Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7632/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 05 tháng 10 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

NGĂN CHẶN VÀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Thực hiện Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam; Công điện số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.

Để chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm và phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch ngăn chặn và phòng, chống trên địa bàn tỉnh như sau:

I. TÌNH HÌNH BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI:

1. Đặc điểm của bệnh:

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn; bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Lợn bị bệnh có tỷ lệ chết cao lên đến 100%; hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị. Vi rút gây bệnh DTLCP có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và trở thành nguồn lây bệnh cho lợn khỏe mạnh khác.

2. Tình hình trên thế giới:

Bệnh DTLCP lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya vào năm 1921 và sau đó trở thành dịch địa phương tại nhiều nước Châu Phi. Năm 1957, lần đầu tiên bệnh DTLCP được báo cáo xuất hiện tại Châu Âu.

Từ cuối năm 2017 đến nay (Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp & PTNT), đã có 19 Quốc gia và vùng lãnh thổ có bệnh DTLCP với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 700.000 con; tại Trung Quốc từ đầu tháng 8 đến ngày 10/9/2018 đã có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh với tổng số hơn 38.000 lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

3. Tại Việt Nam và Tỉnh Vĩnh Phúc:

Hiện nay, trên địa bàn cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp lợn mắc bệnh DTLCP.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Chủ động ngăn chặn và phòng, chống hiệu quả bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh.

- Xử lý kịp thời ổ dịch khi mới phát hiện, không để lây lan, hạn chế tối đa thiệt hại do bệnh DTLCP gây ra trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác, không gây hoang mang trong xã hội về tình hình bệnh DTLCP.

- Triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP, có sự phối hợp chặt chẽ, giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự vào cuộc tích cực của người dân.

- Thực hiện theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Cục Thú y và UBND tỉnh.

III. CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN VÀ PHÒNG, CHỐNG:

1. Các biện pháp ngặn chặn và phòng bệnh:

1.1. Tuyên truyền, tập huấn:

- Thông tin tuyên truyền kịp thời, chính xác tình hình bệnh DTLCP, các biện pháp ngăn chặn và phòng, chống; các quy định của Nhà nước, UBND tỉnh về ngăn chặn và phòng, chống bệnh để người dân chủ động tham gia thực hiện.

- Tập huấn cho đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở về Kế hoạch ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP và biện pháp xử lý khi đàn lợn mắc bệnh.

- Tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP cho hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn (lợn nái từ 20 con trở lên, lợn thịt từ 100 con trở lên) trên địa bàn tỉnh.

- In tờ rơi tuyền truyền về các biện pháp ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP đến người chăn nuôi lợn, người buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn tỉnh.

1.2. Kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y:

- Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch lợn, sản phẩm từ lợn, kiểm soát giết mổ theo quy định; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi lợn, buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn theo quy định.

1.3. Khử trùng tiêu độc:

- Tổ chức 01 đợt tổng vệ sinh và phun khử trùng, tiêu độc chuồn trại, môi trường chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh để phòng bệnh DTLCP và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác ở động vật vào tháng 12/2018.

- Hướng dẫn người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện:

Đối với hộ, cơ sở chăn nuôi lợn: Thường xuyên vệ sinh, quét dọn chuồng trại, thu gom phân rác vào nơi quy định, sử dụng vôi bột ủ phân, rác trước khi sử dụng; định kỳ phun khử trùng tiêu độc chuồng trại môi trường chăn bằng các hóa chất khử trùng tiêu độc trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp & PTNT.

Đối với nơi buôn bán, cơ sở giết mổ lợn: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực bán lợn, sản phẩm lợn sau mỗi buổi chợ; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển, chứa đựng lợn, sản phẩm lợn, nơi giết mổ, nhốt lợn chờ giết mổ…sau mỗi ca làm việc.

1.4. Giám sát dịch bệnh:

- Giám sát lâm sàng: Thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình bệnh DTLCP đến hộ, cơ sở chăn nuôi lợn, khi phát hiện lợn ốm, chết nghi mắc bệnh, phải khai báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan Chăn nuôi và thú y để xử lý kịp thời.

- Thu thập mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm: Nếu phát hiện lợn ốm, chết có triệu chứng nghi bệnh hoặc lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh.

2. Khi dịch bệnh xảy ra:

2.1. Xác minh dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm:

Khi phát hiện có trường hợp lợn nghi mắc bệnh DTLCP hoặc chết không rõ nguyên nhân, chủ hộ chăn nuôi phải báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, để kiểm tra xác minh thông tin dịch bệnh; nếu nghi lợn mắc bệnh DTLCP, nhân viên thú y cấp xã báo cáo ngay về UBND cấp xã và Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện. Trạm Chăn nuôi và Thú y báo cáo UBND cấp huyện để chỉ đạo, tổ chức phòng, chống dịch và báo cáo Chi cục Chăn nuôi và Thú y để lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Trong khi chờ kết quả xét nghiệm UBND cấp xã phải tổ chức bao vây như đối với một ổ dịch, cử lực lượng giám sát chặt chẽ đàn lợn bệnh, không để chủ hộ giết mổ, bán chạy đàn lợn bệnh.

2.2. Xác định phạm vi ổ dịch, vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đối với bệnh DTLCP.

2.3. Xử lý ổ dịch:

- Tiêu huỷ ngay đàn lợn khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP và hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định, không chữa trị lợn mắc bệnh DTLCP. Việc tiêu huỷ, chôn lấp lợn mắc bệnh do UBND cấp xã thực hiện theo quy định của Luật Thú y và hướng dẫn tại phụ lục 06 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNN&PTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đối với bệnh DTLCP.

- Hướng dẫn và chủ hộ vệ sinh cơ giới: Quét dọn thu gom phân, rác, chất độn chuồng để ủ bằng vôi bột hoặc tiêu huỷ (cách tiêu huỷ như đối với tiêu huỷ lợn bệnh), rửa sạch chuồng, để khô; phun hóa chất tiêu độc, sát trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi hàng ngày, liên tục trong 20 ngày.

- Cấm người không có nhiệm vụ ra, vào hộ có lợn bị bệnh và những người tham gia chống dịch trước khi vào phải sử dụng bảo hộ lao động, khi ra khỏi phải được sát trùng cá nhân và phương tiện tránh làm lây lan dịch.

- Tổ chức phun hóa chất khử trùng, tiêu độc 2 lần tập trung chuồng trại, môi trường chăn nuôi của các hộ trong phạm vi vùng dịch.

2.4. Công bố dịch:

- Bệnh có chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng, có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP tiến hành công bố dịch theo đúng nguyên tắc, trình tự, nội dung và thẩm quyền được quy định tại điều 26 Luật Thú y và hướng dẫn tại Thông tư số 07/2016/TT-BNN&PTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đối với bệnh DTLCP.

- Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp theo Quyết định số 16/2016/QĐ-CP ngày 29/4/2016 của Chính phủ quy định về thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp.

- Trên cơ sở quy mô, tính chất lây lan của ổ dịch (phạm vi thôn, xã, huyện) cấp có thẩm quyền công bố dịch thành lập các chốt ở các trục giao thông chính ra, vào vùng dịch để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm với thành phần chính là: Công an, Quản lý thị trường, cán bộ thú y và các bộ chính quyền địa phương; đặt biển báo nơi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

- Kiểm tra, giám sát toàn bộ đàn lợn tại các cơ sở, hộ chăn nuôi trong vùng dịch, vùng uy hiếp nhằm phát hiện các trường hợp lợn bỏ ăn, nghi bị bệnh tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và khi có kết quả dương tính với đàn lợn bị bệnh DTLCP xử lý tiêu hủy và các trường hợp khác tiêu hủy theo quy định.

- Báo cáo tình hình dịch bệnh và công tác chống dịch ngày 01 lần bằng văn bản về các cấp theo quy định.

- Tổ chức thông tin, tuyền truyền kịp thời, chính xác về tình hình bệnh DTLCP theo quy định.

2.5. Công bố hết dịch: Công bố hết dịch theo đúng ngu yên tắc, trình tự, nội dung và thẩm quyền được quy định tại điều 31 Luật Thú y và hướng dẫn tại Thông tư số 07/2016/TT-BNN&PTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đối với bệnh DTLCP.

IV. KINH PHÍ PHÒNG, CHỐNG DỊCH:

Thực hiện theo Luật Thú y, áp dụng theo Quyết định số 2663/QĐ-UBND ngày 05/10/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và nội dung triển khai Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam và Công điện số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.

1. Kinh phí phòng dịch :

1.1. Đối với Ngân sách cấp tỉnh:

Hỗ trợ các nội dung ngăn chặn, phòng bệnh DTLCP như sau:

- Thông tin, tuyên truyền trên Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, in tờ rơi.

- Tập huấn cho đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở về Kế hoạch ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP và biện pháp xử lý khi đàn lợn mắc bệnh; tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP cho hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn (lợn nái từ 20 con trở lên, lợn thịt từ 100 con trở lên) trên địa bàn tỉnh.

- Công tác chẩn đoán xét nghiệm bệnh DTLCP.

- Hỗ trợ hóa chất thực hiện phun phòng dịch 01 đợt trong tháng 12/2018 (định mức 0,05 lít/hộ chăn nuôi); dự trữ hóa chất chống dịch.

1.2. Đối với ngân sách cấp huyện: Hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn với các nội dung thông tin, tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, chỉ đạo tại cấp huyện.

1.3. Đối với ngân sách cấp xã: Hỗ trợ kinh phí cho công tác phun khử trùng tiêu độc ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách cấp tỉnh và cấp huyện (vật tư phun khử trùng tiêu độc, công phun khử trùng tiêu độc tập trung...).

2. Kinh phí chống dịch:

- Khi bệnh DTLCP xảy ra ở các thôn trong phạm vi một xã, thì UBND cấp xã quyết định và hỗ trợ kinh phí theo thẩm quyền bằng nguồn kinh phí dự phòng của địa phương. Trong trường hợp nguồn lực về phòng chống dịch bệnh động vật vượt quá khả năng của địa phương, UBND cấp xã tổng hợp đề nghị UBND cấp huyện hỗ trợ theo quy định.

- Khi bệnh DTLCP xảy ra ở phạm vi 02 xã trở lên trong phạm vi huyện, thì UBND cấp huyện quyết định và hỗ trợ kinh phí theo thẩm quyền bằng nguồn kinh phí dự phòng của địa phương. Trong trường hợp nguồn lực về phòng chống dịch bệnh động vật vượt quá khả năng của địa phương, UBND cấp huyện tổng hợp đề nghị UBND cấp tỉnh hỗ trợ theo quy định.

- Khi bệnh DTLCP xảy ra ở phạm vi 02 huyện trở lên có nguy cơ phát tán bệnh dịch ra diện rộng, giao Sở nông nghiệp &PTNT đề xuất kinh phí chống dịch theo quy định.

3. Hộ Chăn nuôi và doanh nghiệp:

- Đối với hộ chăn nuôi, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi lợn: Chi trả kinh phí thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước.

- Các doanh nghiệp, hộ sản xuất chăn nuôi liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tự đảm bảo kinh phí tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP (khi phát hiện trường hợp lợn ốm, chết có triệu chứng, bệnh tích và xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP phải báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y sở tại để theo dõi, giám sát việc thực hiện các biện pháp chống dịch).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn:

- Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch này.

- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh và báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

- Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch theo quy định.

- Giao cho Sở Nông nghiệp & PTNT lập dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP gửi về Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt theo kế hoạch.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

Phối hợp với các cơ quan truyền thông hướng dẫn, tuyên truyền kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh DTLCP và các biện pháp ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh, không gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi.

Tập huấn cho đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở về kế hoạch ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP và biện pháp xử lý khi đàn lợn mắc bệnh; tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP cho hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn (lợn nái từ 20 con trở lên, lợn thịt từ 100 con trở lên) trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường và các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ các địa điểm buôn bán, giết mổ lợn.

Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch lợn, sản phẩm từ lợn, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định.

Chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống thú y, tham mưu tích cực cho UBND các cấp xây dựng kế hoạch của địa phương và các biện pháp tổ chức thực hiện.

Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, nếu phát hiện lợn ốm, chết có triệu chứng nghi bệnh DTLCP, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh.

Dự trù kinh phí phục vụ kế hoạch ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn, báo cáo Sở Nông nghiệp & PTNT xem xét, đề nghị Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

Tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo theo quy định.

2. Các Sở, ngành liên quan:

- Sở Tài chính: Thẩm định dự toán kinh phí ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP theo các nội dung trên do Sở Nông nghiệp & PTNT trình; hướng dẫn kiểm tra công tác quản lý sử dụng kinh phí, đảm bảo hiệu quả theo quy định.

- Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng trong ngành từ tỉnh đến cơ sở tham gia công tác ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP; cử cán bộ tham gia các chốt kiểm soát khi có bệnh DTLCP xảy ra.

- Sở Công thương: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, lưu thông lợn, sản phẩm của lợn ra, vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; cử cán bộ tham gia các chốt kiểm soát khi có bệnh DTLCP xảy ra.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xử lý môi trường tại các khu vực tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn theo quy định.

- Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc: Tổ chức thông tin kịp thời, chính xác tình hình bệnh DTLCP đến đông đảo người dân để chủ động thực hiện. Tuyên truyền khuyến cáo người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, nhập lậu, nghi nhập lậu.

- Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Chỉ đạo trong hệ thống từ tỉnh đến cơ sở, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện công tác ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP cho đàn lợn trong gia đình và cộng đồng.

3. UBND các huyện, thành phố:

- Thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y. Xây dựng, chỉ đạo thực hiện kế hoạch ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn. Chịu trách nhiệm về công tác ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh DTLCP trên địa bàn quản lý.

- Chủ động sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh được UBND tỉnh giao hỗ trợ công tác ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh theo phân cấp, đảm bảo hiệu quả và đúng quy định.

- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện:

Thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của địa phương để nâng cao nhận thức của người dân về công tác ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh DTLCP; đồng thời đưa tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về diễn biến, nguy cơ dịch bệnh và biện pháp phòng, chống để người dân chủ động thực hiện.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các địa điểm buôn bán, giết mổ lợn; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, nếu phát hiện lợn ốm, chết có triệu chứng nghi bệnh DTLCP, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh.

- Thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

4. UBND các xã, phường, thị trấn:

- Thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn.

- Thành lập Tổ giám sát hoặc giao cho Trưởng thôn, nhân viên thú y cấp xã theo dõi giám sát, tiếp nhận và báo cáo thông tin về bệnh DTLCP.

- Huy động các tổ chức đoàn thể ở địa phương, vận động nhân dân hưởng ứng và tham gia thực hiện các biện pháp ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP theo kế hoạch. Tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh địa phương về công tác phòng, chống bệnh DTLCP.

- Thống kê, báo cáo số lượng đàn lợn, hộ chăn nuôi của địa phương; lập kế hoạch phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi theo kế hoạch của UBND cấp huyện; thông báo cho người chăn nuôi kế hoạch phun khử trùng tiêu độc, để hộ chăn nuôi chủ động phối hợp thực hiện.

- Chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ vật tư, hóa chất... được hỗ trợ, đảm bảo chi đúng đối tượng, theo quy định của tỉnh.

- Kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành về phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.

- Tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh DTLCP theo quy định của Luật Thú y và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Mỗi xã, phường, thị trấn phải có một địa điểm xử lý, tiêu hủy, chôn lấp đủ điều kiện để kịp thời xử lý động vật, sản phẩm động vật phải tiêu hủy (nếu có).

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN & PTNT (b/c);
- Chủ tịch; Các Phó Chủ tịch;
- CPVP;
- Cục Thú y;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Báo Vĩnh Phúc, Đài PT- TH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chi cục Chăn nuôi & Thú y;
- Lưu: VP, NN2.
(O:    b)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 7632/KH-UBND năm 2018 về ngăn chặn và phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

  • Số hiệu: 7632/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 05/10/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Nguyễn Văn Khước
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/10/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản