Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 737/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 22 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÁP CHẾ NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (viết tắt là Nghị định số 55/2011/NĐ-CP); Thông tư số 01/2015/TT-BTP ngày 15/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế (viết tắt là Thông tư số 01/2015/TT-BTP).

Để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác pháp chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác pháp chế năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; Thông tư số 01/2015/TT-BTP và các văn bản pháp luật liên quan.

2. Nâng cao chất lượng của đội ngũ pháp chế trong công tác tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả công tác điều hành và quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực, ngành quản lý; phát huy tính chủ động, tích cực của đội ngũ pháp chế tại các cơ quan, doanh nghiệp đáp ứng nhiệm vụ được giao.

3. Triển khai các lĩnh vực chuyên môn của công tác pháp chế phải bám sát chương trình công tác của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành chủ quản và các chương trình, kế hoạch trọng tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Xác định nội dung thực hiện, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc chủ trì, phối hợp từng nội dung của Kế hoạch; báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ Tư pháp đúng theo điểm đ Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đối với công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và các Điều 6, 10, 14, 18, 22, 26, 30, 34, 38 Thông tư số 01/2015/TT-BTP, gồm các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

a) Về công tác xây dựng pháp luật

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu và soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật liên quan.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan chuẩn bị hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ trưởng cơ quan xem xét, quyết định việc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý hoặc đề nghị Sở Tư pháp thẩm định; chủ trì hoặc phối hợp chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của Sở Tư pháp trước khi trình Thủ trưởng cơ quan quyết định trình Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, đơn vị khác chủ trì soạn thảo, gửi lấy ý kiến.

b) Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng hợp kết quả về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng báo cáo chung của cơ quan chuyên môn, trình Thủ trưởng cơ quan xem xét, quyết định, gửi Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

c) Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện việc kiểm tra và đề xuất biện pháp xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật theo đúng quy định.

- Giúp Thủ trưởng cơ quan báo cáo kết quả công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo định kỳ hoặc đột xuất.

d) Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan xây dựng chương trình hoặc có kế hoạch thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan phối hợp với sở, ban, ngành và Sở Tư pháp trong việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.

- Tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của cơ quan.

e) Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan có kế hoạch công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.

- Phối hợp với Sở Tư pháp tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện việc theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực.

- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị mình.

g) Công tác bồi thường nhà nước

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương về công tác bồi thường của nhà nước theo quy định của pháp luật.

h) Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan phối hợp với sở, ban, ngành và Sở Tư pháp trong việc xây dựng chương trình hoặc có kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tiếp nhận, giải đáp về pháp luật cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.

- Tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp trong việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trình Thủ trưởng cơ quan xem xét, quyết định gửi Sở Tư pháp để tổng hợp.

i) Công tác tham mưu các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng

- Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với việc xử lý các vấn đề trong phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan, có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quy định, văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ trưởng cơ quan.

- Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu các vấn đề pháp lý khi tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích của cơ quan theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia xử lý, đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa khắc phục hậu quả các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan.

- Tham mưu Thủ trưởng cơ quan đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh tháo gỡ những khó khăn, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tiễn quản lý của cơ quan mình.

2. Đối với tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh: Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được đảm bảo từ nguồn kinh phí của các cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt năm 2020.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các nội dung Kế hoạch này đảm bảo thời gian, tiến độ và chất lượng theo quy định pháp luật.

2. Các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh thực hiện chế độ báo cáo kết quả hoạt động pháp chế định kỳ hàng năm (trước ngày 10/10) hoặc đột xuất theo yêu cầu của Bộ, ngành quản lý lĩnh vực và Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm

a) Theo dõi, kiểm tra và đôn đốc thực hiện Kế hoạch này, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị về công tác pháp chế của các sở, ban, ngành, doanh nghiệp nhà nước báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị Bộ Tư pháp xử lý.

b) Dự thảo báo cáo kết quả công tác pháp chế trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, báo cáo Bộ Tư pháp.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để kịp thời chỉ đạo thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Vụ Các vấn đề chung về XDPL - Bộ Tư pháp;
- Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh;
- Chánh, PCVP. UBND tỉnh;
- Lưu VT, HCTC, THNC.

CHỦ TỊCH




Cao Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 737/KH-UBND về thực hiện công tác pháp chế năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 737/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 22/01/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Cao Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản