Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/KH-UBND

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2022

Thực hiện Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 13/02/2018 của UBND Thành phố phê duyệt Đề án “Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025”; Kế hoạch số 299/KH-UBND ngày 24/12/2021 của UBND Thành phố về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Phát triển hoạt động logistics nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử.

2. Phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại, đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, của cả nước và khu vực.

3. Thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3 (3PL), mức độ 4 (4PL); hướng đến mức độ 5 (5PL), logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics:

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu và các quy hoạch ngành có liên quan cũng như các kế hoạch phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics, tích hợp sâu dịch vụ logistics trong chiến lược phát triển ngành đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ cấu sản xuất phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

- Rà soát quy định phân công, phân cấp công tác quản lý hoạt động logistics trên địa bàn đảm bảo rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo, thiếu trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính (mức độ 3,4) nhanh chóng, thuận tiện ở tất cả các khâu, trọng tâm là các lĩnh vực: công thương, hải quan, thuế, giao thông vận tải.

- Nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội Thành phố.

- Xây dựng cơ chế phối hợp và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Trung ương; các tỉnh, thành phố và cơ quan sở, ngành, chính quyền các cấp của Thành phố trong việc triển khai các quy định pháp luật về quản lý và phát triển logistics; tổng hợp, cập nhật số liệu, trao đổi thông tin và các cơ chế, chính sách liên quan tới hoạt động logistics trong lĩnh vực vận tải, thương mại; các quy định, quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện và khuyến cáo, khuyến nghị liên quan đến công tác giao nhận hàng hóa tại các cảng hàng không, cảng cạn, cảng thủy, ga đường sắt... Chú trọng hợp tác đảm bảo an ninh hàng hóa và phát triển nguồn nhân lực.

2. Phát triển hạ tầng dịch vụ logistics:

- Cụ thể hóa quy hoạch các trung tâm logistics và cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics trên địa bàn. Tập trung đôn đốc tiến độ, tăng cường phối hợp giữa các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics. Phấn đấu trong năm 2022 khởi công xây dựng 02 cảng cạn ICD (tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức); xác định vị trí, ranh giới, diện tích cụ thể 02 trung tâm logistics (tại các huyện Phú Xuyên, Sóc Sơn); chấp thuận chủ trương đầu tư 01 cảng container quốc tế (tại xã Cổ Bi, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm)... Tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo Quy hoạch.

- Định hướng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Nội theo nguyên tắc dành quỹ đất và phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và khai thác hiệu quả hạ tầng logistics. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các trung tâm logistics có quy mô phù hợp trên các tuyến đường vành đai Thành phố, kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng tại các khu vực tập trung sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp; chú trọng phát triển hệ thống kho bãi, kho bãi chuyên dụng.

- Phát triển hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi các hạ tầng logistics (như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận...); phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng. Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng Địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung của Thành phố.

- Tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan Bộ, Ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu cơ chế kết hợp hài hòa các nguồn vốn, đặc biệt chú trọng huy động nguồn xã hội hóa để đẩy mạnh đầu tư các công trình cảng, sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ, các cảng thông quan nội địa, kho bãi, trang thiết bị... theo Quy hoạch, Kế hoạch và lộ trình đảm bảo đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển logistics của Hà Nội và cả nước.

- Triển khai hiệu quả Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng mạng lưới công nghệ thông tin thông suốt, toàn diện giúp kết nối từ các cơ quan quản lý nhà nước, hải quan... tới các doanh nghiệp logistics và chủ hàng.

- Tạo điều kiện tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics nhỏ và vừa với các Công ty, chuyên gia phần mềm CNTT để được hướng dẫn, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ tiếp cận và đầu tư trang bị, nâng cấp các ứng dụng CNTT phục vụ quản lý thông tin và chuyển giao dữ liệu, sản xuất và đặt hàng, giao hàng, khai báo hải quan, phần mềm dịch vụ logistics (RFID, Barcode, e-logistics) theo các tiêu chuẩn quốc tế.

3. Cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ:

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan... theo hướng ngày càng minh bạch, thuận tiện cho doanh nghiệp. Các Sở, ngành, các cấp chính quyền của Thành phố thường xuyên đối thoại, giữ mối liên hệ với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; duy trì chế độ giao ban kiểm điểm tiến độ các dự án logistics định kỳ để đôn đốc, kịp thời giải quyết các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường và hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics trong các khâu lưu thông, vận chuyển, phân phối, dự trữ hàng hóa; kết hợp kiểm tra với hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các quy trình, điều kiện kinh doanh đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định; xử lý nghiêm minh và kịp thời các vi phạm theo đúng quy định pháp luật để xây dựng thị trường kinh doanh dịch vụ logistics lành mạnh và hiệu quả, góp vai trò quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh tăng trưởng.

- Thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn và trong cả nước, với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Tạo điều kiện phát huy vai trò các hiệp hội ngành nghề liên quan đến dịch vụ logistics (Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam VLA, Hiệp hội chủ tàu Việt Nam VSA, Hiệp hội đại lý môi giới hàng hải Việt Nam Visaba, Hiệp hội cảng biển Việt Nam VPA, Hiệp hội vận tải ô tô..).

- Khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới và các doanh nghiệp logistics trong nước đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại Thành phố nhằm xây dựng Hà Nội thành trung tâm điều hành logistics của khu vực miền Bắc.

- Đẩy mạnh hợp tác liên kết với các địa phương lân cận trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tạo thuận lợi cho sự giao lưu vận chuyển, phân phối hàng hóa của Thành phố với các tỉnh, thành phố khác.

- Kết nối, tổ chức sự kiện và tạo ra các mối liên hệ giao thương với các hiệp hội, các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hợp tác, ký kết hợp đồng, tiếp cận tín dụng ưu đãi, kết nối cung cầu.

- Khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành sản xuất công nghiệp, hàng tiêu dùng (dệt may, da giầy, thực phẩm, cơ khí chế tạo, đồ gỗ, đồ gia dụng...), nông nghiệp công nghệ cao áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

4. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

- Phối hợp với các Viện, Trường Đại học, xây dựng chương trình, tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về logistics cho cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp; Phổ biến, tuyên truyền về luật Việt Nam, luật pháp quốc tế, các điều khoản Hiệp định thương mại liên quan đến logistics; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics.

- Thúc đẩy liên kết giữa các Viện, Trường Đại học, các doanh nghiệp để hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp logistics (bao gồm cả đào tạo tại chỗ).

5. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics đối với sự phát triển của đất nước:

- Xây dựng và thực hiện những chuyên đề tuyên truyền về hiệu quả kinh tế xã hội của việc phát triển dịch vụ logistics trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua xuất bản các bản tin chuyên đề về từng khâu, từng lĩnh vực hoạt động logistics.

- Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, hoạt động nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố thông qua các buổi hội nghị, tọa đàm, tập huấn về khuyến khích sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài (3PL, 4PL, 5PL), sử dụng những giá trị gia tăng trong quá trình lưu thông sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa đến tay người tiêu dùng.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm:

- Nguồn ngân sách: Nguồn kinh phí triển khai Kế hoạch thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo. Các cơ quan, đơn vị chủ động cân đối bố trí kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong dự toán năm 2022 đã giao cho các cơ quan, đơn vị. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc về kinh phí thực hiện, đề nghị các cơ quan, đơn vị có văn bản kịp thời gửi Sở Tài chính, cơ quan tài chính cùng cấp để phối hợp, hướng dẫn giải quyết hoặc tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

- Nguồn kinh phí của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự đảm bảo và tài trợ, huy động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn hợp pháp khác.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Công Thương:

- Chủ trì triển khai và phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng logistics trên địa bàn Thành phố.

- Chủ trì, phối hợp các Sở ngành, các địa phương trong việc rà soát, phát triển các khu hoạt động logistics có quy mô phù hợp, kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan xem xét thống nhất các địa điểm do Cục Hải quan thành phố Hà Nội đề xuất để xây dựng Địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung của Thành phố.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về logistics cho các đối tượng.

- Tổ chức liên kết, hợp tác giữa các địa phương, giữa các đơn vị sản xuất và kinh doanh phân phối để tăng cường sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài, logistics chuyên nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp các Sở ngành (Sở Giao thông vận tải, Cục Hải quan thành phố Hà Nội...) theo chức năng nhiệm vụ hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã về công tác quản lý nhà nước khi dự án logistics đưa vào khai thác, vận hành.

- Chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức các chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp về thông tin thị trường nước ngoài, các hiệp định thương mại tự do, chính sách pháp luật mới liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu...

- Chủ trì xây dựng nội dung bản tin: “Thị trường các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và tiềm năng của Hà Nội” phát hành 12 số; tổ chức các hội nghị kết nối về thương mại điện tử kết hợp khu trưng bày sản phẩm, các lớp đào tạo cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp cận sàn giao dịch thương mại điện tử Amazon, Alibaba, Google... nhằm hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, lập danh mục dự án thu hút đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025.

- Phối hợp Sở Giao thông vận tải nghiên cứu thúc đẩy hình thành và phát triển Sàn giao dịch logistics.

2. Sở Giao thông vận tải:

- Triển khai hiệu quả Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016. Phối hợp với các chủ đầu tư công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành mạng lưới giao thông vận tải đồng bộ, hỗ trợ dịch vụ logistics phát triển.

- Làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Giao thông vận tải quản lý và khai thác hiệu quả các tuyến vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không.

- Chủ trì triển khai đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc giao thông; ứng dụng điều hành quản lý giao thông thông minh; tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, giảm thời gian vận chuyển hàng hóa.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải, các quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt; gắn kết các mục tiêu, giải pháp và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch với mục tiêu, giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành giao thông vận tải.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chiến lược, quy hoạch đảm bảo tính công khai minh bạch và nâng cao tính khả thi của quy hoạch giao thông vận tải.

- Tổ chức kết nối vận tải đa phương thức hiệu quả; liên kết các hình thức vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt nhằm giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistics. Công khai trên website danh sách doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải, hành trình vận tải, giá dịch vụ vận tải tham khảo để chủ hàng dễ dàng kết nối, lựa chọn.

- Rà soát, công khai vị trí, chức năng, dịch vụ chính, tuyến vận tải, cảng thủy nội địa; ga đường sắt đầu mối; trung tâm tiếp vận; bến, bãi tập kết hàng hóa của các hình thức vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt.

- Đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải nhằm khắc phục tình trạng bất hợp lý về cơ cấu vận tải, phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý: tăng thị phần của các phương thức vận tải khối lượng lớn, tăng cường kết nối các phương thức vận tải, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

- Phát triển, kết nối các phương thức vận tải hành khách, hàng hóa nhằm tối ưu hóa vận tải hai chiều hàng hóa, container để hạn chế tình trạng xe chạy rỗng, hình thành sàn giao dịch chung cho các phương thức vận tải, thúc đẩy phát triển sàn giao dịch logistics và các loại hình dịch vụ logistics.

- Phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố và các lực lượng chức năng xử lý nghiêm vi phạm nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và vệ sinh môi trường.

- Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất chính sách, các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông Thành phố nhằm hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội Thành phố.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan thực hiện việc tích hợp Phương án phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn Thành phố vào Quy hoạch Thành phố.

- Chủ trì nghiên cứu, đề xuất, triển khai các cơ chế, giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics và dự án kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trên địa bàn Thành phố.

- Phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố lập danh mục dự án mời gọi đầu tư đối với các dự án kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phục vụ hoạt động logistics như: trung tâm tiếp vận; bến, cảng thủy nội địa; ga hàng hóa; bến, bãi tập kết hàng hóa.

- Rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về giao thông, vận tải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics, định kỳ hàng quý báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện. Cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật. Chủ trì các hoạt động đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các dự án đầu tư hạ tầng logistics; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

- Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất chính sách, giải pháp thu hút đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ logistics phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội Thành phố.

4. Sở Xây dựng:

Hướng dẫn chủ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng logistics, giao thông vận tải, hạ tầng thương mại tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng; khớp nối hạ tầng kỹ thuật dự án đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực; tham gia thẩm định dự án hạ tầng logistics, thực hiện cấp phép xây dựng công trình theo chức năng, nhiệm vụ quy định và tiến độ yêu cầu của Thành phố.

5. Sở Quy hoạch Kiến trúc:

- Chủ trì rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu, cung cấp thông tin quy hoạch và hướng dẫn nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án, đồ án quy hoạch các dự án phát triển logistics và tổ chức thẩm định, trình duyệt đảm bảo tuân thủ quy hoạch được duyệt tại khu vực và đảm bảo đồng bộ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển logistics của Thành phố.

- Hướng dẫn chủ đầu tư/nhà đầu tư các dự án hạ tầng logistics giải quyết thủ tục về quy hoạch xây dựng các địa điểm liên quan đến hoạt động logistics đảm bảo yêu cầu cải cách hành chính.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết các khó khăn vướng mắc, các thủ tục về đất đai, môi trường, giải phóng mặt bằng và các nội dung khác thuộc chuyên ngành quản lý theo quy định.

7. Sở Tài chính:

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách Thành phố theo quy định.

8. Sở Khoa học và Công nghệ:

Chủ trì triển khai các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí trong lĩnh vực hoạt động logistics.

9. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan xây dựng trình UBND Thành phố ban hành, tổ chức triển khai thực hiện: Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025; Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

- Phối hợp Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành chuỗi cung ứng, kinh doanh dịch vụ logistics.

- Hướng dẫn, đề nghị các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, chủ trương, chính sách và quy định của Trung ương và Thành phố về phát triển dịch vụ logistics.

10. Cục Hải quan thành phố Hà Nội:

- Đẩy mạnh áp dụng Cơ chế Một cửa Quốc gia: Áp dụng Cơ chế Một cửa Quốc gia cho tất cả các thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành Thành phố và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng kho, bãi, địa điểm kiểm tra theo Đề án “Địa điểm kiểm tra tập trung đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiện đại của Cục Hải quan thành phố Hà Nội”. Trong năm 2022, đưa vào hoạt động ít nhất 01 địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại khu vực phía Nam Thành phố. Lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án trụ sở Chi cục Hải quan tại các dự án kho bãi, địa điểm kiểm tra tập trung đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, trung tâm dịch vụ logistics.

- Nghiên cứu, xây dựng chính sách về hải quan nhằm hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội Thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hải quan điện tử; xây dựng, tổ chức mô hình Hải quan thông minh nhằm tăng tốc độ thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu.

11. Công an Thành phố:

Duy trì an ninh, trật tự giao thông; phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình lưu thông, vận chuyển, kinh doanh và lưu giữ hàng hóa đảm bảo môi trường an toàn, ổn định và thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Thành phố.

12. Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Thành phố:

- Hướng dẫn, tạo điều kiện bố trí các khu vực cung ứng dịch vụ logistics tại các khu công nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tích cực sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài do các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp trong khu cung cấp; góp phần gia tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ logistics 3PL (cung cấp dịch vụ logistics cho bên thứ ba), 4PL (dịch vụ logistics theo chuỗi phân phối), 5PL (dịch vụ thị trường thương mại điện tử bao gồm cả 3PL và 4P).

- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi theo thẩm quyền của Ban Quản lý qua hệ thống điện tử cấp độ 3, cấp độ 4. Tham gia và tuân thủ quy định Cơ chế cấp C/O một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với các nước ASEAN.

13. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố:

- Đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ theo Quy hoạch, phục vụ hoạt động logistics như: trung tâm tiếp vận; bến, cảng thủy nội địa; ga hàng hóa; bến, bãi tập kết hàng hóa; các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu năng lực dịch vụ logistics của Hà Nội trong và ngoài nước.

- Tập trung triển khai các hoạt động phổ biến kiến thức: hội nghị, đào tạo, tập huấn về thị trường, các hiệp định thương mại tự do..., quảng bá phát triển thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm; tăng cường hoạt động xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường nước ngoài, chuyển giao công nghệ tiên tiến; xây dựng, xuất bản, tái bản các ấn phẩm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về thị trường nước ngoài, ngành hàng, hiệp định FTA; phổ biến, cung cấp thông tin tuyên truyền về luật Việt Nam, luật quốc tế, các điều khoản Hiệp định thương mại liên quan đến logistics; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực (đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics); cung cấp thông tin, khuyến nghị có liên quan...

14. UBND các quận, huyện, thị xã:

- Tăng cường quản lý hệ thống kho, bãi đang hoạt động trên địa bàn. Xây dựng và tổ chức phương án sắp xếp các kho, bãi phục vụ phát triển dịch vụ logistics đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường.

- Phối hợp các sở ngành chức năng cung cấp thông tin quy hoạch, địa điểm quy hoạch cho nhà đầu tư quan tâm và phối hợp chặt chẽ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án hạ tầng logistics.

15. Các doanh nghiệp, hiệp hội, hội trên địa bàn:

- Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả dự án, đưa công trình vào vận hành và khai thác bảo đảm tiến độ và chất lượng; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu tình hình thực hiện dự án đầu tư về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải trước ngày 05 hàng tháng.

- Các hiệp hội, hội hoạt động trên địa bàn phối hợp các Sở, ngành, đơn vị triển khai các nội dung, hoạt động của Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế, gắn kết giữa doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, thay đổi điều kiện giao hàng “mua CIF, bán FOB”, nâng cao ý thức của doanh nghiệp chủ hàng, tạo cơ sở cho doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao.

- Các doanh nghiệp logistics trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh cung cấp dịch vụ logistics trọn gói 3PL, 4PL; triển khai các dịch vụ logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và giao dịch điện tử để hướng đến cung cấp dịch vụ logistics trọn gói 5PL. Tăng cường ứng dụng các thành quả của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trong quản lý, vận hành chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics chuyên nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí.

Trên đây là Kế hoạch về phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022. Yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện; nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy (để b/c);
- Trường trực HĐND TP (để b/c);
- Chủ tịch UBND TP (để b/c);
- Các PCT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- VPUB: CVP, PCVPN.M.Quân, KT, ĐT, TKBT;
- UBND quận, huyện, thị xã;
- Lưu: VT, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Quyền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 81/KH-UBND về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022

  • Số hiệu: 81/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/03/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản