Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 12 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LĨNH VỰC THÔNG TIN CƠ SỞ GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 07/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

A. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC THÔNG TIN CƠ SỞ

I. TÌNH HÌNH CHUNG

- Đài truyền thanh cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã:

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 11 đài truyền thanh cấp huyện. Từ năm 2019, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa (XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, các Đài Truyền thanh cấp huyện được sáp nhập và trở thành bộ phận truyền thanh của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao - đơn vị sự nghiệp của UBND cấp huyện.

Toàn tỉnh có 170 đài truyền thanh cấp xã (145 đài vô tuyến hoạt động trong băng tần 54-68MHZ theo đúng quy hoạch về tần số vô tuyến điện và 25 đài hữu tuyến), trong đó có 06 đài ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT).

Về nhân sự: Đài truyền thanh cấp huyện có từ 7-10 người; Đài truyền thanh cấp xã chỉ có 01 người kiêm nhiệm các chức danh văn hóa xã hội, thương binh xã hội, trung tâm học tập cộng đồng...

- Trang Thông tin điện tử cấp xã: Toàn tỉnh có 168 trang Thông tin điện tử cấp xã (02 đơn vị cấp xã chưa có trang Thông tin điện tử gồm: thị trấn Gia Ray - huyện Xuân Lộc, Thị trấn Tân Phú - huyện Tân Phú).

- Bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) do UBND cấp huyện quản lý: toàn tỉnh có 11 bảng tin, trong đó có Biên Hòa 03 bảng tin; Long Khánh 03 bảng tin ; Long Thành 02 bảng tin; Trảng Bom 01 bảng tin; Định Quán 01 bảng tin; Thống Nhất 01 bảng tin.

- Bảng tin điện tử công cộng do UBND cấp xã quản lý: toàn tỉnh có 05 bảng tin cấp xã thuộc các huyện: Vĩnh Cửu (04); Cẩm Mỹ (01)

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Mặt được: Hoạt động thông tin cơ sở bám sát định hướng của các cấp ủy, chính quyền địa phương; thực hiện tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cơ bản phục vụ nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân địa phương.

- Tồn tại, hạn chế: Công nghệ, thiết bị kỹ thuật của hệ thống thông tin cơ sở phần lớn là cũ, lạc hậu, thậm chí nhiều nơi xuống cấp (Đến nay còn 108/170 Đài truyền thanh cấp xã chưa được đầu tư nâng cấp, trong đó có 81 đài đã hư hỏng, xuống cấp hết khấu hao cần được tiếp tục đầu tư mới). Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, quản lý hoạt động thông tin cơ sở còn hạn chế. Nhân lực làm công tác thông tin cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi nên hiệu quả công việc hạn chế. Còn một số địa phương chưa đầu tư các bảng tin điện tử công cộng; số lượng bảng tin cấp xã rất ít, chỉ có 05/170 xã có bảng tin điện tử (tỷ lệ 2,94%) nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

B. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LĨNH VỰC THÔNG TIN CƠ SỞ GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát triển thông tin cơ sở là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã có giải pháp, cách làm đột phá, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương.

- Thông tin cơ sở tăng cường tương tác hai chiều để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của chính quyền cùng giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, cơ sở.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa thông tin cơ sở đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân, tương tác thông tin, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền, cơ quan quản lý các cấp.

- Sử dụng hạ tầng viễn thông, Internet và các nền tảng công nghệ trong nước để tạo ra dữ liệu dùng chung với các hệ thống thông tin khác, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng đầy đủ thông tin thiết yếu của người dân.

- Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin để phát triển hệ thống thông tin cơ sở hiện đại và đồng bộ.

2. Yêu cầu

Phát triển mạng lưới hệ thống thông tin cơ sở thống nhất từ cấp tỉnh, cấp huyện đến xã, phường, thị trấn để đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân; đồng thời phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ và thống nhất từ cấp tỉnh, cấp huyện đến xã, phường, thị trấn trong một hệ sinh thái thông tin đa ngành, đa lĩnh vực, tương tác và phản ứng nhanh nhạy trước những tác động của đời sống kinh tế - xã hội, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo quốc phòng an ninh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại

- Cấp xã đến năm 2025

+ 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến ấp, tổ dân phố, khu dân cư.

+ 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân.

+ 100% xã, phường, thị trấn có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân

- Cấp huyện đến năm 2025

100% các huyện, thành phố có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD), được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh.

- Cấp tỉnh

+ Đến năm 2023: tỉnh có Hệ thống thông tin nguồn để quản lý tập trung và cung cấp thông tin thiết yếu cho hệ thống thông tin cơ sở.

+ Đến năm 2025: 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý trên hệ thống thông tin nguồn tỉnh.

b) Thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở

Đến năm 2025

+ 100% đài truyền thanh cấp xã có dây/không dây FM chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT).

+ 100% thông tin thiết yếu; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan quản lý và báo cáo, thống kê về hoạt động thông tin cơ sở của cấp tỉnh và cấp huyện; ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở được cung cấp, thực hiện, tiếp nhận, xử lý trên Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh.

+ Sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh, chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.

c) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở

Đến năm 2025: 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện và cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ ứng dụng công nghệ để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật, kỹ năng biên soạn, biên tập tin bài ...

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại

a) Thiết lập mỗi xã, phường, thị trấn một hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT

- Đối với những xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh có dây/không dây FM, tổ chức chuyển đổi theo lộ trình trong giai đoạn 2022-2025, mỗi năm từ 15-25% số đài truyền thanh có dây/không dây FM sang truyền thanh ứng dụng CNTT-VT theo nguyên tắc chuyển đổi trước những đài truyền thanh có dây; đài truyền thanh hư hỏng, xuống cấp, hết khấu hao (trên 5 năm).

- Thời gian thực hiện:

Stt

Huyện/thành phố

Đơn vị tính

Số lượng đài chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng CNTT-VT

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Biên Hòa

Đài

6

7

6

5

2

Long Khánh

Đài

4

4

4

3

3

Vĩnh Cửu

Đài

5

3

2

2

4

Trảng Bom

Đài

5

4

4

4

5

Thống Nhất

Đài

3

3

2

2

6

Xuân Lộc

Đài

4

4

4

3

7

Long Thành

Đài

4

4

3

3

8

Nhơn Trạch

Đài

3

3

3

3

9

Tân Phú

Đài

6

4

4

4

10

Định Quán

Đài

4

4

3

3

11

Cẩm Mỹ

Đài

4

3

3

3

Tổng cộng

Đài

48

43

38

35

b) Thiết lập mỗi xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã

- Trang thông tin điện tử của UBND cấp xã là một thành phần của Trang thông tin điện tử UBND cấp huyện, có chức năng cung cấp thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; thông tin về các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật mới và các quy định của chính quyền cơ sở; tin tức về các sự kiện, hoạt động nổi bật của cơ sở; có chức năng tìm kiếm, tra cứu, hỏi đáp trực tuyến nhằm thúc đẩy mạnh tương tác giữa người dân với chính quyền cơ sở; liên kết, tích hợp thông tin với trang trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện.

+ Đối với các địa phương có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã đã tích hợp vào trang thông tin điện tử UBND cấp huyện: Thực hiện rà soát, bổ sung nâng cấp nhằm đảm bảo nội dung và các tính năng như đã nêu trên.

+ Các địa phương chưa có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã: triển khai xây dựng, tích hợp vào trang thông tin điện tử UBND cấp huyện.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023

c) Thiết lập bảng tin điện tử công cộng do UBND cấp xã quản lý

- Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu công tác truyền thông phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở, các xã, phường, thị trấn tổ chức thiết lập các loại bảng tin điện tử cho phù hợp. Bảng tin điện tử được đặt tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn; địa điểm công cộng tập trung đông dân cư để người dân dễ nhìn thấy, dễ tìm hiểu các thông tin thiết yếu bằng chữ viết, hình ảnh.

- Thời gian thực hiện: Hằng năm; đảm bảo mỗi năm ít nhất 25% xã, phường, thị trấn có bảng tin điện tử công cộng.

d) Thiết lập bảng tin điện tử công cộng do UBND cấp huyện quản lý, được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn tỉnh.

- Các địa phương tổ chức thiết lập bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) đặt ở các địa điểm đông người qua lại như quảng trường, vườn hoa, khu đô thị, trung tâm thương mại ... Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành bảng tin điện tử công cộng được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn tỉnh qua mạng Internet/Intranet hoặc sim 3G/4G để nhận thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân.

Đối với các bảng tin điện tử quảng cáo cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) của các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trên địa bàn, khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có yêu cầu huy động, trưng dụng phục vụ công tác truyền thông thực hiện nhiệm vụ chính trị, khuyến khích kết nối với Hệ thống thông tin nguồn tỉnh để nhận thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm; đảm bảo đến năm 2025 mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD).

đ) Hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thông cấp huyện

Từ năm 2022 trở đi các địa phương không đầu tư nâng cấp hệ thống truyền dẫn, phát sóng, phát thanh của đài truyền thanh cấp huyện, chỉ duy trì hoạt động hệ thống truyền dẫn phát sóng hiện có cho đến khi xuống cấp, hết khấu hao. Từng bước chuyển đổi hoạt động của bộ phận truyền thanh thành cơ sở truyền thông thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện.

Nâng cấp hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện để tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT; đăng tải trên Trang thông tin điện tử, bảng tin điện tử và các phương tiện truyền thông khác của cấp huyện; cộng tác sản xuất, cung cấp nội dung cho các đài phát thanh - truyền hình cấp tỉnh và Trung ương.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

e) Thiết lập Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh để tổ chức quản lý tập trung và cung cấp thông tin nguồn cho hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn

Thực hiện theo Kế hoạch số 11671/KH-UBND ngày 24/9/2021 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.

g) Thiết lập ứng dụng trên thiết bị thông minh và sử dụng mạng xã hội để tăng cường tương tác với người dân

Ứng dụng trên thiết bị di động thông minh (điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, máy tính bảng...) được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh, ứng dụng được thiết kế đơn giản, thuận tiện giúp người dân có thể dễ dàng thao tác, cài đặt, truy cập, và đáp ứng các yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản như: hiển thị thông tin; thông báo; thực hiện khảo sát ý kiến của người dân; phản ánh hiện trường; ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở gửi đến các cơ quan chức năng. Khi có nhu cầu ứng dụng có thể tích hợp các dịch vụ tiện ích như: thanh toán tiền điện, nước,... và nền tảng ví điện tử (tài khoản điện tử) để thanh toán các giao dịch trực tuyến.

Cơ quan chỉ đạo, quản lý ở các cấp thiết lập trang tin trên mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội Việt Nam (Zalo, Lotus, Mocha...) để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dùng (các thông điệp, tin ngắn, hình ảnh, âm thanh, videoclip...), đấu tranh phản bác thông tin xấu độc lan truyền trên không gian mạng. Thông qua đó, cơ quan chỉ đạo, quản lý có thể tổng hợp, phân tích những ý kiến bình luận, đánh giá của người dùng, dự báo các xu hướng tư tưởng trong xã hội, giúp cơ quan chỉ đạo, quản lý có thêm kênh thông tin tham khảo phục vụ công tác quản lý, điều hành và xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm.

h) Thiết lập Cổng thông tin điện tử Thông tin cơ sở của tỉnh kết nối, liên thông với Cng thông tin điện tử Thông tin cơ sở của Trung ương (sử dụng sub-domain của Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai)

- Cổng thông tin điện tử Thông tin cơ sở của tỉnh có chức năng cơ bản sau:

+ Đăng tải các bản tin, thông tin chuyên đề; phổ biến các văn bản pháp luật; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thông tin cơ sở; các hoạt động thông tin cơ sở của Trung ương và các địa phương, để người dân có thể truy cập và theo dõi.

+ Thông tin tương tác hai chiều giữa người dân và chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Người dân có thể gửi ý kiến phản ánh, đánh giá, nhận xét về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở. Kết quả xử lý được công bố trên Cổng thông tin điện tử Thông tin cơ sở của tỉnh.

+ Cổng thông tin điện tử Thông tin cơ sở của tỉnh kết nối với Hệ thống thông tin nguồn tỉnh, để giúp người dân có thể nghe lại các chương trình truyền thanh cơ sở ở từng địa phương.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023

2. Hiện đại hóa sản xuất nội dung tuyên truyền

a) Sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, các phần mềm phân tích dữ liệu lớn (Big Data) kết hợp với công nghệ trí tuệ (AI) để tổng hợp, phân tích, chọn lọc thông tin, phục vụ sản xuất nội dung, lưu trữ và quản lý nội dung; tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng nội dung, tiết kiệm thời gian, giải bài toán thiếu nhân lực làm công tác thông tin cơ sở.

b) Nghiên cứu, lựa chọn sử dụng các nền tảng công nghệ trong nước chuyển đổi thành giọng nói với các giọng đọc biểu cảm, ngữ điệu tự nhiên, phù hợp với văn hóa từng địa phương, vùng, miền, làm cho nội dung tuyên truyền, phổ biến đến người dân được gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng thực hiện.

3. Phát triển nhân lực làm công tác thông tin cơ sở

a) Tổ chức nhân lực làm công tác thông tin cơ sở ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo hướng tinh gọn và phương châm mỗi công chức quản lý đảm nhiệm nhiều việc, sử dụng thành thạo công nghệ phục vụ hoạt động quản lý, thực thi pháp luật và có năng lực tổ chức các hoạt động truyền thông ở cơ sở. Đồng thời, sử dụng “trợ lý ảo” chuyên sâu về lĩnh vực thông tin cơ sở hỗ trợ xử lý công việc, soạn thảo văn bản, tìm kiếm dữ liệu.

b) Rà soát, sắp xếp nhân lực làm việc ở cơ sở truyền thông cấp huyện theo hướng nhân lực thực hiện nhiệm vụ truyền dẫn, phát sóng (nhân viên kỹ thuật) có thể tinh giảm dần, hoặc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để quản lý, sử dụng các thiết bị kỹ thuật số; hỗ trợ quản lý kỹ thuật đài truyền thanh cơ sở; hoặc chuyển đổi sang thực hiện nhiệm vụ sản xuất nội dung. Nhân lực thực hiện nhiệm vụ sản xuất nội dung (phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên) tập trung sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện, cung cấp cho đài truyền thanh cơ sở; sản xuất nội dung cho Trang thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông khác của cấp huyện; cộng tác sản xuất, cung cấp nội dung cho Đài phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh.

c) Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, bố trí công chức văn hóa - xã hội cấp xã kiêm nhiệm hoặc người hoạt động không chuyên trách cấp xã trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống thông tin cơ sở của xã, phường, thị trấn: đài truyền thanh, trang thông tin điện tử, bảng tin điện tử công cộng và các phương tiện thông tin cơ sở khác.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở

a) Đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở, phục vụ công tác quản lý Nhà nước trên môi trường số.

b) Tổ chức cung cấp tài liệu và các hình thức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền; tạo diễn đàn trao đổi, học tập kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền ở cơ sở cho cán bộ thông tin cơ sở trên môi trường số.

c) Tổ chức hoạt động thu thập, tổng hợp và xử lý dữ liệu về ý kiến phản ảnh của người dân về hiệu quả của thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở trên môi trường số.

2. Giải pháp về huy động các nguồn lực phát triển

a) Kinh phí đối ứng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022-2025; ngân sách của địa phương chi đầu tư phát triển và bảo đảm kinh phí hằng năm duy trì hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn.

b) Các địa phương huy động các nguồn xã hội hóa hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để đầu tư phát triển hệ thống thông tin cơ sở; xây dựng các nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin cơ sở, chính quyền địa phương thuê dịch vụ theo quy định.

3. Giải pháp về cung cấp thông tin

a) Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng quy định về phối hợp cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý của các sở, ban, ngành, địa phương trên Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh.

b) Các cơ quan chỉ đạo, quản lý các cấp tổ chức sản xuất cung cấp thông tin thiết yếu trên các loại hình thông tin mới, hiện đại kết hợp với các loại hình thông tin truyền thống, phù hợp với nhu cầu, điều kiện tiếp nhận thông tin của từng nhóm dân cư như: mạng xã hội, bản tin, tài liệu không kinh doanh, điểm bưu điện - văn hóa xã, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên và các loại hình thông tin cơ sở khác.

4. Giải pháp về nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở

a) Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thông tin cơ sở, cập nhật kiến thức về kỹ thuật, công nghệ chủ yếu bằng hình thức trực tuyến.

b) Phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng công nghệ AI “trợ lý ảo” chuyên sâu về thông tin cơ sở hỗ trợ công chức quản lý nhà nước thực thi các hoạt động quản lý và tổ chức hoạt động truyền thông cơ sở; hỗ trợ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở ở xã, phường, thị trấn khai thác, biên soạn nội dung tuyên truyền, quản lý vận hành thiết bị kỹ thuật hiện đại.

5. Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm

Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin cơ sở để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả của thông tin cơ sở.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch từ ngân sách Nhà nước theo quy định phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước, kinh phí đối ứng thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2022- 2025, Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo giai đoạn 2022-2025 và huy động các nguồn xã hội hóa hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân để đầu tư phát triển hệ thống thông tin cơ sở.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì phối hợp các Sở, ban ngành, UBND các huyện thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa tổ chức, thực hiện nhiệm vụ được giao tại điểm e, g, h khoản 1 mục III, phần B kế hoạch.

b) Hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Tham mưu UBND công tác tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

2. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho việc triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022- 2025.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Đảm bảo nguồn vốn ưu tiên và sử dụng có hiệu quả cho Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025.

4. Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai

Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025. Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật đối với các cơ sở truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cơ sở theo quy định củ pháp luật.

5. UBND các huyện, thành phố

Căn cứ Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025, tổ chức xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương; chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành thực hiện nhiệm vụ được giao tại điểm a, b, c, d, đ, g khoản 1 và khoản 2, khoản 3 mục III, phần B đảm bảo thực hiện các nội dung tại Kế hoạch này.

6. Các sở, ban, ngành

Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin cập nhật lên Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh để tổ chức quản lý tập trung đồng thời cung cấp thông tin nguồn cho hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh.

7. Chế độ thông tin báo cáo

Hàng năm các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch, gửi Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 15 tháng 12 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025, các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để điều chỉnh Kế hoạch cho phù hợp với thực tế./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PTTH Đồng Nai;
- Lưu: VT, KGVX

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Sơn Hùng