Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 31 tháng 05 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

XÚC TIẾN THU HÚT ĐẦU TƯ TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Quyết định số 26/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư Quốc gia; Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang thời kỳ đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 158/2015/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 tỉnh Kiên Giang;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 08 tháng 3 năm 2016 về thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch xúc tiến thu hút đầu tư tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THU HÚT ĐẦU TƯ TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

1. Kết quả đạt được

Ủy ban nhân dân tỉnh xác định mục tiêu huy động các nguồn lực để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội là quan trọng trong suốt thời kỳ. Tỉnh Kiên Giang đã xây dựng các quy hoạch, dự án; đề xuất và hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng bằng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ ngân sách, từ quỹ đất và từ nhân dân nhằm tạo sức thu hút các nhà đầu tư; tập trung cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư theo quy trình một cửa, một cửa liên thông trên các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, môi trường, thuế…, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Trong những năm qua, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách vào tỉnh Kiên Giang của các nhà đầu tư đã có sự chuyển biến tích cực, quy mô ngày càng lớn hơn, tạo ra nhiều việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tăng năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã thu hút được 690 dự án, quy mô 34.131 ha, tổng vốn đăng ký 451.496 tỷ đồng; có 321 dự án đi vào hoạt động, quy mô 16.504 ha với tổng vốn đầu tư 139.466 tỷ đồng, chiếm 31,09% tổng vốn đăng ký; có 369 dự án đang triển khai xây dựng và đang thực hiện các thủ tục đầu tư, quy mô 17.6504 ha, với tổng vốn đầu tư 323.423 tỷ đồng, chiếm 72,09% tổng vốn đăng ký; thu hút được 41 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,44 tỷ USD, vốn thực hiện đạt hơn 542.000 USD, chiếm 37,10% trên tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nhiều dự án lớn đã triển khai đầu tư và đưa vào hoạt động như: Dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl, SunGroup ở Phú Quốc; đường điện lưới quốc gia ra các huyện đảo; xây dựng cầu Cái Lớn, Cái Bé; các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của các Công ty Trung Sơn, Thông Thuận, Kiên Hùng..., các siêu thị Metro Cash & Carry VN, Coop Mart; Nhà máy Bia Sài Gòn - Kiên Giang, Nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu TBS Kiên Giang, Nhà máy chế biến gỗ MDF,... ở Khu công nghiệp Thạnh Lộc đã tạo ra giá trị sản xuất mới, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.

Đạt được những kết quả trên, tỉnh Kiên Giang đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế; các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

2. Những tồn tại, hạn chế

- Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, nhìn chung vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư; việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, chuyển giao công nghệ còn chậm chưa tạo ra sản phẩm có giá trị cao;

- Chưa xây dựng được chiến lược xúc tiến đầu tư dài hạn, cơ sở dữ liệu về môi trường đầu tư, thông tin về xúc tiến đầu tư, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, thiếu thông tin về quy hoạch, hiện trạng đất đai, kết cấu hạ tầng vùng dự án, nguồn nhân lực, chính sách ưu đãi...;

- Sự phối hợp nắm bắt thông tin hoạt động xúc tiến đầu tư để tạo sự liên kết với các tổ chức, các cơ quan xúc tiến trong và ngoài nước và các cơ quan Bộ, ngành Trung ương chưa được duy trì thường xuyên.

- Chất lượng và hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư còn thấp, thông tin về xúc tiến đầu tư còn chậm, chưa kịp thời; thiếu sự liên kết, phối hợp trong hoạt động xúc tiến đầu tư; trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu.

3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

- Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chưa đáp ứng kịp thời với tốc độ phát triển kinh tế; nguồn lao động có tay nghề còn thấp, chưa đáp ứng được nguồn nhân lực phục vụ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Công tác xúc tiến đầu tư thiếu tầm nhìn dài hạn; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong công tác xúc tiến đầu tư về thực hiện chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, chưa được xác định rõ ràng và chưa thực sự phát huy hiệu quả; danh mục dự án kêu gọi đầu tư còn chung chung, thiếu các thông tin phục vụ nhà đầu tư.

- Kinh phí tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước chủ yếu là ngân sách của tỉnh, chưa tranh thủ được nguồn xúc tiến đầu tư của Trung ương và vận động doanh nghiệp tham gia.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH XÚC TIẾN THU HÚT ĐẦU TƯ TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát huy lợi thế là một trong bốn tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tranh thủ cơ chế chính sách, nguồn lực phân bổ của Trung ương để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh.

- Tiến hành rà soát xây dựng danh mục các chương trình, dự án đầu tư theo từng thời kỳ, đặc biệt là ưu tiên cho những chương trình, dự án kết cấu hạ tầng, dự án nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ..., mang tính động lực, có sức tác động lan tỏa đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng vùng.

- Xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư dài hạn; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về môi trường đầu tư; xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư với đầy đủ các thông tin về quy hoạch, đất đai, thủ tục, cơ chế chính sách..., để phục vụ các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 ước đạt 255.000 tỷ đồng, trong đó: vốn đầu tư ở khu vực nhà nước chiếm 13%, vốn dân doanh chiếm 68%, vốn đầu tư nước ngoài chiếm 6% (FDI) và các nguồn vốn khác chiếm 13%.

II. ĐỊNH HƯỚNG XÚC TIẾN THU HÚT ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2020

1. Phát triển ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

1.1. Ngành Nông nghiệp: Là thế mạnh của tỉnh, khuyến khích đầu tư hình thành vùng lúa quy mô tập trung, chuyên canh chất lượng cao theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, đặc biệt là các dự án nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm với các tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại..., theo chuỗi giá trị gia tăng, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, mang lại thu nhập cao và ổn định cho nông dân; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thực hiện tốt chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới..., tại các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành, Gò Quao với diện tích khoảng 120.000 ha.

Hình thành các vùng trồng tiêu, khóm, mía, khoai lang, rau sạch, hoa, cây cảnh áp dụng công nghệ cao, ít sử dụng đất tại các vùng đất thích hợp, tạo sản phẩm chủ lực của từng địa phương, đặc biệt là các dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu khách du lịch.

Đầu tư vào ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại chăn nuôi công nghiệp tập trung.

1.2. Thủy sản: Kêu gọi đầu tư đánh bắt xa bờ, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ vùng biển đảo. Mở rộng diện tích nuôi tôm theo hướng thâm canh, nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp công nghệ cao vùng Tứ giác Long Xuyên (Hà Tiên, Kiên Lương, Giang Thành); nuôi tôm - lúa bền vững ở vùng U Minh Thượng (An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng).

Ở vùng bãi triều Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh kêu gọi các dự án đầu tư nuôi nghêu, sò, cua. Nuôi cá lồng bè ven đảo Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Hải, Kiên Lương.

1.3. Lâm nghiệp: Kêu gọi đầu tư dự án trồng rừng sản xuất làm nguyên liệu phục vụ Nhà máy chế biến Gỗ MDF VRG Kiên Giang và dự án trồng rừng ven biển kết hợp bảo vệ đê biển tỉnh Kiên Giang. Bảo vệ phát huy các giá trị và chức năng của hệ sinh thái rừng, duy trì đa dạng sinh học, trong đó tập trung cho rừng quốc gia Phú Quốc và U Minh Thượng.

2. Phát triển ngành Công nghiệp

- Tập trung huy động thu hút nhà đầu tư hạ tầng, khu nhà ở công nhân, khu thương mại, dịch vụ tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc, Thuận Yên, Xẻo Rô; các cụm công nghiệp Đông Bắc Vĩnh Hiệp, Thạnh Hưng I, Vĩnh Thuận để tạo tiền đề cho việc kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản, sản phẩm công nghiệp, cơ khí, lắp ráp điện tử, may mặc, da giày xuất khẩu...;

- Kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu với công nghệ cao. Khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản; các dự án kho chứa nông sản, kho dự trữ thủy sản đông lạnh; xay xát, lau bóng gạo, chế biến các sản phẩm từ gạo như bột gạo, dầu cám...;

- Khuyến khích đầu tư các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhà máy đóng và sửa chữa tàu thuyền ở Kiên Lương và Châu Thành, sản xuất ngư lưới cụ, nhà máy sản xuất bao bì, ván ép, ván công nghiệp...;

- Khuyến khích đầu tư các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nông thôn, sản xuất hàng lưu niệm phục vụ du lịch.

3. Phát triển thương mại và dịch vụ

- Thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại, phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa bán lẻ, đổi mới tổ chức và hoạt động của hợp tác xã và mạng lưới đại lý. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng chợ và trung tâm thương mại. Kêu gọi đầu tư vào khu phi thuế quan tại cảng An Thới, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và Khu kinh tế ven biển Kiên Lương. Kêu gọi đầu tư các trung tâm mua sắm tại huyện Phú Quốc (Dương Đông, An Thới, Dương Tơ), thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương, thành phố Rạch Giá và các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Thu hút đầu tư xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm tại thành phố Rạch Giá.

- Kêu gọi đầu tư sản xuất các sản phẩm chủ lực cho xuất khẩu như lúa gạo, hàng thủy hải sản, tiêu, khóm, khoai lang..., hàng thủ công mỹ nghệ lục bình, đan lát...

4. Phát triển du lịch

- Phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển các dự án thuộc bốn vùng du lịch trọng điểm: Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Hải và U Minh Thượng, trong đó xây dựng đảo Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ du lịch giao thương quốc tế hiện đại, chất lượng cao trong khu vực. Đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ như mua sắm, vui chơi giải trí, thể dục thể thao..., chất lượng cao phục vụ du lịch tại Phú Quốc.

- Thu hút đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch như các dự án khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh núi Bình San, khu du lịch Thạch Động - núi Đá Dựng, khu du lịch Mũi Nai, khu du lịch nghỉ dưỡng quần đảo Hải Tặc, khu du lịch Moso - Hang Tiên - quần đảo Bà Lụa, khu du lịch nghỉ dưỡng quần đảo Nam Du, khu vui chơi giải trí, thể thao dưới nước Kiên Hải, khu di tích lịch sử - sinh thái U Minh Thượng, khu di tích lịch sử, danh thắng Ba Hòn, khu di tích lịch sử - văn hóa xếp Ba Tàu, các khu du lịch sinh thái vườn tại huyện Giồng Riềng...

5. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật

- Kêu gọi đầu tư nâng cấp bến cảng và tàu vận tải hành khách, hàng hóa; đầu tư xây dựng mới cảng Bãi Nò (Hà Tiên), các cảng Hòn Thơm, Rạch Vẹm tại Phú Quốc; nâng cấp cảng Rạch Giá, nâng cao Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

- Từng bước nâng cấp, xây mới đồng bộ hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các khu đô thị, khu dân cư nông thôn trên địa bàn các huyện, các đảo có đông dân cư đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là các dự án cấp nước gắn với xây dựng các hồ chứa nước trên các đảo. Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải tại các khu du lịch, đô thị.

- Kêu gọi đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải ở các vùng theo quy hoạch như: Phú Quốc, U Minh Thượng...

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Giai đoạn đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang cần tập trung thực hiện một số giải pháp để xúc tiến thu hút đầu tư sau:

1. Tập trung hoàn thiện môi trường đầu tư và hoạt động xúc tiến đầu tư

- Đẩy mạnh cải cách hành chính theo quy trình một cửa, một cửa liên thông trong cấp phép đầu tư, xây dựng...; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng và thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm lập môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.

- Trong thu hút đầu tư cần tăng cường mối quan hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại của các nước, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, cần chú trọng chất lượng, hiệu quả của dự án, tuân thủ quy hoạch phát triển ngành và lãnh thổ, tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát; có chế tài ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án về quy mô, tiến độ và các nghĩa vụ khác, trong đó vấn đề môi trường là quan trọng nhất.

- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước để kêu gọi đầu tư, phát triển thương mại và du lịch.

2. Tập trung rà soát bổ sung, điều chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch.

Rà soát quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành như: Du lịch, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến; điều chỉnh theo hướng gắn với vùng nguyên liệu, có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng như giao thông thủy bộ, điện, nước... Đẩy mạnh công tác giám sát quy hoạch, khuyến khích nhân dân, nhà đầu tư tham gia vào công tác quy hoạch. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường, đào tạo lao động, vay vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng…, để thu hút đầu tư.

3. Thực hiện linh hoạt cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh và thực hiện tốt cơ chế, chính sách hiện có để kêu gọi thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, năng lực tài chính để đầu tư vào các công trình, dự án lớn mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế, nhằm tạo sức lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về xã hội hóa trong công tác xúc tiến đầu tư, nhằm tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

4. Tập trung phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn lao động qua đào tạo có tay nghề

Trong quá trình phát triển, việc mất cân đối về số lượng và chất lượng giữa cung và cầu trên thị trường lao động ngày càng trở thành vấn đề cần phải quan tâm giải quyết vì lợi thế về nguồn lao động dồi dào với chi phí nhân công thấp sẽ ngày càng mất dần lợi thế cạnh tranh theo xu thế phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao..., mặt khác, việc cải thiện chất lượng nguồn lao động sẽ tăng sức hấp dẫn trong môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư.

5. Tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển

Tập trung phối hợp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường hành lang ven biển phía Nam, tuyến mới Quốc lộ 80 đoạn Lộ Tẻ - Rạch sỏi, đường Hồ Chí Minh; đầu tư điện lưới ra các đảo và các công trình hạ tầng trên đảo Phú Quốc, đầu tư củng cố hệ thống đê biển, các dự án thủy lợi phục vụ nuôi tôm và ngọt hóa vùng U Minh Thượng... Tăng cường công tác huy động các nguồn lực đầu tư phát triển trong và ngoài nước để bổ sung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo các cơ chế phù hợp như: PPP, BOT…, chủ động tổ chức lồng ghép và phối hợp các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch là cơ quan chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban ngành liên quan và địa phương xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước đến năm 2020 và cụ thể từng năm làm cơ sở để xúc tiến đầu tư; xây dựng kế hoạch, kinh phí và giải pháp tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Tổ chức sơ kết, tổng kết đề xuất xem xét các nội dung, giải pháp điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện Kế hoạch này.

2. Sở Tài chính, bố trí cân đối nguồn vốn ngân sách hàng năm để đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch này; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về Kế hoạch này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch này, có những vấn đề phát sinh, cần bổ sung, điều chỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/c);
- TT TU;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT.UBND tỉnh;
- Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam - Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Các sở, ban ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm XTĐTTM và DL Kiên Giang;
- LĐVP, P.KTTH, P.KTCN, P.TH;
- Lưu: VT, nhsuong.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thị Minh Phụng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 75/KH-UBND năm 2017 xúc tiến thu hút đầu tư tỉnh Kiên Giang đến năm 2020

  • Số hiệu: 75/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 31/05/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Lê Thị Minh Phụng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản