Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 809/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 17 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Công văn số 2612/BKHCN-SHTT ngày 23/9/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn triển khai Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ quốc gia phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù riêng của tỉnh;

- Đảm bảo đồng bộ, phù hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đảm bảo khả thi và hiệu quả trong việc triển khai thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập; đưa hoạt động sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh;

Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về sở hữu trí tuệ, khuyến khích và bảo đảm hoạt động cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của chủ sở hữu; góp phần nâng cao nhận thức của chủ sở hữu và người dân trên địa bàn tỉnh về sở hữu trí tuệ;

Nâng cao giá trị, chất lượng, hiệu quả, sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ của tỉnh thông qua việc hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025:

- Đáp ứng 100% nhu cầu được tư vấn, hướng dẫn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh;

- 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo;

- Tối thiểu 50% cán bộ có hoạt động liên quan đến nghiên cứu và phát triển ở các cơ sở giáo dục, các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển được đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ;

- Tối thiểu 40% sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực, đặc thù cấp tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ; kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ;

- Hỗ trợ hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển ít nhất 10 thương hiệu cộng đồng (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý) được bảo hộ.

b) Đến năm 2030:

- Tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ và kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc;

- Tối thiểu 75% cán bộ có hoạt động liên quan đến nghiên cứu và phát triển ở các cơ sở giáo dục, các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển được đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ;

- Hỗ trợ hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển ít nhất 20 thương hiệu cộng đồng (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý) đã được bảo hộ.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ

- Tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp lý liên quan; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;

- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ từ cơ bản đến chuyên sâu cho phù hợp với từng nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh;

- Tư vấn, hướng dẫn về sở hữu trí tuệ cho các tập thể, cá nhân có nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động về sở hữu trí tuệ của các tổ chức, tập thể là chủ sở hữu, chủ thể quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể;

- Hỗ trợ tra cứu, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm tạo ra các tài sản trí tuệ được bảo hộ;

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân và nhân dân về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển theo từng giai đoạn.

2. Thúc đẩy đăng ký, tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ

- Thúc đẩy đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước; đẩy mạnh hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, chú trọng nhóm sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP, nhóm sản phẩm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; nhóm sản phẩm từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ giống cây trồng; bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả;

- Hỗ trợ tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, sản phẩm hàng hóa đặc thù, có lợi thế của tỉnh và các sản phẩm gắn với Chương trình OCOP thông qua đặt hàng và phê duyệt triển khai các nhiệm vụ/dự án khoa học và công nghệ các cấp;

- Khai thác, phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ trên địa bàn tỉnh theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

3. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ

- Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh ở các lĩnh vực sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả và quyền đối với giống cây trồng;

- Đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;

- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước và công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ;

- Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh, gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ;

- Khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của tỉnh theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Giới thiệu quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ.

4. Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

- Hỗ trợ triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tự bảo vệ quyền sở hữu của mình;

- Tổ chức trưng bày, giới thiệu, triển lãm sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cùng với sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (nếu có) tại các sự kiện kết nối cung cầu công nghệ, triển lãm giới thiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh;

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh.

5. Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ

- Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của chủ thể quản lý tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh;

- Tạo điều kiện hình thành các tổ chức dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tư vấn về quản trị, phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

6. Nâng cao nhận thức, hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội

- Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong cuộc sống thông qua các hình thức: Xây dựng chuyên đề khoa học công nghệ, chuyên trang, chuyên mục trên Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình.

- Mở rộng triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục, các trường Đại học và Cao đẳng nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ đến cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; khuyến khích đội ngũ này tham gia các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ;

- Thực hiện quảng bá các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể của tỉnh thông qua các hội chợ, triển lãm, các gian hàng, sự kiện xúc tiến thương mại...trên các sàn thương mại điện tử, website của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố;

- Biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn về quyền sở hữu trí tuệ; về tạo lập, quản trị, khai thác và phát triển các tài sản trí tuệ;

- Vinh danh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động sở hữu trí tuệ.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện các dự án thuộc Chương trình do Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý.

2. Kinh phí thực hiện lồng ghép từ các chương trình, dự án, đề án, từ ngân sách tỉnh được phân bổ hàng năm cho các cơ quan, đơn vị.

3. Kinh phí đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các hình thức hợp tác công tư khác (nếu có).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn về sở hữu trí tuệ phù hợp cho từng nhóm đối tượng như doanh nghiệp; doanh nghiệp khởi nghiệp; chủ thể tham gia Chương trình OCOP; các Trường Đại học và Cao đẳng… trên địa bàn tỉnh;

- Hướng dẫn thực hiện các văn bản, quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ việc tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn tổ chức thực hiện quy định quản lý của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương;

- Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức triển khai Kế hoạch. Định kỳ hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất, xác định các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề chủ lực, đặc thù, có lợi thế gắn với Chương trình OCOP, từng bước xây dựng, nâng cao thương hiệu sản phẩm nông lâm thủy sản và các sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh;

- Chủ trì rà soát danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

- Hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện đăng ký bảo hộ quyền giống cây trồng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

3. Sở Văn hóa và Thể thao

- Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả và công nghiệp văn hóa;

- Tăng cường công tác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Sở Công Thương

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm công nghiệp;

- Xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, giao thương kết nối cung cầu nhằm tăng khả năng xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

- Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

5. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành có liên quan, phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo, các Trường Đại học và Cao đẳng trên địa bàn tỉnh

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ đến giáo viên, học sinh, sinh viên và cán bộ trong ngành; khuyến khích tham gia các cuộc thi, hội thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật và ý tưởng khởi nghiệp; tạo điều kiện hình thành, phát triển các ý tưởng nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên;

- Tham mưu đưa một số nội dung về sở hữu trí tuệ vào chương trình học tập, chương trình ngoại khóa trong các cơ sở giáo dục và đào tạo với hình thức, dung lượng, đối tượng và địa điểm phù hợp;

- Cụ thể hóa nội dung và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan được nêu trong Kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao;

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa và Thể thao và các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức về sở hữu trí tuệ cho cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên.

7. Hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền về sở hữu trí tuệ đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp triển khai thực hiện các nội dung và nhiệm vụ của Kế hoạch.

8. Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường và Chi cục Hải quan tỉnh

- Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

- Tăng cường công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi quản lý theo quy định;

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan để trao đổi thông tin, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong công tác đấu tranh chống tội phạm có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

9. Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình và Báo Quảng Bình

Tăng cường phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ, khuyến khích năng lực đổi mới sáng tạo.

10. Các sở, ban, ngành liên quan

- Phối hợp với sở Khoa học và Công nghệ triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá tạo sự chuyển biến nhận thức sâu rộng về sở hữu trí tuệ cho các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao;

- Phối hợp triển khai thực hiện các nội dung và nhiệm vụ của Kế hoạch.

11. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

- Có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch này đồng bộ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phát huy giá trị, quản lý và khai thác hiệu quả các tài sản trí tuệ đã được hình thành, bảo hộ tại địa bàn;

- Tổ chức rà soát, xem xét, tuyển chọn, đề xuất các nội dung của Chương trình dưới hình thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhằm tăng cường, hỗ trợ bảo hộ, khai thác và phát triển các tài sản trí tuệ (sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, giống cây trồng mới,...) của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố;

- Phối hợp tốt với các ngành chức năng trong thực thi pháp luật về Sở hữu trí tuệ, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ theo thẩm quyền và quy định của pháp luật;

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc duy trì và phát triển các đối tượng đã được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố;

- Hàng năm, rà soát các sản phẩm có thể mạnh, giá trị thương mại lớn tại địa phương; phối hợp với các ngành có liên quan, khuyến khích, hướng dẫn chủ sở hữu thiết lập hồ sơ, đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ, tham gia bình chọn sản phẩm OCOP của tỉnh.

VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất (khi có yêu cầu) các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ vào nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch này gửi về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị địa phương chủ động phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

 


Nơi nhận:
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Cục Sở hữu trí tuệ;
- CT, các PCT/UBND Tỉnh;
- LĐ VPUBND Tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Hội DN tỉnh, Liên minh HTX tỉnh;
- Đài PT-TH QB; Báo QB;
- Lưu VT, NCVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ An Phong

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 809/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 809/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 17/05/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Hồ An Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/05/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản