; Các thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; số 32/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 hướng dẫn việc hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Ủy ban nhân dân Thành phố (UBND Thành phố) ban hành Kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn Thành phố năm 2023 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện chính sách đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo quy định của nhà nước, kịp thời trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động; Tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, chuyển đổi việc làm phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại từng địa phương.

- Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của đào tạo nghề trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập và ứng dụng khoa học công nghệ 4.0;

- Khuyến khích, huy động và tạo sự đồng thuận, vào cuộc của doanh nghiệp, người lao động trong thực hiện chính sách đào tạo nghề, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025.

2. Yêu cầu

- Huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân; Tạo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trên địa bàn Thành phố trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn Thành phố.

- Đào tạo nghề gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát kinh tế - xã hội và các Chương trình của Thành phố và từng địa phương; tổ chức đào tạo đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành.

II. NỘI DUNG

1. Mục tiêu

- Tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho 14.720 người. Trong đó:

Đào tạo cho lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ; người chấp hành xong hình phạt tù theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ, trên địa bàn Thành phố: 14.202 người.

Đào tạo cho Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH: 500 người.

(Chi tiết theo Phụ lục đính kèm)

- Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5%.

2. Đối tượng, điều kiện

2.1. Đối tượng học nghề theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg

* Đối tượng: Người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

* Điều kiện: Là người từ đủ 15 (mười lăm) tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học và có nhu cầu học nghề.

2.2. Đối tượng học nghề theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg

* Đối tượng

- Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1, Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi (sau đây gọi tắt là người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp).

- Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở (sau đây gọi tắt là người lao động bị thu hồi đất kinh doanh).

* Điều kiện: Người lao động bị thu hồi đất; Có nhu cầu đào tạo nghề và trong độ tuổi lao động (theo quy định của Bộ luật Lao động) được hỗ trợ đào tạo nghề.

2.3. Đối tượng học nghề theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP

* Đối tượng: Lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.

* Điều kiện:

Lao động tham gia khóa đào tạo phải đáp ứng các điều kiện: Đã làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 06 tháng liên tục trước khi tham gia khóa đào tạo.

2.4. Đối tượng học nghề theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH

* Đối tượng: Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Thanh niên).

* Điều kiện: Thanh niên được hỗ trợ đào tạo nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

- Chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

2.5. Đối tượng học nghề theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP

* Đối tượng: Người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng (gọi chung là người chấp hành xong hình phạt tù).

* Điều kiện: Người chấp hành xong hình phạt tù thuộc đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Mức hỗ trợ đào tạo

- Đối với các đối tượng học nghề theo quy định tại khoản 2.1, 2.2, 2.3, 2.5 mục 2, phần II của Kế hoạch này: Thực hiện theo quy định của UBND Thành phố ban hành. Trường hợp người học đồng thời thuộc các đối tượng ưu tiên hỗ trợ thì được hưởng một mức hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất.

- Đối với đối tượng học nghề theo quy định tại khoản 2.4, mục 2, phần II của Kế hoạch này: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 4285/QĐ-UBND ngày 12/8/2019 của UBND Thành phố về việc ban hành mức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội.

4. Ngành nghề, quy mô, chương trình đào tạo

- Ngành nghề đào tạo: Thực hiện theo Quyết định số 2479/QĐ-UBND ngày 15/7/2022 của UBND Thành phố ban hành về việc phê duyệt danh mục các nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

- Quy mô đào tạo: Tối đa 35 học viên/lớp.

- Chương trình đào tạo: Do các cơ sở đào tạo nghề xây dựng, ban hành trên cơ sở chương trình đào tạo đã được UBND Thành phố phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật.

5. Phương thức thực hiện

- Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng được thực hiện đa dạng, linh hoạt: Đào tạo chính quy tại các cơ sở đào tạo nghề; đào tạo lưu động tại các địa phương; đào tạo tại nơi sản xuất, doanh nghiệp, làng nghề; kết hợp đào tạo lý thuyết tại cơ sở và thực hành nghề tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất...

- Việc đào tạo cho các đối tượng theo quy định tại khoản 2.1, 2.2, 2.5 mục 2, phần II của Kế hoạch này thực hiện theo Hướng dẫn liên ngành số 2594/HD-LS: LĐTBXH-NNPTNT-TC ngày 29/6/2022 của Liên sở: Lao động - Thương binh và Xã hội - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính hướng dẫn thực hiện công tác đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Việc đào tạo cho các đối tượng theo quy định tại khoản 2.3, 2.4 mục 2, phần II của Kế hoạch này: Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo, tổ chức đặt hàng cung cấp dịch vụ hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định tại Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 30/11/2020 của UBND Thành phố quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của thành phố Hà Nội.

6. Cơ sở thực hiện đào tạo nghề

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng phải có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm đào tạo nghề, có cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy tốt và có nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề.

- Không để các cơ sở đào tạo nghề không đủ điều kiện, tổ chức đào tạo nghề kém hiệu quả tham gia đào tạo nghề cho người lao động.

III. KINH PHÍ

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được đảm bảo từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của Pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổ chức đào tạo: Hoàn thành trước ngày 31/12/2023

2. Phân công trách nhiệm

2.1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội (là cơ quan thường trực)

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã hướng dẫn, triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023; chịu trách nhiệm xây dựng hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho từng đối tượng.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ đào tạo, mức hỗ trợ các đối tượng, các nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trình UBND Thành phố phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin về các hoạt động triển khai và kết quả thực hiện công tác đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn Thành phố.

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan, xây dựng Kế hoạch, triển khai công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hoạt động đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện.

- Định kỳ tổng hợp báo cáo chung công tác đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã hướng dẫn, triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, đối với nhóm nghề nông nghiệp; Thực hiện lồng ghép chương trình, kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình khuyến nông đảm bảo hiệu quả.

- Phối hợp kiểm tra, giám sát công tác tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn Thành phố.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp 06 tháng, 01 năm gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp chung, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí trình UBND Thành phố bố trí nguồn lực thực hiện Kế hoạch theo quy định.

- Phối hợp kiểm tra, giám sát công tác tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn Thành phố.

2.4. Sở Tài chính

- Trên cơ sở đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thẩm định phương án giá dịch vụ đào tạo đối với từng nghề làm cơ sở để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình UBND Thành phố theo quy định.

- Trên cơ sở đề xuất của các Sở, ban, ngành thuộc Thành phố và khả năng cân đối ngân sách, tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách cấp Thành phố để triển khai Kế hoạch theo quy định.

2.5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành, đơn vị liên quan và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở: tuyên truyền về nội dung, công tác triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn Thành phố, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của đào tạo nghề, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố.

- Phối hợp kiểm tra, giám sát công tác tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn Thành phố.

2.6. Bộ Tư lệnh Thủ đô; Công an Thành phố

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, thông tin tuyên truyền về Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn Thành phố đến lực lượng đang quản lý, góp phần thực hiện hiệu quả Kế hoạch của Thành phố.

2.7. Ban Quản lý khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hiệp hội doanh nghiệp trẻ

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tổ chức đào tạo cho lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Kế hoạch này; Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nội dung Kế hoạch, phổ biến chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của Thành phố đến lực lượng lao động trong doanh nghiệp.

- Phối hợp kiểm tra, giám sát công tác tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn Thành phố.

2.8. Các Sở, ban, ngành liên quan

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; Thông tin tuyên truyền về Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn Thành phố góp phần thực hiện hiệu quả Kế hoạch của Thành phố.

2.9. Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thị xã

Chỉ đạo, thực hiện các nội dung kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn Thành phố:

- Trên cơ sở kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng Thành phố ban hành, xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo quy định.

- Chủ động bố trí ngân sách, nguồn nhân lực, lồng ghép các chương trình, các đề án có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao của Kế hoạch.

- Tổ chức tuyên truyền về chính sách, kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho lực lượng lao động trên địa bàn; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện tuyên truyền, vận động các đối tượng lao động trên địa bàn tham gia học nghề, giải quyết việc làm.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố, trước ngày 20 của tháng báo cáo.

2.10. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp

- Triển khai đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho người lao động theo quy định hiện hành.

- Phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương tạo điều kiện cho người lao động được tham gia học nghề, giải quyết việc làm sau tốt nghiệp, tăng năng suất lao động và có thu nhập ổn định.

2.11. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí Thành phố: Tổ chức tuyên truyền chính sách và kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn Thành phố.

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ đạo, triển khai, thực hiện hiệu quả Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTB&XH;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố;
- Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, PCVP P.T.T.Huyền, Phòng KGVX; TH;
- Lưu: VT, KGVX (Ngọc).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

PHỤ LỤC

KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP, ĐÀO TẠO DƯỚI 03 THÁNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NĂM 2023
(Kèm theo Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 10/3/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

ĐVT: Người

TT

Đơn vị thực hiện

Số người được đào tạo

1

Quận Hoàng Mai

70

2

Huyện Thạch Thất

1.505

3

Huyện Phúc Thọ

945

4

Huyện Hoài Đức

500

5

Huyện Gia Lâm

210

6

Huyện Mỹ Đức

1.435

7

Huyện Mê Linh

770

8

Huyện Sóc Sơn

1.085

9

Huyện Thanh Oai

1.155

10

Huyện Đông Anh

630

11

Huyện Ba Vì

350

12

Huyện Đan Phượng

490

13

Huyện Chương Mỹ

1.995

14

Huyện Quốc Oai

980

15

Huyện Phú Xuyên

420

16

Huyện Ứng Hòa

1.155

17

Thị xã Sơn Tây

525

18

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đào tạo các đối tượng theo Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016)

500

 

Tổng cộng

14.720

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 83/KH-UBND về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023

  • Số hiệu: 83/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 10/03/2023
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Hồng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/03/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản