Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/KH-UBND

Nam Định, ngày 08 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÒNG, CHỐNG SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN ĐẾN NĂM 2030 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 957/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 theo Quyết định số 957/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Nam Định như sau:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, ổn định dân sinh là nhiệm vụ của các cấp, ngành, đặc biệt là của chính quyền địa phương, là trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân.

2. Phải chủ động phòng ngừa sạt lở; khi xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch phát triển của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là xây dựng các khu đô thị, dân cư, công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng ven sông, ven biển phải đề phòng nguy cơ sạt lở và không làm tăng nguy cơ sạt lở. Khi xảy ra sạt lở phải tập trung ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả giảm thiểu thiệt hại.

3. Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển cần được thực hiện đồng bộ; xử lý cấp bách trước mắt, đồng thời có giải pháp căn cơ lâu dài; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, không làm tăng nguy cơ sạt lở, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển và tạo sinh kế cho người dân.

4. Phòng, chống sạt lở phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê từ cấp III trở lên, khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng quan trọng, chống suy thoái rừng phòng hộ ven biển tại những khu vực xói lở nghiêm trọng không thể phục hồi.

5. Đề cao sự tham gia của cộng đồng đối với công tác quản lý bờ sông, lòng sông, vùng ven biển; tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách, nhất là của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được hưởng lợi trong phòng, chống sạt lở.

6. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường, dễ thi công, có thể sử dụng nhiều lần, giá thành phù hợp, kết hợp với giải pháp truyền thống. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, quản lý hiệu quả nguồn nước, giảm thiểu các yếu tố tác động gây sạt lở bờ sông, bờ biển.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, ven biển, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển, giảm thiểu tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở; phấn đấu đến năm 2023 các khu dân cư ven sông, ven biển ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở.

- Quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

- Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều (nhất là các tuyến đê đã được phân cấp), cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

- Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về phòng, chống sạt lở nhằm giảm nguy cơ sạt lở, rủi ro do sạt lở.

- Cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn.

- Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động ven sông, ven biển ảnh hưởng đến sạt lở (khai thác cát sỏi, xây dựng công trình, nhà cửa, hoạt động giao thông thủy, hoạt động khai thác nước ngầm).

- Hiện đại hóa công tác quan trắc, dự báo, kịp thời cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Tăng cường hợp tác quốc tế.

- Xây dựng công trình tại các khu vực trọng điểm để phòng, chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và công trình hạ tầng thiết yếu.

2. Giải pháp

a) Phối hợp rà soát, xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển

- Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để rà soát các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, lâm nghiệp, biển và các pháp luật khác có liên quan, trên cơ sở đó tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện xây dựng cơ chế, chính sách nhằm huy động nguồn lực ngoài ngân sách, khuyến khích khối tư nhân đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển.

- Xây dựng cơ chế chính sách của địa phương nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn.

b) Triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt, giải pháp căn cơ lâu dài, các công trình, phi công trình để phòng, chống sạt lở.

- Giải pháp cấp bách:

+ Tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

+ Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và vùng ven biển, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở; ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát sỏi trái phép.

+ Tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, bố trí tái định cư theo các hình thức tái định cư xen ghép hoặc xây dựng khu tái định cư tập trung.

+ Xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng ven sông, ven biển và rừng phòng hộ ven biển, đặc biệt là rừng ngập mặn bảo vệ trực tiếp đê biển.

+ Kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển tránh bị ảnh hưởng do sạt lở và làm gia tăng nguy cơ sạt lở.

- Giải pháp lâu dài:

+ Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

+ Quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và chủ động ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển.

+ Xây dựng hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát diễn biến sạt lở, lòng dẫn.

+ Xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bảo vệ bờ sông, bờ biển, khu đô thị, khu dân cư tập trung có nguy cơ sạt lở theo quy hoạch.

+ Triển khai thực hiện các dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ, nhất là rừng ngập mặn, trồng cây chắn sóng để phòng chống sạt lở; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư, quản lý, khai thác phù hợp gắn với trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển.

c) Khoa học công nghệ

- Tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ về vật liệu mới thay thế cát sử dụng trong xây dựng, các giải pháp thay thế cát san lấp, tiến tới không sử dụng cát để san lấp; ứng dụng công nghệ, vật liệu mới trong phòng, chống sạt lở phù hợp với điều kiện từng khu vực, thân thiện môi trường, giảm chi phí đầu tư.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc khai thác nước ngầm, sự thay đổi chế độ dòng chảy, bùn cát, sụt lún đất đến sạt lở bờ sông, bờ biển; dự báo xu thế và cảnh báo sạt lở bờ sông, bờ biển dưới tác động của biến đổi khí hậu.

d) Hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chia sẻ thông tin dữ liệu, kinh nghiệm trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các tổ chức quốc tế đối với công tác phòng, chống sạt lở.

đ) Huy động nguồn lực

Chủ động bố trí ngân sách nhà nước, đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn lực từ khối tư nhân, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi cho công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

IV. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

Nguồn vốn thực hiện Kế hoạch bao gồm: Ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương); quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn vốn hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các Sở, ngành bám sát, tổ chức thực hiện tốt chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ chủ quản theo phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 957/QĐ-TTg, đồng thời thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Kế hoạch, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế chính sách của địa phương nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh; cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đề xuất xây dựng, quản lý, duy tu công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó tập trung xử lý khẩn cấp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bảo vệ khu đô thị, khu dân cư tập trung có nguy cơ sạt lở (Có danh mục công trình tại phụ lục kèm theo).

- Hướng dẫn thực hiện việc quan trắc, giám sát sạt lở, nhất là tại các khu vực đang có diễn biến sạt lở phức tạp và khu vực có nguy cơ sạt lở cao (xây dựng hệ thống quan trắc, tổ chức quan trắc, giám sát) để đánh giá mức độ sạt lở và có giải pháp xử lý phù hợp.

- Xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc trách nhiệm của Sở để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, dài hạn, đồng thời lồng ghép vào các chương trình, dự án khác.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các địa phương rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai, biển để đề xuất sửa đổi, bổ sung tạo điều kiện huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở, bảo vệ và khôi phục rừng ngập mặn; tổ chức điều tra, đánh giá diễn biến bùn cát, thực trạng khai thác cát, sỏi và các yếu tố thủy, hải văn có tác động đến sạt lở bờ sông, bờ biển; hướng dẫn kiểm soát các hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông, giảm thiểu nguy cơ sạt lở.

3. Sở Giao thông vận tải

Thực hiện rà soát các công trình hạ tầng giao thông trên sông, ven sông, ven biển, có biện pháp bảo đảm an toàn và giảm tác động gây sạt lở; tăng cường quản lý quy hoạch, xây dựng mới công trình giao thông, nạo vét luồng lạch và hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy nội địa tránh làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển.

4. Sở Xây dựng

Quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn để chủ động phòng, chống sạt lở, giảm thiểu nguy cơ bị ảnh hưởng do bờ sông, bờ biển; nghiên cứu vật liệu mới thay thế nhằm giảm sử dụng cát trong xây dựng và san lấp.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Rà soát cơ chế chính sách, tạo điều kiện khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức khoa học thực hiện nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, vật liệu mới để phòng, chống sạt lở phù hợp với điều kiện từng khu vực, tập trung vào các giải pháp mềm, thân thiện môi trường, giảm chi phí đầu tư.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính cân đối, bố trí vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho công tác quy hoạch và thực hiện các công trình, dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, di dời dân cư ra khỏi khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước.

7. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch; kịp thời bố trí nguồn lực để hỗ trợ khắc phục khẩn cấp sự cố sạt lở, di dời dân cư theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phòng, chống thiên tai.

8. Các Sở, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với các địa phương chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống sạt lở đối với lĩnh vực quản lý để giảm thiểu tác động gây sạt lở bờ sông, bờ biển và suy giảm rừng ngập mặn ven biển.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức và người dân về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, khu vực ven biển, ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép, nhất là tại các khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở; quản lý chặt chẽ vùng đất ven sông, ven biển không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở. Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, gắn với ổn định sinh kế cho người dân.

- Di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm; từng bước sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kết hợp với tái định cư, ổn định đời sống cho người dân./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Đ/c PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành liên quan;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VP1, VP3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Phùng Hoan