Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 20 tháng 6 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC; SỐ LƯỢNG NGƯỜI LÀM VIỆC TRONG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Văn bản số 2457/BNV-TCBC ngày 03/6/2019 của Bộ Nội vụ về việc xây dựng Kế hoạch biên chế năm 2020, UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng Kế hoạch biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2020 trên địa bàn tỉnh như sau:

A. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH BIÊN CHẾ

- Căn cứ Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 và Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017-2021; Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế;

- Căn cứ Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức; Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức; Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế;

- Căn cứ Thông tư số 07/2010/TT-BNV ngày 26/7/2010 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều quy định tại Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ; Thông tư số 14/20102/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước; Thông tư liên tịch số 06/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định về danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11/4/2001 của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

B. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG BIÊN CHẾ NĂM 2019

I. KẾT QUẢ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG BIÊN CHẾ NĂM 2019

1. Biên chế công chức và hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước

1.1. Biên chế công chức

Thực hiện Quyết định số 1896/QĐ-BNV ngày 17/8/2018 của Bộ Nội vụ về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh Ninh Bình năm 2019 là 1.665 biên chế công chức.

UBND tỉnh đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 về việc quyết định biên chế công chức trong cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập của Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 1.597 chỉ tiêu biên chế công chức (giảm 104 chỉ tiêu biên chế công chức so với số biên chế công chức Hội đồng nhân dân tỉnh giao năm 2018). Cụ thể như sau:

- Cắt giảm 36 chỉ tiêu biên chế công chức (theo Quyết định số 1896/QĐ-BNV ngày 17/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ).

- Bàn giao 68 chỉ tiêu biên chế công chức từ Chi cục Quản lý thị trường về Cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương (theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương; Văn bản số 6583/BCT-TCCB ngày 17/8/2018 của Bộ Công Thương về việc phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ).

Tổng số biên chế công chức có mặt đến ngày 31/3/2019 của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố là 1.581 người.

Việc giao biên chế công chức đảm bảo kịp thời, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, là cơ sở để UBND tỉnh quyết định khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính thuộc UBND tỉnh theo quy định.

1.2. Hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ

Năm 2019, UBND tỉnh được HĐND tỉnh giao 223 chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ

Số hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ có mặt đến 31/3/2019 là 223 người

Việc thực hiện ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ đảm bảo theo đúng chỉ tiêu được giao và chủ yếu đảm nhiệm công việc lái xe, tạp vụ, điện nước và một số công việc phục vụ khác.

1.3. Hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ

Hiện nay, tại tỉnh Ninh Bình không có hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thuộc HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

2. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Thực hiện Văn bản số 5396/BNV-TCBC ngày 05/11/2018 của Bộ Nội vụ về việc thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2019 của tỉnh Ninh Bình là 20.302 biên chế sự nghiệp và 419 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ.

UBND tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 20.621 biên chế sự nghiệp và 416 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ (giảm 811 biên chế sự nghiệp và 03 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ so với số lượng người làm việc Hội đồng nhân dân tỉnh giao năm 2018).

Tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh có mặt đến thời điểm 31/3/2019 là 20.324 viên chức và 587 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ (vượt 171 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ so với số giao); biên chế sự nghiệp chưa tuyển là 297 biên chế chủ yếu là viên chức ngành giáo dục và Đào tạo, ngành y tế về hưu. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức cho các đơn vị, nhất là ngành giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu cho năm học mới.

II. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ

1. Kết quả đạt được

1.1. Việc giao và sử dụng biên chế

Căn cứ Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức; Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức và tình hình nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, năm 2019 UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và UBND cấp huyện xây dựng Kế hoạch biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; Kế hoạch số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2020 theo đúng quy định. Riêng biên chế sự nghiệp y tế và sự nghiệp giáo dục và đào tạo: căn cứ vào các Thông tư hướng dẫn của các Bộ ngành Trung ương quy định về định mức giao biên chế và tình hình thực tế của địa phương, tỉnh Ninh Bình áp dụng ở định mức tối thiểu để giao, hiện nay biên chế hiện có của 02 ngành vẫn còn thiếu so với định mức quy định của nhà nước nhất là đối với ngành giáo dục và đào tạo.

Việc giao biên chế, tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Ninh Bình đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo cho các cơ quan, đơn vị có đủ nhân lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

1.2. Việc xây dựng và hoàn thiện Đề án vị trí việc làm

Thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương, đến nay UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm cho 100% các cơ quan, tổ chức hành chính trên địa bàn tỉnh; phê duyệt danh mục vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh để các cơ quan, đơn vị làm căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định của pháp luật.

1.3. Việc thực hiện cắt giảm biên chế theo Văn bản của Bộ Nội vụ

Thực hiện các Văn bản của Bộ Nội vụ, từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh đã tham mưu cho HĐND tỉnh cắt giảm 120 biên chế công chức và 1.155 biên chế sự nghiệp; điều chuyển 68 biên chế công chức từ Chi cục Quản lý thị trường về Tổng cục quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương (theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ).

1.4. Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế

Thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; từ năm 2015 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện tinh giản biên chế cho 161 người theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

- Thời điểm từ năm 2015 đến trước ngày 15/10/2018: 103 người (trong đó 101 người về hưu trước tuổi và 02 người thôi việc ngay).

- Thời điểm từ ngày 15/10/2018 đến ngày 31/12/2018: 20 người về hưu trước tuổi.

- Thời điểm từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/5/2019: 38 người (trong đó 34 người về hưu trước tuổi và 4 người thôi việc ngay).

2. Những tồn tại, hạn chế

Năm 2019, các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý, sử dụng biên chế được giao; tuy nhiên công tác quản lý biên chế, tuyển dụng và sử dụng đội ngũ công chức, viên chức vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể như sau:

- Một số cơ quan, đơn vị được giao biên chế khi có người nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác nhưng chưa xây dựng được kế hoạch và tổ chức thi, xét tuyển viên chức theo quy định; còn sử dụng chỉ tiêu biên chế để ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ.

- Đối với ngành giáo dục và đào tạo:

+ Bậc Trung học cơ sở, năm học 2018-2019, tuy số học sinh có tăng, số lớp tăng, song hiện nay số giáo viên có mặt ở một vài địa phương vẫn cao hơn định mức quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; hầu hết các huyện, thành phố vẫn còn tình trạng mất cân đối về chủng loại giáo viên.

+ Bậc tiểu học, bậc mầm non: một số nơi thiếu giáo viên đứng lớp, nhất là bậc học mầm non do những năm qua số học sinh tăng nhanh, hầu hết các huyện, thành phố còn thiếu phòng học. Do vậy, phải bố trí số lượng học sinh cao hơn định mức quy định của nhà nước.

- Đối với ngành y tế: Do nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng nên hầu hết các Bệnh viện còn thiếu giường bệnh, thiếu biên chế so với định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước.

3. Giải pháp khắc phục

- Để thực hiện bằng được mục tiêu đến năm 2021 giảm ít nhất 10% so với biên chế được giao năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tinh giản biên chế và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015, Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, các Kế hoạch, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, hạn chế ký hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị.

- Chỉ đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức cho các đơn vị, nhất là ngành giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu cho năm học mới.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh xã hội hóa, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thay thế nguồn trả lương từ ngân sách bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp; chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng số trường, số lớp, số học sinh của từng khối; xây dựng Đề án sáp nhập và có kế hoạch sắp xếp lại các trường lớp và cân đối lại đội ngũ giáo viên cho phù hợp với thực tế của địa phương và quy định hiện hành.

C. KẾ HOẠCH BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC; SỐ LƯỢNG NGƯỜI LÀM VIỆC TRONG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP NĂM 2020

1. Biên chế công chức và hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước

1.1. Về biên chế công chức

Căn cứ các văn bản của Trung ương và tình hình thực tiễn, hiện nay số biên chế công chức tỉnh Ninh Bình được được giao thấp và đã sử dụng gần hết. Do đó năm 2020, UBND tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Ninh Bình 1.596 biên chế công chức, giảm 01 biên chế công chức so với năm 2019.

1.2. Hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ

Đề nghị Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Ninh Bình 223 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ (giữ nguyên như số Hội đồng nhân dân tỉnh giao năm 2019).

Lý do: Hiện nay toàn tỉnh có 45 cơ quan, tổ chức hành chính (18 Sở, 02 cơ quan ngang Sở, 17 chỉ cục và 08 UBND các huyện, thành phố). Số hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ hiện nay của tỉnh chỉ đủ để làm nhiệm vụ lái xe, tạp vụ và điện nước.

2. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập

2.1. Biên chế sự nghiệp

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang áp dụng định mức tối thiểu để giao biên chế cho ngành y tế và ngành giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên biên chế hiện có của 02 ngành vẫn còn thiếu so với định mức quy định của nhà nước, nhất là đối với ngành giáo dục và đào tạo, trong khi địa phương không thể tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế được giao.

Năm 2020, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung 1.493 biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp y tế (theo hướng dẫn tại Văn bản số 2591/BNV-TCBC ngày 10/6/2016 của Bộ Nội vụ về việc quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp và tinh giản biên chế có nội dung “...nếu không thể tự cân đối được thì Bộ, ngành, địa phương đề nghị Bộ Nội vụ giải quyết theo thẩm quyền’’). Cụ thể như sau:

a) Đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo: bổ sung 1.131 biên chế

* Bậc học mầm non: bổ sung 663 biên chế

Năm học 2019-2020 tỉnh Ninh Bình có 148 trường mầm non công lập với 1.510 lớp mẫu giáo, 588 nhóm trẻ và 65.121 trẻ.

Biên chế bậc học mầm non theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, cụ thể như sau:

- Cán bộ quản lý: 143 trường x 3 + 5 trường x 2 = 439 biên chế;

- Giáo viên: 4.792 biên chế. Cụ thể:

Nhóm trẻ: 588 nhóm x 2,5 giáo viên = 1.470 biên chế;

Mau giáo: 1.510 lớp x 2,2 giáo viên = 3.322 biên chế;

- Kế toán, văn thư, y tế và thủ quỹ: 148 trường x 2 = 296 biên chế.

Tổng biên chế năm học 2019 - 2020 cần là 5.527 biên chế, đã giao 4.864 biên chế, còn thiếu 663 biên chế.

* Bậc học tiểu học: bổ sung 379 biên chế

Năm học 2019-2020 tỉnh Ninh Bình có 152 trường tiểu học (trong đó có 25 trường hạng I) với 2.668 lớp và 92.046 học sinh.

Biên chế bậc học tiểu học theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, cụ thể như sau:

- Cán bộ quản lý: 127 trường x 2 + 25 trường hạng I x 3= 329 biên chế;

- Giáo viên: 2.668 x 1,5 = 4.002 biên chế;

- Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh:

152 trường x 1 = 152 biên chế;

- Thư viện, thiết bị, công nghệ thông tin:

127 trường x 1 + 25 trường hạng I x 2= 177 biên chế;

- Văn thư, kế toán; y tế và thủ quỹ:

127 trường x 2 + 25 trường hạng I x 3 = 329 biên chế.

Tổng biên chế năm học 2019 - 2020 cần là 4.989 biên chế, đã giao 4.610 còn thiếu 379 biên chế.

* Bậc học THCS: bổ sung 72 biên chế

Năm học 2019-2020 tỉnh Ninh Bình có 142 trường Trung học cơ sở (trong đó có 02 trường hạng I) với 1.519 lớp và 67.596 học sinh

Biên chế bậc THCS theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, cụ thể như sau:

- Cán bộ quản lý: 140 trường x 2 + 2 trường hạng I x 3 = 286 biên chế;

- Giáo viên: 1.519 x 1,9 = 2.886 biên chế;

- Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh:

142 trường x 1 = 142 biên chế;

- Thư viện, thiết bị, thí nghiệm, công nghệ thông tin:

140 trường x 2 + 2 trường hạng I x 3 = 286 biên chế;

- Văn thư, kế toán; y tế và thủ quỹ:

142 trường x 3 = 426 biên chế.

Tổng biên chế năm học 2019-2020 cần là 4.026 biên chế, đã giao 3.954 còn thiếu 72 biên chế.

* Bậc Trung học phổ thông: bổ sung 17 biên chế

Năm học 2019-2020 toàn tỉnh có 24 trường Trung học phổ thông (trong đó gồm 01 trường THPT chuyên, 01 trường phổ thông dân tộc nội trú và 22 trường THPT) với 671 lớp và 26.897 học sinh.

Biên chế bậc Trung học phổ thông theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, cụ thể như sau:

- Cán bộ quản lý: 24 trường x 4 = 96 biên chế;

- Giáo viên: 39 x 3,1 + 9 x 2,4 + 619 x 2,25 = 1.535 biên chế;

- Thư viện, thiết bị, thí nghiệm, công nghệ thông tin:

22 trường x 3 + 1 trường x 4 + 1 trường x 7 = 77 biên chế;

- Văn thư, kế toán; y tế và thủ quỹ:

22 trường x 3 + 2 trường x 4 = 74 biên chế.

- Giáo vụ: 2 trường x 2 = 4 biên chế

Tổng biên chế năm học 2019-2020 cần là 1.786 biên chế, đã giao 1.769 còn thiếu 17 biên chế.

b) Sự nghiệp y tế: bổ sung 362 biên chế

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng, đòi hỏi phải tăng thêm giường bệnh và biên chế cho ngành y tế. Năm 2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 356/QĐ-UBND ngày 13/02/2018 về việc xếp hạng đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, trong đó nâng hạng Bệnh viện cho 03 đơn vị (Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn, Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan) thành bệnh viện hạng II.

Biên chế sự nghiệp y tế theo định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 08/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ trên địa bàn tỉnh còn thiếu 362 biên chế, cụ thể như sau:

- Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng (Bệnh viện chuyên khoa hạng 3), đề nghị áp dụng định mức trung bình (0,80) của Thông tư liên tịch số 08/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ:

0,8 x 100 giường bệnh = 80 biên chế.

Biên chế cần là 80 biên chế; đã giao 74 biên chế, còn thiếu 6 biên chế;

- Bệnh viện Sản - Nhi (Bệnh viện chuyên khoa hạng 2), đề nghị áp dụng định mức tối đa (1.40) của Thông tư liên tịch số 08/TTLT-BYT-BNY ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ:

1,4 x 440 giường bệnh = 616 biên chế.

Biên chế cần là 616 biên chế, đã giao 551 biên chế, còn thiếu 65 biên chế;

- Trung tâm Giám định Y khoa, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, đối với tỉnh dưới 1 triệu dân, biên chế cần là 12 biên chế, đã giao 11 biên chế, còn thiếu 01 biên chế;

- Trung tâm Pháp y theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, đối với tỉnh dưới 1 triệu dân, biên chế cần là 12 biên chế, đã giao 07 biên chế, còn thiếu 05 biên chế;

- Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan (Bệnh viện hạng 2), đề nghị áp dụng định mức 1,325 (đối với giường bệnh bệnh viện) và 1,05 (đối với giường bệnh Phòng khám đa khoa khu vực) của Thông tư liên tịch số 08/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ:

1.325 x 125 giường bệnh + 1,05 x 50 giường bệnh = 232 biên chế

Biên chế cần là 219 biên chế; đã giao 189 biên chế, còn thiếu 30 biên chế;

- Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn (Bệnh viện hạng 2), đề nghị áp dụng định mức (1,325 đối với giường bệnh bệnh viện và 1,05 đối với giường bệnh Phòng khám đa khoa khu vực) của Thông tư liên tịch số 08/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ:

1.325 x 125 giường bệnh + 1,05 x 30 giường bệnh =198 biên chế

Biên chế cần là 198 biên chế; đã giao 161 biên chế, còn thiếu 37 biên chế;

- Các Trung tâm Y tế huyện, thành phố (đề nghị áp dụng định mức trung bình (1,15 đối với giường bệnh trung tâm và 1,05 đối với giường bệnh Phòng khám đa khoa khu vực và biên chế hệ dự phòng theo dân số):

1,15 x 390 giường bệnh + 1,05 x 80 giường bệnh +186 biên chế hệ dự phòng theo dân số + 22 biên chế làm nhiệm vụ Methadone tại các Trung tâm Y tế (Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp) = 741 biên chế.

Biên chế cần là 741 biên chế; đã giao 638 biên chế, còn thiếu 103 biên chế.

- Đối với các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn: đề nghị giao bổ sung 115 biên chế y tế cơ sở theo đúng định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 08/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ.

2.2. Hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 07/12/2017, Bộ Nội vụ ban hành Văn bản số 6416/BNV-TCBC về việc thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2018 của tỉnh Ninh Bình, trong đó thẩm định cho tỉnh Ninh Bình 508 hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ.

Ngày 05/11/2018, Bộ Nội vụ ban hành Văn bản số 5396/BNV-TCBC về việc thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2019 của tỉnh Ninh Bình, trong đó thẩm định cho tỉnh Ninh Bình 419 hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ (giảm 89 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ so với số Bộ Nội vụ thẩm định năm 2018).

Đề nghị Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Ninh Bình 416 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ (giữ nguyên như số HĐND tỉnh giao năm 2019).

Lý do: Hiện nay toàn tỉnh có 707 đơn vị sự nghiệp công lập. Số hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ được giao trong các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay không đủ để làm nhiệm vụ lái xe, tạp vụ và điện nước và một số công việc khác theo quy định của pháp luật.

(Gửi kèm theo Kế hoạch các biểu số 2A, 2B, 2C)

Trên đây là Kế hoạch biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình trân trọng báo cáo và đề nghị Bộ Nội vụ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Sở Nội vụ;
- Lưu: VT,VP5,VP7.
          PH/02-KHNV

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn