Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/KH-UBND

Phú Yên, ngày 01 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH DỰ TRỮ HÀNG HÓA THIẾT YẾU, BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG TRONG TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Ý kiến thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy (tại Công văn số 5618-CV/VPTU ngày 31/3/2020) và Thường trực HĐND tỉnh (tại Công văn số 32/HĐND-KTNS ngày 31/3/2020).

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường trong tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Phú Yên, cụ thể như sau:

l. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Để góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá trên địa bàn tỉnh nhất là các mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

2. Yêu cầu:

- Doanh nghiệp tham gia chương trình đảm bảo đầy đủ, thường xuyên số lượng hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa trên thị trường; phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại khu vực xảy ra dịch bệnh, thiếu hàng cục bộ.

- Hàng hóa tham gia chương trình bình ổn là hàng Việt Nam, đảm bảo chất lượng nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác và giá bán ổn định.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu cần dự trữ bình ổn thị trường

Gồm các 09 nhóm hàng hóa thiết yếu sau: Gạo, mì tôm, đường, dầu ăn, bột nêm các loại, sữa, thịt các loại (gia súc, gia cầm), rau củ quả, giấy vệ sinh.

2. Số lượng hàng hóa dự trữ

a) Số lượng hàng hóa thiết yếu cung ứng thị trường của các đơn vị phân phối:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12 doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu có khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho thị trường, gồm: (1) Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn-Phú Yên; (2) Công ty TNHH TM Vạn Phúc; (3) Công ty TNHH Đầu tư Phát triển TM Hoàng Phương; (4) Cơ sở xay sát gạo Tường Liên; (5) Siêu thị VinMart Phú Yên; (6) Siêu thị Gmart Sông Hinh; (7) DNTN Tý Linh; (8) Công ty TNHH TM Vy Long (Cửa hàng tiện lợi V’Mart); (9) Công ty TNHH Hoàng Sơn; (10) Công ty TNHH TM Hải Lâm; (11) Công ty TNHH TM Trang Hiệp Phát; (12) DNTN Thuận Liên.

Căn cứ vào số lượng hàng hóa thiết yếu cung ứng thị trường của các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh, lượng hàng cần dự trữ bình quân trong một tháng (30 ngày), như sau:

STT

Tên hàng hóa

ĐVT

Số lượng cung ứng bình quân/tháng

1

Mỳ tôm

Thùng

200.000

2

Gạo

Tấn

800

3

Dầu ăn

Lít

490.000

4

Đường

Tấn

600

5

Bột ngọt

Tấn

50

6

Sữa

1.000Lít

1.000

7

Thịt các loại (gia súc, gia cầm)

Tấn

500

8

Rau củ quả

Tấn

3.300

9

Giấy vệ sinh

Cuộn (12 lốc)

50.000

b) Dự kiến số lượng hàng hóa thiết yếu cần dự trữ như sau:

STT

Tên hàng hóa

ĐVT

Số lượng dự trữ

Đơn giá (Đồng)

Thành tiền (Đồng)

1

Mỳ tôm

Thùng

20.000

100.000

2.000.000.000

2

Gạo

Tấn

200

12.000.000

2.400.000.000

3

Dầu ăn

Lít

49.000

35.000

1.715.000.000

4

Đường

Tấn

20

17.000.000

340.000.000

5

Bột ngọt

Tấn

5

66.000.000

330.000.000

6

Sữa

1.000Lít

80

30.000.000

2.400.000.000

7

Thịt các loại (gia súc, gia cầm)

Tấn

50

120.000.000

6.000.000.000

8

Rau củ quả

Tấn

200

10.000.000

2.000.000.000

9

Giấy vệ sinh

Cuộn
(12 lốc)

5.000

35.000

175.000.000

 

Tổng cộng

17.360.000.000

Nhằm đảm bảo nhu cầu cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường thì cần dự trữ hàng hóa để điều tiết khi xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ; ngoài lượng dự trữ thường xuyên (khoảng 10%) của doanh nghiệp phân phối, thì cần tăng thêm 10% số lượng cung ứng các hàng hóa thiết yếu, với tổng kinh phí khoảng 17 tỷ đồng. UBND tỉnh tạm ứng vốn từ ngân sách tỉnh cho các doanh nghiệp tham gia chương trình dự trữ hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường.

3. Đối tượng tham gia chương trình:

Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã có trụ sở đặt tại tỉnh Phú Yên, có sản xuất hoặc kinh doanh các nhóm hàng tham gia bình ổn theo quy định tại Kế hoạch này.

4. Điều kiện doanh nghiệp tham gia chương trình

- Có trụ sở, văn phòng, có phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ phân phối và bán hàng theo yêu cầu của Kế hoạch, có điểm bán hàng cố định và tổ chức các điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn tỉnh.

- Có chức năng kinh doanh hàng hóa phù hợp với các nhóm hàng tham gia trong Kế hoạch; có uy tín, năng lực, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng trong Kế hoạch; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt trong thời gian thực hiện chương trình; có năng lực tài chính lành mạnh.

- Cam kết hàng hóa tham gia chương trình bình ổn đúng chủng loại, đủ số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm; thực hiện việc đăng ký giá, niêm yết giá bán và bán đúng giá đăng ký đã được phê duyệt, thấp hơn hoặc bằng giá thị trường cùng chủng loại, cùng thời điểm.

- Dự trữ hàng hóa phải theo giá bán đã đăng ký với Sở Tài chính, ưu tiên dùng hàng Việt Nam để phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh; đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ với giá ổn định, tổ chức phân phối hàng hóa và triển khai các chương trình bán hàng phù hợp.

- Trước khi nhận vốn, doanh nghiệp phải có bảng cam kết với Sở Tài chính sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, hoàn trả đủ và đúng thời gian cam kết. Đối với các doanh nghiệp lần đầu tham gia chương trình dự trữ, bình ổn thị trường được tạm ứng vốn ngân sách tỉnh phải thực hiện đăng ký bảo lãnh tại một ngân hàng.

- Trường hợp thị trường có diễn biến phức tạp, khan hiếm hàng hóa hoặc gây sốt hàng cục bộ do tình hình dịch bệnh, doanh nghiệp phải chấp hành việc cung ứng hàng hóa theo sự điều phối của Sở Công Thương; tổ chức bán hàng lưu động tại các điểm do Sở Công Thương quy định.

5. Quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp tham gia chương trình

a) Quyền lợi:

* Doanh nghiệp tham gia chương trình được ngân sách tỉnh hỗ trợ cho tạm ứng không tính lãi suất (lãi suất 0%), phải có cam kết hoàn trả tạm ứng đúng thời hạn.

- Được quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa, được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do Sở Công Thương tổ chức.

b) Nghĩa vụ:

- Chủ động ký hợp đồng hàng hóa với nhà cung cấp, kịp thời đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Covid-19 gây ra và thực hiện điều tiết hàng hóa theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

- Thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên tình hình chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ, kinh doanh các mặt hàng bình ổn của doanh nghiệp về Sở Công Thương, Sở Tài chính để theo dõi, tổng hợp; đồng thời báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả.

- Sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả vốn đúng thời hạn. Trường hợp doanh nghiệp hoàn trả tạm ứng không đúng hạn thì phải chịu lãi suất vay vốn tính theo ngày theo quy định của Ngân hàng Nhà nước công bố tại từng thời điểm.

6. Giá bán hàng bình ổn:

Giá bán hàng hóa do doanh nghiệp tham gia chương trình tự xây dựng và đăng ký với Sở Tài chính, Sở Công Thương theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá, bán hàng theo giá bình ổn thị trường. Trường hợp thị trường biến động tăng giá đối với giá nguyên vật liệu đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản xuất, đơn vị thực hiện điều chỉnh giá bán bình ổn và báo cáo giá bán gửi về Sở Tài chính, Sở Công Thương trong thời gian 05 ngày.

7. Thời gian thực hiện chương trình:

Thời gian để chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, bình ổn thị trường và triển khai phân phối hàng hóa khi dịch bệnh diễn ra là 06 tháng (kể cả thời gian thu hồi công nợ và hoàn vốn cho ngân sách tỉnh). Dự kiến thời gian từ ngày 01/4/2020 đến ngày 30/9/2020

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án và tổ chức xét chọn các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện chương trình; theo dõi, nắm bắt diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa trên địa bàn, nhất là khi xuất hiện dịch bệnh trên địa bàn tỉnh hoặc khi có khu vực cách ly.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát các doanh nghiệp tham gia chương trình trong việc chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng và giá bán hàng bình ổn.

- Kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của đơn vị, tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp giải quyết.

2. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Công Thương thẩm định phương án, trình UBND tỉnh quyết định tạm ứng vốn cho các doanh nghiệp; thực hiện thủ tục tạm ứng vốn ngân sách tỉnh cho các doanh nghiệp sau khi có Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt mức tiền tạm ứng.

- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến giá cả thị trường của các mặt hàng thiết yếu.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh xử lý các doanh nghiệp hoàn trả số vốn tạm ứng không đúng thời gian quy định.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Phú Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên:

Phối hợp tuyên truyền chương trình dự trữ, bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh, danh sách các doanh nghiệp tham gia dự trữ, bình ổn thị trường, các mặt hàng bình ổn cho nhân dân biết, đồng thời chấn chỉnh, xử lý những thông tin không chính xác, sai lệch làm ảnh hưởng đến cung-cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

4. Các Sở, ban ngành khác có liên quan:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài chính đảm bảo nguồn hàng, thực hiện tốt công tác bình ổn, điều phối và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Thường xuyên theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường; thông tin kịp thời về Sở Công Thương khi thị trường có biến động bất thường.

- Phối hợp với Sở Công Thương thực hiện điều phối, cung ứng hàng hóa tại các điểm trên địa bàn khi có tình trạng khan hiếm hàng hóa.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường trong tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công Thương;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh
- TT Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các Sở, ban ngành,Hội, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Ngân hàng NN-CN Phú Yên;
- Báo PY, Đài PT&TH PY;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT-UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT, HgAKH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hữu Thế

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 73/KH-UBND năm 2020 về thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường trong tình hình dịch bệnh Covid-19 do tỉnh Phú Yên ban hành

  • Số hiệu: 73/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/04/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Trần Hữu Thế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản