Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 158/2015/NQ-HĐND | Kiên Giang, ngày 09 tháng 12 năm 2015 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TỈNH KIÊN GIANG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 17
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 213/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Kiên Giang; Báo cáo thẩm tra số 159/BC-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2015 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tán thành Tờ trình số 213/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Kiên Giang. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2011 - 2015, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành và nhấn mạnh một số vấn đề cần tập trung thực hiện như sau:
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015
1. Kết quả đạt được
Qua 05 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của lạm phát, suy giảm kinh tế, dịch bệnh,... nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức khá cao so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 10,35%/năm. Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển; khai thác, phát huy tốt hơn một sốlĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, nhất là nông nghiệp, thủy sản. Thực hiện các khâu đột phá chiến lược đạt được một số kết quả tích cực, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có một số công trình trọng điểm, then chốt tạo động lực phát triển. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện và có nhiều tiến bộ, chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công được quan tâm thực hiện khá tốt. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; chủ quyền, biên giới quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại được mở rộng. Đối chiếu với các chỉ tiêu kế hoạch 05 năm (2011 - 2015), có 04 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt, 02 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, 10 chỉ tiêu không đạt.
2. Khó khăn hạn chế
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch, chưa bền vững và tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch còn chậm, tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản còn khá cao. Một số chỉ tiêu quan trọng như: Nuôi tôm công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới, huy động vốn đầu tư chưa đạt kế hoạch. Đầu tư khai thác, phát triển các tiềm năng, lợi thế về du lịch, công nghiệp chế biến, kinh tế biển chưa tương xứng; thu hút nhà đầu tư lớn và đầu tư nước ngoài còn hạn chế; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã tác động, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống Nhân dân; một số nơi môi trường sinh thái bị xâm hại, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực chuyển biến chưa nhiều; một số hạn chế, yếu kém ởlĩnh vực khoa học và công nghệ, văn hóa, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường chậm khắc phục. Tình hình an ninh biên giới, biển đảo, tội phạm, và tranh chấp khiếu kiện từng lúc còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội.
3. Nguyên nhân khó khăn hạn chế
Những hạn chế, yếu kém trên, có nguyên nhân khách quannhưng nguyên nhân chủ quan chủ yếu là: Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành có lúc, có nơi còn hạn chế, thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Huy động, bố trí nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu cho từng mục tiêu, chương trình phát triển. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền một số nơi còn hạn chế, thiếu quyết liệt. Công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí cán bộ ở các ngành, các cấp có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhất là những ngành mũi nhọn, địa bàn quan trọng.
II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU 5 NĂM (2016 - 2020)
Để thực hiện các mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu 05 năm (2016 - 2020), cần tập trung thực hiện một số vấn đề như sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Huy động mọi nguồn lực khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triến kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; trong đó ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch và công nghiệp có lợi thế.Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, kết nối với hệ thống hạ tầng quốc gia và vùng đồng bằng sông Cửu Long tạo điều kiện liên kết phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng kinh tế như: Tập trung phát triển các đô thị lớn làm động lực thúc đẩy phát triển các vùng, trong đó chú trọng phát triển các đô thị: Thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương và Phú Quốc. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển các thành phần kinh tế. Phát triển văn hóa - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống Nhân dân. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo ổnđịnh chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
2. Mục tiêu cụ thể
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát nêu trên, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2016 - 2020), phấn đấu đạt các mục tiêu chủ yếu sau đây:
a) Các chỉ tiêu kinh tế
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,5%/năm trở lên. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế đạt: Nông - lâm - thủy sản chiếm 36,3%, công nghiệp - xây dựng 23,4%, dịch vụ 40,3%; GRDP bình quân đầu người 3.000 USD trở lên (theo giá hiện hành). Tổng sản lượng lương thực đạt 05 triệu tấn trở lên; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 755.505 tấn, trong đó tôm nuôi 80.000 tấn. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu 01 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 15%/năm. Phấn đấu đường giao thông nông thôn ấp, liên ấp 80% được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99%; phấn đấu có 50% số xã và thêm 02 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới. Thu ngân sách gấp 02 lần trở lên so với năm 2015; huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 255.000 tỷ đồng.
b) Các chỉ tiêu xã hội
Tỷ lệ huy động học sinh từ 06 - 14 tuổi đến trường đạt trên 96%/năm; hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 05 tuổi vào năm 2016. Giải quyết việc làm từ 35.000 - 40.000 lượt lao động/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó lao động có bằng cấp hoặc chứng chỉ nghề đạt 50%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 80%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng nâng lên 12%. Các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; xử lý chất thải nguy hại đạt 75%, nước thải, chất thải y tế đạt 95% - 100%.
III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Hội đồng nhân dân tán thành các giải pháp thực hiện do Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra và nhấn mạnh một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới. Triển khai thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Hình thành vùng sản xuất lúa quy mô tập trung, chuyên canh chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn. Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, các vườn quốc gia và rừng phòng hộ ven biển.
Ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, cống, đê sông, đê biển, điện phục vụ sản xuất và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức kinh tế hợp tác, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.
Phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trong đó chú trọng phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí đóng, sửa chữa tàu, chế biến thực phẩm, vật liệu mới. Tập trung xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào 02 khu công nghiệp: Thạnh Lộc - Châu Thành, Thuận Yên - Hà Tiên và đầu tư phát triển khu công nghiệp Xẻo Rô - An Biên; hình thành các cụm công nghiệp: Vĩnh Hòa Hưng Nam, Lình Huỳnh, Bắc Vĩnh Hiệp, Hà Giang và một số cụm công nghiệp ở những nơi có điều kiện.
Tập trung phát triển du lịch từng bước trởthành ngành kinh tếmũi nhọn của tỉnh. Tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng 04 vùng du lịch trọng điểm: Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá và vùng phụ cận Hòn Đất - Kiên Hải, U Minh Thượng.
Phát triển đa dạng các ngành thương mại, dịch vụ phục vụ khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Lúa gạo, hải sản,... Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệthống các trung tâm thương mại, siêu thị ở các khu đô thị, huyện, chợ xã; tiếp tục đầu tư xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, Cửa khẩu quốc gia Giang Thành.
Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch, cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp, điện, cấp nước..., tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của tỉnh 2016 - 2020.
2. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó tập trung: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển; xây dựng, phát triển huyện đảo Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế để trở thành động lực phát triển của tỉnh; tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.
3. Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI). Phấn đấu đến năm 2020 giáo dục - đào tạo của tỉnh đạt mức khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và trên mức bình quân chung cả nước. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển giáo dục đào tạo; chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào các ngành nghề có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh; đào tạo cán bộ trẻ dự nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Chú trọng phát triển khoa học - công nghệ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chăm lo phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long do tỉnh đăng cai, đây là cơ hội và thời cơ thuận lợi để thúc đẩy du lịch phát triển và phát triển bền vững. Tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quan tâm giải quyết việc làm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo.
4. Tiếp tục xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân. Chủ động ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao; thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông. Thực hiện và bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện quan trọng diễn ra tại tỉnh.
Đẩy mạnh các hoạt động quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, mở rộng thị trường xuất khẩu, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
5. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân; đề cao trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân trong các hoạt động có liên quan. Chỉ đạo cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp để sớm đi vào cuộc sống. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộmáy chính quyền các cấp. Mở rộng và đổi mới hình thức thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý các cấp, bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát, giảm và loại bỏ các thủ tục gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là ởcác lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, y tế, giáo dục, lao động, bảo hiểm. Chỉ đạo tổ chức tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tự kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và ngăn chặn sai phạm. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Điều 2. Thời gian thực hiện
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
Hội đồng nhân dân giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết này.
Các cơ quan Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận vận động Nhân dân trong tỉnh tham gia thực hiện thắng lợi nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang khóa VIII, Kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2015.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 54/QĐ-UBND về Kế hoạch chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 do tỉnh Hòa Bình ban hành
- 2Quyết định 105/QĐ-UBND về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2018
- 3Kế hoạch 08/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 do thành phố Hải Phòng ban hành
- 4Quyết định 190/QĐ-UBND năm 2022 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Kiên Giang hết hiệu lực năm 2021
- 5Quyết định 436/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Kiên Giang kỳ 2019 - 2023
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 3Quyết định 54/QĐ-UBND về Kế hoạch chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 do tỉnh Hòa Bình ban hành
- 4Quyết định 105/QĐ-UBND về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2018
- 5Kế hoạch 08/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 do thành phố Hải Phòng ban hành
Nghị quyết 158/2015/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 tỉnh Kiên Giang
- Số hiệu: 158/2015/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 09/12/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
- Người ký: Đặng Tuyết Em
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/12/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra