Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 04 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN MỖI VÙNG CÓ SẢN PHẨM ĐẶC TRƯNG, CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN TỈNH NINH BÌNH NĂM 2020

Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020;

Căn cứ Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại văn bản số 193/TTr-SNN ngày 08/7/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch năm 2020 thực hiện Đề án Mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia mỗi xã một sản phẩm, với nội dung như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Triển khai đồng bộ, huy động các nguồn lực để thực hiện nội dung của Chương trình, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

2. Yêu cầu

Bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng dẫn của Trung ương đồng thời căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Tạo mối liên hệ mật thiết, thống nhất, chủ động, sáng tạo và quyết tâm giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

II. Mục tiêu

1. Xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá các sản phẩm đặc trưng thế mạnh trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ phát triển hoàn thiện và tiêu chuẩn 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Tập trung phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp.

2. Nâng cao trình độ của cán bộ tổ chức thực hiện Chương trình OCOP và các chủ thể sản xuất tiêu biểu trên địa bàn trực tiếp sản xuất sản phẩm OCOP.

III. Nội dung thực hiện

1. Hỗ trợ Xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP

Tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung tham dự các kỳ xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP cấp khu vực và toàn quốc.

2. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về Chương trình OCOP

Tổ chức 01 lớp bồi dưỡng kiến thức cấp tỉnh; 01 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý thực hiện Chương trình; 01 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình. Trong đó:

- Lớp bồi dưỡng kiến thức cấp tỉnh: Tập huấn cho khoảng 95 học viên, bao gồm: thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; cán bộ triển khai thực hiện Chương trình OCOP cấp tỉnh (Chi cục Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh).

- Lớp bồi dưỡng kiến thức cho các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP: Dự kiến số lượng đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng là 83 người, là đại diện các Doanh nghiệp, HTX, THT, hộ sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

- Lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý triển khai thực Chương trình OCOP: Dự kiến số lượng đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng là 30 người, bao gồm: Cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn; Cán bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; Cán bộ các huyện, thành phố phụ trách Chương trình OCOP (02 đại biểu/huyện, thành phố).

3. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Căn cứ nhu cầu đề xuất của UBND các huyện, thành phố; trên cơ sở thực trạng và tiềm năng phát triển, tập trung chuẩn hóa 12 sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn trên địa bàn tỉnh, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, bao gồm:

3.1. Nhóm Chè, phân nhóm Chè tươi, chè chế biến:

- Sản phẩm Chè An Nguyên loại 0,5kg hộp gỗ (HTX hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp, xã Đông Sơn, Thành phố Tam Điệp);

- Sản phẩm Trà hoa vàng Mạn Hảo 30g (Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan);

- Sản phẩm Trà hoa vàng 50g (Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan);

3.2. Nhóm thực phẩm chế biến, phân nhóm chế biến từ thủy hải sản:

- Sản phẩm Chạch sụn kho niêu đất (HTX sản xuất và tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa, xã Yên Hòa, huyện Yên Mô);

- Sản phẩm Mắm tép Trang Quyết loại 500ml (Hộ gia đình Bà Trần Thị Trang, phố Me, thị trấn Me, huyện Gia Viễn).

3.3. Nhóm thực phẩm chế biến, phân nhóm chế biến từ thịt, trứng, sữa: Sản phẩm Nem chua Yên Mạc (hộ gia đình Ông Phạm Văn Quân, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô).

3.4. Nhóm thực phẩm chế biến, phân nhóm chế biến từ gạo, ngũ cốc: Sản phẩm Cơm cháy Xichtho 300g (Công ty Cổ phần sản xuất và Thương mại Đại Long, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan).

3.5. Nhóm thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, thuốc Y học cổ truyền:

- Sản phẩm Muối ngâm chân Sinh dược (HTX Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn);

- Sản phẩm Nấm Linh chi Tư Bản 200g (Công ty TNHH Phát triển Minh Quang, xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh).

3.6. Nhóm thảo dược khác: Sản phẩm Trà An Thái 50g (HTX Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn).

3.7. Nhóm Gia vị, phân nhóm Gia vị khác: Sản phẩm Nấm Mộc nhĩ Hương Nam (DNTN Hương Nam, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh).

3.8. Nhóm Thủ công mỹ nghệ trang trí: Sản phẩm Tranh lá Bồ Đề (HTX Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn).

Các nội dung thực hiện: Khảo sát sản phẩm; Hỗ trợ các sản phẩm đạt hạng sao năm 2020; Hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm OCOP.

4. Tổ chức các Hội nghị của Chương trình OCOP

Tổ chức các Hội nghị của Chương trình OCOP năm 2020 bao gồm: Hội nghị triển khai Chương trình; Hội nghị tổng kết Chương trình; Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

5. Thời gian thực hiện: Năm 2020

6. Đơn vị thực hiện: Chi cục Phát triển nông thôn

7. Kinh phí thực hiện: 2.550.000.000 đồng (Hai tỷ, năm trăm năm mươi triệu đồng)

Nguồn kinh phí: Từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 (Đã phân bổ cho Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 515/QĐ-UBND ngày 07/4/2020 của UBND tỉnh).

VII. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Chủ trì tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP tỉnh Ninh Bình và nội dung của Kế hoạch này. Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch Chương trình OCOP ở địa phương; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá thực hiện chương trình OCOP ở các huyện, thành phố;

- Chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị có liên quan trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ: tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ trong khu vực và toàn quốc; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý kiến thức về chương trình OCOP; tổ chức các Hội nghị của Chương trình; lựa chọn đơn vị tư vấn đối với hạng mục hỗ trợ phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đảm bảo theo đúng quy định hiện hành.

2. Sở Tài chính: Thẩm định, hướng dẫn thủ tục sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình OCOP theo đúng quy định hiện hành.

3. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai, giám sát việc thực hiện quy định về quản lý hệ thống phân phối hàng hóa, các trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP;

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình tham gia chu trình OCOP; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu chính sách hỗ trợ công tác thiết kế mẫu mã sản phẩm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các sản phẩm OCOP lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; vi phạm quy định về quản lý nhãn hiệu OCOP theo quy định;

4. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm về tiêu chuẩn, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký bảo hộ, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm; triển khai, giám sát việc thực hiện quy định về quản lý tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

- Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị sản xuất sử dụng mẫu mã bao bì, kiểu dáng công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo đúng quy định. Có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp, nhãn hàng hóa sản phẩm OCOP.

- Tổng hợp nhu cầu về ứng dụng công nghệ trong chế biến và bảo quản sản phẩm, cung cấp thông tin, hỗ trợ tư vấn về chính sách cho các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các địa phương đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP;

5. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sản xuất hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục công bố hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm liên quan đến ngành y tế đảm bảo các quy định hiện hành trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường;

6. Các sở, ban, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình và nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 12/7/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020 thuộc Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm để triển khai thực hiện Chương trình.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ vào Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả;

- Rà soát thực trạng phát triển ngành nghề tại địa phương, có định hướng và giải pháp cụ thể để gắn phát triển ngành nghề với triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn;

- Bố trí nguồn kinh phí địa phương để hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP; đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa để đa dạng hóa kinh phí triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn.

- Tổ chức đánh giá và phân hạng các sản phẩm OCOP cấp huyện.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án Mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch UBND các huyện, các tổ chức cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành liên quan;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chi cục Phát triển nông thôn
- Lưu VT, VP3.
Bh_VP3_KH05

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Quang Ngọc